Bí ẩn vụ án nữ diễn viên chỉ nổi tiếng sau khi bị sát hại có biệt danh “thược dược đen”
Ngày 15/1/1947, nước Mỹ chấn động khi nghe tin nữ diễn viên mới nổi Elizabeth Short bị sát hại dã man. Xác của cô được phát hiện tại bãi đất bỏ hoang ở ngoại ô Los Angeles trong tình trạng bị băm vằm.
Xác chết bí ẩn
Vào buổi sáng lạnh lẽo và u ám ngày 15/1/1947, trong khi đi bộ xuống con đường thuộc khu dân cư ở trung tâm thành phố Los Angeles cùng cô con gái 3 tuổi, bà nội trợ Betty Bersinger bất chợt nhìn thấy một đôi giầy bên vệ đường.
Thoạt nhìn, bà Betty nghĩ rằng, đó là đôi giầy của một con ma-nơ-canh hỏng bị một cửa hàng nào đó vứt đi, nằm cách hè đường chỉ vài inch. Tiến lại gần, bà nhận ra sự thật hãi hùng đằng sau đôi giầy đó: Đó là xác một người phụ nữ bị cắt làm đôi, mặt úp xuống đất. Người phụ nữ chết trong tư thế giơ hai tay lên trời một góc 45 độ, hai chân sải rộng sang hai bên. Xác người phụ nữ đã được lau chùi sạch sẽ, nhưng những bộ phận trong cơ thể phơi bày bên cạnh khiến bà cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Bà Bersinger nén tiếng kêu thét kinh hãi, ngay lập tức che mắt cô con gái của mình rồi chạy nhanh đến đồn cảnh sát gần nhất báo tin.
Harry Hansen và Finis Brown là hai cảnh sát được chỉ định điều tra vụ án. Khi hai viên cảnh sát có mặt tại hiện trường – đại lộ Norton Los Angeles, rất đông phóng viên và những người hiếu kì đã đến, làm xáo trộn hiện trường. Họ nhanh chóng giải tán đám đông và bắt đầu công việc điều tra của mình.
Từ các vết máu thu thập được tại đại lộ Norton, cảnh sát kết luận đây không phải là hiện trường xảy ra vụ án. Nạn nhân bị sát hại tại một địa điểm khác. Sau đó, hung thủ di chuyển xác đến khu vực bãi đất trống gần đại lộ Norton. Phía dưới nạn nhân vẫn còn sương đọng lại trên mặt đất nên thời điểm chuyển xác nạn nhân được xác định là khoảng 2 giờ sáng. Khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng vì hung thủ đã dùng dao nhọn rạch 3 nhát vào miệng tử thi, khiến nạn nhân giống chú hề trong rạp xiếc. Có vết dây trói ở tay và chân tử thi, chứng tỏ nạn nhân đã bị bắt trói và tra tấn dã man.
Thông qua khám nghiệm hai phần của tử thi, cảnh sát ước chừng nạn nhân cao khoảng 1m74 và nặng khoảng 50kg. Các bác sĩ pháp y xác định trước khi bị sát hại, cô gái đã bị hãm hiếp, bị đập mạnh vào đầu gây xuất huyết bên trong và tử vong. Theo phỏng đoán ban đầu, hung thủ đã dùng dao gây biến dạng thi thể để không ai nhận dạng được nạn nhân. Tuy nhiên, những hành vi của kẻ này quả thật là quá man rợ.
Sau khi liên hệ với cục điều tra những cái chết bất thường của Los Angeles để lấy tử thi, các cảnh sát điều tra phải đương đầu với nhiệm vụ vô cùng khó khăn: xác định danh tính nạn nhân. Vào những năm 1940, cảnh sát và báo giới có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Các nhà báo dùng mối quan hệ của mình với cảnh sát để săn tin viết bài, ngược lại, cảnh sát cũng sử dụng báo giới làm công cụ để tìm kiếm các thông tin từ công chúng, phục vụ cho quá trình điều tra. Họ đã cùng nhau xác định được danh tính của nạn nhân thông qua sự kết hợp của cả hai bên.
Trong vụ án “bông thược dược đen”, cảnh sát phải gửi mẫu dấu vân tay thu thập được từ xác nạn nhân để gửi tới Cục Điều tra bang Los Angeles. Các nhà báo cũng sử dụng loại máy tiền thân của máy fax bây giờ để gửi những bức ảnh phóng to những dấu vân tay đến trụ sở Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI có trụ sở tại thủ đô Washington.
Đội ngũ chuyên gia kĩ thuật của FBI đã so sánh dấu vân tay nạn nhân với 104 triệu mẫu dấu vân tay được lưu trữ, và nhanh chóng tìm ra dấu vân tay trùng khớp – dấu vân tay của Elizabeth Short. Dấu vân tay của cô được lấy từ cửa hàng làm móng tay cô mở tại một doanh trại quân đội ở California. Ngoài ra, dấu vân tay của Elizabeth còn được lưu trữ trong hồ sơ vì cô uống rượu khi chưa đủ tuổi ở Barbara.
Nạn nhân xấu số
Elizabeth được miêu tả là mẫu người phụ nữ lý tưởng, điển hình của thập niên 40 với cặp đùi săn chắc, hông rộng, chiếc mũi dọc dừa cao, nhỏ nhắn. Cô nhuộm mái tóc màu nâu xám của mình sang màu đen nhánh, đánh son môi đỏ đậm và cài hoa trắng lên mái tóc. Làn da trắng mịn như tuyết cùng cặp mắt xanh óng ánh màu nước biển khiến Elizabeth như cô búp bê sứ bước ra ngoài đời thực. Trẻ trung xinh đẹp, nhưng Elizabeth không để lại mấy ấn tượng cho khán giả trong nghiệp diễn xuất. Cô đột nhiên nổi lên thành hiện tượng khi trở thành nạn nhân của vụ giết người man rợ.
Ẩn ý phía sau biệt danh của Elizabeth vẫn chưa được khám phá. Một số cho rằng bạn bè gọi Elizabeth là “đóa thược dược đen” bởi họ biết cô có niềm yêu thích lạ kì với sắc màu đen huyền bí. Số khác cho rằng nó liên quan đến bộ phim “Đóa thược dược đen” khá nổi tiếng năm 1946.
Elizabeth Short. |
Elizabeth Short sinh ngày 29 tháng 7 năm 1924 tại Hyde Park, Masachusetts. Cô là một trong 5 người con của Phoebe và Cleo Short. Thời thơ ấu, gia đình cô đã chuyển tới Medford, vùng đất nổi tiếng nhờ chuyến thăm của Paul Revere năm 1775. Đây cũng là quê hương của bài hát Jingle Bells nổi tiếng, quen thuộc với mọi người trên thế giới.
Gia đình Elizabeth kinh doanh sân golf mini. Ban đầu, công việc diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, đến năm 1929, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán khiến cha Elizabeth là Cleo phá sản. Không còn khả năng chu cấp cho gia đình lớn của mình nữa, Cleo để lại chiếc xe ôtô trên một cây cầu, khiến mọi người lầm tưởng ông đã tự tử vì tuyệt vọng. Pacios – em gái Elizabeth viết trong cuốn sách “Những bóng đen thời thơ ấu”, kể lại rằng: Cleo đã viết thư từ California gửi cho vợ vài năm sau đó. Nội dung bức thư kể về việc ông đang tiết kiệm tiền để đưa cả gia đình tới đó sinh sống. Nhưng vợ Cleo không muốn có bất kì mối liên hệ nào với ông ta nữa.
Sau khi Cleo bỏ đi, gia đình nhà Short chuyển tới một căn hộ tồi tàn. Bà Phoebe trở thành người quản sách. Elizabeth - người chị cả phải chăm lo mọi việc cho Pacios. Elizabeth là người đã đưa Pacios đi ăn kem và xem phim suốt 10 năm thơ ấu. Hai cô gái nhỏ xem hết Ginger Roger và Fred Astaire - những chương trình nổi tiếng cùng thời với tác phẩm điện ảnh huyền thoại “Cuốn theo chiều gió”. Rạp hát nhỏ giữa thị trấn đơn sơ đã là nơi ươm mầm cho giấc mơ Hollywood của Elizabeth.
19 tuổi, Elizabeth bắt chuyến tàu đi khắp đất nước và chuyển tới sống cùng cha mình tại Vallejo, thành phố nằm phía trên San Francisco và làm việc tại trạm .. Elizabeth hi vọng việc chuyển đến California sẽ giúp cô bước chân vào thế giới điện ảnh.
Ngay từ buổi ban đầu, mối quan hệ của Elizabeth với cha mình đã chất chứa đầy xung đột, mâu thuẫn. Elizabeth đã không gặp cha mình trong một khoảng thời gian khá dài. Cha cô luôn bị ám ảnh bởi nỗi niềm hối hận vì đã rời bỏ gia đình. Hai người họ như hai kẻ xa lạ sống chung dưới một mái nhà với đủ mọi mâu thuẫn. Cleo Short hi vọng cô con gái vị thành niên sẽ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa như người hầu kẻ hạ. Tuy nhiên, Elizabeth với tâm hồn phóng khoáng tự do chẳng hề muốn dính líu tới việc nội trợ.
Elizabeth được nhận làm tại phòng văn thư ở trại Cooke, Lompoc (hiện tại là căn cứ không quân Vanderberg).
Tại trại Cooke, Elizabeth bị bủa vây bởi những người lính trẻ cô đơn sắp phải ra chiến trường. Cô để lại dấu ấn mạnh mẽ ở nơi đây. Những người lính ngưỡng mộ, choáng ngợp bởi vẻ đẹp của Elizabeth. Họ gọi cô là “thiên thần đáng yêu” của trại Cooke. Có người còn quả quyết rằng cô có tố chất của một ngôi sao. Nhưng những ánh hào quang đó nhanh chóng kết thúc vài tháng sau đó khi Elizabeth bị bắt vì uống rượu khi chưa đến tuổi. Cô bị gửi trả về nhà tại Medford.
Vài năm sau đó, Elizabeth ngược xuôi trên những chuyến tàu đi xuyên nước Mỹ. Cô đi tàu từ Medford đến Chicago, tới Florida, California rồi Massachusetts. Elizabeth thường xuyên lui tới các quán bar, các câu lạc bộ đêm, nơi cô tỏa sáng trên sàn nhảy, đắm mình trong điệu jazz và bebop đầy quyến rũ. Cô yêu âm nhạc, thích đàn ông và thương mến không khí nơi này. Elizabeth hầu như không lúc nào phải cô đơn, trừ khi đó là điều cô ấy muốn. Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến một ngày cuối đông tháng 12 năm 1944: Ngày định mệnh đưa cô đến với chàng trai trẻ - người khiến cô bước ra khỏi thế giới của những cô nàng ăn chơi.
Elizabeth ngay lập tức viết thư cho mẹ, kể về chàng trai đặc biệt ấy: “Con đã gặp người đàn ông con kiếm tìm bấy lâu vào đêm giao thừa. Anh ấy là thiếu tá lục quân Matt Gordon. Anh ấy không giống bất kì người đàn ông nào con từng gặp. Con đang đắm chìm trong men say của tình yêu dịu ngọt. Anh ấy đã cầu hôn với con. Con hồi hộp chờ mong đến ngày được làm vợ anh”. Tình yêu “sét đánh” của hai trái tim trẻ rạo rực yêu thương nảy nở như nấm sau mưa. Thế nhưng, Thế chiến thứ II ác liệt khiến đôi trẻ phải tạm xa nhau để Matt vào chiến trận.
Khi quân phát xít Nhật đầu hàng vào ngày 14 tháng 8, Elizabeth đã bớt lo lắng về việc Matt có thể hi sinh trên chiến trận. Thay vào đó, cô mơ ước về ngày anh trở về, về cuộc hôn nhân sắp thành hiện thực, về chiếc váy cưới bằng lụa tơ tằm, những đoá hoa trên bàn tiệc... Nhưng vị thần số phận lại đùa cợt với người phụ nữ xinh đẹp. Định mệnh trớ trêu bắt đầu ập đến với Elizabeth khi chiếc xe đạp của người đưa tin tới nhà cô vào cuối tháng 8 oi bức với tin dữ: “Matt đã mất khi chiếc máy bay gặp tai nạn trên đường trở về từ Ấn Độ”.
Đau khổ và hụt hẫng, Elizabeth tự nhốt mình trong phòng, không ăn, không uống và không nói chuyện với bất cứ ai trong nhiều ngày liền. Việc duy nhất mà cô gái làm là đọc đi đọc lại những lá thư người yêu gửi trong khi đang ở chiến trường. Trở lại với đời thường, Elizabeth cố gắng vượt qua cú sốc tinh thần bằng cách tìm kiếm niềm vui trong rượu chè và hẹn hò với bất cứ người đàn ông nào cô gặp. Cô trở lại làm cô gái buông thả như trước khi gặp Matt. Một người quản lý nơi câu lạc bộ mà Elizabeth thường lui tới kể lại: "Mẫu người đàn ông mà Elizabeth thích "cặp" nhất là quân nhân, doanh nhân, người đứng tuổi hoặc những chàng thanh niên mới lớn song điều ưu tiên hàng đầu để cô ả chọn "nhân tình" chính là hầu bao đầy chặt tiền. Cô ấy sẵn lòng lên giường với bất kì người đàn ông nào".
Truy tìm kẻ giết người man rợ
40 nhân viên cảnh sát đã được huy động để điều tra vụ án mạng man rợ này. Họ tìm được hơn 29 tình nhân của Elizabeth để xét hỏi song những người này đều có chứng cứ ngoại phạm. Hàng trăm cảnh sát cũng phải làm việc nhiều tháng trời, gặp gỡ hàng ngàn người từng quen biết nạn nhân nhưng đều không thấy manh mối gì.
Vào ngày 25 tháng 1, chiếc ví da đen ngắn và đôi giầy hở mũi của Elizabeth đã được tìm thấy trong một thùng rác ở đường phố 1819 E. 25, cách hiện trường vụ án vài dặm. Robert Manley đã xác nhận đó là vật dụng của Elizabeth. Ông nhận ra đôi giày bởi vì ông đã mua chúng ở San Diego, còn chiếc ví được Elizabeth dùng khi họ lái xe từ San Diego đến Los Angeles.
Năm nhật báo ở Los Angeles khai thác triệt để những thông tin này để cạnh tranh nhau về lượng độc giả. Một gói hàng nặc danh đã được gửi tới tờ Examiner chín ngày sau cái chết của Elizabeth. Hộp bưu kiện nồng nặc mùi xăng mà người gửi đã dùng xóa dấu vân tay của mình từ phong bì. Bên trong là tư trang và giấy tờ tùy thân của Elizabeth, bao gồm: ảnh, giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, và cáo phó của Matt Gordon. Kèm theo đó là quyển sổ địa chỉ chứa tên của 75 người đàn ông. Cảnh sát nhanh chóng điều tra những cái tên ấy.
Hiện trường vụ án. |
Nhưng tất cả họ đều kể cho những điều tra viên câu chuyện có mô típ giống hệt nhau: Họ đã gặp Elizabeth trên đường phố hoặc trong câu lạc bộ, đã mua nước uống hoặc ăn tối cùng cô, nhưng không bao giờ nhìn thấy cô ấy một lần nữa sau khi cô nói rõ rằng mình không quan tâm đến một mối quan hệ chỉ nặng về thể xác.
Khi vụ án tưởng chừng như đã rơi vào bế tắc, thì cảnh sát bỗng nhận được tin: có người đã nhìn thấy Arnols Smith tay trong tay với nạn nhân 1 vài ngày trước khi phát hiện ra xác chết. Tra cứu hồ sơ, cảnh sát nhận thấy Arnols Smith còn có tên gọi khác Jack Anderson Wilson, là một đối tượng có tiền sử nghiện rượu và bạo dâm. Khi bị cảnh sát phỏng vấn, Arnols quanh co chối tội. Vài ngày sau khi được gọi lên cơ quan điều tra, khi cảnh sát đang mở rộng vụ án tập trung điều tra vào đối tượng này thì kẻ tình nghi số 1 lại bị chết cháy trong một vụ hỏa hoạn.
Vụ án “thược dược đen” lúc bấy giờ là vụ án chấn động và thu hút rất nhiều sự quan tâm. Nhiều tờ báo đã theo sát vụ án và lượng tiêu thụ báo tăng lên chưa từng có sau nhiều tháng kể từ ngày xảy ra vụ án. Điều đặc biệt là có tới khoảng 50 người cả đàn ông và phụ nữ tới đầu thú và tự nhận mình là người giết Elizabeth với nhiều lý do và động cơ giết người khác nhau. Có người phụ nữ một mực nói rằng bà ta đã giết cô diễn viên vì tội cướp chồng mình. Tất cả những người tới đầu thú đều được đưa vào danh sách điều tra đặc biệt. Nhưng qua quá trình điều tra, tất cả đều bị loại trừ khỏi danh sách phạm tội.
Vụ án khép lại. Đã 60 năm kể từ khi vụ án xảy ra nhưng danh tính kẻ giết người vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Nó cũng được coi là một trong những vụ án không lời giải lâu và nổi tiếng nhất cho tới giờ