Bí ẩn về cái chết của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

Thứ Tư, 29/06/2016, 11:15
Đầu tháng 6 vừa qua, tượng cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme - người khởi nguồn mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển, đã được khánh thành và đặt trang trọng tại Bệnh viên Nhi Trung ương. Ông không chỉ là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam mà còn là một chiến sĩ kiên cường, đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và hợp tác bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới. Đáng buồn là cái chết của ông sau 30 năm đến nay vẫn còn là một bí ẩn.


Đêm định mệnh

Chuyện xảy ra vào một đêm giữa tháng 2 năm 1986, hai vợ chồng Thủ tướng cùng ra khỏi ngôi nhà ở khu phố cổ, bước chân lên tàu điện ngầm để tới rạp chiếu phim Grand ở thủ đô Stockhomm. Sau buổi chiếu, Thủ tướng Olof Palme cùng phu nhân Lisbet Palme đi dạo một lúc và đến đoạn đường giao nhau giữa hai phố Sveavgen và Tunnelgatan, một kẻ lạ mặt bất ngờ áp sát họ từ phía sau, rút súng ra bắn. 

Thủ tướng Olof Palme bị viên đạn thứ nhất gắm trúng lưng, vào chỗ hiểm khiến ông tử vong chỉ sau đó vài tiếng. Phu nhân Lisbet Palme bị trúng phát đạn thứ hai nhưng chỉ bị thương. Không ai nhìn thấy bất cứ thứ gì liên quan đến thủ phạm ngoại trừ 2 vỏ đạn súng ngắn tại hiện trường. 

Cảnh sát cho biết, một tài xế taxi đi qua thấy hai người gục ngã đã vội dùng đài kiểm soát nối với trung tâm điều hành để nhờ báo cảnh sát. Hai cô gái trẻ ngồi trong một xe gần đó cũng chạy tới giúp đưa Thủ tướng đi cấp cứu tại bệnh viện Sabbatsberg… 

20 phút sau, toàn bộ thủ đô Stockholm được đặt trong tình trạng báo động. Cảnh sát cũng dựng các rào chắn quanh hiện trường và cho nhiều đội quân lùng sục khắp nơi. 

Giám đốc Cục Điều tra của Bộ Nội vụ Thụy Điển Hans Holmer đích thân chỉ huy chiến dịch truy quét trên cả nước nhưng không lần tìm thêm được manh mối nào ngoại trừ lời khẳng định rằng vụ ám sát đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng, tỷ mỉ và rằng thủ phạm nghiên cứu lịch sinh hoạt của Thủ tướng và biết ông thường có thói quen đi bộ đến rạp xem phim cùng vợ. 

Một năm sau đó, do chưa đưa được thủ phạm sát hại Thủ tướng Olof Palme ra ánh sáng nên ông Hans Holmer bị đình chỉ chức vụ. Tờ Sevenska Dagbladet của Thụy Điển cho biết, tiếp nối công việc của ông Hans Holmer, nhiều điều tra viên hàng đầu của cảnh sát Thụy Điển đã được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu nhóm điều tra trong đó có nhà điều tra Stig Edqvist, song cũng không thu được kết quả gì. 

30 năm qua, cảnh sát nước này đã điều tra theo hàng chục hướng khác nhau, triển khai cả trong lẫn ngoài nước, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về hung thủ song vẫn chưa thể giải mã được ẩn số về vụ ám sát này. Chính phủ Thụy Điển đã chi tới hơn 50 triệu Euro cho quá trình điều tra, yêu cầu cảnh sát xét hỏi tới 11.000 người, gồm cả 130 người tự nhận là thủ phạm...

Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme. Ảnh: dhakatribune

Ông Olof Palme là nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển từ năm 1969 cho tới ngày bị ám sát vào năm 1986. Ông thường được mô tả là người cách tân cách mạng, đã lèo lái mở rộng ảnh hưởng của Liên minh Lao động trên kinh doanh và là một chính trị gia nổi tiếng thế giới, được nhiều người yêu mến. 

Sinh thời, ông cũng là nhà lãnh đạo có tư tưởng nhân văn, luôn đấu tranh, phản đối mạnh mẽ sự bất công trên toàn thế giới. Sau khi ông bị sát hại, Phó Thủ tướng Ingvar Carlsson đã được chỉ định đảm nhiệm chức Thủ tướng và chức lãnh tụ mới của đảng Dân chủ Xã hội.

Mê cung điều tra

Theo nhiều nhà phân tích, vụ sát hại cố Thủ tướng Olof Palme được xem là vụ án hình sự quy mô nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Thụy Điển. Và do ông Olof Palme dù rất được lòng dân chúng nhưng đối với chính trường nhiều toan tính và tranh đua, ông vẫn bị coi như "một cái gai". Điều đó, như nhà điều tra Stig Edqvist từng thừa nhận, khiến cho cuộc điều tra trở nên khó khăn, phức tạp hơn. 

Hồ sơ về vụ án liên quan đến ông Olof Palme hiện được xếp đầy số kệ dài hơn 200m và người ta ước tính phải mất khoảng 10 năm mới đọc hết được số tài liệu này với điều kiện đọc mỗi ngày 300 trang. 

Nói vậy không có nghĩa là Thụy Điển khép lại cuộc điều tra. Mới đây, nhóm điều tra về cái chết của ông Olof Palme cùng với tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng  "Millenium" (Thiên niên kỷ) Stieg Larsson một lần nữa lại gây chú ý bằng việc công bố những bằng chứng mới về vụ ám sát này. 

Lần nay, nhà văn cho rằng, vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển nằm trong chiến dịch bí mật mang tên "Cây cổ thụ" được hoạch định và triển khai bởi một tổ chức đặc biệt của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) có tên gọi tắt là SOPS, bao gồm đại diện các cơ quan tình báo quân sự của các quốc gia thành viên NATO. 

Lý do cho hành động này là ông Olof Palme luôn phê phán thái độ nước lớn của các quốc gia phương Tây và có hành động thiết thực nhằm giúp đỡ các quốc gia thuộc thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh giành độc lập. 

Chứng cứ để nhà văn này nghiêng về "giả thuyết thủ tiêu" của SOPS là bản sao biên bản một cuộc họp, được đóng dấu tuyệt mật của SOPS, được tổ chức vào tháng 11-1985, tức 3 tháng trước khi xảy ra vụ ám sát. Biên bản cuộc họp bí mật này ghi nhận rằng, việc Thụy Điển cung ứng chất uranium 235 đã được làm giàu cho Ấn Độ để quốc gia Nam Á này có thể triển khai các chương trình phòng thủ bằng vũ khí hạt nhân là một hành động đi ngược lại lợi ích của NATO. 

Cũng theo lập luận của nhà văn Stieg Larsson, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) biết về kế hoạch này và ủng hộ việc thủ tiêu ông Olof Palme vì ông đang trở thành "kỳ đà cản mũi" các hoạt động của tổ chức này khi cho mở cuộc điều tra về vụ bê bối Iran-Contras cũng như việc CIA định lợi dụng công ty Thụy Điển Bofors để điều hành các kênh buôn lậu vũ khí.

Người dân đặt hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Olof Palme tại nơi ông bị ám sát. Ảnh: AP.

Trước đó, ông Stieg Larsson cũng đã thu thập nhiều thông tin về các đảng phái cực hữu của Thụy Điển và từng đưa ra giả thuyết rằng tình báo Nam Phi đứng đằng sau vụ việc vì ông Olof Palme luôn chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa apartheid. 

Một điểm đáng chú ý khác là ngày xảy ra vụ ám sát, điệp viên nổi tiếng của Nam Phi Craig Williamson cũng ở Thụy Điển và dã gặp gỡ một sát thủ chuyên nghiệp hàng đầu châu Âu tên là Wendi. Tại Nam Phi, mãi đến những năm 1990, chủ nghĩa apartheid mới bị tiêu diệt. 

Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác cũng được nhiều người nói đến là khả năng ông Olof Palme đã bị một số chính khách đối lập trong nước chủ tâm tiêu diệt và sử dụng một số thành viên lực lượng cảnh sát để thực hiện. Tuy nhiên, củng cố cho giả thuyết này không có nhiều chứng cứ thuyết phục ngoài việc phát hiện ra rằng điện thoại tại nhà riêng của cố Thủ tướng đã bị nghe lén.

Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme sinh tại khu stermalm, thành phố Stockholm, trong một gia đình thuộc giai cấp thượng lưu, bảo thủ. Cha ông là người gốc Hà Lan còn mẹ, Freiin von Knieriem đến từ vùng Baltic. Dù thuộc giai cấp thượng lưu, nhưng khuynh hướng chính trị của ông lại chịu ảnh hưởng của lý tưởng Dân chủ Xã hội. 

Ông đã du hành sang các nước thuộc thế giới thứ 3, cũng như sang Mỹ - nơi ông nhìn thấy sự bất bình đẳng kinh tế sâu xa và sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Sau khi du hành khắp nước Mỹ bằng cách đứng bên vệ đường giơ ngón tay xin quá giang, ông trở về Thụy Điển để học luật tại trường Đại học Stockholm. Trong thời gian này, Olof Palme đã tham gia các hoạt động chính trị của sinh viên trong hội Liên hiệp sinh viên quốc gia Thụy Điển… 

Năm 1968, trên cương vị Bộ trưởng giáo dục, Olof Palme đã dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm. Sự kiện này chấn động dư luận và gây ra một tranh luận tại Thụy Điển và quốc tế. 

Bức ảnh Olof Palme tham gia rước đuốc cùng Đại sứ Việt Nam đến từ Moscow đã được đăng trên hơn 300 bài báo tại Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ và quốc tế. Cuộc rước đuốc được xem như một biểu hiện của sự đoàn kết của Thụy Điển đối với Việt Nam. 

Khi cuộc chiến tại Việt Nam diễn biến ngày càng quyết liệt, khi trả lời phỏng vấn với tờ Le Monde năm 1972, ông Olof Palme đã tiếp tục thể hiện mạnh mẽ quan điểm phản đối chiến tranh và góp phần tạo nên sự đồng thuận quốc tế tiến tới ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình (Hiệp định Paris) năm 1973.

Hương Nho
.
.
.