Bị án oan, nhận bồi thường 'khủng'

Thứ Hai, 06/07/2015, 13:00
Việc đồng ý bồi thường 6,25 triệu USD cho ông Jonathan Fleming, người phải ngồi tù oan gần 25 năm với tội danh giết người được coi là cái kết có hậu đối với cả nạn nhân và Chính quyền thành phố New York, Mỹ. Bởi để đi đến quyết định hôm 23/6, luật sư của ông Jonathan Fleming đã "chiến đấu không khoan nhượng".

Sở dĩ nói như vậy vì ông Jonathan Fleming tuy được tòa tuyên trắng án từ tháng 4/2014 (do có chứng cứ ngoại phạm tại thời điểm xảy ra vụ sát hại Darryl Rush, một kẻ buôn bán ma túy hôm 15/8/1989), nhưng mãi tới ngày 23/6/2015, vụ án oan này mới được giải quyết ổn thoả. Luật sư của ông Jonathan Fleming cho biết, ngay sau khi ký vào thỏa thuận bồi thường, thân chủ của mình đã đến bệnh viện để thăm người mẹ đang hấp hối.

Được biết, ông Jonathan Felming từng yêu cầu bồi thường 162 triệu USD, nhưng không được chấp thuận.

Ông Jonathan Fleming vui mừng sau khi được phóng thích.

Phát biểu trước giới truyền thông, Chủ tịch khu Manhattan Scott Stringer cho rằng, ông Jonathan Fleming đã trải qua gần nửa cuộc đời trong tù vì một tội ác không phạm phải. Ông Scott Stringer cũng nhấn mạnh, họ không thể trả lại những năm tháng ông Jonathan Fleming phải ngồi tù, và Chính quyền thành phố New York chỉ có thể dùng số tiền bồi thường 6,25 triệu USD để bù đắp cho những bất công mà nạn nhân đã phải chịu đựng. Và việc dàn xếp xung quanh án oan của ông Jonathan Fleming đã được thực hiện "vì lợi ích của tất cả các bên".

Theo giới truyền thông, mặc dù luật sư của ông Jonathan Fleming đã cung cấp những bức ảnh và video cho thấy thân chủ của mình đang ở Disney World, Florida, thời điểm xảy ra vụ giết Darryl Rush hôm 15/8/1989 và Bồi thẩm đoàn còn được cung cấp cả vé máy bay cùng bưu thiếp của ông Jonathan Fleming, nhưng họ vẫn cho rằng, những chứng cứ này chưa thể chứng minh ông Jonathan Fleming không xuất hiện ở New York vào thời điểm kể trên.

Mãi đến năm 2013, một đơn vị có chức năng đánh giá lại các bản án đã tuyên tại văn phòng công tố quận Brooklyn khi kiểm tra lại vụ việc của ông Jonathan Fleming đã phát hiện một biên lai cho thấy, ông Jonathan Fleming đã gọi điện thoại ở Orlando, bang Florida vào lúc 21h27 ngày 14/8/1989, trước thời điểm xảy ra án mạng khoảng 5 tiếng. Và bằng chứng này cùng những bằng chứng khác đã giúp chứng minh ông Jonathan Fleming vô tội.

Theo giới chuyên môn, án oan của ông Jonathan Fleming là một trong hàng chục vụ án được xét lại bởi một đơn vị đặc nhiệm ở Brooklyn, và do một giáo sư luật của Đại học Harvard lãnh đạo.

Gần 1 năm trước (21/8/2014), Jabbar Collins cũng được Chính quyền thành phố New York trả 10 triệu USD sau khi phải ngồi tù oan 16 năm. Theo luật sư Joel Rubin, ông Jabbar Collins đã bị kết án tù hồi tháng 3/1995 sau khi bị bắt (tháng 2/1994) với cáo buộc giết giáo sỹ Do Thái dòng chính thống Abraham Pollack. Đến năm 2010, Jabbar Collins đã được giải oan và bước vào một cuộc chiến pháp lý mới - đòi tiền bồi thường cho 16 năm phải ngồi tù oan. Được biết,  trong thời gian ở trong tù, Jabbar Collins đã học luật và phát hiện ra rằng, một trong các nhân chứng đã rút lại lời khai trước phiên tòa xét xử mình, nhưng luật sư của ông không được thông báo về việc này, nên đã kháng cáo và thành công.

Còn bà Susan Marie Mellen cũng được trả tự do (11/10/2014) sau 17 năm ngồi tù oan với cáo buộc sát hại một người vô gia cư. Chánh án Mark Arnold tin rằng, Susan Marie Mellen vô tội, nên đã bác bỏ bản án chung thân đối với bà. Năm 1997, chỉ dựa trên lời khai của nhân chứng, bà Susan Marie Mellen đã bị kết án trong vụ đánh chết Richard Daly tại một ngôi nhà ở Lawndale, California. Chờ đợi mẹ bên ngoài phòng xử, Donald Besch, con trai bà Susan Marie Mellen đã vạch áo cho phóng viên thấy hình xăm trái tim vỡ trên ngực khi mẹ cậu bị bắt. Theo giới truyền thông, hiện vẫn chưa có kết quả dàn xếp về khoản tiền bồi thường cho 17 năm tù oan của bà Susan Marie Mellen.

Bà Susan Marie Mellen xúc động khi được tự do.

Hơn 2 năm trước (tháng 3/2013), ông Stephen Slevin đã phải ngồi 22 tháng trong nhà giam của bang New Mexico, Mỹ và mới nhận bồi thường 15,5 triệu USD về vấn đề này. Theo tờ Telegraph, đây là một trong những vụ bồi thường dân sự cho tù nhân lớn nhất trong lịch sự nước Mỹ bởi nạn nhân được nhận bồi thường 15,5 triệu USD, sau khi bị bắt và bỏ quên trong trại giam mà không đưa ra xét xử.

Vụ án oan kể trên bắt nguồn từ một lần ông Stephen Slevin bị cảnh sát giao thông chặn lại hồi tháng 8/2005 vì nghi lái xe trong tình trạng say xỉn và sử dụng xe ăn cắp. Và ông Stephen Slevin được đưa vào một buồng giam có tường lót đệm, vốn dành cho những người có vấn đề về tâm lý, sau đó bị đưa vào một buồng biệt giam tại một trại giam gần biên giới Mỹ-Mexico.

Nhiệm Bình
.
.
.