Bê bối pháp y lớn nhất trong lịch sử Cục Điều tra Liên bang Mỹ

Thứ Hai, 04/05/2015, 12:00
Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chính thức lên tiếng thừa nhận những sai sót trong việc phân tích mẫu tóc dưới kính hiển vi, cung cấp bằng chứng sai lệch nhiều vụ án kéo dài hơn hai thập kỷ. Đây được coi là vụ bê bối pháp y lớn nhất trong lịch sử FBI.

Cung cấp bằng chứng "thiếu tin cậy" trong hơn 20 năm

Tờ Washington Post số ra mới đây đưa tin, những phân tích mẫu tóc pháp y dưới kính hiển vi của 28 chuyên gia FBI đã "phóng đại" thông tin theo cách "ưa thích" của cơ quan công tố. Bằng chứng sai lầm đã được sử dụng trong hơn 95% trên tổng số 268 vụ án kéo dài hơn 20 năm, giai đoạn từ năm 1980 - 2000. Những chứng cứ rất quan trọng này được dùng để xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng như hãm hiếp và giết người, một số người đã bị kết án tử hình.

Hiệp hội Luật sư bào chữa hình sự quốc gia và tổ chức từ thiện có tên "Dự án Vô tội" cho biết, 32 bị cáo bị kết án tử hình trong thời gian đó, 14 người đã bị thi hành án hoặc đã chết trong tù.

FBI và Bộ Tư pháp Mỹ thừa nhận những sai sót trong kết quả giám định pháp y kéo dài hơn 20 năm.

Cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2012, sau khi Washington Post đưa tin rằng, những thiếu sót trong kết quả giám định pháp y có thể dẫn đến "niềm tin sai trái", làm oan người vô tội. Sau đó, Tổng Văn phòng điều tra (OIG) hồi tháng 7/2014 đưa ra bản báo cáo nêu những nghi vấn về điều "bất thường" trong một số điều tra của FBI.

Theo đó, kết quả phân tích hình sự không chính xác được tìm thấy trong ít nhất 60 vụ án tử hình, trong đó có 3 vụ đã thi hành án. OIG vào thời điểm đó đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng các phân tích không mang tính hỗ trợ về mặt khoa học, cũng như báo cáo thiếu chính xác của chuyên gia FBI trong điều tra tội phạm.

Peter Neufeld, người đồng sáng lập của Dự án Vô tội nói rằng, "các nhân viên FBI đã sử dụng kết quả phân tích mẫu tóc qua kính hiển vi để làm bằng chứng buộc tội trong hơn hai thập kỷ là một thảm họa".

"Trong nhiều trường hợp, các nhà phân tích của FBI đã phóng đại tầm quan trọng của những điểm tương đồng, thường để suy đoán theo hướng, mẫu tóc thu được tại hiện trường là của các bị cáo và không thể là của bất cứ ai khác. Chúng ta cần một cuộc điều tra toàn diện vào cách FBI đã thực hiện, việc Chính phủ đã dựa vào các chuyên gia được đào tạo bởi FBI. Tại sao sự việc nghiêm trọng này không được ngăn chặn sớm hơn?", Neufeld nói.

Cam kết trả lại sự công bằng cho mọi trường hợp

Hiện nay, khoảng 2.000 vụ án hình sự với khoảng 2.500 trường hợp được xét xử có sử dụng bằng chứng phân tích pháp y của FBI đang được tiến hành kiểm tra theo một thỏa thuận với Chính phủ Mỹ. Ít nhất bốn người đàn ông bị kết án (ba người ở Washington DC và một người ở Florida) đã được minh oan khi kết quả phân tích ADN cho kết quả khác so với những gì mà những chuyên gia của FBI cung cấp trước đó.

Theo thống kê, chứng cứ sai sót được sử dụng trong hơn 95% trên tổng số 268 vụ án.

Theo Washington Post, các bị cáo ở 46 tiểu bang đã được thông báo để xem xét, làm đơn khiếu nại. Hiện các nhà chức trách ở Texas, New York, Bắc Carolina và 15 bang khác trên toàn nước Mỹ đang tiến hành đợt "tổng kiểm tra" vụ việc có liên quan. Tuy nhiên, FBI cũng cho hay, những gì mà FBI thừa nhận không có nghĩa là những người bị kết án là oan sai. Bị cáo có thể làm đơn khiếu nại nếu thấy những điểm bất hợp lý và có đủ căn cứ để kháng án.

FBI cho biết, hiện đã áp dụng phân tích ADN bên cạnh phân tích ADN truyền thống nhằm tránh những sai sót. Trong một tuyên bố, FBI và Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để giải quyết tất cả các trường hợp.

"Chúng tôi cam kết đảm bảo tính chính xác của những kết quả phân tích mẫu tóc trong tương lai, cũng như kết quả của tất cả các ngành khoa học pháp y", một đoạn trong tuyên bố viết. FBI và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang huy động một nguồn lực đáng kể cho công tác khắc phục và sẽ duy trì nguồn lực này cho đến khi giải quyết xong tất cả các trường hợp.

Được biết, trước khi sử dụng kết quả xét nghiệm ADN vào việc xét xử các vụ án hình sự, các công tố viên thường dựa vào việc phân tích, so sánh mẫu tóc thu được dưới kính hiển vi để tìm ra mối liên hệ với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cách phân tích này có nhiều hạn chế vì khi kiểm tra mẫu dưới kính hiển vi, có thể không được loại trừ được khả năng, tóc của hai người khác nhau bị nhầm là của cùng một người. Chỉ kết quả xét nghiệm ADN mới có thể mang lại kết quả chính xác.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.