Bê bối cưỡng dâm trong các trường quân sự
Những bí mật trong trường đào tạo hải quân Australia sẽ không bao giờ được tiết lộ nếu một số cựu thành viên hải quân Australia không kể lại với báo giới. Graeme Frazer, cựu thành viên trong lực lượng hải quân Australia, người đã gia nhập hải quân từ năm 16 tuổi cho biết, thời điểm mới vào trường, anh thường xuyên bị đánh bằng các thanh sắt, và những vật dụng khác.
Thậm chí, có lúc các huấn luyện viên còn thả cả cá sấu cho nó đuổi theo các học viên nhằm buộc họ phải chạy thật nhanh để bảo toàn tính mạng. Graeme Frazer kể, đây là "thử thách đầu tiên" khi gia nhập trường đào tạo hải quân. Bản thân Graeme Frazer cũng phải quan hệ tình dục với một đồng môn cách đây 49 năm.
Một số nhân chứng tố cáo rằng tại các trường hải quân, học viên mới thường phải trải qua lễ nhập môn kinh hoàng kéo dài 6 tháng. Ảnh: navycadets. |
Một cựu thành viên khác của hải quân Australia được báo chí gọi bằng tên tắt CJA cho hay, năm 1967, khi gia nhập Học viện hải quân Leeuwin đã bị đàn anh lôi ra khỏi giường ngủ giữa đêm khuya và đưa đến sân thể thao ép cưỡng hiếp tập thể…
Tính đến nay, đã có 111 người đồng ý kể lại câu chuyện kinh hoàng mà mình đã trải qua trong các học viện quân sự Australia. Một số người còn khẳng định, lễ nhập môn bất thành văn này dường như mang tính hệ thống trong các trường và thường nhằm vào học sinh lứa tuổi 15-16, tức là những người mới nhập trường.
Đáng chú ý là lễ nhập môn này thường kéo dài tới 6 tháng và ở mức độ nhẹ nhất thì học viên sẽ bị buộc sờ vào vùng kín, bôi kem đánh răng lên vùng kín rồi dùng bàn chải cứng chà mạnh, bị nhấn đầu vào bồn cầu của người vừa đi đại tiện rồi xả nước, khẩu dâm… Thậm chí, các nhân viên quản lý và cả các thầy trong học viện cũng tham gia nghi lễ này.
Trước những thông tin gây chấn động dư luận này, Uỷ ban Hoàng gia phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em Australia đã mở cuộc điều tra. Trọng tâm của cuộc điều tra là nhằm vào các vụ cưỡng bức tình dục tại Học viện hải quân Leeuwin ở bang Tây Australia, Học viện quân sự Balcombe ở bang Victoria từ thập niên 1960-1980.
Đồng thời, Uỷ ban này cũng dự định sẽ mở lại cuộc điều tra nhằm vào hướng dẫn viên 30 tuổi, người đã có quan hệ tình dục với một nữ học viên 15 tuổi tên là Eleanore Tibble. Cô bé này đã tự sát năm 2000 khi mới 16 tuổi.
Theo lời kể của người mẹ là bà Susan Campbell, trong suốt 1 năm học tại Học viện hải quân, thiếu nữ này đã liên tục bị ép quan hệ tình dục với huấn luyện viên khiến cô quá tủi nhục và phải tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Luật sư Angus Stewart, người cố vấn cho cuộc điều tra này cho biết, Uỷ ban Hoàng gia phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em Australia đã nhận được gần 240 đơn tố cáo.
Trước đây, các nạn nhân không dám kể lại cho ai về nỗi khổ của mình vì xấu hổ và quá sợ hãi. Tuy nhiên, đến nay, khi có một người dũng cảm nói lên sự thật, ngày càng có thêm nhiều người khác đồng ý kể lại câu chuyện của mình. Một số cấp trên của những tân binh bị ngược đãi cũng đã gặp các thành viên của Uỷ ban để thú nhận về hành vi tàn bạo của mình.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia cho biết, Bộ Quốc phòng cũng đang hợp tác chặt chẽ với Uỷ ban Hoàng gia phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em Australia và sẽ có hình thức xử lý nghiêm.
Được biết, cách đây 4 năm, lực lượng quân đội Australia liên tiếp dính vào 2 vụ bê bối tình dục trong đó có một vụ gây sốc dư luận khi Uỷ ban nhân quyền Australia công bố thông tin, có tới 74 nữ sinh của Học viện quốc phòng tại thủ đô Canberra đã trở thành nạn nhân của các hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục.
Kênh truyền hình Channel Seven News khi đó còn cho đăng các tài liệu cho thấy các học viên đã bị cưỡng dâm, ép xem ảnh khiêu dâm trẻ em và thêm cả nạn buôn bán ma túy, phân biệt chủng tộc…
Và không chỉ có ở Australia, tại Mỹ, Anh và Hàn Quốc, chuyện học viên bị cưỡng dâm hoặc hãm hiếp vẫn thỉnh thoảng xảy ra tại các học viện quân sự. Điều tệ hại là tất cả các vụ việc này hầu như đều bị các sĩ quan chỉ huy làm ngơ nếu không có sự vào cuộc của báo giới.