Bắt "ông trùm" tổ chức tín dụng đen sẵn sàng chặt tay đàn em sai phạm

Thứ Tư, 05/12/2018, 21:15
Hoạt động với danh nghĩa "hỗ trợ tài chính" nhưng thực chất Công ty Nam Long là một "công ty ma", không có đăng kí kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền.

 Với hàng chục chi nhánh trải dài ở 63 tỉnh, thành trên cả nước, công ty này đã hoạt động cho vay với lãi suất cắt cổ dưới danh nghĩa "hỗ trợ tài chính", khiến nhiều người phải khốn khổ khi trót mắc nợ. Đáng nói, việc phát hiện được ổ nhóm này bắt nguồn từ việc một "nhân viên" trong tổ chức bị tra tấn đến chết chỉ vì dám ăn cắp tiền...

Hé lộ tổ chức tín dụng đen

Theo thông tin ban chuyên án (phối hợp giữa Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, vào khoảng 11h30 ngày 19-7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân này tử vong ngay sau khi nhập viện không lâu. Người đưa nạn nhân đi cấp cứu cũng bỏ đi ngay sau đó.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng xác minh nhân thân của người đã tử vong, qua đó được biết nạn nhân là Nguyễn Văn Minh (19 tuổi, trú tại thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Qua khám nghiệm tử thi cho thấy, trên người nạn nhân có nhiều vết bầm, tụ máu, dập lá lách, tổn thương một số cơ quan nội tạng.

Từ cái chết của anh Minh, cơ quan điều tra đã tìm ra manh mối của một tổ chức hoạt động tín dụng đen là Công ty Dịch vụ tài chính Nam Long (trụ sở tại đường Trần Hưng Đạo, Cầu Kho, quận 1 TP Hồ Chí Minh). Đáng nói, đây chỉ là một "công ty ma", không đăng kí kinh doanh với cơ quan chức năng.

"Ông trùm" Nguyễn Đức Thành tại cơ quan điều tra.

Qua điều tra xác minh, nhận thấy, đây là một tổ chức tín dụng đen lớn chưa từng có, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động trên phạm vi rộng với mối quạn hệ phức tạp và có nhiều thủ đoạn mới, Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an để lập chuyên án triệt phá tổ chức này.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT xác định được Công ty Nam Long có 26 chi nhánh ở 23 tỉnh trên cả nước, mỗi chi nhánh lại phụ trách từ 2-3 địa bàn. Tất cả đều núp bóng Công ty Đầu tư và KTXD Thành Nam. Các chi nhánh này do một người làm quản lý, được trả tiền thuê nhà làm trụ sở giao dịch, và sinh hoạt.

Công ty Nam Long này cũng liên tục "tuyển mộ" thêm người làm qua các trang rao vặt, chợ việc làm, Facebook, Zalo... hướng tới đối tượng là các thanh niên có nhu cầu việc làm từ 18-30 tuổi.

Qua điều tra cho thấy, tổ chức này hoạt động một cách "chuyên nghiệp", "bài bản" với các giáo trình xử lý nợ, giáo án thẩm định và phân loại khách hàng. Các đối tượng chuyên thực hiện giao dịch cho vay với mức lãi suất "cắt cổ", "chỉ từ" 1%/ngày hay 365%/năm.

Ngoài ra, Công ty Nam Long còn có nhiều "gói dịch vụ" với các mức lãi suất khác nhau, như kỳ hạn 41-51 ngày, lãi suất từ 172-205%/năm. Vay nóng ngắn ngày, phải chịu mức "lãi đứng" từ 15-30%/ngày tương đương 1043%/năm. Khi đã đồng ý vay, người vay còn phải trả thêm nhiều khoản vô lý khác. Nếu chậm trả nợ, sẽ bị các đối tượng đe dọa, hành hung cưỡng chế thu hồi nợ bằng tài sản, vật nuôi có giá trị gấp nhiều lần số tiền còn thiếu.

Một nạn nhân vay tiền với lãi suất cắt cổ của tổ chức này cho biết: "Sau khi tôi vay tiền thì bị cắt trước phí 3 ngày là 3,5 triệu đồng, họ còn thu thêm 200 ngàn tiền phí hồ sơ. Lúc họ về thu tiền, phải chờ mất 2 ngày, họ lấy 100 ngàn/công/ngày rồi còn thu thêm 500 ngàn tiền nộp chậm".

Qua phân tích, nghiên cứu tài liệu khám xét, lực lượng chức năng xác định có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền, trong đó có 85 hồ sơ tài liệu thể hiện bị hại vay tiền. CQĐT đã làm việc được với 63 bị hại, trong đó có 59 người làm việc trực tiếp, 4 người chỉ khai báo qua điện thoại, không muốn gặp điều tra viên. Bước đầu, 59 bị hại khai báo đã vay của Công ty Nam Long hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và gần 1 tỷ tiền "phí dịch vụ".

Nạn nhân Nguyễn Văn Minh sau khi bị đánh đập.

Tra tấn đến chết

Theo CQĐT cho biết, đối tượng cầm đầu tổ chức tín dụng đen "phủ sóng" khắp 63 tỉnh, thành này là Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, trú tại phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Để quản lý các đàn em ở các chi nhánh trên khắp cả nước, Thành đã đưa ra các quy định mang tính ràng buộc, khống chế bằng những hình phạt tiêu cực, khắc nghiệt như một tổ chức tội phạm chỉ thấy trên phim ảnh.

Các hình thức ràng buộc chặt chẽ nhân viên với công ty cụ thể như: Phạt từ 50 đến 100 triệu đồng nếu phá hợp đồng, đánh đòn sa thải ngay lập tức; chế độ "tiêu diệt" bản thân và gia đình (đánh đập, bắt cóc tống tiền). Hình phạt thảm khốc nhất là tự chặt ngón tay và nhận tất cả những điều trên. Chính điều kiện kỷ luật hà khắc này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nguyễn Văn Minh như đã nói trên.

Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận nạn nhân Nguyễn Văn Minh là nhân viên của Công ty Nam Long từ tháng 4, làm việc tại chi nhánh Bắc Kạn với nhiệm vụ đi thu tiền của các con nợ. Vào tháng 7, Minh có thu tiền của khách nhưng không nộp lại cho tổ chức mà còn cầm cố một chiếc xe máy lấy 20 triệu đồng tiêu xài sau đó bỏ trốn.

Các đối tượng đến đe dọa nhà một con nợ.

Nhận được tin này, Nguyễn Đức Thành đã chỉ đạo các đàn em ở khu vực phía Bắc đến nhà Minh để đòi tiền. Đến ngày 9-7, Minh bị nhóm đàn em này bắt tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Các đối tượng đưa Minh về chi nhánh Hà Nội, ở xã Tiên Dược (Sóc Sơn) để "tổ chức họp kỷ luật".

Tại đây, các đối tượng bắt Minh đi xin lỗi từng người, đồng thời đưa ra 1 bát cơm, 1 bát chất bẩn để cho Minh chọn 10 lần. Nếu bò đến bát cơm sẽ bị đá vào lưng, ngực, bụng để "dạy cách làm người". Cả 10 lần nạn nhân đều chọn bát cơm và đều bị đánh.

Sau khi đánh đập, hành hạ trong suốt nhiều giờ đồng hồ, sáng sớm ngày 10-7, Thành chỉ đạo đối tượng tên Ngô Văn Chương đưa Minh về Thanh Hóa để tiếp tục "cải tạo, dạy dỗ cách làm người". Tại đây, Chương giao cho 2 nhân viên mới trông coi, đến 10h sáng cùng ngày, thấy sức khỏe của Minh yếu đi nên Chương đã đưa Minh đến bệnh viện rồi bỏ đi. Nạn nhân tử vong sau đó không lâu.

Sau 4 tháng tổ chức điều tra, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Thành cùng đồng bọn trong tổ chức tín dụng đen này. 

Nói về việc tra tấn nhân viên của mình như thời trung cổ, với vẻ mặt lạnh lùng, Thành cho biết: "Tôi cho Minh lựa chọn bát phân với bát cơm, đấy cũng chỉ là một điểm để răn đe, cảnh cáo, không phải vấn đề xúc phạm hay sỉ nhục đến cậu ấy. Tôi đưa ra trường hợp đấy, tôi biết chắc chắn không ai chọn bát phân cả, nếu chọn bát phân chẳng khác gì loài súc vật cả. Súc vật thì đương nhiên hành xử như loài súc vật rồi".

Đối tượng này cũng cho rằng, việc kỷ luật nghiêm để giữ uy tín cho công ty và khiến những nhân viên khác không dám vi phạm. Hiện CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; khởi tố 9 bị can trong ổ nhóm do Nguyễn Đức Thành chủ mưu, cầm đầu.

Trong đó, Thành bị khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; Ngô Văn Chương (30 tuổi, ngụ huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội "Giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; Trần Văn Phiên (29 tuổi, thị trấn Thịnh Long) và Đoàn Minh Cương (29 tuổi, ngụ xã Hải Lý), cùng huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định về tội "Cố ý gây thương tích"; Nguyễn Thành Long (30 tuổi), Vũ Văn Thanh (29 tuổi; cùng ngụ TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Bùi Văn Chung (26 tuổi, ngụ quận Kiến An, TP Hải Phòng) về tội "Bắt giữ người trái pháp luật"; Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, ngụ phường 15) và Trần Hồng Phong (33 tuổi, ngụ phường 11), cùng quận 10, TP Hồ Chí Minh về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam 4 tháng với 7 bị can, truy nã 2 bị can Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong. Vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tiếp tục mở rộng điều tra. 
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Số đối tượng này biên soạn giáo trình giáo án, tổ chức đào tạo huấn luyện chuyên môn cho vay tài chính, huấn luyện nhân viên cách thức tổ chức các gói vay, hệ thống lại, đặc biệt là các hình thức thu lãi hết sức mềm dẻo nhưng cũng có hình thức khắt khe khi không đòi được nợ. Cách thức huy động vốn cho vay được triển khai diện rộng trên mạng xã hội và thông qua hệ thống ngân hàng với khoảng 70 tài khoản, trung chuyển trên 7 ngân hàng với nhiều chi nhánh khác nhau trên 63 tỉnh, thành phố. Đó là sự khác biệt cơ bản với các công ty tài chính thông thường".
Đinh Hiền
.
.
.