Bắt nhóm người nước ngoài giả danh Công an chiếm đoạt tài sản
- Giả danh Cảnh sát PCCC để đòi “nạp tiền”
- Bắt kẻ giả danh Cảnh sát hình sự để lừa đảo chạy án
- Bắt kẻ giả danh Cảnh sát cơ động ra đường chặn xe
- Băng nhóm lừa đảo người Trung Quốc giả danh cảnh sát bị triệt phá như thế nào?
Chúng là những đối tượng có quốc tịch Đài Loan móc nối với một số thanh niên Việt Nam lập thành nhóm chuyên lừa đảo tại miền Trung bằng chiêu thức: Sử dụng điện thoại, mạo danh Cảnh sát hình sự; Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy… để hù dọa các nạn nhân và ép nộp tiền "phục vụ điều tra" vào tài khoản ngân hàng của chúng.
Sau một thời gian gây sóng gió, chiếm đoạt hàng tỉ đồng, con số nạn nhân tại TP Đà Nẵng và Thừa Thiên- Huế vẫn sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu không có sự tích cực vào cuộc điều tra, ngăn chặn của Công an tỉnh…
Ngày 4-1, Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Cơ quan CSĐT vừa triệt phá thành công đường dây người nước ngoài mạo danh Công an Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỉ đồng.
Các đối tượng trong đường dây bị bắt giữ gồm 4 người mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc): Tu Tsan Chang (20 tuổi), Lin Hung Yu (40 tuổi), Chen Ching Fen (23 tuổi), Ko Chih Chiang (26 tuổi) và 5 đối tượng khác là người Việt Nam gồm: Trần Văn, Phạm Văn Sửu (cùng trú huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh); Nguyễn Đăng Thăng, Đỗ Văn Dũng (cùng trú xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) và Nguyễn Trung Thông (trú xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP .Hà Nội)…
Một đối tượng mạo danh Công an lừa đảo bị bắt giữ. |
Trước đó, vào ngày 16-12, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếp nhận đơn trình báo của bà Trần Thị H. (62 tuổi, trú TP Huế) về việc bà bị một số đối tượng giả danh Công an, lừa đảo chiếm đoạt 100 triệu đồng.
Theo bà H., bà được một người đàn ông lạ (nói giọng miền Bắc) liên lạc vào điện thoại bàn nhà bà và xưng là người của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSMT) thuộc Bộ Công an đang điều tra một vụ án ma túy xuyên quốc gia, mà bà H. là đối tượng tình nghi số 1 có liên quan…
Để tăng phần kịch tính, người này còn đọc vanh vách thông tin cá nhân của bà H., địa chỉ, số giấy CMND, số điện thoại di động và kể cả số tài khoản ngân hàng. Theo người này thì: Hiện trong tài khoản của bà H. tại ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Nội có hơn 136 tỉ đồng mới từ nước ngoài chuyển vào"… Quá bất ngờ, bà H đã phủ nhận số tiền khổng lồ đó và thật thà "khai báo" bà chỉ có 100 triệu đồng tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên -Huế.
Ngay sau đó, bà H. lại nhận thêm cuộc điện thoại mới, lần này một đối tượng khác xưng là người của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL) dọa sẽ bắt giữ bà H. Vì nghi ngờ số tiền 100 triệu đồng tiết kiệm của bà H. có liên quan đến hoa hồng chia chác từ các đối tượng ma túy ở nước ngoài gửi về. Yêu cầu bà H. phải giao nộp số tiền này để phục vụ công tác điều tra, nếu xác minh không có dấu hiệu tội phạm thì bà H. lập tức sẽ được hoàn trả lại tiền trước 24 giờ đồng hồ.
Đang yên đang lành, bỗng dưng thành "tội phạm", quá sợ hãi đến hoảng loạn tinh thần khiến bà H. chỉ còn biết răm rắp nghe theo hướng dẫn của người "Cục điều tra" trên. Tuy nhiên, chỉ ngay khi bà H. chuyển tiền theo như yêu cầu, thì những cú điện thoại của "Cục điều tra" và toàn bộ số tiền tiết kiệm của bà H. cũng lập tức bặt vô âm tín… Sau thời gian trấn tĩnh, bà H. vội tìm đến Cơ quan CSĐT Công an TP Huế nhờ giúp đỡ.
Với biện pháp nghiệp vụ "câu lưu" và mật phục, vào chiều ngày 27-12-2017, Công an Thừa Thiên- Huế đã bắt quả tang được hai đối tượng Trần Văn và Lin Hung Yu khi chúng đến Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên-Huế (số 41 Hùng Vương, TP Huế) làm thủ tục rút 355,7 triệu đồng mà một "nạn nhân mới" vừa chuyển vào tài khoản.
Tiếp tục đấu tranh, từ lời khai của Yu và Văn, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế bắt thêm 3 đối tượng người Đài Loan và 4 đối tượng người Việt Nam còn lại trong nhóm lừa đảo trên gồm các tên: Chang (20 tuổi), Fen (23 tuổi), Chiang (26 tuổi) và Sửu, Thăng, Dũng, Thông.
Tại cơ quan CSĐT, các đối tượng mang quốc tịch Đài Loan khai nhận, được một người ở Đài Loan thuê qua Việt Nam thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng sử dụng chiêu bài giả danh Công an Việt Nam gọi điện đến các gia đình thông báo có liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Bằng thủ đoạn này, nhiều nạn nhân đã bị sập bẫy.
Cơ quan CSĐT còn xác định, nhóm đối tượng lừa đảo này hoạt động dưới sự chỉ đạo của một đối tượng tên Wu Che Wei (quốc tịch Đài Loan). Wei đích thân đến địa bàn Thừa Thiên-Huế lập mưu, mở tài khoản tại một số ngân hàng trên địa bàn và chỉ đạo mọi hoạt động của nhóm. Wei rất ranh mãnh, để "ẩn mặt", Wei không ở chung khách sạn, không bao giờ xuất đầu lộ diện, hay trực tiếp đi theo khi đồng bọn rút tiền.
Do vậy, ngay sau khi sự việc bị lộ, nhiều đồng bọn lần lượt bị bắt thì Wei đã nhanh chân trốn thoát. Theo cơ quan điều tra, tính đến thời điểm bị bắt giữ, nhóm đối tượng trên đã rút tiền thành công 9 lần, trong đó 8 lần trên địa bàn Đà Nẵng, số tiền rút gần nhất là 400 triệu đồng.