Bắt băng nữ quái gồm 500 thành viên của "gia tộc" Croatia

Thứ Bảy, 27/04/2019, 15:24
Từ việc bắt giữ 3 đối tượng nữ, đơn vị điều tra chưa hề biết họ đã chạm được vào mắt xích của một đường dây tội phạm cực lớn. Và đó là sự khởi đầu cho một cuộc điều tra đưa họ tới khắp châu Âu.


Qua điều tra, các thiếu nữ này là thành viên của một nhóm tội phạm kiểu gia đình có nguồn gốc ở   Croatia. Gia tộc này với số thành viên lên đến 500 người có quan hệ họ hàng và hôn nhân đan xen đã gây ra nhiều vụ đột nhập trên khắp châu Âu và đặc biệt "ưu tiên" các thành viên nữ.

Hiện vẫn chưa rõ về việc các đối tượng nữ được tuyển dụng vào tổ chức như thế nào nhưng họ - gắn kết với các gia đình chủ yếu bằng hôn nhân - có thể đã từng là nạn nhân của nạn buôn người. Băng nhóm hoạt động chủ yếu là đột nhập nhà để trộm cắp nhưng hoạt động của chúng được đánh giá là có quy mô sâu xa hơn nhiều so với các gia tộc mafia truyền thống.

Các nữ đạo chích tung hoành khắp châu Âu.

Thủ phạm của 1/5 trong 160.000 vụ trộm cắp ở Đức năm 2018

Cảnh sát Đức vừa chặt đứt một vòi bạch tuộc của một đường dây tội phạm trên khắp châu Âu, trong đó, băng nhóm với 500 thành viên có quan hệ gia đình thường sử dụng thành viên nữ thực hiện các vụ trộm đột nhập.

Cuối tháng 3-2019, Cảnh sát Munich cho biết đã bắt giữ những tên đầu sỏ của một đường dây tội phạm được cho là gây ra 1/5 trong tổng số 160.000 vụ trộm cắp ở Đức trong năm 2018. Mọi việc bắt đầu từ tháng 1-2019 khi cảnh sát bí mật theo dõi 3 cô gái trẻ đột nhập nhà để ăn trộm ở Leheh, ngoại ô Munich. Cảnh sát cảm thấy bất ngờ vì các "nữ quái" hành động khá chuyên nghiệp khi sử dụng công cụ rất gọn gàng và nhanh chóng.

Được biết, các thiếu nữ tận dụng sự khéo léo, khả năng phán đoán tốt, đồng thời ít bị nghi ngờ và kể cả bị bắt thì hình phạt có phần nhẹ hơn. Ông Reinhold Bergmann, cơ quan điều tra về tội phạm trộm cắp có tổ chức cho hay, các cô gái được trao đổi giao dịch giữa các gia đình, thường là thông qua hình thức hôn nhân và bị buộc phải cam kết tham gia vào các vụ trộm cướp trái với ý muốn của họ.

Tiền chảy vào Croatia

Khi phát hiện, toàn bộ số tiền bị đánh cắp được chảy vào Croatia, Cảnh sát Đức đã đến Croatia vào tháng 3-2019. Hai kẻ cầm đầu đã bị bắt giữ với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát địa phương. Họ đã khám xét, lục soát khu biệt thự của các thủ lĩnh băng đảng và tìm thấy số tài sản bị đánh cắp trị giá 100.000 euro.

Tháp Eiffel có nhiều nhóm trộm nữ.

Phần tài sản trị giá hàng triệu USD bị đánh cắp ở Đức phần nhiều được cho là đổ vào các biệt thự lát đá cẩm thạch sặc sỡ ở Croatia, nơi cảnh sát tìm thấy 2 "ông trùm".

Nhưng đây mới chỉ là một phần "vòi bạch tuộc" của mạng lưới tội phạm này. Có thể 20 đến 30 băng nhóm đóng vai trò chân rết của băng đảng lớn này đang hoạt động tại các nước như Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và Ý.

"Chúng tôi đã chặt được 1 chiếc xúc tu, vẫn còn nhiều nhánh trong băng đảng tội phạm lớn này", ông Reinhold Bergmann nói. Trong buổi họp báo mới đây, cảnh sát đã làm rõ chi tiết về cơ cấu của tổ chức tội phạm "có hiệu quả cao" này.

Trên cùng là những tay trùm, kiểm soát tài sản của tập đoàn ở nước ngoài, sau đó đến những người điều hành "nhà an toàn" ở Đức, có nhiệm vụ hỗ trợ "ong thợ" về vấn đề vận chuyển, sinh hoạt hàng ngày. Cuối cùng là những kẻ trộm trực tiếp thực hiện, chủ yếu là phụ nữ.

Cảnh sát đã bắt giữ được hơn 20 đối tượng nữ ở Munich, đóng vai trò là "ong thợ". Cuộc điều tra dẫn đến nhiều vụ bắt giữ ở Gelsenkirchen, Münster, Villingen-Schwennigen, Hanover và Frankfurt, trong đó có 2 đối tượng "quản lý cấp trung" ở Gelsenkirchen, phía Tây nước Đức.

Các điều tra viên sau đó đã được cử đến Bilbao ở miền Bắc Tây Ban Nha, và được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp tại Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) và Eurojust, họ bắt thêm được một số thành viên khác của gia tộc.

Với kiến trúc kiểu Catalan ấn tượng và bờ biển tuyệt đẹp, Barcelona, Tây Ban Nha  là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất châu Âu. Mỗi ngày có hơn 300 trường hợp bị mất cắp tại điểm du lịch Barcelona. Các băng trộm thường hoạt động theo nhóm với chiêu quen thuộc là làm du khách xao nhãng.

Nguyễn Lai
.
.
.