Bảo vệ di sản văn hoá trong đại dịch COVID-19

Thứ Ba, 30/06/2020, 11:27
Di sản văn hóa là một phần di sản chung của nhân loại, là bằng chứng độc đáo và quan trọng về sự tiến hóa của con người và bản sắc riêng của từng quốc gia, dân tộc. Trong xã hội hiện đại, tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản văn hóa càng được nhấn mạnh.

 

Ngày càng có nhiều nhóm tội phạm có tổ chức tham gia mua bán trái phép di sản văn hóa, thông qua  cả các thị trường hợp pháp và các thị trường ngầm bất hợp pháp, chợ đen. Mua bán trái phép di sản văn hóa cũng đang dần trở thành một cách rửa tiền do phạm tội mà có, và mới đây nó đã được xác định có khả năng là một nguồn tài trợ cho các nhóm khủng bố.

"Tội phạm có tổ chức hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có buôn bán sản phẩm văn hóa, đây không phải là một hoạt động kinh doanh tử tế được thực hiện bởi những người đàn ông lịch lãm, mà là bởi các mạng lưới tội phạm quốc tế. Bạn không thể xem xét tách rời buôn lậu cổ vật với buôn bán ma túy và vũ khí: chúng tôi biết rằng các nhóm tội phạm tương tự đã tham gia vào lĩnh vực này, bởi vì nó tạo ra một nguồn lợi nhuận khổng lồ. Đây là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên hành tinh - dù với vai trò là nguồn cung, trung gian hay điểm tiêu thụ, điều quan trọng là tất cả các Cơ quan thực thi pháp luật phải hợp tác để chống lại nó", bà Catherine de Bolle, Giám đốc điều hành Europol cho biết. 

Cảnh sát Tây Ban Nha đã thu hồi mặt nạ vàng Tumaco. Nguồn: Interpol

Mua bán trái phép di sản văn hóa có thể khiến cho những đồ vật vô giá bị mất, phá hủy, dịch chuyển hoặc bị đánh cắp. Trong khi những kẻ tội phạm kiếm được lợi nhuận đáng kể từ việc mua bán trái phép này, chúng ta lại bị thiếu hụt những thông tin khảo cổ học và các cổ vật của di sản thế giới.  

Hoạt động đấu tranh với tội phạm buôn bán di sản văn hóa và cổ vật trước dịch COVID-19

Cuối năm 2019, INTERPOL, EUROPOL và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã phối hợp với lực lượng cảnh sát và hải quan của 103 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai hai chiến dịch có quy mô toàn cầu nhắm vào tội phạm buôn bán cổ vật và di sản văn hóa mang tên Chiến dịch Athena II và Pandora IV. Đây là lần thứ hai Europol, INTERPOL và WCO hợp tác để giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp di sản văn hóa. 

Do tính chất toàn cầu của hai chiến dịch, một Đơn vị Điều phối Hoạt động 24/7 (OCU) được thành lập và được WCO, INTERPOL và Europol điều hành. Ngoài việc hỗ trợ trao đổi thông tin và đưa ra cảnh báo, OCU còn tiến hành kiểm tra các cơ sở dữ liệu của các quốc gia khác nhau, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu INTERPOL đối với các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp và Hệ thống thông tin châu Âu của Europol.

Những kết quả đạt được trong Chiến dịch Athena II do WCO và INTERPOL chỉ đạo, được thực hiện đồng bộ với Chiến dịch Pandora IV tập trung ở châu Âu do Lực lượng Bảo vệ Dân sự Tây Ban Nha và Europol thực hiện. Cả hai chiến dịch diễn ra vào cuối năm 2019 nhưng chi tiết của nó chỉ được tiết lộ gần đây vì tính bí mật của chiến dịch. 

Cụ thể, hơn 300 cuộc điều tra được thực hiện dẫn đến việc bắt giữ 101 nghi phạm, hơn 19.000 cổ vật khảo cổ và các tác phẩm nghệ thuật khác đã được thu giữ. 

Một số điểm nổi bật của chiến dịch có thể kể đến như sau: Hải quan Afghanistan đã thu hồi 971 tác phẩm văn hóa tại sân bay Kabul ngay khi lô hàng sắp được chuyển đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha phối hợp với Cảnh sát Colombia đã tìm lại được tại sân bay Barajas ở Madrid một số lượng vật phẩm rất hiếm trước thời Columbus, bao gồm mặt nạ vàng Tumaco, một số tượng vàng và các mặt hàng trang sức cổ xưa. 

Ba kẻ buôn bán bất hợp pháp đã bị bắt ở Tây Ban Nha và chính quyền Colombia đã tiến hành khám xét nhà các đối tượng ở Bogota, dẫn đến việc thu giữ thêm 242 đồ vật trước thời Columbus - đây là vụ tịch thu lớn nhất trong lịch sử đất nước này; Cuộc điều tra của Lực lượng Cảnh sát Liên bang Argentina nhằm vào một trường hợp bán hàng trực tuyến đã thu giữ được 2.500 đồng tiền cổ, đây là vụ thu giữ lớn nhất đối với loại mặt hàng này, trong khi vụ thu giữ lớn thứ hai được thực hiện bởi Cảnh sát Nhà nước Latvia với tổng số 1.375 đồng tiền xu. 

Đảm bảo an ninh di sản văn hóa trong thời gian phong tỏa

Kể từ khi COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng cho sức khỏe con người, 95% các bảo tàng trên thế giới buộc phải tạm thời đóng cửa để đảm bảo an toàn cho khách tham quan. Các biện pháp cách ly tạo ra một thách thức lớn cho các chuyên gia bảo tàng - những người phải tiếp tục công tác đảm bảo an toàn cho các bộ sưu tập. 

Thực tế với mỗi bảo tàng là khác nhau và các cơ quan cần những giải pháp cụ thể về nhiều mặt: nhóm làm việc luân phiên, các dịch vụ an ninh, túc trực tại nơi làm việc. ICOM quan ngại về những vụ cướp gần đây từ các bảo tàng ở Anh quốc và Hà Lan. Dù có các biện pháp cách ly, nhưng việc tiếp tục cải thiện và nâng cấp an ninh cho bảo tàng là cần thiết.

Trong nhiều thập kỉ, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) và Hội đồng quốc tế về An ninh bảo tàng (ICMS) đã ủng hộ cộng đồng bảo tàng trong việc đảm bảo an ninh an toàn cho các bộ sưu tập bằng việc đưa ra lời khuyên và các công cụ dễ sử dụng liên quan đến đội ngũ an ninh, hệ thống phát hiện xâm nhập, CCTV, hệ thống trao đổi nội bộ và báo cáo.

Bên cạnh sự hỗ trợ hiện có, ICOM và INTERPOL đang đề xuất thực thi hoặc tăng cường các biện pháp: 

Kiểm tra an ninh và hệ thống cảnh báo: Nếu việc này chưa được thực hiện, các bảo tàng phải phân tích tình hình an ninh và khởi động các kế hoạch bảo vệ: Duy trì hoạt động bảo vệ 24/7; tất cả các hệ thống phát hiện xâm nhập, đặc biệt là camera giám sát và báo động, phải được vận hành đầy đủ (bên trong và bên ngoài, 24/7) và được nhân viên an ninh kiểm tra thường xuyên; thiết lập một quy trình để đảm bảo liên lạc thường xuyên và một chuỗi thông tin rõ ràng giữa các nhân viên an ninh và người phụ trách tổ chức (gọi cho ai, theo thứ tự, số liên lạc cập nhật...) cũng như với các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. 

Điều chỉnh các thủ tục: Phần lớn các bảo tàng đã có sẵn kế hoạch bảo vệ an ninh. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây của ICOM liên quan đến cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy khoảng 10% bảo tàng cho rằng các biện pháp đảm bảo an ninh bổ sung là không đủ. ICOM đặc biệt khuyến nghị đảm bảo các quy trình được điều chỉnh phù hợp với việc cách ly và số lượng nhân viên hiện có.

Phối hợp với các tổ chức văn hóa khác gặp khó khăn tương tự:

Không chỉ các bảo tàng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này mà các di tích, địa điểm, thư viện và các công trình tôn giáo cũng vậy. Vấn đề đảm bảo an ninh hiện đang là mối quan tâm lớn đối với tất cả các tổ chức này. Do đó, các giải pháp được mô tả ở trên nên được chia sẻ, đặc biệt, việc liên lạc với cảnh sát, tăng cường giám sát xung quanh các khu vực, đặc biệt là khu vực giàu di sản văn hóa.

PHAN BẢO LONG (tổng hợp)
.
.
.