Báo động về nạn tự tử và chết bất thường ở Trung Quốc

Thứ Năm, 01/11/2018, 14:42
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (công bố năm 2017), trong giai đoạn 2009-2016 có 243 quan chức tự tử, tỷ lệ bị trầm cảm trong số các trường hợp chết bất thường của giới chức nước này chiếm ít nhất 50% và cách tự sát thường là nhảy lầu, treo cổ hoặc nhảy sông.


Có lẽ là Ủy viên Trung ương đầu tiên nhảy lầu tự tử (tại nhà riêng sau một thời gian bị trầm cảm nặng) sau Đại hội 19, nên cái chết của ông Trịnh Hiểu Tùng (20-10), Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macao đã khiến giới truyền thông Trung Quốc (báo điện tử Tài Tân) lập hẳn danh sách những quan chức từng tự tử hoặc chết bất thường trong 10 năm qua. Và phát hiện tỉ lệ quan chức cấp trung và cao cấp ở Trung Quốc tử vong cao bất thường. 

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (công bố năm 2017), trong giai đoạn 2009-2016 có 243 quan chức tự tử. Trong đó nhiều nhất là năm 2014 với 59 trường hợp, còn 2015 là năm có nhiều quan chức cấp cao tự tử nhất, với 11 người. 

Từ năm 2014 tới nay có 30 trường hợp, trong đó nhiều quan chức cấp cao như Phó Bí thư Bắc Kinh Vương Hiểu Minh (nhảy lầu hôm 21-5), Thượng tướng Trương Dương (treo cổ hôm 23-11-2017), Phó Bí thư tỉnh Quảng Đông Lưu Hiểu Hoa (tự tử hôm 12-6-2016), Phó Thị trưởng Thâm Quyến Trần Ứng Xuân (nhảy lầu hôm 22-3-2016)… 

Vẫn theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cứ 100.000 người sẽ có khoảng 20 người tự sát/năm và cứ 100.000 quan chức thì có 5 người tự sát/năm. 

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính, tỷ lệ bị trầm cảm trong số các trường hợp chết bất thường của giới chức nước này chiếm ít nhất 50% và cách tự sát thường là nhảy lầu, treo cổ hoặc nhảy sông.

Ông Trịnh Hiểu Tùng.

Còn theo số liệu từ “Trung tâm thông tin nhân quyền dân chủ Trung Quốc”, riêng năm 2016, có 1.700 quan chức tự sát hoặc chết bất thường, cao hơn con số của năm 2015 là 1.500 người. Nguyên nhân của tình trạng này được coi đến từ “sợ tội tự sát”, “giết người diệt khẩu” và “nhân quả báo ứng”. 

Tờ Thời báo Hoàn cầu và tờ South China Morning Post từng công bố số liệu thống kê (từ các nhà nghiên cứu Hongkong) cho thấy, tỷ lệ quan chức trung và cao cấp tự sát cao hơn 30% so với tỷ lệ cư dân đô thị tự sát. 

Tờ Nhân dân nhật báo điện tử, hơn 80% cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đều tồn tại vấn đề “mất cân bằng tâm lý nhất định”, “mệt mỏi tâm lý”, “tâm lý ức chế”, và “những quan chức nặng lòng tham thì tâm lý không thể lành mạnh được”. 

Sử gia nổi tiếng Chương Lập Phàm từng tuyên bố, cách giải thích về chứng trầm cảm chỉ là “lớp phấn trang điểm” bởi trên thực tế, nhiều quan chức lựa chọn tự sát, khi họ coi đó là sự giải thoát tốt nhất cho bản thân. Bởi dù có chết, họ vẫn bảo vệ được nhiều người có liên quan đến tội tham nhũng - có thể là cấp trên, có thể là đồng sự, người nhà hay thân hữu.

Ông Trần Ứng Xuân khi tại chức.
Có nhiều đồn đoán rằng, những quan chức tìm đến cái chết để bảo vệ những quan tham có chức vị cao hơn hoặc bị thế lực có quyền thế bức ép hay bảo vệ gia đình, người thân không bị xét xử. 

Luật sư Trần Hữu Tây, người từng bào chữa cho nhiều quan tham tuyên bố, quan chức không phải tự sát vì sợ chết, mà bởi những thứ khó hơn cả cái chết! Còn theo ông Nhậm Kiến Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục liêm chính tại Đại học Bắc Hàng, Trung Quốc: Quan cũng như dân, họ cũng là người. 

Họ hoàn toàn có thể bị trầm cảm do áp lực công việc và áp lực xã hội. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến số vụ tự tử chưa từng được chứng kiến như hiện nay. 

Cựu công tố viên Thẩm Lương Khánh từng tuyên bố, nếu một quan chức chết trước hoặc trong quá trình bị điều tra, vụ án sẽ bị đình chỉ. Và đây có thể là “động lực mạnh mẽ” để họ chọn cách tự tử để bảo vệ bản thân khỏi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cũng như người thân khỏi bị thẩm vấn. 

“Nếu một quan tham biết mình bị điều tra, tự tử là cách khôn ngoan, miễn là anh ta có gan. Số tiền tham nhũng sẽ thuộc về gia đình quan tham”, ông Thẩm Lương Khánh nói. Có người thậm chí còn cho rằng, tự tử là cách thoát tội “ngoạn mục” của quan tham. 

Theo giới truyền thông, cảnh sát Macau đang mở cuộc điều tra cái chết của ông Trịnh Hiểu Tùng (sinh năm 1959, quê ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, nhưng sinh ra ở Bắc Kinh), người từng tham gia các cuộc đàm phán giữa London và Bắc Kinh trước khi Hongkong được trả về Trung Quốc hơn 21 năm trước (1997-2018), từng là thư ký cho ông Khương Ân Trụ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1993-1996), và từng làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi ông Tập Cận Bình công tác ở tỉnh Phúc Kiến. Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macao (20-9-2017), ông Trịnh Hiểu Tùng là Trợ lý Văn phòng công tác Hongkong của Trung ương, Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Quốc tế của Bộ Tài chính, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính, và Phó Tỉnh trưởng Phúc Kiến, Phó Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương.
Thiện Lân
.
.
.