Báo động buôn lậu ngà voi

Thứ Sáu, 27/01/2017, 13:19
Theo cơ quan chức năng, năm 2016 là năm phát hiện nhiều vụ buôn lậu ngà voi với số lượng rất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất từ trước tới nay.


Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2016, đã có 6 vụ bị phát hiện, riêng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) với số lượng trên 5 tấn ngà voi. Điều đáng nói, các đối tượng buôn lậu đã dùng nhiều thủ đoạn cất giấu hàng rất tinh vi hòng qua mắt cơ quan chức năng.

Nhiều thủ đoạn buôn lậu ngà voi

Theo ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 (viết tắt Chi cục KV1), chỉ tính trong hai tháng 10 và 11-2016, Chi cục KV1 phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an và các ngành liên quan đã phát hiện, xử lý 6 vụ vận chuyển hàng cấm là ngà voi với khối lượng hơn 5 tấn qua đường biển từ châu Phi về cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Ðây là những vụ buôn lậu ngà voi lớn nhất từ trước đến nay qua cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh bị phát hiện. Với thủ đoạn cất giấu hết sức tinh vi như khoét rỗng ruột gỗ để nhét ngà voi vào trong, phủ chặt keo sáp, nắp lại như khúc gỗ thường. Đúng như đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát “Đây là con số khủng khiếp nhất từ xưa đến nay”!

Có thể kể vụ lớn nhất là ngày 5-10-2016, Chi cục KV1 đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng như Cục C74, Đội Kiểm soát Hải quan (thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh), Trạm Biên phòng Nhà Rồng - Biên phòng Cảng TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và phát hiện trong container hàng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Diệu Tiên (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) nhập về chứa 2.052 kg ngà voi, 32 đôi đũa được chế tác từ ngà voi, 52gr lông đuôi voi...

Trung tướng Đồng Đại Lộc đến kiểm tra vụ phát hiện hơn 2 tấn ngà voi ngày 5-10-2016.

Theo hồ sơ vụ việc, đầu tháng 10, Công ty Diệu Tiên mở tờ khai hải quan hai container hàng hóa, ghi có 44,50 m3 gỗ xoan đào mới 100%, xuất xứ từ Cộng hòa Mozambique (châu Phi). Lô hàng được hệ thống phân luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ). Nhận thấy có nhiều nghi vấn, Đội Thủ tục hàng hóa nhập khẩu đã báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các hộp gỗ xoan đào xẻ hộp thực chất là 12 khúc gỗ bị đục rỗng, bên trong có chứa các khúc, đoạn ngà voi… rồi được bắt ốc vít, dán kín để ngụy trang.

Đến ngày 21-10, Chi cục KV1 tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện và bắt giữ lô hàng nhập khẩu từ Uganda về Việt Nam của Công ty TNHH Đào Gia, thu giữ 594,7kg ngà voi và 277kg vảy tê tê được giấu tinh vi trong các hộp gỗ đóng kín...

Kiên quyết chặn đứng nạn buôn lậu ngà voi

Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, việc buôn lậu, sử dụng ngà voi, quốc tế đã cấm và Việt Nam cũng tham gia công ước quốc tế. Do đó, các lực lượng chức năng của Việt Nam rất quan tâm, liên tục đấu tranh với các loại tội phạm buôn lậu ngà voi và các động vật quý hiếm khác. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu ngà voi vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2000-2015, thế giới đã chứng kiến 117 vụ bắt giữ vận chuyển, mua bán ngà voi trái phép, thu về hơn 217.000kg ngà voi, tương đương 32.400 con voi bị sát hại, mỗi ngà tương đương hơn 3kg. Riêng năm 2015, hơn 32 tấn ngà voi đã bị thu giữ, trong đó có 18 vụ thu giữ được xem là quy mô lớn, tức mỗi vụ thu giữ hơn 500kg ngà voi.

Theo Quỹ Quốc tế về hỗ trợ động vật (IFAW), tháng 8-2015, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã thu giữ 3.903 tấn ngà voi bất hợp pháp trong ba vụ. Tháng 11, cơ quan chức năng bắt giữ thêm 860kg và tháng 12 thu giữ 2,2 tấn ngà chuyển từ Mozambique. Tháng 1-2014, khi đang kiểm tra container được cho là cao su chuyển đến Việt Nam, cơ quan chức năng cảng Togo (ở Tây Phi) đã tìm thấy và thu giữ hơn 4 tấn ngà voi, là đợt thu giữ lớn nhất của châu Phi kể từ khi lệnh cấm buôn bán ngà voi có hiệu lực trên thế giới.

Từ đó, Quỹ IFAW khẳng định việc đóng cửa của thị trường buôn bán ngà voi trên phạm vi toàn thế giới, nhất là tại châu Phi, là vấn đề cấp thiết để bảo vệ loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng này do tình trạng săn bắn trộm và buôn bán trái phép các sản phẩm ngà voi đang gia tăng mạnh thời gian gần đây.

Ngà voi được giấu trong các lóng gỗ rỗng ruột, có chèn thạch cao, mùn cưa hoặc đổ sáp đặc bên trong để ngụy trang.

Quay trở lại thực trạng buôn lậu ngà voi qua Cảng Cát Lái, ông Lê Nguyên Linh cho biết, hàng năm có khoảng trên dưới 4 triệu container xuất nhập qua cảng này nên việc nắm được thông tin, đánh giá thông tin, nhận định container nào chứa hàng lậu là vấn đề cực kỳ khó khăn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ban ngành liên quan. Sau khi có nghi vấn sẽ tiến hành kiểm tra thủ công, soi chiếu…

Nghe thì đơn giản nhưng công việc này đòi hỏi nhiều nhân công, công sức và máy móc thiết bị, chi phí khá lớn… Đến khi phát hiện hàng cấm xuất nhập lậu thì việc truy tìm đối tượng chính và doanh nghiệp cũng không hề đơn giản.

Bởi có một thực tế, như theo Thượng tá Lê Thơm, Trưởng phòng 6, Cục C74 cho biết thì đa số các doanh nghiệp đứng tên nhận những lô hàng ngà voi đều là công ty “ma”. Khi cơ quan Công an xác minh địa chỉ doanh nghiệp thì thấy đó chỉ là tiệm tạp hóa, nhà thuốc, quán ăn… Vì vậy, việc truy tìm chủ nhân lô hàng gặp khá nhiều khó khăn.

Ông Lê Nguyên Linh cho biết thêm, do đã biết các đối tượng buôn lậu thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi, giấu hàng trong các lóng gỗ khoét rỗng ruột như đã kể trên để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Tổ Kiểm soát Hải quan thuộc Chi cục KV1 đã thường xuyên phân công cán bộ theo dõi, thu thập thông tin từ các lô hàng có tuyến đường trọng điểm về Việt Nam, nhất là từ các nước châu Phi, từ đó khoanh vùng mặt hàng trọng điểm. Do số lượng hàng về cảng rất lớn nên việc tra cứu thu thập thông tin cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải thực hiện thủ công.

Sau các vụ phát hiện ngà voi nhập lậu kể trên, Hải quan TP Hồ Chí Minh nói chung và Chi cục KV1 nói riêng sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra chặt chẽ đối với tất cả các lô hàng gỗ có nguồn gốc từ châu Phi. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu tình hình buôn lậu ngà voi qua các cảng để từ đó đề ra các biện pháp đấu tranh hiệu quả, trong thời gian tới.

Phú Lữ

.
.
.