Ban chấp hành FIFA và lịch sử "ăn bẩn" phi đạo đức, bất hợp pháp

Thứ Ba, 21/10/2014, 15:00

Với hơn 1,4 tỷ USD trong ngân quỹ, FIFA-tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới, hoàn toàn không phải là ví dụ điển hình của hoạt động kinh doanh phi lợi nhuận. Các quan chức đứng đầu đơn vị tương tự như vậy thường giàu có hơn những gì ta nghĩ.

Dày đặc những trang "đen"

Có rất nhiều tiền được tạo ra từ các trận bóng đá trên toàn thế giới, bằng nhiều cách. Ta có thể tưởng tượng được từ những phi vụ làm ăn bất hợp pháp, phi đạo đức hoặc có thể là cả 2… FIFA cũng không tránh khỏi những điều tiếng xung quanh vấn đề "ăn bẩn" và các vụ bê bối tài chính, những lời chỉ trích gần đây nhất tập trung vào câu hỏi: "Sếp lớn" Sepp Blatter có thể nhận được bao nhiêu tiền để duy trì lối sống "đế vương"?

Theo một nguồn tin, có tổng số 22 nhà tài trợ đồng ý trả 200 triệu USD cho mỗi quyền lợi liên quan tới FIFA trong chu kỳ World Cup bốn năm một lần. Năm ngoái, ước tính, tổ chức đã tạo ra hơn 1 tỷ USD. Đa phần là từ các chương trình truyền hình và tiếp thị, chiếm 75% doanh thu. Bên cạnh đó, tiền bỏ ra để tổ chức điều hành và quản lý các hoạt động bóng đá trên thế giới cũng không hề nhỏ, FIFA đã chi ra tầm 560 triệu USD cho World Cup 2014, các sự kiện bên lề và kế hoạch phát triển lâu dài.

Các trang lịch sử "ăn bẩn" dường như khó đếm nổi của FIFA, người ta lại thấy những cái tên vô cùng quen thuộc. Năm 2011, Jack Warner, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Liên đoàn bóng đá Caribê (CONCACAF) đã phải từ chức sau khi phải đối mặt với vô số cáo buộc về tội tham nhũng và hối lộ. Trước đó, một kiểm toán năm 2006 của Ủy ban Đạo đức FIFA đã phát hiện ra Warner bán bất hợp pháp 1 triệu USD/ 1 vé xem trực tiếp World Cup.

Năm 2010, Nicolás Leoz, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ, đã từ chức sau khi bị phát hiện nhận 130 nghìn USD từ một đối tác tiếp thị và yêu cầu được phong tước hiệp sĩ để đổi lấy lá phiếu ủng hộ nước Anh trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Năm 2012, Ricardo Teixeira, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil đã phải rời khỏi Ủy ban điều hành FIFA vì lý do không chịu nổi áp lực từ những lời cáo buộc tham nhũng làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông nhiều năm qua. Bắt đầu từ những năm 1990, Teixeira bị điều tra về vụ ăn hối lộ từ Công ty tiếp thị Thể thao và giải trí quốc tế (ISL) vốn hợp tác khá chặt chẽ với FIFA trong thời gian đó. Năm 2001, Quốc hội Brazil điều tra Teixeira vì nghi ngờ ông dính líu tới 13 tội, trong đó có trốn thuế, rửa tiền và làm luật gây hiểu nhầm... Tháng 5 năm đó, trên các tờ báo đều đưa tin, Teixeira nhận 41 triệu USD tiền hối lộ. João Havelange, bố vợ Teixeira, cựu chủ tịch FIFA, cũng có liên quan. Cặp đôi còn bị tố cáo đã chi ra 6,1 triệu USD để bịt miệng các cuộc điều tra. Havelange, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế đã từ chức vào tháng 12 năm đó. Tiếp theo là Teixeira.

Michel Platini, thành viên Ban chấp hành FIFA từ năm 2002.

Mới đây, một cuộc điều tra bí mật đã phát hiện chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Ghana, Kwesi Nyantakyi có dính líu đến việc dàn xếp tỷ số các trận đấu quốc tế của Ghana, một vài quan chức khác cũng có liên quan.

Năm 2013, báo cáo tài chính của FIFA cho thấy, tổ chức đã chi ra 36,3 triệu USD cho các "nhân sự chủ chốt".

Mập mờ ở chỗ, tổ chức đã không nêu tên những thành viên kia. Nhưng người ta vẫn đoán ra vài ứng cử viên trong số 25 thành viên Ban chấp hành, nhiều người đã từng bị chỉ trích vì lối sống xa hoa hoặc bị cáo buộc đã từng nhận hối lộ. Trong số đó, ba cái tên thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông nhất là:

Sepp Blatter

Chủ tịch thứ tám và cũng là Chủ tịch đương thời FIFA có giá trị tài sản ước tính 10 triệu USD. Blatter làm việc cho FIFA trong hơn hai thập kỷ trước khi được ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất vào năm 1998. Các nhiệm kỳ của ông đầy rẫy những tranh cãi, trong đó có cáo buộc quản lý tài chính yếu kém và nhận hối lộ vụ đăng cai World Cup 2022 tại Qatar. Sinh ra trên đất nước Thụy Sỹ, Blatter, 78 tuổi, hiện sống ở thành phố Zurich. Ông đã kết hôn ba lần và có một con gái.

Sepp Blatter đang đối mặt với làn sóng phản đối từ các thành viên của Liên đoàn bóng đá thế giới. Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA), Greg Dyke đã kêu gọi ngài Chủ tịch nên từ chức.

Chủ tịch FA, Greg Dyke đã có những câu hỏi thách thức với Chủ tịch, Sepp Blatter về vấn đề hối lộ tại World Cup 2022 tại Qatar.

Issa Hayatou, thành viên ban chấp hành FIFA từ năm 1990.

Trong một cuộc họp mới đây của Liên đoàn bóng đá châu Âu, UEFA, Chủ tịch FA, Greg Dyke đã giành được sự ủng hộ của Chủ tịch liên đoàn bóng đá Hà Lan, Michael van Praag.

Chủ tịch Greg Dyke cho rằng, những phát biểu của Chủ tịch FIFA về các cáo buộc tham nhũng và phân biệt chủng tộc là không thể chấp nhận. 

Thành viên ban chấp hành UEFA và là cựu giám đốc điều hành của Man United, David Gill cũng đã lên tiếng kêu gọi Chủ tịch Blatter không nên tái tranh cử trong nhiệm kỳ tới.

Hiện có sự chia rẽ sâu sắc trong các thành viên của Liên đoàn bóng đá thế giới về những tuyên bố hối lộ trong cuộc chạy đua giành quyền đang cai World Cup 2022 tại Qatar, những tranh cãi vẫn đang tiếp diễn.

Ông van Praag nói với ông Blatter, hình ảnh của FIFA đã bị hoen ố bởi những vấn đề của nạn tham nhũng và những suy nghĩ cổ hủ của các thành viên ban lãnh đạo.

Cựu Chủ tịch UEFA, Lennart Johannson, người thất bại trong cuộc tranh cử chức Chủ tịch FIFA năm 1998 cho biết, Chủ tịch Blatter, 78 tuổi không nên tham gia tranh cử trong năm tới.

"Đây là thời gian ông nên ra đi. Blatter đã thực hiện một số điều tốt đẹp cho bóng đá và FIFA nhưng 16 năm là quá đủ".

Issa Hayatou

Cựu cầu thủ bóng đá từ Cameroon, Hayatou, 67 tuổi đã là thành viên Ban chấp hành FIFA từ năm 1990. Năm 2002, ông tranh cử chủ tịch FIFA nhưng bị Blatter đánh bại. Ông cũng là chủ tịch thứ năm của Liên đoàn bóng đá châu Phi. Năm 2010, ông bị buộc tội nhận hối lộ trong những năm 1990 về bán hợp đồng bản quyền truyền hình World Cup. Năm 2011, Hayatou và Jacques Anouma, thành viên điều hành bị tuýt còi vì nhận 1,5 triệu USD hối lộ từ Qatar để bảo đảm việc đăng cai FIFA World Cup 2022.

Michel Platini

Được coi là một trong những người sút phạt tốt nhất, Platini tham gia Ban chấp hành FIFA từ năm 2002. Trong suốt quá trình đương nhiệm, ông đã không bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc tranh cãi lớn nào nhưng bị chỉ trích sau khi một tờ báo Thụy Sĩ chú thích rằng, cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 3 năm liên tiếp đang hưởng mức lương 2,4 triệu USD, ông từ chối thảo luận về sự việc này

Trường Minh - H.N. (tổng hợp)
.
.
.