Australia:

Nạn xâm hại trẻ em trong các trại tị nạn nhốt người nước ngoài

Thứ Hai, 22/08/2016, 21:00
Hồ sơ rò rỉ về trại tị nạn ghi lại 2.116 vụ việc diễn ra từ tháng 5/2014 tới tháng 6/2016. Các thông tin rò rỉ động trời này được công bố chỉ vài tuần sau vụ một thiếu niên bị đối xử dã man tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên ở Northern Territory bị phơi bày, khiến Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phải tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn. Báo chí Úc ngày 11/8 cho hay.

 luật Australia, những người xin tị nạn bị chặn trên biển sẽ được gửi tới Nauru (thuộc nước Cộng hòa Nauru, chính thức đưa vào sử dụng năm 2001, và từng bị đóng cửa trong suốt thời kỳ cầm quyền của ông Kevin Rudd - thủ tướng thứ 26 của Úc, và chỉ được sử dụng lại từ năm 2012) và một trại khác trên đảo Manus, Papua New Guinea đồng thời được thông báo sẽ không bao giờ được định cư ở Australia.

Trẻ em trong trại tị nạn ở Nauru.

Hơn 2.000 báo cáo bị rò rỉ từ cơ quan giam giữ người tị nạn của Australia ở nước ngoài đã cho thấy mức độ khủng khiếp của tình trạng lạm dụng trẻ em ở nơi này.

Dày hơn 8.000 trang, Hồ sơ Nauru được tờ Guardian của Anh đăng tải hôm 11/8 đã hé lộ những vụ tấn công tình dục, lạm dụng trẻ em, điều kiện sinh hoạt khủng khiếp và tự làm hại mình trong vòng 2 năm tại một trung tâm giam giữ người xin tị nạn của Australia tại Nauru.

Trong số các vụ việc, hơn một nửa liên quan tới trẻ em, dù các em nhỏ chỉ chiếm 18% số lượng người bị giữ tại đây.

Số lượng người tị nạn và xin tị nạn cố tới Australia chỉ là một phần rất nhỏ so với số người muốn vào châu Âu. Tuy nhiên, nhập cư đã từ lâu là vấn đề bức xúc ở Australia và chính sách cứng rắn về vấn đề này đều được lưỡng đảng ủng hộ.

Theo phân tích của Guardian, trẻ em được đề cập trong hầu hết các báo cáo. Có tổng số 1.086 trường hợp, hay 51,3% số báo cáo, là có liên quan tới các em nhỏ. Trong hồ sơ, có trường hợp một lính gác cưỡng hiếp và dọa giết một bé trai hay vụ một bé gái đã tự khâu miệng của mình trong khi các lính gác đứng nhìn và cười.

Một văn bản đề tháng 7/2014 cho biết, một em nhỏ dưới 10 tuổi bị lột quần áo và bị một nhóm người trưởng thành dùng tay xâm phạm bộ phận sinh dục.

Trong những tài liệu bị rò rỉ, có 7 báo cáo về tấn công tình dục trẻ em, 59 báo cáo về hành hạ các em nhỏ, 30 vụ trẻ em tự làm hại mình và 159 vụ đe dọa tự làm đau liên quan tới các em nhỏ. Ngoài ra, các báo cáo còn lại đề cập tới nhiều vấn đề liên quan tới trẻ em, từ tai nạn tới những hành vi xấu.

Có một báo cáo rò rỉ ghi lại thông tin, một đứa trẻ đã viết trong nhật ký của mình rằng, em mệt mỏi, không thích ở trại này và muốn chết... "Tôi muốn chết, tôi cần phải chết".

Các nhà hoạt động cho hay, tài liệu rò rỉ cho thấy, nhu cầu khẩn cấp phải chấm dứt chính sách giam giữ người tị nạn ở nước ngoài của Australia và những người tị nạn phải được hỗ trợ về tâm lý và thuốc thang.

Tính tới cuối tháng 6.2016, trại Nauru đã thu nhận 442 người dân tị nạn và di dân, trong đó bao gồm 49 trẻ em. Điều kiện sống của trại quá nghèo nàn, và người tị nạn phải sống trong đau đớn cùng cực không khác gì trại tập trung.

Người tị nạn tham gia phản kháng ở trại tị nạn Nauru đầu năm 2015.

Điều này đã vẽ nên một bức tranh rối loạn và tàn ác trong trại tị nạn, và là một bê bối lớn nhất khiến các cơ quan nhân quyền quốc tế phải lên án chính phủ Úc về vấn đề nhân quyền. Các chuyên gia quốc tế về nhân quyền nhận định, sự việc trên bị phanh phui sẽ khiến chính phủ Úc phải thay đổi chính sách giam giữ người nhập cư.

Ông Peter Young, cựu giám đốc y tế cho hệ thống nhập cư giam giữ của Úc, cho biết sau 6 tháng sống ở trại, số người tị nạn thường nảy sinh khuynh hướng tự sát hoặc tự hủy hoại bản thân bởi tuyệt vọng.

Đây là một hiện tượng rất phổ biến trong nhà tù. Chẳng hạn sự kiện khâu môi là tượng trưng cho sự kháng nghị câm lặng, bất lực tới cùng cực.

Nguyễn Minh (Tổng hợp)
.
.
.