Ánh sáng hòa bình trong Khu Phi quân sự Triều Tiên
Tiến hành tháo gỡ
Trong tuyên bố đưa ra ngày 1-10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ: “Thông qua việc xem công tác tháo gỡ bom mìn là một điểm khởi đầu, các quan chức quân sự của hai miền Triều Tiên sẽ theo đuổi nỗ lực chung nhằm bảo đảm rằng thỏa thuận quân sự sẽ được thực hiện một cách bình thường và có hệ thống”.
Quân đội hai miền Triều Tiên đã tiến hành tháo gỡ bom mìn trong Khu vực An ninh chung (JSA) nằm trong DMZ mà hai bên đất nhất trí giải giáp, và một phần khu Cheorwon thuộc tỉnh Gangwon - nơi hai bên có kế hoạch triển khai một dự án chung nhằm khai quật hài cốt của những binh sỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào năm tới.
Dự kiến, công việc tháo gỡ bom mìn trong khu vực JSA sẽ kéo dài trong 20 ngày. Cũng trong khoảng thời gian này, các đại diện của hai miền Triều Tiên và Bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ giám sát các hoạt động ở DMZ sẽ tiến hành các cuộc hội đàm ba bên về một loạt vấn đề, bao gồm cách thức hoạt động của quân đội sau tiến trình giải trừ quân bị. Ngoài ra, các bên cũng sẽ thảo luận về sáng kiến mỗi miền Triều Tiên sẽ đồn trú 35 binh sỹ tại JSA để tham gia vào các chiến dịch an ninh chung.
Binh sĩ Hàn Quốc đang làm sạch bom mìn dọc DMZ. |
Trong khi đó, việc tháo gỡ bom mìn tại dãy núi Arrowhead thuộc khu vực Cheorwon sẽ kéo dài trong vòng 60 ngày và kết thúc vào ngày 30-11. Công việc này được thực hiện nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch chung nhằm khai quật hài cốt của các binh sỹ còn nằm lại sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tiếp theo, dự án khai quật hài cốt tại khu vực Cheorwon sẽ được hai miền Triều Tiên lên kế hoạch thực hiện từ ngày 1-4 cho tới 31-10-2019. Arrowhead là nơi từng diễn ra một trận chiến ác liệt và ước tính có khoảng 500 hài cốt, trong đó có 300 hài cốt của binh sỹ thuộc Bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc đang bị chôn vùi tại khu vực này.
1 triệu quả mìn đang ẩn mình
Người ta ước tính rằng khoảng 1 triệu quả mìn đã được cài đặt trong DMZ kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-5193. Hai miền Triều Tiên đã không ký Hiệp ước Ottawa năm 1999 cấm sử dụng, dự trữ, sản xuất và chuyển giao mìn gây nổ sau khi tiếp xúc vật lý với một người hoặc động vật. Đó là vì những mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên và thực tế là hai bên vẫn đang trong chiến tranh vì một hiệp ước hòa bình chưa bao giờ được ký kết.
Khoảng 160 quốc gia đã ký Hiệp ước Ottawa, nhưng Mỹ, Trung Quốc, Nga và hai miền Triều Tiên cũng như Ấn Độ, Iran và Pakistan đã không tham gia ký kết hiệp ước. Hàn Quốc và Mỹ đã cho rằng việc sử dụng các loại mìn chống người và chống tăng dọc theo DMZ là cần thiết để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiềm năng từ Triều Tiên. Những quả mình chống người và chống tăng nằm rải rác trong DMZ thường xuyên phải được thay thế trước khi chúng trở nên không hiệu quả sau vài năm.
Kể từ khi chiến tranh, có rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến bom mìn đã giết hại hoặc làm tổn thương dân thường và nhân viên quân sự. Năm 2013, một nông dân đã chết khi đang làm việc trong một khu vực có kiểm soát ở phía Hàn Quốc. Mìn cũng dẫn đến cái chết cho nhiều loài thú hoang trong khu phi quân sự. Chúng cũng đã cản trở các dự án hòa bình trong DMZ.
Một DMZ không có bom mìn là cần thiết để thiết lập một công viên hòa bình trong khu vực, một trong những cam kết chính của cựu Tổng thống Park Geun-hye. Điều đó sẽ không thể xảy ra trừ khi hai miền Triều Tiên tham gia Hiệp ước Ottawa.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký kết một thỏa thuận nhằm triển khai những nội dung hợp tác về quân sự được nêu lên trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm tháng 4-2018, cam kết chấm dứt tất cả các hành vi thù địch nhằm vào đối phương và thiết thực loại bỏ nguy cơ chiến tranh.