Anh-Pháp giải quyết "điểm nóng Calais"

Thứ Tư, 24/01/2018, 19:12
Việc đạt thỏa thuận về ngân sách để xử lý "vấn nạn người di cư" tại Hội nghị thượng đỉnh Anh-Pháp diễn ra tại London hôm 18-1 cho thấy, cả Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Theresa May đều muốn giải quyết "điểm nóng Calais".

Bởi bà Theresa May đã quyết định chi thêm 44,5 triệu bảng Anh (theo đề nghị của ông Emmanuel Macron) để lập rào chắn, lắp camera an ninh, công nghệ dò tìm và máy quét nhiệt tại cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, cũng như ở các điểm khác dọc eo biển Manche, tuyến đường người di cư thường đi qua để đến bờ biển nước Anh bằng phà hoặc tàu. 

Và như vậy, Anh sẽ chi tổng cộng hơn 100 triệu bảng Anh (theo thỏa thuận biên giới giữa Paris và London) để tăng cường an ninh biên giới trong bối cảnh hàng trăm người di cư tiếp tục sống tạm bợ tại Calais với hy vọng tới "xứ sở sương mù". 

Được biết, trong 3 năm qua, Anh đã chi 171 triệu USD cho hạ tầng an ninh và biên giới. Theo giới truyền thông, Anh và Pháp đang thực hiện Hiệp ước Le Touquet ký năm 2003 - cho phép 2 nước kiểm tra người di cư ở biên giới của nhau. 

Và thỏa thuận vừa ký hôm 18-1 sẽ giúp hoàn chỉnh Hiệp ước Le Touquet - cho phép cảnh sát Pháp kiểm tra người di cư ở thị trấn Dover (Anh), còn cảnh sát Anh được hoạt động ở cảng Calais (Pháp). 

Theo giới chuyên môn, trong thỏa thuận vừa được ký đáng quan tâm nhất là cách quản lý trẻ vị thành niên không có người đi kèm tìm đường vào Anh, và đây là thách thức đối với cảnh sát.

Người di cư tập trung ở hàng rào biên giới tại Calais.

Trước khi ký thỏa thuận hôm 18-1, cơ quan chức năng Pháp từng phàn nàn khi phải chi phí quá lớn để giải quyết người di cư bởi có quá nhiều người xin tới Anh đang ở trong các trại tị nạn tại Calais. 

Theo giới truyền thông, trước khi đến London, Tổng thống Emmanuel Macron đã có chuyến thị sát tại Calais và tuyên bố, người di cư sẽ không thể trở lại khu lán trại tị nạn gần cảng này vốn bị nhà chức trách xóa sổ hồi tháng 10-2016. 

Được biết, từng có gần 10.000 người tị nạn sống tạm bợ trong những lều lán nhất quyết không ra trình diện cho dù cư trú ở Calais. Và số lượng người di cư trên các đường phố tại thủ đô Paris đã tăng vọt, sau khi chính quyền quyết định giải tỏa khu trại bất hợp pháp ở cảng Calais. 

Cảnh sát từng cưỡng chế di dời 2.500 người nhập cư đang sống tại các khu lán trại tạm bợ ở phía Bắc thủ đô Paris. Văn phòng Cảnh sát trưởng Paris cho biết, các khu trại tị nạn trái phép kể trên gây ra nguy cơ bất ổn và sức khỏe cộng đồng đối với cả người nhập cư và cư dân địa phương, nên họ phải ra quân dẹp bỏ "mối nguy đến từ Calais".

"Từ nay đến cuối năm 2017, Pháp phải chấm dứt tình cảnh người tị nạn vạ vật trên các đường phố và trong các khu rừng", ông Emmanuel Macron tuyên bố tại lễ trao chứng nhận quốc tịch Pháp cho những công dân mới tại thành phố Orleans hôm 27-7-2017. Và đó là tuyên bố gây bất ngờ kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Emmanuel Macron về vấn đề người tị nạn. 

Tổng thống Emmanuel Macron từng khẳng định, những người nhập cư bất hợp pháp, phạm tội tại Pháp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Và ông chủ điện Elysee cũng cho rằng, Chính phủ Pháp hoàn toàn có thể thực hiện những biện pháp mạnh tay và trục xuất bất kỳ người nhập cư bất hợp pháp nào nếu họ phạm tội, kể cả khi không ban hành luật mới có liên quan tới lĩnh vực này. 

Tổng thống Emmanuel Macron cũng từng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc triệt phá các nhóm tội phạm, và công bố một kế hoạch để triệt phá các mạng lưới tội phạm buôn người di cư tại Libya. Theo số liệu công bố hôm 8-1, số người được nhận quy chế tị nạn tại Pháp trong năm 2017 đã chạm mốc kỷ lục 100.000 người. 

Ông Pascal Brice, người đứng đầu cơ quan bảo vệ người di cư Pháp (Ofpra) cho biết, số liệu này xác nhận Pháp hiện là một trong những quốc gia tiếp nhận nhiều người di cư nhất châu Âu. 

Được biết, Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đang chuẩn bị công bố dự luật di cư mới. Thủ tướng Edouard Philippe đã cảnh báo, sẽ thắt chặt chính sách đối với người tị nạn kinh tế.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia vừa cho biết, đã giải cứu 264 người di cư trên một chiếc thuyền ngoài khơi bờ biển Calabria, nhờ sự phát hiện của máy bay thuộc Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex). Trước đó (10-1), ông Othman Belbeisi, lãnh đạo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Libya cho biết, gần 800 người di cư đã được giải cứu ngoài khơi bờ biển Libya, và khoảng 200 người đã chết hoặc mất tích trên Địa Trung Hải trong 10 ngày đầu tiên của năm 2018, gần bằng con số 254 người chết trong tháng 1-2017. Ngày 9-1, Hải quân Libya cho biết, khoảng 100 người đã mất tích tại Địa Trung Hải khi đang trên hành trình đến châu Âu sau khi chiếc thuyền cao su chở họ bị chìm ngoài khơi bờ biển nước này. 

Trịnh Huyền My
.
.
.