Án tử cho "vua trộm mộ" của Trung Quốc
Một tòa án ở miền Bắc Trung Quốc đã tuyên án tử hình với người cầm đầu nhóm đánh bom lăng mộ giàu có nhất nước này, với một sự ân xá 2 năm.
Yao Yuzhong đã bị kết án vào ngày 29-11, sau khi bị kết tội nhiều tội danh: khai quật mộ, cướp bóc và bán đồ cổ bị đánh cắp. Yao Yuzhong vốn cầm đầu của băng đảng gồm 225 tên cướp mộ đã bị bắt vào năm 2015.
Luật sư của Yao, Bi Baosheng, cho biết "kẻ đào mộ" bị kết án tử vì "đào bới các di tích văn hoá cổ và mộ cổ" và "bán lại di tích văn hoá". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng tòa cũng đã dành cho thân chủ của ông 2 năm ân xá, cho thời gian để kháng cáo hoặc giảm án thông qua hành vi tốt.
Trong bản án, cùng với Yao, 22 thành viên trong băng đảng này cũng đã nhận các mức án tù khác nhau, có 3 người nhận án tù chung thân.
Báo chí địa phương cho biết vụ bắt giữ băng đảng của Yao là một trong những vụ lớn nhất được thực thi bởi Bộ Công an kể từ năm 1949. Cùng với việc bắt giữ, cơ quan chức năng cũng đã thu hồi tổng cộng 2.063 đồ tạo tác, trong đó có 16 món được xếp vào danh sách bảo vệ cấp 1 của quốc gia.
Tiểu sử “vua trộm mộ”
Theo Hoàn cầu Thời báo (GT), Yao đến từ Chifeng thuộc khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc. Y là thủ lĩnh của băng nhóm lớn nhất trong 12 băng nhóm trộm mộ có tổ chức tại Trung Quốc. Yao không được đi học hành đầy đủ nên đã chọn nghề đào mộ như một cách “nối nghiệp” từ cha mình. Có tin rằng băng đảng của Yao đã đứng đằng sau vụ cướp hơn 2.000 hiện vật cổ đã bị đánh cắp từ một di tích lịch sử ở tỉnh Liêu Ninh.
Theo trang web tin tức Trung Quốc, The Paper, Yao vào nghề bằng cách trộm những ngôi mộ có từ thời Trung cổ Hồng Sơn. Người ta nói rằng mồ mả như vậy rất ít và những tay trộm mộ đòi hỏi phải có kỹ năng “dò tìm kho báu” cao để xác định các khu mộ như vậy và đào bới.
Yao đã từng trải qua 30 năm trong đời để tìm kiếm và đào bới lăng mộ, và y đã giành được danh hiệu "Master Tomb Raider" (vua trộm mộ) ở Trung Quốc.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi chính phủ nên có sự cân bằng giữa việc bảo tồn các di tích văn hóa và việc đô thị hóa nhanh. Ông gọi các di tích văn hóa là "một di sản quý báu từ thời tổ tiên của chúng ta" và nó có lợi cho thế hệ tương lai sau này. Các nhà khảo cổ cho biết họ hy vọng sự trừng phạt nghiêm khắc sẽ là lời cảnh báo cho hiện tượng đào bới, cướp mộ đang nở rộ ở Trung Quốc.
Đòi hỏi “chuyên môn cao”
Theo nhà khảo cổ Ni Fangliu ở Nam Kinh, những kẻ cướp mộ đang trở nên tinh vi, sử dụng kỹ năng khảo cổ học để xác định vị trí ngôi mộ. Các đạo chích trộm mộ có nhiều hiểu biết về nghi thức cổ, sử tích địa phương, thuyết phong thủy. Ông Ni Fangliu cho biết, các triều đại khác nhau tiến hành các tang lễ khác nhau. Theo ông, hiện có khoảng 100.000 kẻ cướp mộ đang hoạt động tại Trung Quốc.
Trên thực tế, “đạo mộ” là một công việc phức tạp hơn rất nhiều so với việc trộm cắp thông thường. Những kẻ “đạo mộ” phải có kiến thức về lịch sử và địa điểm các quan viên, quý tộc thời xưa được chôn cất. Đây cũng là một nghề nguy hiểm vì những kẻ trộm luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ngạt thở hoặc chôn thân vĩnh viễn dưới những ngôi mộ bị sập. Ngoài ra, theo thần thoại Trung Quốc, người chết có thể bị mắc kẹt tại thế giới bên này nếu mộ của họ bị xáo trộn. Vậy nên, những “hồn ma” sau đó sẽ “ám” những kẻ phá đám cả cuộc đời.
Mặc dù việc tìm kiếm trộm cắp cổ vật trong các ngôi mộ cổ xảy ra ở Trung Quốc từ hàng ngàn năm nay, nhưng trong vài thập kỷ qua, số tội phạm “đạo mộ” đã tăng rất nhanh. Từ thời cổ đại, những ngôi mộ luôn được coi là cầu nối với thế giới bên kia, và những người giàu có sẽ được chôn trong các hang động cực kỳ tinh xảo với rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc cũng như các bản sao đồ vật gia đình. Những kẻ “đạo mộ” có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ cho dù bán cổ vật trên thị trường chợ đen hay bán cho các nhà đấu giá nổi tiếng như Sotheby's.
Nhiều năm qua, nghề “đạo mộ” ở Trung Quốc ngày càng trở nên rầm rộ. Ở một địa điểm dưới nước gần Quảng Châu, các nhà chức trách liên tục phải ngăn chặn các nhóm thợ lặn cố gắng lẻn vào lúc giữa khuya. Kể từ những năm 1990, cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc đã hợp tác với các đối tác châu Âu và Mỹ để ngăn chặn việc buôn lậu hiện vật cổ xưa, thường được đưa ra nước ngoài dưới hình thức "bản sao". Một số nhà khảo cổ ước tính rằng trong lịch sử Trung Quốc, cứ trong 10 ngôi mộ thì có 9 ngôi từng bị đột nhập.
Băng đảng của Yao có tổ chức cao, được cung cấp nguồn vốn, hay đi khám phá, cướp bóc và buôn bán các di tích lịch sử. Đồng bọn đã khai nhận cách thức trộm mộ của Yao là sử dụng các dụng cụ thiên văn và bản đồ cũ để tìm các di tích.