Án phạt 1,1 tỷ USD của Ngân hàng Royal Bank of Scotland

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:21
Vụ chấp nhận nộp khoản tiền phạt trị giá 1,1 tỷ USD cho giới chức Mỹ để dàn xếp bê bối bán trái phiếu thế chấp có chất lượng kém trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2007-2008 của Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) được dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.


Bởi mức phạt này thấp hơn nhiều so với khoản phạt 14 tỷ USD mà Mỹ yêu cầu Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức để giải quyết vụ kiện tương tự. 

Có tin nói rằng, Deutsche Bank đang tiến gần đến một thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ để giảm số tiền phạt kể trên xuống còn 5,4 tỷ USD. Nhưng tin này chưa được xác nhận.

Và trong tuyên bố đưa ra hôm 28-9, RBS cho biết, ngân hàng này nhất trí khoản tiền phạt kể trên với Ban Quản lý hội tín dụng quốc gia của Mỹ nhằm dàn xếp 2 vụ kiện dân sự. Tính đến nay RBS và Deutsche Bank cùng nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đều bị giới chức tài chính Mỹ cáo buộc cố tình khiến nhà đầu tư lầm tưởng về giá trị thực của các loại trái phiếu được thế chấp và đây là điều tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước.

Hạ tuần tháng 5-2015, RBS cùng 3 ngân hàng lớn khác là Citigroup (Mỹ), JP Morgan (Mỹ) và Barclays (Anh) đã nhận tội cố gắng thao túng tỷ giá hối đoái và chấp nhận nộp phạt 5,7 tỉ USD để tránh phải hầu kiện.

Ngân hàng Royal Bank of Scotland.

RBS cũng từng dự báo, 2016 sẽ là năm mà giới đầu tư có thể phải đối mặt với những tổn thất lớn, trong bối cảnh cổ phiếu và dầu thô đều rớt giá mạnh, do đó ngân hàng này khuyên họ nên bán cổ phiếu và chuyển sang mua trái phiếu.

Các nhà kinh tế RBS cho rằng, tình hình hiện nay gợi lại thời điểm sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới năm 2007-2008.

Trước đó, nhiều ngân hàng lớn phải trả hàng tỷ USD để dàn xếp cáo buộc liên quan tới hành vi che giấu những rủi ro và xung đột lợi ích trong việc bán trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp như Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase & Co.

5 tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ từng áp mức phạt 5,1 tỷ USD đối với Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs vì đã phát hành và bán trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp cùng các tín phiếu liên quan tới thị trường nhà đất, trong khi các tài sản này có giá trị thấp và rủi ro cao.

Năm 2014, Goldman Sachs đã đồng ý trả 3,2 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc tương tự đối với 2 công ty tài chính nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac ở Mỹ.

Hơn 1 năm trước (4-8-2015), Bộ Tài chính Anh thông báo, bắt đầu bán phần lớn cổ phiếu của họ tại RBS. Động thái này nằm trong kế hoạch thoái vốn của chính phủ Anh tại RBS để lấy tiền trả nợ công. Theo đó, Chính phủ Anh đã bán 5,4% cổ phần tại RBS, thu về hơn 2 tỷ bảng Anh và đây là khoản lỗ không nhỏ. Bởi giá bán chỉ thu được ở mức 300 pence/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 500 pence/cổ phiếu tại thời điểm Chính phủ Anh chi để giải cứu RBS năm 2008.

Theo thống kê, số tiền Chính phủ Anh từng chi để cứu RBS lên tới hơn 45 tỷ bảng Anh. Tuy nhận được gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, nhưng RBS vẫn thua lỗ (khoảng 50 tỷ bảng Anh) và sa thải hơn 30.000 nhân viên.

Nhưng Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông George Osborne vẫn khẳng định, đây là bước đi quan trọng nhằm tư nhân hóa RBS và cần thiết cho người dân bởi giúp ổn định tài chính, nâng cao tính cạnh tranh và phục vụ lợi ích chung của nền kinh tế.

Theo tờ Financial Times, Mỹ từng điều tra RBS vì nghi ngờ ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Hơn 4 năm trước (tháng 8-2012), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tư pháp đã điều tra RBS và việc này diễn ra sau khi ông Stephen Hester nắm quyền tại ngân hàng này một thời gian.

Năm 2010, RBS từng phải nộp phạt 500 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ sau khi thừa nhận, ABN Amro, ngân hàng của Hà Lan được RBS mua lại năm 2007, đã vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Libya, Sudan và Cuba.

Trước đó (26-2-2009), RBS báo lỗ 34,2 tỷ USD, một con số chưa từng có trong lịch sử của ngân hàng này. Theo giải trình của RBS, khoản thua lỗ kể trên diễn ra một phần do họ mua lại cổ phần của ngân hàng ABN Amro.

Chỉ 3 tuần sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc phụ trách bộ phận tái cơ cấu mảng đầu tư của RBS, nhưng ông Rory Cullinan đã mất chức hôm 30-3-2015. Bởi con gái ông Rory Cullinan đã tải lên mạng để khoe với bạn bè những tin nhắn than thở chán họp của bố. Và sau khi bị tờ The Sun đăng lại, ông Rory Cullinan, một trong những lãnh đạo được trả lương cao nhất ở RBS đã bị sa thải.
Khắc Tuấn
.
.
.