Ẩn họa cháy, nổ từ các xưởng sản xuất trong khu dân cư
Vụ cháy nhà xưởng làm 8 người chết xảy ra tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội mới đây một lần nữa cảnh báo các nhà xưởng thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn được hoạt động trong khu dân cư, dẫn đến tai họa khôn lường về người và của không chỉ với các nhà xưởng mà còn ảnh hưởng tới các nhà dân xung quanh bởi nạn cháy lan. Thực trạng đáng báo động là vậy nhưng hiện nay vẫn còn hàng nghìn cơ sở sản xuất đặt trong các ngõ ngách và các khu dân cư...
Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm vốn là làng nghề tái chế phế liệu. Khắp các ngõ ngách trong làng đều tràn ngập phế liệu của các hộ kinh doanh sản xuất, tái chế phế liệu.
Nhiều người dân ở đây rất lo lắng nguy cơ cháy nổ từ các kho, xưởng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi trước đó, cũng ở khu vực này, ngày 14-10-2018, đã xảy ra cháy xưởng sản xuất ghế sofa trong khu đô thị Trung Văn, làm một người chết.
Thực tế, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm chỉ là một trong nhiều khu vực tập trung nhiều xưởng, kho được xây dựng tạm, xen kẽ với khu dân cư. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động, nhưng phần lớn không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy…
Nhớ lại vụ hỏa hoạn thiêu rụi 6 nhà xưởng hồi tháng 3-2018. Ông Nguyễn Huy Thắng, Trưởng thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì chia sẻ: "Những năm gần đây, trong thôn cũng đã xảy ra một số vụ cháy nhà xưởng tái chế phế liệu. Với dân số lên tới trên 30.000 người, kể cả học sinh, sinh viên đến thuê trọ, trong khi ngõ phố quanh co, chật chội đầy rẫy những xưởng sản xuất dây thun, nhựa tái chế, chỉ khâu, chỉ cuộn, vật liệu may mặc… toàn vật liệu dễ cháy, chỉ cần một sự cố nhỏ là gây hậu quả rất khó lường".
Dọc tuyến phố Trương Định và cả trong các ngõ, ngách của quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nơi có rất nhiều kho, xưởng sản xuất bánh kẹo, in ấn, chế biến gỗ, nhựa...; người dân không khỏi hoang mang, lo lắng khi thời gian gần đây trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra cháy làm thiệt hại lớn về người và của.
"Tôi mong muốn các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa và nếu có thể thì nên di chuyển các kho, xưởng sản xuất tách biệt khỏi khu dân cư. Chứ chúng tôi sống thế này luôn nơm nớp lo sợ bởi nguy cơ cháy, nổ ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng" - chị Thiên Nga, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai chia sẻ.
Di dời các xưởng sản xuất ra khỏi khu dân cư là mong muốn của người dân. |
Trên đường Đê La Thành lâu nay trở thành phố bán đồ gỗ, đồ sắt có rất nhiều xưởng sản xuất lớn nhỏ nằm san sát, xen kẽ với nhà dân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Tại khu vực này, các xưởng mộc, xưởng gò hàn, các hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ về khung nhôm kính, cửa sắt với mật độ dày đặc. Trên trục đường Đê La Thành này, ngoài các cửa hàng trưng bày và kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ, xen kẽ là những xưởng sản xuất đồ gỗ với nhiều vật liệu dễ cháy nổ.
Theo số liệu của Đội cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hà Đông, hiện trên địa bàn quận có khoảng gần 7.000 nhà ở có kết hợp kinh doanh, mặt tiền thường bị bịt kín, không có lối thoát nạn... tiềm ẩn cao về nguy cơ cháy, nổ.
Trong đó, có 81 công trình cao tầng, 12 chợ, 11 siêu thị, 87 cơ sở kinh doanh karaoke, 44 cơ sở kinh doanh gas, 9 trạm cấp gas trung tâm tại các nhà cao tầng, 17 cơ sở kinh doanh xăng dầu...
Từ 16-11-2017 đến 15-11-2018, trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 50 vụ cháy làm 4 người bị thương, 1 người tử vong. Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Đội PCCC, Công an quận đã tổ chức kiểm tra 1.468 lượt cơ sở trên địa bàn, lập 1.468 biên bản kiểm tra định kỳ; xử phạt vi phạm hành chính 55 lượt với số tiền phạt: 308.800.000 đồng.
Đại úy Phạm Văn Trưởng, cán bộ Đội kiểm tra PCCC, Công an quận Hà Đông chia sẻ: "Trong khi nhận thức và ý thức của người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác PCCC vẫn còn hạn chế, cộng với những bất cập, khó khăn trong ùn tắc giao thông, nhiều ngõ sâu, chật hẹp không có đường cho xe chữa cháy hoạt động, mà nguồn nước chữa cháy lại thiếu do ao, hồ bị san lấp… nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì việc thanh kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn về luật và công tác PCCC là rất quan trọng đối với các cơ sở, xưởng sản xuất và mỗi người dân".
Theo khảo sát của phóng viên Cảnh sát toàn cầu, hiện nay tại các quận, huyện như: Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì… đang tồn tại hàng trăm cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư khiến người dân hết sức lo ngại bởi nguy cơ gây cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mới đây Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa ra một số khuyến cáo sau: Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng "Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại". Tổ chức tuần tra canh gác ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn.
Kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu các hộ kinh doanh các cơ sở, các hộ sản xuất các mặt hàng dễ cháy xen lẫn trong các khu dân cư cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.
Vận động các hộ gia đình tự giác dỡ bỏ các bộ phận cơi nới, lều lán, mái vảy bằng các vật liệu dễ cháy sát nhau hoặc thay thế vật liệu dễ cháy bằng khó cháy hoặc không cháy trước hết làm theo từng dãy tạo thành khoảng cách để ngăn cháy lan.