Ấn Độ:Chống nạn hối lộ, buôn bán trẻ em và hiếp dâm
Ấn Độ là quốc gia có sự phát triển khá nhanh trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Ước tính, có đến hàng triệu ứng dụng công nghệ mới được sử dụng ở đất nước này mỗi ngày. Tuy nhiên, điều đáng nói là, những vấn đề "muôn thuở" như buôn bán người, hối lộ và quấy rối lại đang diễn ra rất phổ biến. Đây là lý do khiến những nhà hoạt động xã hội quyết định phát triển công nghệ mới để giải quyết vấn đề "rất cũ" này.
Chống buôn bán người bằng phần mềm "Helping Faceless"
Hai chuyên gia kỹ thuật Ấn Độ đã nghiên cứu và đưa ra phần mềm ứng dụng "Helping Faceless" nhằm chống lại nạn buôn bán và bắt cóc trẻ em. Ý tưởng của phần mềm rất đơn giản, "khi nhìn thấy một đứa trẻ lang thang trên đường phố, bạn chỉ cần chụp lại hình ảnh và tải nó lên mạng có sử dụng ứng dụng Helping Faceless. Khi hình ảnh được tải lên, một công cụ tìm kiếm sẽ giúp định vị vị trí của đứa trẻ. Công nghệ kết hợp tìm kiếm và nhận dạng khuôn mặt là "xương sống" của phần mềm này", Shashank Singh, một trong những người sáng tạo ra ứng dụng "Helping Faceless" chia sẻ. "Khi đã nhận dạng được khuôn mặt đứa trẻ, ứng dụng sẽ tiến hành chuyển tiếp thông tin liên quan đến đứa trẻ về trung tâm dữ liệu của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Những tổ chức này sẽ giúp các em kết nối với gia đình của mình", Shashank Singh nói tiếp.
Lập website chống nạn hiếp dâm và hối lộ
Một trang web có tên là safecity.in được thành lập ngay sau khi vụ hiếp dâm kinh hoàng dẫn đến cái chết của một nữ sinh viên y khoa ở Delhi vào tháng 12/ 2012. Trang web cung cấp cho phụ nữ tài liệu về kinh nghiệm đối phó với "yêu râu xanh" khi bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Phụ nữ có thể đăng nhập nặc danh vào các phần mềm ứng dụng trên website để trình báo về vụ việc liên quan đến hành vi quấy rối tình dục. Phương tiện truyền thông xã hội, kết nối GPS, thiết kế web đơn giản, dễ tiếp cận và sử dụng là những điểm nổi bật của safecity.in. "Trang web của chúng tôi tập hợp dữ liệu tại các điểm nóng hoặc đánh giá xu hướng, khả năng xảy ra dựa trên báo cáo tại các khu vực, từ đó có thể giúp đỡ chị em phụ nữ. Nếu chúng ta nắm bắt, đánh giá được khả năng, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nó", Elsa D'Silva nói.
Một phụ nữ tham gia chương trình "Slut Walk" phản đối nạn quấy rối tình dục ở New Delhi. |
Cũng tương tự như vậy, trang web có tên là ipaidabribe.com đã được lập ra để tất cả mọi người có thể đăng nhập, trao đổi, tố cáo hành vi liên quan đến nạn đưa, nhận hối lộ. "Trang web nhằm mục đích thay đổi nhận thức xã hội trên diện rộng. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để công dân Ấn Độ nói về những khoản tiền mà họ phải "lót tay" cho các quan chức để giải quyết công việc", Venkatesh, một trong những người sáng lập trang web cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng thu thập dữ liệu từ người dân để qua đó tìm cách thúc đẩy quá trình cải cách và thay đổi nhận thức của người dân trên bình diện toàn xã hội" - Venkatesh nói.
Những vấn đề cố hữu trong một xã hội công nghệ
Buôn bán trẻ em, hiếp dâm, hối lộ là những vấn đề cố hữu trong một xã hội công nghệ phát triển như Ấn Độ.
Nạn buôn bán trẻ em ở Ấn Độ dường như không có dấu hiệu giảm, mặc dù nhà nước đã nỗ lực trong việc xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp cùng với sự hỗ trợ của các NGO. Phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán trong nước thường nhằm mục đích bóc lột tình dục và hôn nhân cưỡng ép, đặc biệt là trong khu vực mà tỷ lệ giới tính mất cân đối nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Ấn Độ, mỗi giờ, ít nhất 11 trẻ em ở Ấn Độ bị mất tích. Hàng triệu trẻ em trở thành người ăn xin, gái mại dâm hoặc nô lệ thời hiện đại. Một số ít bị sử dụng như chiến binh vũ trang của các nhóm khủng bố. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là quốc gia "nóng nhất" thế giới về nạn hiếp dâm. Theo thống kê, cứ 22 phút lại có một vụ hiếp dâm xảy ra ở nước này, thủ đô New Delhi còn được "mệnh danh" là "thủ đô hiếp dâm". Khảo sát của Cơ quan Phụ nữ liên hợp quốc năm 2012 chỉ ra rằng, 95% trong số hơn 2.000 phụ nữ tham gia khảo sát ở Ấn Độ cảm thấy bất an tại các nơi công cộng.
Hối lộ là một vấn đề tồn tại lâu dài trong xã hội Ấn Độ. Mỗi năm, hàng tỷ rupee đã được "trao tay" để giải quyết công việc. Người dân buộc phải trả tiền cho hầu hết mọi thứ từ giấy chứng nhận sức khỏe trong bệnh viện đến các hoạt động có liên quan đến cảnh sát. Một nghiên cứu của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2005 cho thấy, hơn 62% người Ấn Độ đã đưa hối lộ để giải quyết công việc và con số này trong khảo sát vào năm 2008 là 40%. Năm 2012, Ấn Độ xếp hạng thứ 94/176 quốc gia có chỉ số tham nhũng cao trên thế giới