Ấn Độ đối mặt với tình trạng gia tăng của nạn buôn bán trẻ em

Thứ Tư, 28/10/2020, 17:06
Ở Ấn Độ, trẻ em được phép làm việc từ năm 14 tuổi nhưng chỉ trong các doanh nghiệp liên quan đến gia đình và không bao giờ trong điều kiện độc hại.


Nhưng nền kinh tế của đất nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và nhiều người đã mất việc làm, khiến một số gia đình cho phép con cái họ đi làm. Những đứa trẻ trở thành nạn nhân của các nhóm buôn người.

Nghèo đói, thất nghiệp trong thời gian phong tỏa do COVID-19

Vào một buổi tối tháng 8-2020, một cậu bé 14 tuổi lẻn ra khỏi nhà và lên một chiếc xe buýt để đi từ ngôi làng của mình ở Bihar đến Jaipur - một thành phố hỗn loạn, đông đúc ở bang Rajasthan của Ấn Độ cách đó 800 km.

Cậu bé và những người bạn được một người đàn ông trong làng cho 500 rupee (khoảng 7 USD) để "đi nghỉ mát" ở Jaipur. Khi chiếc xe buýt đi vào Jaipur thì bị cảnh sát chặn lại. Người đàn ông này bị bắt và bị buộc tội theo luật buôn bán trẻ em của Ấn Độ, cùng với hai nghi phạm khác. Mười chín đứa trẻ, bao gồm cả Mujeeb, được giải cứu. Cảnh sát Jaipur cho biết nhiều khả năng các em bị đưa đến các nhà máy sản xuất vòng tay để bán làm nhân công rẻ mạt.

 Làm những chiếc vòng tay sơn mài màu như những chiếc vòng được bán ở Jaipur là công việc nguy hiểm. Sản xuất vòng đeo tay nằm trong danh sách các ngành nghề nguy hiểm - đòi hỏi thao tác sơn mài trên than đang cháy - không được phép tuyển dụng trẻ em dưới 18 tuổi. Kailash Satyarthi, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 và người tổ chức Bachpan Bachao Andolan (Phong trào Cứu trợ Tuổi thơ) hoạt động để bảo vệ những trẻ em dễ bị tổn thương, nói: "Trẻ em chưa bao giờ phải đối mặt với khủng hoảng như vậy. Đây không chỉ đơn giản là khủng hoảng sức khỏe hay khủng hoảng kinh tế. Đây là khủng hoảng về công lý, về nhân loại, về tuổi thơ, về tương lai của cả một thế hệ".

Từ tháng 4 đến tháng 9-2020, 1.127 trẻ em bị nghi buôn bán đã được giải cứu trên khắp Ấn Độ và 86 kẻ bị cáo buộc buôn người đã bị bắt giữ, theo Bachpan Bachao Andolan. Hầu hết trẻ em đến từ các vùng nông thôn của các bang nghèo hơn, chẳng hạn như Jharkhand hoặc Bihar. Các chuyên gia cho biết đôi khi trẻ em bị dụ dỗ bằng những lời hứa hão huyền mà cha mẹ chúng không hề hay biết, như trường hợp của Mujeeb. Trong những trường hợp khác, cha mẹ tuyệt vọng giao con cái đi làm để có tiền gửi về nhà. Những đứa trẻ được giải cứu mô tả bị buộc phải làm việc không lương trong điều kiện mệt mỏi. Một số còn cho biết từng bị xâm hại thể xác.

Cảnh sát Ấn Độ cho biết sự tuyệt vọng về nhu cầu người lao động và việc mở lại biên giới các bang đã tạo ra môi trường hoàn hảo cho bọn kẻ buôn người bóc lột trẻ em. Nhưng không chỉ các bậc cha mẹ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác - chính những đứa trẻ cũng có thể cảm thấy bị thôi thúc phải đi kiếm tiền cho gia đình đang đói khổ của chúng.

Aman (không phải tên thật) được cảnh sát giải cứu trong một cuộc truy quét buôn bán trẻ em ở Jaipur, Ấn Độ.

Kêu gọi hành động khẩn cấp

Dự luật Chống buôn người (Phòng ngừa, Bảo vệ và Phục hồi) của chính phủ được quốc hội thông qua vào năm 2018, nhưng đã mất hiệu lực khi nhiệm kỳ đầu tiên Chính phủ của Thủ tướng Modi kết thúc trước khi nó có thể được thượng viện thông qua. Một phiên bản sửa đổi đã được các bộ trưởng xem xét vào đầu năm 2020, nhưng nó đã không được chuyển đến quốc hội do sự bùng phát đại dịch COVID-19. 

Các nhà hoạt động cảnh báo rằng nếu hành động khẩn cấp hơn không được thực hiện để giải quyết các vấn đề được cho là nguyên nhân gây ra nạn buôn bán trẻ em, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể đảo ngược tiến trình hàng thập kỷ. Các nhà hoạt động cho biết, để giúp tránh điều đó, chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa trẻ em trở lại trường học sau thời gian đóng cửa. Họ cũng đưa ra lời khuyên cho các quan chức địa phương và tổ chức các cuộc họp ảo về vấn đề này. 

"Về sự gia tăng của nạn buôn bán trẻ em, chúng tôi đã gửi thư tới tất cả các thẩm phán quận và các tổ chức phi chính phủ, rằng nếu một trường hợp như thế này xảy ra, cần phải có hành động ngay lập tức".

Niranjanaradhya V. P., một nhà giáo dục phát triển tại Trường Luật Quốc gia Ấn Độ, tin rằng 30% trẻ em đã rời trường học do đại dịch sẽ không bao giờ trở lại. Ông cho biết chính sách giáo dục quốc gia của chính phủ, nhằm chính thức hóa việc đi học mầm non và mở rộng giáo dục đại học, không có biện pháp nào để giải quyết tình trạng bỏ học này. Satyarathi cho biết trẻ em nghỉ học sớm là đối tượng dễ bị bóc lột nhất: "Những đứa trẻ bỏ học và không thể quay lại lớp học. Chúng sẽ bị buôn bán, trở thành lao động trẻ em, sẽ kết hôn khi còn nhỏ, ăn xin trên đường phố hoặc thậm chí trở thành tội phạm trẻ em và lính trẻ em".

Trang Thuần
.
.
.