Ấn Độ cấm các đơn vị cảnh sát sử dụng Facebook

Thứ Bảy, 18/07/2020, 20:15
Bộ Nội vụ Ấn Độ đã cấm các đơn vị cảnh sát, là lực lượng trực thuộc của mình, sử dụng mạng xã hội Facebook. Những hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng được đưa ra trong Lực lượng Cảnh sát, Cảnh sát Biên phòng Ấn-Tây Tạng, Cảnh sát vũ trang Trung ương và Lực lượng Vệ binh An ninh Quốc gia - đơn vị chống khủng bố của Bộ Nội vụ.


Cấm để đảm bảo an ninh quốc gia

"Lệnh cấm phải được mở rộng cho tất cả các lực lượng vũ trang, như Cảnh sát Dự trữ Trung tâm Ấn Độ, Cảnh sát Biên phòng Ấn-Tây Tạng và các cựu quân nhân, bởi vì họ thường liên lạc với các lực lượng vũ trang của chúng ta. Lý tưởng nhất là Ấn Độ phải có các ứng dụng riêng của mình, tương tự như Facebook hoặc Instagram mà không có quyền lực nước ngoài truy cập được", Times of India dẫn nguồn là một lá thư của Bộ Nội vụ cho biết.

Trước đó, quân đội Ấn Độ đã ra lệnh cho các sĩ quan và binh sĩ xóa 89 ứng dụng khỏi điện thoại di động của họ, đặc biệt là Facebook, Instagram, Tinder, PUBG và nhiều ứng dụng khác, với lý do là có các vấn đề bảo mật và rò rỉ dữ liệu bí mật. Trong danh sách những ứng dụng không được sử dụng bao gồm 59 ứng dụng từ các nhà phát triển Trung Quốc, trong đó có TikTok.

Việc cấm các ứng dụng ngoại như TikTok đang mở ra cơ hội lớn cho các công ty công nghệ Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường nội địa hơn 1 tỷ dân.

Người phát ngôn của quân đội lưu ý, "chỉ thị này đã được ban hành vì số lượng những quân nhân trở thành mục tiêu tấn công trực tuyến từ phía các cơ quan tình báo của Pakistan và Trung Quốc đã gia tăng ở cấp số nhân".

Ấn Độ là thị trường lớn nhất của dịch vụ TikTok do công ty Trung Quốc ByteDance phát triển. Ngoài ra, các ứng dụng bị cấm còn có các cuộc gọi video từ Xiaomi (nhà bán điện thoại thông minh lớn nhất ở đất nước này) và cửa hàng trực tuyến Club Factory (lớn thứ ba ở Ấn Độ), WeChat messenger, bản đồ Baidu maps và trình duyệt web UC Browser. Trò chơi Clash of Kings và quản lý tệp ES File Explorer cũng trong diện bị cấm.

Trong thông báo ngày 29-6, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho rằng các ứng dụng này "gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ". Theo bộ này, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ.

"Việc khai thác, thu thập và tổng hợp các dữ liệu bởi các yếu tố thù địch với an ninh quốc phòng của Ấn Độ, mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, là một vấn đề đáng quan ngại sâu sắc và cần phải có biện pháp khẩn cấp.

Động thái này sẽ bảo vệ lợi ích của hàng chục triệu người sử dụng Internet và di động Ấn Độ. Quyết định này là một động thái có chủ đích để đảm bảo an toàn và chủ quyền của không gian mạng Ấn Độ", India Times dẫn tuyên bố của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ.

Cơ hội lớn cho các  công ty công nghệ Ấn Độ

Không chỉ TikTok, hàng loạt ứng dụng đình đám khác của Trung Quốc bị Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cấm cửa sau cuộc xung đột đẫm máu ở biên giới 2 nước làm 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. Nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh và quyền riêng tư, lệnh cấm của Chính quyền Thủ tướng Modi còn mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho các ứng dụng của các nhà cung cấp Ấn Độ.

Các công ty Ấn Độ đang đứng trước một cơ hội khổng lồ ở thị trường có tới 500 triệu người dùng Internet và đang tăng mạnh theo từng năm. Thậm chí, nó còn mở đường cho các doanh nghiệp Ấn Độ vươn lên cạnh tranh và xếp ngang hàng với các tên tuổi hàng đầu như Amazon hay Facebook.

Sau khi cấm TikTok, Ấn Độ tạo ra cú bùng nổ ngoài sức tưởng tượng cho các ứng dụng nội địa. Trong đó, Roposo, một ứng dụng được mô tả là TikTok của Ấn Độ, có 500.000 lượt tải mới mỗi giờ sau khi chính phủ nước này cấm cửa TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác. Naveen Tewari, nhà sáng lập Roposo, nhấn mạnh: "Đây là cơ hội tuyệt vời cho những ứng dụng khởi nghiệp của Ấn Độ. Chúng tôi có cơ hội để trở thành trung tâm công nghệ lớn thứ 4 của thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nga".

Roposo là ứng dụng với những video được tạo hình trên nền nhạc Bollywood, từ hài hước tới nghiêm túc, từ thời trang tới các lĩnh vực khác của cuộc sống. Thậm chí, những câu chuyện cười về đại dịch Corona cũng được người dùng đăng tải. Nhà phát triển muốn xây dựng Roposo trở thành một ứng dụng mà "bạn sẽ chẳng phải xấu hổ khi cho mẹ mình xem".

Ấn Độ có nguồn nhân lực công nghệ thông tin khá mạnh với trình độ cao. Việc phát triển các ứng dụng ở quốc gia này không phải điều mới lạ. Tuy nhiên, lệnh cấm với các đối thủ cạnh tranh có thể là động lực thổi bùng lên khát vọng của người Ấn Độ trong việc tạo ra những siêu ứng dụng, phục vụ hàng trăm triệu người. Dân số Ấn Độ cho phép hiện thực hóa mục tiêu ấy một cách không quá khó khăn.

Minh Trang
.
.
.