Tranh cãi việc áp dụng công nghệ nhận diện
Camera giám sát giúp bù đắp việc thiếu nhân viên an ninh
Hệ thống này đang được thử nghiệm tại trung tâm công nghệ Bengaluru, trước đây được biết là Bangalore, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Khoảng 500.000 gương mặt được quét mỗi ngày và khớp với các gương mặt được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát về các tội phạm.
Camera nhận diện khuôn mặt đang được giới thiệu tại sân bay Bangalore và đã được sử dụng thử nghiệm tại sân bay Hyderabad. Sân bay New Delhi gần đây cũng đã bắt đầu sử dụng các công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình kiểm tra an ninh.
Một hành khách đứng đăng ký thông tin các nhân tại quầy nhận diện khuôn mặt ở sân bay quốc tế Rajiv Gandhi, thành phố Hyderabad. |
Đường sắt của Ấn Độ là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, kéo dài từ chân các ngọn núi thuộc dãy Himalaya đến những bờ biển ở phía Nam. Hệ thống này chuyên chở khoảng 23 triệu người mỗi ngày. Tuy nhiên đường sắt của Ấn Độ cũng bị những kẻ buôn người lợi dụng, đưa hàng triệu phụ nữ và trẻ em đến các thành phố. Chúng hứa hẹn với họ sẽ có việc làm tốt, rồi bán các nạn nhân làm nô lệ tình dục hoặc đưa vào bẫy, buộc họ phải làm việc để trả nợ.
Theo một quan chức ngành Đường sắt, hình ảnh gương mặt của mọi người sẽ được lưu trữ từ xa đến 30 ngày. Lực lượng bảo vệ đường sắt được tiếp cận, giúp giải quyết các vấn đề an ninh, sau khi "người có thẩm quyền" phê chuẩn. Nhà chức trách cho hay ở đất nước có 1,3 tỷ dân, công nghệ như vậy là cần thiết để củng cố hệ thống thiếu nguồn lực và nhân lực.
Ở Ấn Độ, cứ mỗi 100.000 công dân thì chỉ có 144 sĩ quan cảnh sát phục vụ. Trong khi cũng với 100.000 công dân, ở các nước liên minh châu Âu con số lên tới 318 sĩ quan cảnh sát. Chính vì vậy, những năm gần đây các nhà chức trách đã chuyển sang công nghệ nhận dạng khuôn mặt để bù đắp cho sự thiếu hụt về mặt nhân lực.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Các cơ quan pháp luật tại New Delhi đã áp dụng công nghệ này vào năm 2018. Công nghệ này cũng đang được sử dụng trong việc quản lý an ninh cho những sự kiện lớn cũng như việc phòng chống tội phạm ở một số các tiểu bang bao gồm Andhra Pradesh và Punjab.
Nhận thấy sự hiệu quả mà công nghệ nhận diện khuôn mặt đem lại, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra dự án xây dựng một trong những hệ thống nhận diện khuôn mặt lớn nhất thế giới. Hệ thống này sẽ cung cấp dữ liệu cho cảnh sát ở khắp 29 tiểu bang và bảy vùng lãnh thổ tại Ấn Độ, qua đó việc kiểm soát an ninh sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Theo Cục Hồ sơ tội phạm Quốc gia Ấn Độ, hệ thống "có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kết quả" xác định tội phạm, những người mất tích và cả thi thể. Nó cũng sẽ giúp lực lượng cảnh sát "phát hiện ra các hình thức phạm tội" và hỗ trợ phòng chống tội phạm.
Được biết, tỷ lệ phạm tội ở Ấn Độ ở mức cao, đặc biệt là tại các khu vực nghèo nằm rải rác ở các trung tâm đô thị. Trong năm 2016, có 709 vụ/100.000 dân ở 19 thành phố lớn của Ấn Độ, so với mức trung bình cả nước là 379 vụ. Đáng báo động là Ấn Độ đã hứng hơn 100 vụ tấn công khủng bố trong 3 thập kỷ qua, gồm vụ tấn công khủng bố năm 2008 ở thành phố Mumbai, khiến 166 người thiệt mạng.
Bước đầu, dự án sẽ thu thập những hình ảnh từ các camera quan sát trên khắp đất nước, thêm vào đó là những dữ liệu như ảnh chụp tội phạm, ảnh hộ chiếu, những hình ảnh thu thập được từ Bộ Phụ nữ và Phát triển trẻ em. Nền tảng mà Chính phủ Ấn Độ hướng tới cho phép tìm kiếm các đối tượng dựa trên các bức ảnh được đăng tải trên các tờ báo hoặc những hình ảnh được các họa sĩ phác họa lại.
Nó cũng có thể nhận điện khuôn mặt thông qua các dữ liệu mà camera thu lại được. Lực lượng an ninh sẽ được trang bị các thiết bị di động cầm tay, cho phép chụp khuôn mặt trên hiện trường và tìm kiếm nó ngay lập tức dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua một ứng dụng chuyên dụng.
Nền tảng nhận diện khuôn mặt đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định tội phạm cũng như tìm kiếm những người mất tích và các thi thể. Nó cũng giúp ích rất nhiều cho lực lượng cảnh sát trong việc tìm kiếm và phát hiện các băng nhóm tội phạm giúp ích cho việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ quyền riêng tư, dự án quả thật là đáng lo ngại. "Ấn Độ không có luật bảo vệ dữ liệu. Nước này cũng không có kế hoạch áp dụng một khung pháp lý cụ thể dành cho hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới" - Apar Gupta, Giám đốc điều hành Tổ chức Tự do Internet, nói.
Ông Gupta lo ngại hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Ấn Độ có thể trở thành một công cụ trị an xã hội, được dùng để trừng phạt các hành vi phạm tội nhỏ như xả rác nơi công cộng. Nó thậm chí có thể được liên kết với Aadhaar, cơ sở dữ liệu sinh trắc học của Ấn Độ, chứa thông tin cá nhân của 1,2 tỉ công dân Ấn Độ, nhằm cho phép New Delhi thiết lập "nhà nước giám sát toàn diện, vĩnh viễn".