Ấn Độ: Phụ nữ bị cưỡng hiếp nhiều vì thiếu nhà vệ sinh
Không có nhà vệ sinh riêng, 2 chị em Murti, Pushpa ở miền Bắc Ấn Độ đã phải ra một cánh đồng cách xa nhà để rồi bị cưỡng hiếp đến chết.
60% vụ cưỡng hiếp khi nạn nhân vừa ra khỏi nhà vệ sinh
Gia đình 2 chị em họ Murti, Pushpa ở làng Katra trên chỉ là 2 trong số hàng triệu gia đình trên khắp Ấn Độ không có nhà vệ sinh riêng - một nguyên nhân quan trọng, trực tiếp dẫn đến vấn nạn cưỡng hiếp tràn lan ở Ấn Độ.
Bà Sarita Kuswaha, mẹ của một trong hai thiếu nữ bị cưỡng hiếp đến chết sau khi ra ngoài đi vệ sinh chia sẻ với hãng tin AP rằng: "Các buổi tối thực sự đáng sợ. Những người đàn ông trẻ, đôi khi say rượu, không làm chủ được bản thân và cưỡng hiếp các cô gái".
Bản thân bà Kuswaha hồi còn trẻ cũng đã từng bị tấn công tình dục bởi một người đàn ông trong làng khi bà ra ngoài cánh đồng vắng vẻ đi vệ sinh: "Khi đó, tôi có kể với mẹ chồng tôi nhưng bà bảo, hãy giữ im lặng và biết thân biết phận vì kẻ tấn công tôi có người thân đứng đầu làng".
Trong khi đó, một phụ nữ trẻ tên là Afsana chia sẻ với phóng viên rằng: "Đám đàn ông thường tụ tập bên ngoài nhà vệ sinh và nếu chúng tôi lơ đễnh, họ thường sán đến, sờ soạng".
Nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ thiếu nhà vệ sinh trầm trọng. |
Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, có đến hơn nửa tỉ người Ấn Độ, chủ yếu sống ở khu vực nông thôn không có nhà vệ sinh. Tại một số ngôi làng có phòng tắm công cộng, nhưng nhiều phụ nữ Ấn Độ tránh sử dụng vì sợ xã hội cho rằng, họ là những người phụ nữ hư hỏng và ở đây họ cũng thường xuyên bị chọc ghẹo, quấy rối. Tình trạng thiếu các nhà vệ sinh cá nhân trong từng hộ gia đình lẫn nhà vệ sinh công cộng đang đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của phụ nữ Ấn Độ.
Các quan chức cảnh sát ở Ấn Độ cũng chỉ rõ mối liên hệ trực tiếp giữa việc thiếu nhà vệ sinh với tội phạm cưỡng hiếp. "Hơn 60% các vụ cưỡng hiếp tại Ấn Độ xảy ra khi nạn nhân vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh". Ashish Gupta, cảnh sát ở bang New Delhi thừa nhận: "Rất khó để bảo vệ cho mỗi người phụ nữ Ấn Độ khi họ ra ngoài đi vệ sinh".
Louis -Georges Arsenault, Đại diện của Quỹ UNICEF tại Ấn Độ cho biết: "Khoảng 65% dân số nông thôn ở Ấn Độ trong đó phần nhiều là phụ nữ và trẻ em gái phải đi ra ngoài vào ban đêm để đi vệ sinh".
Bình thường phụ nữ Ấn Độ không ra ngoài một mình, họ thường tập trung thành các nhóm để đi vệ sinh cùng nhau. Thường họ chọn vào các thời điểm bình minh hoặc đêm muộn. Trong khi các thành viên nam giới trong gia đình lại không đi theo bảo vệ khi phụ nữ đi vệ sinh vì sợ điều tiếng.
2 chị em Murti, Pushpa bị cưỡng bức tới chết. |
Chẳng hạn, như tại Bhalswa (bang New Delhi), chỉ có 2 nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho 1.000 người. Phụ nữ phải đi theo từng nhóm, đến vào buổi sáng để chờ sử dụng các buồng vệ sinh dơ bẩn, vì đó là quãng thời gian an toàn nhất. Thế nhưng, họ vẫn thường xuyên bị chọc ghẹo, bắt cóc và tấn công. Các quan chức địa phương cho biết, những vụ việc như vậy xảy ra ít nhất 1 lần/tháng.
Bindeshwar Pathak, người sáng lập "Phong trào vệ sinh Sulabh và cải cách xã hội" - một nhóm giúp xây dựng nhà vệ sinh chi phí thấp trên khắp Ấn Độ ước tính, cần phải có khoảng 120 triệu nhà vệ sinh trên toàn đất nước. Kể từ khi được thành lập từ năm 1970, Tổ chức Sulabh International đã cung cấp hệ thống toilet xả nước cho 1,2 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ.
"Nhà vệ sinh trước, đền đài sau"
Thủ tướng mới của Ấn Độ, ông Narendra Modi khi tham gia tranh cử đã đề ra chiến dịch "nhà vệ sinh trước, đền đài sau". Ông Narendra cũng đã từng đưa ra một vài lời hứa hẹn về việc nâng cấp các dịch vụ vệ sinh môi trường cho khu vực nông thôn và khu ổ chuột ở thành thị. Tuy nhiên, những lời hứa này có lẽ đã chìm vào quên lãng.
Cựu Thủ tướng nổi tiếng Ấn Độ Nehru đã từng tuyên bố rằng: "Ấn Độ chỉ trở thành một quốc gia thịnh vượng khi mà mỗi gia đình có hệ thống vệ sinh giật nước". Và có lẽ tương lai ấy vẫn còn xa lắm