Ấn Độ:

Phá vỡ đường dây lừa đảo, mua bán thận trong bệnh viện

Thứ Hai, 13/06/2016, 16:16
Một bệnh viện tư nhân lớn ở New Delhi mới đây thừa nhận, đã bị một băng nhóm tội phạm lừa đảo nên vô tình cắt bỏ thận của một số bệnh nhân. Câu chuyện một lần nữa cho thấy, nạn buôn bán thận trên thị trường chợ đen ở Ấn Độ vẫn hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".


Thủ đoạn mới

Sự việc xảy ra tại Apollo Indraprastha - một bệnh viện tư nhân cao cấp hàng đầu ở New Delhi. Bệnh viện Indraprastha Apollo thừa nhận đã vô tình cắt bỏ nội tạng của các nạn nhân và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cảnh sát trong cuộc điều tra vụ việc nghiêm trọng này.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 nghi phạm có liên quan đến vụ việc. Phát ngôn viên của bệnh viện cho biết, họ đã bị một băng nhóm tội phạm sử dụng tài liệu giả lừa đảo, cho rằng, người hiến thận là người thân của người nhận, hoàn toàn hợp pháp theo quy định của luật pháp Ấn Độ.

Thị trường chợ đen buôn bán thận luôn là vấn đề "nóng" ở nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Một số nguồn tin cho hay, trong băng đảng tội phạm này, có hai người làm việc tại bệnh viện với vai trò trợ lý cho bác sĩ chuyên khoa thận cao cấp.

"Việc sử dụng giấy tờ giả để lấy nội tạng cấy ghép là một tội phạm hình sự. Bệnh viện cũng là nạn nhân của một hoạt động lừa đảo mua bán thận ngay trong bệnh viện. Chúng tôi kêu gọi cảnh sát tiến hành cuộc điều tra quy mô, nhanh nhất có thể để làm sáng tỏ chân tướng vụ việc", phát ngôn viên của Bệnh viện Apollo cho biết.

nhiên, người phát ngôn cũng cho biết thêm, hai trợ lý bị cáo buộc nằm trong băng nhóm tội phạm không thuộc biên chế của bệnh viện.

Nguồn tin từ cảnh sát cho hay, nạn nhân là những người nghèo bị lừa bán thận với giá 300.000 rupee (khoảng 4.480 USD). Sau khi lấy thận, băng nhóm tội phạm sẽ bán trên thị trường chợ đen với giá cao gấp nhiều lần và thu được khoản lợi nhuận khổng lồ.

Các băng nhóm tội phạm sử dụng tài liệu giả mạo để đánh lừa các bác sĩ có quan hệ thân thích với người được ghép thận. "Chúng tôi đã phát hiện năm trường hợp bán nội tạng trong năm nay. Chúng tôi đã bắt giữ năm người đàn ông và tịch thu chứng minh căn cước giả, đĩa CD, các tập tin và tài liệu.

Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và tôi tin rằng, số nạn nhân  không dừng lại ở đây", một sĩ quan cảnh sát Delhi đề nghị giấu tên cho biết.

Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là làm sao một bệnh viện lớn, uy tín như Apollo lại để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy. Phát ngôn viên của bệnh viện Apollo cho biết, bệnh viện đã thực hiện đầy đủ các quy trình cần thiết theo quy định.

Nguyên nhân của đói nghèo

Theo cảnh sát, các nạn nhân của đường dây buôn bán thận đến từ nhiều nơi trên lãnh thổ Ấn Độ, trong đó có bang Tamil Nadu và Tây Bengal. Phần lớn các nạn nhân tìm đến con đường bán thận là vì nghèo đói và cần tiền để trang trải cuộc sống. Họ đến New Delhi để bán thận. Những kẻ buôn người đã tìm cách để người bán thận được vào Bệnh viện Apollo và thực hiện các thủ tục cần thiết.

Các băng nhóm tội phạm đã lừa đảo cả bệnh viện để lấy thận bán trên thị trường chợ đen.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường buôn bán nội tạng ở Ấn Độ bùng nổ do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép. Ước tính, hàng triệu người Ấn Độ mắc bệnh thận, chủ yếu do biến chứng của căn bệnh tiểu đường.

Chính điều này khiến số lượng bệnh nhân có nhu cầu được cấy ghép thận không ngừng tăng lên mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, khoảng 2.000 người Ấn Độ bán thận mỗi năm, trong khi số lượng người cần ghép thận là 200.000 người.

Cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, buôn bán nội tạng là hành vi bất hợp pháp ở Ấn Độ và hiến tạng tự nguyện cũng phải được sự chấp thuận của một ủy ban đặc biệt của nhà nước.

Buôn bán thận là thị trường mang lại khoản lợi nhuận "kếch xù". Điều này lý giải tại sao các băng nhóm tội phạm luôn tìm mọi thủ đoạn để hoạt động. Theo WHO, mỗi năm, thị trường chợ đen tiến hành khoảng 10.000 ca mua bán nội tạng. Bệnh nhân cần ghép thận chủ yếu đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Mỗi ca cấy ghép thận, bệnh nhân có thể phải trả tới 200.000 USD nhưng người bán thận chỉ nhận được con số "khiêm tốn", chưa đầy 5.000 USD.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.