Ấn Độ:

Nỗi lo gia tăng mafia than đá

Thứ Năm, 18/01/2018, 20:15
Cuộc chiến chống mafia than đá ở Ấn Độ vừa đạt được bước tiến lớn khi lực lượng cảnh sát Lakhanpur triệt phá được một mạng khai thác và buôn bán trái phép than đá và bắt giữ 9 người. Những kẻ bị bắt giữ nói trên đã bị bắt quả tang khi đang vận chuyển bất hợp pháp than từ mỏ khai thác trong huyện.


Trả lời Hãng thông tấn Express News Service  về chiến công mới này, đại diện lực lượng cảnh sát Lakhanpur cho biết, những kẻ nói trên đã dùng các phương tiện hiện đại để khai thác mỏ một cách trái phép và bí mật vận chuyển than đi các nơi khác. 

Cảnh sát đã thu giữ được một ôtô con, một xe tải, dây chuyền vận chuyển quả, máy quét, máy in và 5 chiếc xe bus chờ ở bên ngoài để chở lậu than. Các bị cáo được xác định là: Trinath Jena (43 tuổi) ở làng Nuapada, Belpahar; Premananda Jaiswal hay còn gọi là Prem (30 tuổi) ở Mirdhakela; Manoj Behera alias Bulu (43 tuổi) ở Nahakpada; Sonu Biswakarma (34 tuổi), Bibek Jyoti Behera (35 tuổi) và Dipu Quresi (24) đến từ Budhabalanga; Harpreet Singh hay còn gọi là Hapi (22 tuổi) và Subhas Nag ở Bandhbahal. Những kẻ này ngay sau đó đã được chuyển đến nhà tạm giam và chuẩn bị hầu tòa vào tuần cuối cùng của tháng 1. 

Hiện cảnh sát cũng đã chuyển các hồ sơ giả mạo mà những kẻ này tạo nên cho nhân viên an ninh của các mỏ ở Belpahar nhằm phát hiện thêm các đồng phạm cũng như những tài xế hoặc những người đã trợ giúp những kẻ này. 

Lao động cực nhọc của những người thợ mỏ.

Cũng theo thông tin của cảnh sát thì các hoạt động của mafia than đá tại Ấn Độ thời gian gần đây đang bùng phát mạnh. Trước đó, sau khi "vua ngành than" Ấn Độ Suresh Singh bị ám sát tại một bữa tiệc cưới ở thành phố miền Đông nước này, hoạt động khai thác than đá ở đây gần như ngưng trệ. 

Nguyên do là bởi chưa có một ai mạnh như hoặc hơn Suresh Singh để thâu tóm các thế lực tham gia khai thác than đá. Vì thế, các phe nhóm vẫn khai thác than đá nhưng vẫn ở hình thức mafia nhỏ, hoạt động lẻ tẻ.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hồi cuối tháng 12 năm ngoái cho thấy, than đá - một trong những nhiên liệu thải nhiều khí độc gây biến đổi khí hậu nhất sẽ vượt vị trí số 1 của dầu mỏ và trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ nữa. 

Mức tiêu thụ than đá của thế giới dự kiến sẽ tăng rất khiêm tốn trong giai đoạn 2016-2022 với tốc độ trung bình là 0,5%/năm. Trong báo cáo hằng năm về than đá, IEA cho biết nguồn năng lượng này sẽ tăng từ 5.357 tỷ tấn lên 5.534 tỷ tấn trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ than trong sản xuất năng lượng sơ cấp dự kiến sẽ giảm từ 27% hiện nay xuống còn 26% vào năm 2022. 

Số mafia than đá ở Ấn Độ tăng nhanh.

Các chuyên gia IEA và cơ quan tư vấn năng lượng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển ngoài khối, đặc biệt ở khu vực châu Á, là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ than đá tăng mạnh, chủ yếu do tình trạng bùng nổ dân số và gia tăng mức tiêu thụ điện ở những nước này. 

Theo IEA dự báo, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều than thứ hai thế giới vào năm 2017, do nhu cầu điện tăng cao, trong khi lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc cũng tăng đột biến ở mức gần 3.200 tấn. 

Nhu cầu sử dụng than đá của Ấn Độ sẽ tăng trung bình 3,7%/năm và sẽ chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu toàn cầu vào năm 2024. Chính điều này đã tạo nên một cuộc chiến giành lợi nhuận giữa các băng đảng buôn bán than đá. 

Trong 3 năm trở lại đây, khu vực có nhiều tranh giành nhất về khai thác than đá ở Ấn Độ là thành phố đổ nát Jharkhand. Các hoạt động kinh doanh ở đây bao gồm kiểm soát mạng lưới công đoàn và giao thông vận tải, thao túng thị trường, tống tiền, hối lộ và trộm cắp công khai. 

Theo lời của S. Narsing Rao - Chủ tịch Coal India - một trong những đơn vị khai thác than lớn nhất thế giới thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ, các "mafia ngành than" thậm chí đã vươn vòi bạch tuộc của chúng vào tập đoàn này. Trong đó nổi bật là mối quan hệ luẩn quẩn giữa bọn tội phạm với cảnh sát, người dân nghèo, giới chính trị gia, các đoàn thể và quan chức Coal India. 

Công nhân phải trả một giá cắt cổ cho các tên trùm tội phạm để được tham gia vào nghiệp đoàn của họ rồi sau đó lại bị các đoàn thể áp đặt một khoản "thuế vô lương tâm" cố định cho mỗi tấn than trước khi được dỡ hàng…

Chi Anh
.
.
.