Ai có thể đánh cắp một quả bom hạt nhân Mỹ?

Thứ Năm, 14/11/2019, 11:08
Gần đây, thế giới dồn sự chú ý cho hơn 50 quả bom hạt nhân Mỹ cất giữ tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ, an ninh của những quả bom đã trở thành mối quan tâm.


Một quan chức cấp cao của Mỹ thậm chí lo ngại chúng có thể trở thành những "con tin" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Vậy, câu hỏi đặt ra là những vũ khí chết người này được Mỹ bảo vệ nghiêm ngặt đến mức nào, và liệu có khả năng chúng bị đánh cắp hay tuồn ra bên ngoài?

Mối lo B61

Điều đầu tiên cần xem xét là khả năng cướp bóc. B61 được thiết kế vào năm 1963, chúng được biết đến là có nhiều phiên bản khác nhau với khả năng gây ra vụ nổ từ 3-340 kiloton. Để dễ hình dung, Mỹ đã thả một quả bom hạt nhân có sức công phá 15 kt xuống Hiroshima.

Những quả bom có kiểu dáng đẹp nhưng nặng. Chúng dài 11 feet (3,35m), dày 13 inch (0,33) và nặng khoảng 700 pounds (317,5kg). Có 25 hầm an toàn dưới gọi là Hệ thống Cất giữ Vũ khí An ninh (W3) được đào xuống dưới lòng đất bên trong các hầm bảo vệ máy bay. Mỗi W3 có thể chứa tới 4 quả bom hạt nhân B61, nhưng chỉ có 50 quả tại Incirlik, theo một báo cáo của New York Times và được xác nhận bởi các tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vị trí của vũ khí hạt nhân chiến thuật trong hầm trú ẩn của máy bay là một phần của di sản thời Chiến tranh Lạnh, khi máy bay vẫn sẵn sàng thả vũ khí hạt nhân chiến thuật vào bất kỳ đám đông Liên Xô nào tiến dọc theo sườn phía nam của khu vực. Nhưng ngày nay, không có chiếc máy bay chiến đấu nào tại Incirlik có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân. Khi ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh mờ dần, đã có một nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu Âu, bao gồm cả bom trọng lực giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, các lý do địa chính trị đã giữ bom B61 ở Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải do chiến lược. Bây giờ tình hình trên đang thay đổi, vì Thổ Nhĩ Kỳ đã thách thức Mỹ và tiến quân vào Syria, tấn công các đồng minh (cũ) của Mỹ, và thậm chí thách thức vai trò cố vấn của Mỹ bằng hỏa lực pháo binh. Cần lưu ý, Incirlik chỉ cách 70 dặm từ biên giới Syria, dẫn đến câu hỏi về sự an toàn của những quả bom hạt nhân. Nhưng việc đánh cắp một quả bom hạt nhân hoàn toàn không đơn giản.

Liên kết mạnh và yếu

Đương nhiên, có nhiều phương pháp được đưa ra để làm cho các vũ khí hạt nhân khó có thể vô tình bị kích nổ hoặc nổ mà không được phép. Nhưng các chi tiết kỹ thuật về bản thân các quả bom hiếm khi được thảo luận, vì vậy những gì người ta biết được chỉ dựa trên các nguồn công khai, một số có niên đại từ nhiều thập kỷ trước khi những vũ khí này được chế tạo lần đầu tiên.

Hệ thống lưu trữ và bảo mật vũ khí B61, năm 2005.

Nguyên tắc thiết kế đầu tiên cần xem xét được gọi là liên kết mạnh/liên kết yếu, được áp dụng cho các vũ khí hạt nhân sản xuất từ năm 1975. "Các yếu tố quan trọng của hệ thống kíp nổ được cố tình làm 'yếu' để chúng sẽ bị hỏng và không thể phục hồi nếu tiếp xúc với một số loại môi trường bất thường", theo Steven Bellovin, Giáo sư an ninh mạng tại Đại học Columbia, người đã thu thập các luồng vật liệu nguồn mở về bảo vệ vũ khí hạt nhân. "Một ví dụ thường được sử dụng là một tụ điện có các thành phần sẽ tan chảy ở nhiệt độ thấp định sẵn".

Trong khi đó, một ví dụ về một “liên kết mạnh” để bảo vệ các quả bom là hệ thống nổ, được tách biệt về mặt điện tử với phần còn lại của quả bom để nó sẽ không bị nổ lây bằng các vụ nổ năng lượng (như bom khác nổ hoặc bị gây nhiễu). “Các liên kết mạnh cung cấp sự cách ly điện cho hệ thống kích nổ", Giáo sư Bellovin cho biết. "Chúng chỉ phản ứng với các tín hiệu đầu vào rất đặc biệt".

Kết quả cuối cùng cho những tên trộm bom hạt nhân tiềm năng là chúng rất khó có thể kích nổ một quả bom hạt nhân trong bất kỳ điều kiện nào ngoại trừ việc tuân thủ đúng nguyên tắc kích nổ được thiết kế của nó.

Một trở ngại tương tự để vô hiệu hóa bom hạt nhân của Mỹ bị đánh cắp là Thiết bị cảm biến môi trường được tích hợp trong vũ khí. Những cảm biến này phát hiện những gì quả bom đang trải qua - gia tốc, trọng lực, áp suất khí quyển, v.v… Nếu quả những cảm biến này xác định rằng đó không phải là điều kiện mà nó nên trải qua (được bay và thả), thì đầu đạn sẽ tự tắt khả năng nổ.

Trên đây là tất cả những điều được thiết kế để ngăn kẻ trộm sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng hãy nhớ rằng các hệ thống này chủ yếu được đặt ra vì lý do an toàn. Nói cách khác, chúng nhằm để ngăn chặn một quả bom hạt nhân phát nổ do tai nạn hoặc để chắc chắn rằng nó sẽ tắt khi phát hiện bị đánh cắp phi pháp. 

Ngoài ra, có các lớp bảo vệ khác được thiết kế để bảo đảm an ninh, tức là bảo vệ khỏi hành vi trộm cắp và sử dụng trái phép. Điều này đưa chúng ta đến thế giới của PAL - những "Liên kết hành động cho phép".

Các khóa PAL

PAL là các khóa được tích hợp trong vỏ vũ khí phải được mở trước khi vũ khí có thể được trang bị. Trước đây chúng chỉ có khóa cơ quay, nhưng nay chúng đã được thay thế bằng các hệ thống cơ điện khó bẻ khóa hơn. 

"PAL là thiết bị tiên tiến hơn được tích hợp trong vỏ vũ khí và không thể mở chúng mà không tháo rời toàn bộ đầu đạn", Chuck Swen viết năm 1995 trong cuốn "Thanh gươm Armageddon: Phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ kể từ năm 1945". 

Các vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ có khóa hành động loại F tiên tiến nhất, trong đó có tích hợp một công tắc nhiều mã, gồm 12 chữ số, có chức năng vô hiệu hóa đầu đạn sau nhiều lần thử nhập mã, ông Hansen cho biết.

Có những mối đe dọa khác từ vụ trộm cắp nội bộ đến các cuộc tấn công khủng bố mà nhiều khả năng hơn là chiếm giữ vũ khí của một đồng minh NATO. Squassoni nói: "Có thể đó không phải là Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mà là một số bên phi nhà nước. Họ ăn cắp nó, tháo rời ra và họ không hiểu họ đang làm gì, nhưng họ có nguyên liệu phân hạch. Vậy thì họ làm gì với điều đó?".

Một số người không tin rằng PAL là đủ để vô dụng hóa một vũ khí hạt nhân bị chiếm đoạt bởi một quốc gia có một chương trình nghị sự hạt nhân. 

Vipin Narang, Phó giáo sư Khoa học chính trị tại MIT và là tác giả của cuốn sách “Chiến lược hạt nhân trong kỷ nguyên hiện đại”, nói "bạn có thể làm chậm một bên nhà nước kiên quyết với các khóa PAL, nhưng cuối cùng vẫn không thể ngăn một nhà nước đảo ngược các kỹ thuật. Bạn có thể không sử dụng được vũ khí đó, nhưng bạn có thể tách rời một số phần của nó và tái thiết kế nó mà không cần PAL". 

Phần lớn bảo mật được thiết kế để bom hạt nhân không thể hoạt động khi bị can thiệp. Nhưng một quốc gia quan tâm đến kỹ thuật đảo ngược sẽ không quan tâm đến việc kích nổ vũ khí và sẵn sàng hủy hoại nó trong khi bẻ khóa để tìm hiểu về công nghệ hoặc đơn giản là để lấy nguyên liệu.

Vì vậy, người có lợi nhiều nhất từ một vũ khí hạt nhân bị đánh cắp, ngay cả khi bị vô hiệu hóa, dường như là Thổ Nhĩ Kỳ. "Rủi ro gia tăng nếu một vũ khí hạt nhân của Mỹ bị tổn hại bởi một cường quốc hạt nhân khác là tương đối nhỏ", Bellovin viết. "Tuy nhiên, một cường quốc phi hạt nhân, một nhóm hoặc nhóm giỏi sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ bất cứ điều gì để cải thiện khả năng bằng việc sử dụng bom của người khác".

Những lời của ông Bellovin được viết từ trước cuộc khủng hoảng này, nhưng nó đúng cho cả hôm nay. Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc phi hạt nhân như vậy, và một nước có quan tâm bày tỏ về việc có vũ khí hạt nhân.

(Còn tiếp)

Bảo Anh
.
.
.