ASEAN - điểm đến của các trung tâm an ninh mạng

Thứ Năm, 20/09/2018, 11:14
Ngày 14-9, Trung tâm An ninh mạng ASEAN chính thức hoạt động ở Thái Lan. Đây là trung tâm thứ 4 ở châu Á chuyên về an ninh mạng và đối phó với tội phạm công nghệ cao.


Theo tờ The Strait Times, ý tưởng về xây dựng một trung tâm an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản được đưa ra ở hội nghị các bộ trưởng ASEAN và Nhật Bản tại Campuchia hồi năm 2017. Sau đó, các quốc gia trong khối và chính quyền Tokyo đã rất nỗ lực để ý tưởng biến thành hiện thực. 

Khoảng 700 nhân viên an ninh mạng đến từ các nước Đông Nam Á sẽ là những học viên đầu tiên và tham gia khoá đào tạo kéo dài 4 năm. Công ty công nghệ Nhật Bản NEC sẽ cung cấp hệ thống đào tạo trong đó có các chương trình đào tạo về bảo vệ mạng, điều tra số, phân tích mã độc. 

Surangkana Wayuparb, Giám đốc điều hành Cơ quan phát triển giao dịch điện tử Thái Lan, người dẫn đầu dự án cho biết: "Không chỉ Thái Lan mà mọi nước thành viên ASEAN đang gặp phải các mối đe dọa phức tạp hơn, trong khi nhân viên an ninh mạng vẫn chưa đủ. Các cuộc tấn công trên mạng có thể dẫn đến hành vi trộm cắp thông tin nhạy cảm hoặc thậm chí làm mất uy tín các chính phủ và công ty". 

Vì vậy, trung tâm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tội phạm mạng trong khu vực với mục tiêu chính là phát triển lực lượng lao động an ninh không gian mạng, đặc biệt  trong các cơ quan chính phủ ASEAN và Đội phản ứng khẩn cấp máy tính (CERT) tại mỗi quốc gia ASEAN nhằm tăng cường nhận thức an ninh mạng, tăng cường an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu, cũng như quảng bá chia sẻ thông tin. 

Các trung tâm về an ninh mạng liên tiếp được xây dựng ở ASEAN.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội của Thái Lan Pichet Durongkaveroj tiết lộ, trung tâm sẽ được đặt tại văn phòng của Cơ quan phát triển giao dịch điện tử (Public Organization). Các khóa học sẽ được tiến hành bao gồm CYDER (Cyber Defense Exercise with Recurrence), tập trung vào xử lý sự cố an ninh mạng. 

CYDER là một khóa học được được chính phủ Nhật Bản thông qua để đào tạo nhân viên an ninh mạng trên toàn quốc trong năm năm qua, với hơn 5.000 người tham gia từ hơn 1.500 tổ chức. 

Hai khóa học khác là Forensics, xử lý bằng chứng kỹ thuật số về tấn công mạng và Phân tích phần mềm độc hại bao gồm nhiều loại phần mềm độc hại khác nhau theo xu hướng đe dọa trực tuyến. Tất cả các khóa học được thiết kế để cho phép người tham gia học lý thuyết và thực hành. 

Nội dung học sẽ được cập nhật ít nhất hàng năm để theo kịp với các mối đe dọa đang phát triển. Trong bốn năm đầu của dự án này, Nhật Bản sẽ giúp ASEAN phát triển nhân viên an ninh mạng và cung cấp các chuyển giao kiến thức cần thiết để quản lý lâu dài và bền vững của trung tâm.

Đáng chú ý là đây không phải là trung tâm về an ninh mạng đầu tiên ở ASEAN. Hồi tháng 6, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng phát triển kinh tế Singapore (EDB), Tập đoàn Honeywell cũng cho ra mắt Trung tâm an ninh mạng công nghiệp đầu tiên tại châu Á. 

Được đặt tại Singapore, trung tâm này có nhiệm vụ phát triển các công nghệ bảo mật mới trong không gian mạng, cung cấp dịch vụ đào tạo thực hành và giám sát các trang web của khách hàng nhằm phát hiện những mối đe dọa về an ninh mạng. 

Hãng tin Nikkei từng viết: "Nằm trong khu phức hợp thương mại Changi Business Park của Singapore, trung tâm an ninh mạng sẽ được sử dụng để tiến hành các nghiên cứu độc quyền, phát triển những công nghệ bảo mật mới, cung cấp dịch vụ đào tạo thực hành và bằng chứng nhận, đồng thời kiểm tra và xác thực những giải pháp thực tế đang được sử dụng tại trang web của khách hàng. 

Không chỉ vận hành như một phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, trung tâm còn cung cấp các dịch vụ an ninh được quản lý giúp khách hàng giảm thiểu nguy cơ từ các vi phạm an ninh, chủ động nâng cao chất lượng bảo mật. Các dịch vụ này bao gồm theo dõi và cảnh báo liên tục về tình trạng bảo mật và chất lượng vận hành, phát hiện các mối đe dọa và quản lý rủi ro, quản lý thiết bị bảo mật, và ứng phó sự cố với chuyên gia hỗ trợ 24 giờ/ngày, 365 ngày/năm…

Ngoài 2 trung tâm về an ninh mạng nói trên, khu vực ASEAN còn có 2 trung tâm khác. Trung tâm thứ nhất là do tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) thành lập năm 2015 với mục đích tập trung vào công tác chống tội phạm mạng. Trung tâm nằm trong toà nhà khu liên hợp toàn cầu của Interpol về sự đổi mới (IGCI) tại Singapore và đã hỗ trợ trao đổi thông tin với khu vực tư nhân, nơi có những thông tin quan trọng có thể thúc đẩy các nỗ lực và hành động chống tội phạm mạng. 

Trung tâm thứ hai cũng được khai trương cùng năm tại Singapore là Trung tâm Vệ tinh chống tội phạm mạng do hãng Microsoft tài trợ. Đây là một trong số 12 trung tâm vệ tinh mà Microsoft có kế hoạch xây dựng trên toàn cầu. 

Thống kê cho thấy, các cuộc tấn công mạng đã trở nên phổ biến tại châu Á từ năm 2016 với con số là 60% cuộc tấn công. Các chuyên gia về an ninh mạng cũng cảnh báo, các mối đe dọa về an toàn an ninh mạng có thể khiến 1.000 công ty hàng đầu ASEAN tổn thất tới 750 tỷ USD.

Khánh Chi
.
.
.