Ả rập Saudi đối mặt với những hệ lụy khi dầu mất giá

Thứ Bảy, 30/05/2020, 15:02
Sau “tháng tư đen tối” khi lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng trong ngày 20-4, giá dầu thô chật vật lắm mới được tạm ổn định trong tháng 5-2020 với giá 30-35 USD/thùng. Nguy cơ dịch COVID-19 khép lại thời đại vàng son của dầu mỏ thêm cận kề và phá hoại chiến lược phát triển của vương quốc dầu mỏ Ả Rập Saudi.


Ả Rập Saudi và Nga đình chiến

Sau nhiều ngày đàm phán, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác do Nga dẫn đầu đã đạt được thỏa thuận lịch sử, đánh dấu mức sản lượng dầu mỏ được cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay. Các bên đồng ý giảm mạnh 9,7 triệu thùng dầu/ngày, bắt đầu từ ngày 1-5 và kéo dài hết tháng 6.

Sau thời gian này, sản lượng dầu mỏ trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm 7,7 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 7 đến hết năm 2020, và tiếp theo là giảm 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022. Thỏa thuận trên cũng được kỳ vọng chấm dứt cuộc chiến giá dầu từ đầu tháng 3 giữa Ả Rập Saudi và Nga, khiến giá dầu có lúc giảm đến mức thấp nhất trong vòng 18 năm.

Khu khai thác dầu Ras Al Jair của Ả Rập Saudi.

Trong lịch sử của khối OPEC, chưa bao giờ các thành viên cùng với các đối tác ngoài OPEC, mà đứng đầu là Nga lại đưa ra một quyết định mạnh tay như vậy. Gần một tháng kể từ khi thỏa thuận giữa OPEC và các thành viên ngoài khối có hiệu lực, giá dầu “ngoi lên” trở lại ở mức 30-35 USD/thùng như hồi đầu 2020.

Có ba yếu tố giải thích cho hiện tượng “tạm ổn định” này.

Một là mức sản xuất đang từ 42-43 triệu thùng/ngày rơi xuống còn 34 triệu thùng kể từ hôm 1-5-2020. Thứ hai là các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ không đủ sức chịu đựng trước sự sụp đổ của dầu lửa thế giới nên đã lần lượt ngưng hoạt động. Trong tháng 4-2020, thị trường mất đi gần 200.000 thùng dầu đá phiến của Mỹ.

Yếu tố khá bất ngờ thứ ba, tuy không quan trọng lắm nhưng cũng góp phần giữ cho giá dầu ổn định đó là khả năng sản xuất của Kazakhstan bị thiệt hại đáng kể khi dịch COVID-19 đã lan đến một trong những mỏ dầu lớn nhất của quốc gia Trung Á này. 17.000 nhân viên phải sơ tán khỏi mỏ dầu Tenguiz.

Ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (IRIS), nhận định: “Rõ ràng là mức tiêu thụ dầu hỏa giảm trong năm nay và đây là lần đầu tiên hiện tượng này tái diễn kể từ năm 2009. Tiêu thụ dầu toàn cầu có thể giảm ít nhất 1-2% trong năm nay so với dự đoán của giới phân tích hồi đầu năm.

Nhu cầu bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế đối với ngành hàng không và đường bộ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Triển vọng ngắn hạn của dầu thô còn ảm đạm hơn trước viễn cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy khủng hoảng y tế đã tác động như thế nào tới các hoạt động kinh tế.

Giá dầu xuống thấp khiến việc bàn cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Aramco không thu hút được nhà đầu tư lớn.

Kinh tế toàn cầu bị trì trệ. Tuy nhiên theo tôi, trong sáu tháng cuối năm nay, tình hình sẽ khả quan hơn. Trong tháng 4 vừa qua chẳng hạn, chỉ số tiêu thụ dầu hỏa giảm từ 20 đến 30% trên toàn cầu so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong lịch sử của ngành năng lượng dầu hỏa thì đây là mức tệ hại chưa từng thấy kể từ năm 1945”.

Dù vậy cỗ máy kinh tế của Trung Quốc không khởi động lại một cách nhanh chóng như mong đợi, còn châu Âu thì “đang trông thấy khủng hoảng về kinh tế ở trước mặt”. Nhiều nghiên cứu cho thấy với giá dầu ở mức khoảng 35 USD/ thùng, ngay cả Ả Rập Saudi cũng điêu đứng.

Gần như hoàn toàn lệ thuộc vào công nghiệp dầu lửa, Ả Rập Saudi chỉ có thể cân bằng ngân sách chi - thu với giá dầu khoảng 80 USD/thùng. Tại Mỹ, nếu dầu hỏa thấp hơn ngưỡng 65 USD tất cả các nhà sản xuất dầu đá phiến đều thua lỗ. Nga cần bảo đảm xuất khẩu dầu hỏa với giá khoảng 50 USD/thùng.

Chuyên gia Francis Perrin phân tích: “Tất cả các nhà sản xuất đều bị thiệt hại trong tình hình hiện nay, do giá dầu và mức tiêu thụ đang sụp đổ. Không một ai có lợi gì trong thời điểm này. Có điều mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là khả năng tài chính của từng quốc gia. Khi dầu  mất giá, nguồn thu nhập của các nước xuất khẩu dầu qua đó giảm theo.

Ngân sách Nhà nước bị thu hẹp lại. Những nước này rơi vào cảnh chi nhiều hơn thu. Câu hỏi đặt ra là liệu đủ sức để chống chọi với tình huống khó khăn đó hay không và bao lâu? Chúng ta biết là phần lớn các vương quốc dầu hỏa Trung Đông, như Ả Rập Saudi, Qatar, Koweit hay là Nga có một khoản dự trữ tiền tệ rất lớn.

Ngược lại, những nước như Iran hay Venezuela hoặc Algeri thì không có được lợi thế đó. Dù vậy trong bối cảnh hiện tại, dịch COVID-19 làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế, ngay cả những nhà sản xuất lớn cũng bị lao đao. Thành thử giải pháp thiết thực duy nhất là hợp tác quốc tế”.

COVID-19 thách thức vương quốc dầu mỏ Ả Rập Saudi

Trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ, Ả Rập Saudi tuy không còn “một mình một chợ” nhưng luôn được xem là đối tác quan trọng nhất với khả năng “khóa hay mở van dầu” dễ dàng nhất và có gói dự trữ ngoại tệ lớn nhất. Dù vậy vương quốc dầu mỏ này tại Trung Đông bắt đầu phải đối mặt với thực tế.

Theo báo Le Figaro, nguy cơ cả một tầng lớp trẻ tại Ả Rập Saudi vùng lên đòi công lý ngày càng lớn, nhất là khi mà thái tử Mohamad Bel Salman từ 2016 đề xuất kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào dầu mỏ.

Một khu lọc dầu của Ả Rập Saudi.

Theo kế hoạch “Tầm nhìn 2030” này thì năm nay là thời điểm Ả Rập Saudi thu hoạch được những thành quả kinh tế đầu tiên. Quan trọng nhất trong số những mục tiêu của Ả Rập Saudi là đem lại việc làm cho thanh niên tại vương quốc dầu mỏ này. Nhưng với khủng hoảng hiện tại, thái tử Bel Salman không có thành tích nào để trấn an dư luận cả.

Thêm vào đó, ông này lại chủ trương cai trị đất nước với một bàn tay sắt, gia tăng các biện pháp trấn áp nhằm vào thường dân và kể cả với hoàng gia. Kết quả về kinh tế thì không có, bất mãn về chính trị và trong xã hội ngày càng nhiều. Điểm may mắn ở đây là Ả Rập Saudi vẫn còn nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và vẫn có khả năng đi vay trên thị trường với lãi suất thấp. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP của Ả Rập Saudi giảm 2,3% trong năm 2020. Ả Rập Saudi thông báo cắt giảm ngân sách 25 tỷ USD, thuế trị giá gia tăng đang từ 5% nhảy vọt lên thành 15%. Lần đầu tiên thần dân của Quốc vương Salman nếm mùi các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Dịch COVID-19 càng làm lộ rõ những bất cập của cỗ máy kinh tế Ả Rập Saudi hoàn toàn bị dầu mỏ chi phối và rủi thay là trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, uy tín của Ả Rập Saudi đang mai một.

Từ góc độ một chuyên gia phân tích chính trị, ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp, cho rằng: “Ả Rập Saudi không còn độc quyền trên thị trường dầu hỏa, nhưng vẫn là một mắt xích then chốt và đủ sức để áp đặt luật chơi. Giới trong ngành biết rằng, không thể quyết định bất kỳ điều gì nếu không có sự đồng ý của Ả Rập Saudi.

Có điều, quốc gia này đã cổ phần hoá một phần Tập đoàn Dầu khí quốc gia Aramco và đã không thu hút được chú ý của các nhà đầu tư như mong đợi. Điều này chứng tỏ giới tư bản rất thận trọng với Ả Rập Saudi, đặc biệt là với tính khí thất thường của thái tử Mohamad Bel Salman. Về phương diện quốc tế, thái tử Bel Salman không ghi được bất kỳ một bàn thắng quan trọng nào, đó là chưa kể tai tiếng liên quan đến vụ sát hại nhà báo Kashogghi”.

Dầu mỏ rớt giá gây khó khăn của Ả Rập Saudi cũng khiến phương Tây đau đầu bởi nước này là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua vũ khí của châu Âu, Mỹ. Năm 2019, Ả Rập Saudi mua hơn 57 tỷ USD trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Ả Rập Saudi tương đương với 8% GDP, đây là con số không nhỏ, bởi Nga là 3,9% hay Mỹ chỉ là 3,4%.

Với giá dầu dưới ngưỡng 40 USD/thùng, có nguy cơ buộc vương quốc này xét lại các ưu tiên. Những nhà cung cấp vũ khí trên thế giới lo ngại rằng, một số hợp đồng đã ký với Ả Rập Saudi sẽ bị hủy bỏ.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.