40 nghìn người Brazil thiệt mạng mỗi năm vì súng đạn

Thứ Năm, 06/04/2017, 20:16
Brazil là một trong những quốc gia có số vụ giết người cao hàng đầu trên thế giới. Đây cũng là quốc gia “có vấn đề” về “văn hóa súng đạn”. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi một số nhà lập pháp nghĩ rằng, đất nước sẽ an toàn hơn nếu cho phép người dân sở hữu nhiều súng đạn hơn.

Tranh cãi về dự luật nới lỏng kiểm soát súng

Một nhóm các nhà lập pháp Brazil đang bị giới truyền thông nước này chỉ trích nặng nề vì đề xuất đạo luật mới nới lỏng việc kiểm soát súng. Theo đề xuất, đạo luật Bill 3.722 sẽ cho phép bất cứ ai trên 21 tuổi được sở hữu tối đa sáu vũ khí với 100 viên đạn cho mỗi khẩu súng/năm. Độ tuổi có quyền sở hữu súng hợp pháp giảm từ 25 xuống 21.

Các nhà làm luật cũng đề xuất quy trình đăng ký một lần duy nhất đối với vũ khí (thay vì 5 năm một lần như trước đây), tăng khả năng tiếp cận quyền sở hữu súng, bao gồm cả những người bị điều tra hình sự.

Các nhà làm luật đang kêu gọi Quốc hội Brazil khẩn trương thông qua đạo luật 3.722. Quan điểm của những nhà làm luật cho rằng, nới lỏng kiểm soát súng đồng nghĩa với việc tăng cường khả năng tự vệ cho người dân. Theo đó, thực tế cho thấy, có những người dân đã tự bảo vệ được bản thân, gia đình khi bị cướp, bị tấn công trên đường phố hay tại nhà riêng vì có súng trong tay. Lập luận này còn được đưa vào một cuốn sách của Hiệp hội súng trường Quốc gia.

Nhiều người dân Brazil thiệt mạng vì súng đạn mỗi năm.

Giới phân tích cho rằng, điều này không đáng ngạc nhiên vì có nhiều người được hưởng lợi nếu đạo luật được thông qua. Ít nhất 30 chính trị gia đã nhận được khoản tiền lên đến 530.000USD từ ngành công nghiệp vũ khí kể từ năm 2014. Việc nới lỏng luật kiểm soát súng của Brazil sẽ có lợi cho các nhà sản xuất súng. Sản xuất vũ khí là một ngành công nghiệp lớn ở Brazil với doanh thu khoảng 60 tỷ USD mỗi năm, trong đó có 350 triệu USD từ việc xuất khẩu vũ khí nhỏ và đạn dược. Trong khi nhiều ngành công nghiệp đang phải đối mặt với sự cắt giảm chi tiêu thì ngân sách dành cho quân sự tăng lên 27,4 tỷ USD vào năm 2016, tăng 36% so với năm 2015.

1% vũ khí lưu hành ở Brazil làm tăng 2% số vụ giết người

Phản bác lại quan điểm của các nhà làm luật, một số ý kiến cho rằng, để ngăn chặn được các vụ tấn công, rất nhiều trường hợp đã bị giết hoặc bị thương. Ý tưởng làm cho xã hội an toàn hơn nhờ súng đạn là một huyền thoại.

Một kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 1% vũ khí lưu hành ở Brazil làm tăng 2% số vụ giết người. Việc người dân có quyền tiếp cận vũ khí nhiều hơn không làm giảm tình trạng bạo lực. Các quốc gia nới lỏng kiểm soát súng đạn, trong đó có Mỹ cho thấy sự gia tăng đáng kể số vụ án giết người, cướp, trộm cắp… Bên cạnh đó, việc để vũ khí tại nhà riêng cũng làm tăng nguy cơ tự tử, tai nạn và sát hại lẫn nhau.

Một nhóm hoạt động nhân quyền ở Brazil tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của súng đạn bằng cách đặt 500.000 hạt cà phê lên trên tấm vải đỏ.

Các nhà khoa học quân sự cho rằng, quy định pháp luật về súng đạn phải góp phần ngăn ngừa tử vong do bạo lực và súng đạn. Đạo luật về giải trừ quân bị của Brazil đã làm giảm được 12% số vụ giết người ở nước này trong khoảng thời gian từ giữa năm 2004 - 2007. Nếu đạo luật này không được thực hiện, ít nhất 135.000 người Brazil đã bị giết hại vì súng đạn.

Được biết, một trong số 10 nạn nhân bị giết hại trên thế giới mỗi năm là người Brazil. Phần lớn công dân Brazil bị giết hại do súng đạn. Hầu hết khẩu súng trong các vụ giết người được sản xuất ở Brazil. Đây là nhà sản xuất vũ khí và đạn dược lớn thứ tư trên hành tinh.

Tất cả người dân Brazil đều muốn được sống trong an toàn. Họ mong muốn những đứa trẻ thoải mái đến trường mà không sợ bị giết hoặc bị thương bởi đạn lạc. Tuy nhiên, “chìa khóa” của vấn đề không phải là việc nới lỏng quy định về kiểm soát súng.

Quy định về kiểm soát súng là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ. Việc thực thi pháp luật cần phải được đảm bảo một cách công bằng, nghiêm minh. Bên cạnh đó, Brazil cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội như tình trạng bất bình đẳng, thất nghiệp… những nguyên nhân “châm ngòi” cho tình trạng bạo lực trong xã hội.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.