Vụ trộm sách quý ở thư viện Đại học Transylvania
11 giờ trưa ngày 17/12/2004, bà Betty Jean Gooch, quản lý thư viện đặc biệt thuộc Đại học Transylvania, thành phố Lexington, bang Kentucky, Mỹ, tiếp một người khách đã đặt lịch hẹn là Walter Beckman.
Theo Walter, anh ta mong muốn “được xem ấn bản đầu tiên của cuốn ‘Nguồn gốc các loài’, tác giả là Charles Darwin cùng cuốn ‘Những loài chim ở nước Mỹ’ do John James Audubon vẽ minh họa”. Cả 2 cuốn sách đó được giới sưu tầm định giá 60 triệu USD…
Diễn tiến vụ trộm
Đúng 11 giờ, Walter Beckman xuất hiện trong chiếc áo khoác dày, tay đeo găng, đội mũ len. Sau khi ghi họ tên và ký vào sổ tham quan, Beckman hỏi bà Betty rằng liệu anh ta có thể mời thêm một người bạn nữa cùng xem sách hay không thì được bà Betty đồng ý.
Mất khoảng 10 phút, một thanh niên tóc đen, dáng thấp bé, cũng mặc áo khoác, đội mũ lưỡi trai, tay đeo găng bước vào. Trong cuốn sổ tham quan, anh ta ký tên là John. Cả hai cùng theo bà Betty đến phòng trưng bày nhưng khi vừa tới trước sợi dây thừng giăng ngang, ngăn cách giữa khách tham quan và cái tủ kính, nơi đặt cuốn “Nguồn gốc các loài” và “Những loài chim ở nước Mỹ” thì bà Betty cảm thấy tê rần ở phía sau gáy rồi ngã xuống đất, bất tỉnh.
1 giờ chiều, cảnh sát nhận được điện thoại của bà Betty. Giây lát, cả khuôn viên Đại học Transylvania tràn ngập nhân viên an ninh. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy bà Betty bị tấn công bằng súng điện, nghi can là hai gã đàn ông tên Walter và John đã lấy đi 2 cuốn sách quý cùng một số những cuốn sách khác, trong đó cuốn thấp nhất cũng là 2.450.000 USD trên thị trường sưu tập cổ vật chợ đen. Theo cảnh sát trưởng Lexingon, có thể còn có 2 đồng phạm chờ ở bên ngoài vì một người qua đường cho biết thời điểm xảy ra vụ trộm, người này nhìn thấy một chiếc xe tải nhỏ màu xám có hai gã đàn ông ngồi ở ghế trước nhưng họ không để ý biển số. Tại chiếc tủ kính, cảnh sát không thu được dấu vân tay nào. Vẫn theo cảnh sát trưởng Lexington, thủ phạm đã nắm được quy luật của khách tham quan rồi sau khi làm bà Betty bất tỉnh, chúng mới hành sự.
Thoạt đầu, Đội chống trộm thương mại của Sở Cảnh sát Lexington được giao nhiệm vụ điều tra vụ án. Xét về giá trị của những thứ bị mất và các tình huống liên quan, vụ trộm là một trong những biến cố về văn hóa quan trọng nhất nước Mỹ, chỉ đứng sau vụ trộm bản “Tuyên ngôn độc lập” bởi lẽ ngoài 2 cuốn “Nguồn gốc các loài” và “Những loài chim ở nước Mỹ”, được nhà đấu giá Sotheby định giá 44,6 triệu USD, bọn trộm còn lấy 3 tác phẩm bổ sung của Audubon với tổng trị giá 11.285.000 USD, phiên bản đầu tiên của bộ bách khoa toàn thư Hortus Sanitatis bằng tiếng Latinh, ra đời hồi thế kỷ 15 trị giá 2.450.000 USD, một cuốn lịch tôn giáo viết tay hiếm hoi ra đời năm 1425, trị giá 12.000.000 USD. Lời khai của nhân chứng nhìn thấy chiếc xe tải màu xám loại Chevrolet 2 cửa đã cũ, thân và bánh xe có vẻ như dính bùn. Những thông báo khẩn cấp được cảnh sát gửi đến các sân bay trong bang Kentucky, các đường cao tốc, các bãi đỗ xe và các điểm dịch vụ rửa xe. Bên cạnh đó, cảnh sát còn tìm kiếm hồ sơ trong tàng thư về những chiếc Chevrolet đã đăng ký ở Kentucky trong khoảng 10 năm trở lại: 146.358 chiếc! Một kết quả làm nản lòng mọi người.
Sự ra đời của một âm mưu
Là sinh viên được học bổng ngành nghệ thuật của Đại học Transylvania, năm 2003 khi mới học năm thứ nhất, trong một dịp tìm hiểu về lịch sử của ngôi trường này, Spencer Reinhard nhìn thấy những cuốn sách quý trưng bày trong thư viện đặc biệt của trường. Theo lời giới thiệu của người quản thủ thư viện thì vài năm trước đó, Đại học Transylvania đã bán 2 bức vẽ đại bàng đầu trắng của Audubon với giá 12 triệu USD và điều này đã kích thích Spencer hình thành âm mưu trộm cắp, nhất là khi anh ta biết cuốn “Nguồn gốc các loài”, tác giả là Charles Darwin cùng cuốn “Những loài chim ở nước Mỹ” do Audubon vẽ minh họa, được giới sưu tầm nghệ thuật định giá 60 triệu USD.
Để thực hiện âm mưu trộm cắp, Spencer một mặt tìm hiểu về những người có khả năng sẽ mua 2 cuốn sách quý bằng cách trao đổi trên mạng Internet, và được một nhân vật ở Amsterdam, Hà Lan chốt giá 45 triệu USD. Tiếp theo, Spencer rủ gã bạn thân là Warren Lipka, cả hai chơi với nhau từ năm 8 tuổi. Cũng như Spencer, Lipka được học bổng ngành điền kinh của Đại học Transylvania. (Sau này khi vụ án đã được phanh phui, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết Lipka đã từng có tiền sự qua việc làm giả giấy tờ tùy thân rồi giao cho Eric Borsuk, bạn học cùng trường để gã này bán cho những sinh viên có nhu cầu).
Vì thế, do mối quan hệ từ việc làm giấy tờ tùy thân giả nên Lipka rủ thêm Borsuck. Sau đó Borsuck lại rủ thêm Charles Allen, cũng là sinh viên Đại học Transylvania. Chiều ngày 12/12, cả bọn hẹn gặp nhau tại công viên trung tâm thành phố Lexington. Tiến hành bàn bạc, họ thống nhất Lipka sẽ lấy tên giả là Walter Beckmann để đăng ký lịch tham quan thư viện với bà Betty, còn Allen với tên giả là John, trong vai bạn của Lipka sẽ đến sau để phụ giúp việc trộm cắp. Phụ trách lái xe chở cả bọn tẩu thoát là Spencer và Borsuck.
Sáng 17/12/2004, Spencer và Brorsuck đánh cắp chiếc xe tải hiệu Chevrolet tại một bãi giữ xe không giới hạn thời gian ở ngoại ô thành phố Lexington, trên xe tình cờ lại có một điện thoại di động của ai đó bỏ quên nhưng vẫn sử dụng được. Sau khi lấy bùn từ một hồ nước ven đường bôi lên bánh xe và biển số, Spencer dùng chiếc điện thoại vừa nói để liên lạc với Lipka, lúc này đang cùng Allen chờ đến giờ vào thư viện theo lịch hẹn với bà Betty.
11 giờ 20 phút, vụ trộm hoàn tất. Lipka và Allen đặt những thứ lấy được vào tấm ga trải giường rồi gói lại. Nó nặng đến nỗi anh ta phải kéo lê nó trên nền nhà. Theo kế hoạch, cả hai sẽ tẩu thoát bằng lối sau của thư viện rồi lúc ra ngoài, Lipka sẽ gọi Spencer đưa xe đến đón nhưng khi nhìn thấy cửa đã bị khóa, Lipka và Allen buộc phải ra bằng cửa chính sau khi đã cho Spencer biết về sự thay đổi ngoài ý muốn. Vì vậy, một khách qua đường đã nhìn thấy chiếc Chevrolet.
Ngày 18/12, Borsuck nhiều lần điện thoại, gửi tin nhắn cho người mua 2 cuốn “Nguồn gốc các loài” và “Những loài chim ở nước Mỹ” tại Amsterdam nhưng người này yêu cầu 2 cuốn sách phải được thẩm định bởi một trong những nhà đấu giá có uy tín, chẳng hạn như Sotheby, Bonhamm, Phillip hay Christie nhằm tránh mua phải hàng giả, trong lúc thông tin về vụ trộm đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng cả ở nước Mỹ lẫn nước ngoài. Sau này khi bị bắt, Spencer khai: “Cuối cùng chúng tôi thống nhất nhờ Hãng đấu giá Christie's ở New York thẩm định với hy vọng tại nơi xa xôi như vậy, sẽ không gây chú ý”.
Ngày 19/12, Lipka và Spencer bay đi New York cùng chiếc va li lớn, chứa 2 cuốn sách “Nguồn gốc các loài” và “Những loài chim ở nước Mỹ”. Sau khi xuống sân bay, cả hai lên taxi đến văn phòng Hãng đấu giá Christie. Tại đó, Lipka tự giới thiệu mình là “ông Williams” còn Spencer là “ông Stephens". Theo cô thư ký Melanie Halloran: “Khi tôi hỏi về nguồn gốc của 2 cuốn sách thì ông Williams nói rằng họ là đại diện duy nhất của ngài Walter Beckmann, nhà sưu tập sách ẩn dật ở Boston. Vì thế tôi cho họ biết đã gần lễ Giáng sinh rồi tiếp theo là Tết Dương lịch nên nhanh nhất phải là sau tuần đầu tiên của tháng Giêng, tôi mới có thể sắp xếp buổi gặp trực tiếp với giám đốc Hãng đấu giá Christie's, chi nhánh New York đồng thời xin họ số điện thoại để liên lạc”.
Cuộc truy lùng
Nhận thấy vụ việc rất phức tạp, manh mối lại không nhiều nên Cảnh sát bang Transylvania đề nghị chuyển hồ sơ cho FBI. Stimwell, đặc vụ FBI cho biết qua việc lấy lời khai của Melanie Halloran, thư ký văn phòng Hãng đấu giá Christie ở New York, FBI thu được số điện thoại mà “ông Stephen” - tức Spencer đã ghi lại cho Melanie. Tiếp tục xác minh, FBI biết số điện thoại đó là của Ferguson, người đã bỏ quên trên chiếc xe Chevrolet bị đánh cắp. Đặc vụ Stimwell nói: “Truy xét tất cả những cuộc gọi đi, đến trong ngày xảy ra vụ đánh cắp và những ngày sau đó, chúng tôi thu được một thông tin rất quan trọng. Đó là một thư thoại với nội dung: “Spencer đây. Hãy nhắn tin cho tôi”.
Tiếp tục truy xét, FBI biết số máy nhận đoạn thư thoại là của Lipka, người đã có hồ sơ vì làm giấy tờ tùy thân giả. Sau khi chụp ảnh của Spencer và Lipka trong tàng thư rồi mang đến cho bà Betty, quản thủ thư viện Đại học Transylvania nhận diện thì vừa nhìn thấy mấy tấm hình, bà Betty đã kêu lên: “Đúng rồi, đúng họ rồi”. Đưa tay chỉ vào Allen, bà Betty nói tiếp: “Chính gã này đã bắn súng điện vào gáy tôi, còn gã kia (Lipka) lúc ấy đi bên cạnh tôi đến chiếc tủ kính…”.
Ngày 11/2/2005, gần 2 tháng sau ngày xảy ra vụ trộm sách quý ở thư viện Đại học Transylvania, FBI đột kích vào một căn phòng trong ký túc xá đại học. Lúc này, cả Spencer, Lipka, Borsuck và Allen đều cùng có mặt. Kết quả khám xét đã phát hiện một gói lớn, trong đó tất cả những cuốn sách bị đánh cắp đều còn nguyên vẹn, được dấu dưới những tấm ván sàn. Theo lời khai của Spencer, trước đó 3 tuần anh ta đã nhận được cuộc gọi của Melanie Halloran, thư ký văn phòng Hãng đấu giá Christie ở New York, mời anh ta đến New York vào ngày 20/2 để gặp “Tổng giám đốc Christie” nhưng cả bọn nghi ngờ đó là cái bẫy. Spencer nói: “Trước lúc FBI ập vào, chúng tôi đã tranh cãi rằng có nên đến New York hay không? Lipka đồng ý nhưng thay vì anh ta và Allen đi, anh ta lại bảo tôi và Borsuck thích hợp hơn vì chúng tôi không xuất hiện ở thư viện”.
Cuối tháng 4/2005, Spencer, Lipka, Borsuck và Allen ra tòa với 6 tội danh, gồm trộm cắp xe hơi, tàng trữ vũ khí bất hợp pháp, tấn công người khác có chủ đích, trộm cắp tài sản quốc gia, vận chuyển trái phép tài sản quốc gia giữa các bang. Tất cả đều bị kết án mỗi người 7 năm tù, một mức án được dư luận xem là… quá nhẹ!
Năm 2012, cả Spencer, Lipka, Borsuck và Allen đều mãn hạn tù. Năm 2021, khi ấy Spencer đang là họa sĩ cho một công ty quảng cáo thì được Hãng truyền hình CNBC mời đóng vai chính trong bộ phim “Super Heists - Những tên trộm siêu đẳng” nói về vụ trộm sách quý ở thư viện Đại học Transylvania! Theo lời Spencer, anh ta đã đề nghị CNBC mời luôn Lipka vì “phải có Lipka thì mới nên chuyện”.
Tháng 6-2023, bộ phim “Super Heists” được Đài truyền hình CNBC trình chiếu. Ở đoạn cuối của phim, Spencer nói: “Tôi đã có 7 năm để suy ngẫm về những trải nghiệm khủng khiếp xảy ra trong đời mình. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ của tôi về cuộc sống. Tôi không chắc trong tương lai tôi sẽ như thế nào nhưng tôi tin rằng 7 năm tù đã khiến tôi trở thành người khác, ít ra cũng là về mặt nhân cách…”.
Theo Stimwell, đặc vụ FBI, đây là vụ trộm ngớ ngẩn nhất mà ông đã từng gặp. Thủ phạm đều là những thanh niên mới trưởng thành, không hề ý thức rằng những đồ vật mang tính lịch sử quốc gia nếu bị đánh cắp, sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt - không chỉ các cơ quan chức năng mà còn cả công chúng. Ngay với những người sưu tầm cổ vật trên thị trường chợ đen, hầu hết cũng đều e dè khi muốn sở hữu chúng vì ngoài việc mua nhầm đồ giả, họ còn có nguy cơ đối mặt với luật pháp vì tiêu thụ tài sản có nguồn gốc từ sự phạm tội…