Vỡ mộng xuất ngoại làm giàu
Xuất khẩu lao động là nhu cầu chính đáng, cũng là ước mơ của nhiều người. Những năm gần đây, từ nông thôn tới thành thị, xuất ngoại trở thành làn sóng sôi động và nhộn nhịp. Nhiều công ty xuất khẩu lao động mọc ra, kéo theo đội ngũ môi giới đông đúc. Thật giả, trắng đen mập mờ, lấp liếm đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động…
“Bánh vẽ” xuất ngoại
Năm 2023, Lê Thị N. (28 tuổi, quê Đắk Lắk) bị mất việc làm tại công ty may mặc ở Bình Dương. Sau thời gian đi làm thời vụ, cảm thấy thu nhập bấp bênh, N. quyết định dùng hơn 200 triệu là tiền bảo hiểm và tiết kiệm hơn 10 năm ở thành phố đầu tư cho chuyến xuất ngoại Hàn Quốc.
Thông qua môi giới tên Bảo, chị N. đã giao 50%, tương đương 125 triệu là tiền lệ phí làm hồ sơ, ghi danh và học tiếng trong vòng 6 tháng. Kết thúc khóa học, chị N. sẽ nộp thêm 125 triệu còn lại để bay sang Hàn Quốc làm giúp việc với mức lương được hứa hẹn là 3.000 USD (khoảng gần 70 triệu đồng Việt Nam). Hợp đồng của chị N. được ký 3 năm, sau đó có thể gia hạn thêm tùy ý. Với thu nhập như thế, chị N. mường tượng tiền tỷ trong tay chỉ sau vài năm xuất ngoại. Khi ấy, chị sẽ về quê mua đất, làm nhà, mở một tiệm hàng ăn và sống thư thái đến già…
Chị N. được môi giới đăng ký vào học tại một lớp tiếng Hàn ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Sau hơn 3 tháng, chị có chứng chỉ đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. Công việc tiếp theo, chị N. sẽ chờ đợi công ty làm hồ sơ để bay. Để làm an lòng chị N., Bảo đã gửi cho chị một bản hợp đồng ký kết giữa công ty môi giới và đối tác tuyển nhân sự bên Hàn Quốc kèm theo tấm hộ chiếu có đầy đủ thông tin về chị N. Khoảng một tháng sau, Bảo tiếp tục gửi cho chị N. vé máy bay và yêu cầu chị N. chuyển hết số tiền còn lại. Mặc dù đang túng thiếu, chị N. vẫn phải đi vay mượn bạn bè, em gái cho đủ kẻo không sẽ bị phá hợp đồng, mất cơ hội đổi đời.
Bảo căn dặn chị N. chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, sắp đến ngày sẽ có người của công ty liên hệ đưa đi. Chị N. chờ đợi mãi không thấy ai liên lạc với mình, quá sốt ruột, chị đã gọi cho Bảo thì anh này trấn an cứ yên tâm, đã học tiếng rồi, có vé rồi là chắc ăn. Sau nhiều ngày chờ đợi, chị N. không kiên nhẫn được nữa, đã tìm đến văn phòng của Bảo ở đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) thì nơi này đóng cửa. Tại đây, chị N. gặp thêm hai người trước kia cùng học tiếng với mình, họ cũng tới để tìm Bảo.
Trong đó, anh Nguyễn Văn M. (26 tuổi) đã phải đi tàu từ quê Hà Tĩnh vào đây ăn đợi nằm chờ cả tuần để chờ liên hệ từ người của công ty xuất khẩu lao động.
Anh M. cho biết, trước kia làm xe ôm công nghệ nhưng không đủ sống nên trở về quê. Anh được bạn giới thiệu đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc với mức lương 50 -70 triệu/tháng mà chỉ việc ngồi đóng gói trái cây. Nghĩ công việc nhàn hạ, lương cao nên anh rất hào hứng. Để có khoản tiền gần 300 triệu cho gói xuất ngoại này, cha mẹ anh M. đã phải thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng vay tiền, với niềm tin chỉ một năm đi xuất ngoại sẽ trả xong nợ.
Tuy nhiên, anh M. còn may mắn hơn chị N. khi mới nộp 120 triệu, số còn lại anh thỏa thuận khi nào phỏng vấn xong, có hợp đồng lao động thì mới nộp hết. Vì thế, Bảo đã hẹn anh M. vào TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục xuất ngoại. Nhưng không ngờ, vào tới nơi thì Bảo hẹn lần hẹn lữa không chịu dẫn tới công ty ký hợp đồng lao động.
“Rõ ràng đây là văn phòng tuyển dụng, tôi đã làm việc tại đây mấy lần và được Bảo dẫn đi học tiếng tại Trung tâm. Tôi tin tưởng nên mới giao tiền chứ có phải mù mờ gì đâu mà bị lừa đảo”, anh M. chia sẻ và vẫn rất tin tưởng là mình không bị lừa. Còn chị N. thì bắt đầu hoài nghi, chị mang vé máy bay đến đại lý kiểm tra thì phát hiện vé máy bay giả, các thông tin của hành khách là cắt dán, rồi ghép vào. Còn tấm hộ chiếu cũng như bản hợp đồng lao động cũng là photoshop. Chị N. chết đứng, không tin vào sự thật.
“Tôi có hỏi môi giới là tại sao tôi không cần đi lăn tay, không đi chụp hình mà vẫn có hộ chiếu, người này nói rằng vì tôi đã bỏ tiền ra để làm dịch vụ nên được bao trọn gói. Hơn nữa, thẻ CCCD gắn chíp bây giờ đã có hết thông tin cá nhân nên công đoạn kia đã được cắt bỏ. Tôi nghe cũng có lý nên tin”, chị N. mếu máo chia sẻ.
Biết mình bị lừa, chị N. đã yêu cầu Bảo trả lại tiền cho mình. Bảo nói mình cũng là nạn nhân, bị công ty lừa. Toàn bộ số tiền thu của chị N. và những người khác Bảo đều nộp lại cho công ty và được chia lại chút ít hoa hồng. Bảo hứa sẽ dẫn chị N. tới tận công ty để làm cho ra nhẽ. Khi chị N. tới gặp người tên Tâm là giám đốc công ty thì bà này từ chối tiếp chị N. với lý do từ trước giờ không làm việc với người lao động, không liên quan đến cá nhân.
Với chiêu bài “đánh bùn sang ao” như vậy, hơn hai tháng nay chị N., anh M. chỉ biết kêu gào đòi lại tiền từ môi giới. Anh này bị nạn nhân “dí” quá đã khóa điện thoại trốn biệt.
Những nạn nhân như chị N. không hề thiếu, đặc biệt là người dân tại các vùng quê, họ phải bán đất, vay ngân hàng, chịu lãi suất cao để cho con em mình đi làm giàu xa xứ. Nhưng rốt cuộc, chưa kịp đặt chân đến đất lạ đã phải ngậm quả đắng, nghèo đã đành, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất, bi đát cùng cực.
Tại làng quê nghèo ở Giá Rai (Bạc Liêu) hơn hai năm nay, nhiều người dân đã gom góp tiền bạc, vay mượn khắp nơi đưa cho Lê Phúc Thịnh (sinh năm 1993, ngụ ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) để Thịnh lo cho xuất đi Hàn Quốc lao động. Họ chờ đợi mỏi mòn một năm, rồi hai năm vẫn không thấy tấm vé máy bay đi nước ngoài đổi đời. Không đưa được ai đi, Thịnh cũng không trả lại tiền cho bà con mà dùng toàn bộ tiêu xài cá nhân. Lê Phúc Thịnh sau đó bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cẩn trọng với những “thánh nổ”
Những “thánh nổ” như Lê Phúc Thịnh đã xuất hiện ở nhiều nơi, dùng đủ chiêu trò mê dụ người dân nhẹ dạ cả tin đưa tiền để được đi xuất ngoại. Trong đó, Trần Thị Thủy (sinh năm 1980, trú P.9, Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) dù không có công ăn việc làm, không bằng cấp nhưng “nổ” là luật sư nhằm tạo niềm tin để lừa đảo người dân ở Nghệ An đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Để tạo lòng tin với bị hại, Trần Thị Thủy còn thường xuyên đăng tải hình ảnh tham gia các hoạt động từ thiện trên mạng xã hội, tham dự các phiên tòa, sự kiện… nhưng thực chất là để “giăng bẫy” lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với giá bình dân 300 triệu đồng/người, nhiều gia đình đã kéo theo anh chị em, cô dì chú bác cùng nộp tiền cho Thủy để được sang trời Tây. “Gia đình tôi tất cả 12 người đã đóng cho bà Thủy 1,8 tỷ đồng, có người không đủ tiền còn đưa cả bìa đất cho bà này”, anh Nguyễn Như H. (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nghẹn ngào cho biết.
Sau khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì Thủy cắt đứt mọi liên lạc để chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian theo dõi, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ đối tượng Trần Thị Thủy về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng trong thời gian này, một “thánh nổ” xuất ngoại khác là Trần Thị Hằng Nga (sinh năm 1984, trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã lừa nhận hồ sơ của hơn 500 người với tổng số tiền là hơn 20 tỷ đồng. Cơ quan Công an xác định, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, mặc dù không có chức năng trong việc tổ chức đưa công dân xuất khẩu lao động, nhưng Trần Thị Hằng Nga vẫn giới thiệu mình là giám đốc một công ty đưa người đi xuất khẩu lao động và thông tin công ty của Nga có thể làm được thủ tục đi xuất khẩu lao động các nước với mức giá rẻ hơn những nơi khác từ 200 - 300 triệu đồng. Nga cam kết các trường hợp Nga nhận để làm thủ tục xuất khẩu lao động đều có tỷ lệ thành công cao, rất ít trường hợp trượt.
Với những chiêu bài và lời hứa mật ngọt, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, đã có hàng trăm công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động các nước như Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Hoa Kỳ… được các môi giới tiến hành giới thiệu và gửi hồ sơ cho Nga để làm thủ tục.
Quá trình nhận làm thủ tục các công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động đã đóng tiền theo nhiều đợt với tổng số tiền nhiều tỷ đồng, nhưng sau khi đóng tiền vẫn không đi được như Nga đã hứa hẹn. Nhiều người đã yêu cầu Nga trả tiền, Nga hứa hẹn nhiều lần nhưng vẫn không trả tiền cho các công dân…. Tất cả số tiền nhận từ các công dân, Nga dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Cơ quan Công an xác định, văn phòng công ty của Nga chỉ là văn phòng cho thuê theo giờ, trong văn phòng chỉ có một bộ bàn ghế, không có máy tính, máy in, các loại hồ sơ và cũng không có nhân viên nào trong công ty.
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước tình trạng gia tăng lừa đảo xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cảnh báo về việc xuất hiện một số cá nhân, tổ chức tuyển chọn lao động trái quy định để sang làm việc tại Hàn Quốc và các nước khác.
Ông Phạm Việt Hương - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, vấn nạn lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động vẫn thường xuyên diễn ra, tính chất vẫn phức tạp và tinh vi. Các đối tượng sử dụng chiêu trò xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tiền của người dân, dù đây là chiêu trò không hề mới song nhiều đối tượng vẫn lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài của một số người dân để lừa đảo.
Theo ông Hương, giải pháp hiệu quả nhất để tránh rơi vào cạm bẫy là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ để nắm bắt các thông tin liên quan một cách rõ ràng, nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp. Đặc biệt chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức được đăng tải trên Giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp và trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.