Vay tiền qua app - miếng pho mát trong bẫy chuột

Thứ Hai, 20/09/2021, 09:57

Thời gian qua, lợi dụng người dân gặp khó khăn về kinh tế, đã xuất hiện nhiều đối tượng lập website, xây dựng các app... quảng cáo cho vay với lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Tuy nhiên, "miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột". Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh trở thành miếng mồi cho các đối tượng.

Nhan nhản app cho vay

Có thể nói, khoảng 1-2 năm trở lại đây, các app (ứng dụng) cho vay tiền trên điện thoại di động, cũng như trên các website mang tên "Tây" nở rộ như nấm mọc sau mưa rào. Những ứng dụng này đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0%. Tuy nhiên, đa phần đều là những cái bẫy tinh vi của những đối tượng lừa đảo.

1.jpeg -0
Một website chuyên cho vay với lãi suất “cắt cổ” trên mạng.

Anh Trần Văn Mạnh (quê Nam Định, trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội) kể lại cú lừa cay đắng mà anh vừa trải qua khi trót vay tiền từ một app. Gần một năm nay, công việc của anh phập phù lúc có lúc không. Đúng lúc này, bố anh lại bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị. Vay mượn khắp nơi mà không đủ tiền đóng viện phí, anh Mạnh thấy trên mạng có app Money... nói rằng cho vay tiền đơn giản, chỉ cần số điện thoại và giấy CMND là được giải ngân. Quan trọng hơn là được miễn phí lãi suất.

Vậy là anh Mạnh cài đặt ứng dụng và làm theo hướng dẫn, lập lệnh vay 5 triệu đồng trong vòng 7 ngày. Chỉ khoảng 5 phút sau, tiền đã chảy vào tài khoản của anh. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 đã có người gọi điện yêu cầu anh Mạnh trả nợ, cả gốc và lãi là 8,5 triệu đồng. Anh Mạnh thắc mắc thì đối tượng nói rằng chỉ miễn phí... đăng ký, còn phí bảo hiểm và lãi suất thì người vay vẫn phải trả bình thường. Đối tượng còn lớn tiếng nạt nộ, yêu cầu anh phải trả gấp không thì sẽ đến tận nhà... xin tí huyết!

Cực chẳng đã, anh Mạnh tiếp tục vay một ứng dụng khác. Số tiền là 10 triệu đồng lãi suất 10%/ngày, vay trong 6 ngày. Nghe thì có vẻ đơn giản, song chỉ trong vòng khoảng một tháng, anh Mạnh đã không còn khả năng chi trả khi số tiền gốc và lãi phải trả lên đến gần 100 triệu đồng, gấp 20 lần so với số tiền ban đầu anh vay.

“Mỗi ngày tôi nhận được cả trăm cuộc gọi đòi nợ, đe dọa; những người thân của tôi cũng bị “khủng bố” điện thoại với hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Những người bạn bè, đối tác chỉ liên hệ 1-2 lần cũng bị liên lụy theo. Tôi muốn xin giãn nợ vì không còn khả năng chi trả nhưng nhóm người trên đe dọa sẽ giết cả nhà tôi” – anh Mạnh cho biết.

3.jpeg -0
Một số người dân bị ghép ảnh để ép trả nợ trong khi họ không vay tiền.

Bên cạnh việc quảng cáo rầm rộ ở TP Hà Nội, các đối tượng lừa đảo thời gian qua cũng tăng mức phủ sóng ở nhiều tỉnh thành xung quanh như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình... Trường hợp mới đây xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh là một lời cảnh báo cho người dân về thủ đoạn quái chiêu của nhóm đối tượng.

Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh, cơ quan điều tra nhận được đơn trình báo từ chị Vũ Thị T.D (trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) về việc bị một nhóm đối tượng giăng bẫy lừa đảo số tiền hơn 1 tỷ đồng thông qua việc vay tiền lãi suất thấp.

Theo chị D. trình bày, chị vốn làm nghề buôn bán hải sản, thường xuyên đăng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và Zalo. Khoảng tháng 5-2021, có một thanh niên giới thiệu tên là Vương Văn Hảo (SN 1991, thường trú tại Bình Dương) gọi điện thoại đến cho chị D. để đặt mua hải sản.

Người này đã đặt mua của chị D. khá nhiều lần, luôn thanh toán đầy đủ qua tài khoản ngân hàng nên tạo được sự tin tưởng ở chị. Cuối tháng 7-2021, đối tượng bắt đầu hỏi chị D. có cần vay vốn không, và giới thiệu cho chị một gói vay từ công ty Suisse credit. Gã giới thiệu đây là một công ty tài chính có trụ sở ở nước ngoài đang có nhiều khoản vay hỗ trợ mùa dịch với lãi suất thấp (chỉ 0,3%/năm). Tiếp đó đối tượng giới thiệu cho chị D. liên lạc với một nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Suisse credit tên là Tân.

Người này hướng dẫn chị D. muốn vay thì cung cấp ảnh chụp thông tin CMND, sổ đỏ nhà đất hoặc giấy đăng ký xe ôtô. Do thấy thủ tục đơn giản nên chị D. đồng ý làm thủ tục vay 300 triệu đồng. Tân yêu cầu chị D. đăng nhập vào trang web "suissecredit88.com" và điền các thông tin cá nhân, gửi thông tin tài sản lên.

Trong quá trình làm thủ tục vay, đối tượng đưa ra nhiều lý do phát sinh lỗi khác nhau, và yêu cầu chị D. phải nộp các khoản phí mới có thể hoàn thành thủ tục vay như phí bảo hiểm khoản vay, phí mở khóa tài khoản…

Như bị ăn bùa mê thuốc lú, từ ngày 24-7-2021 đến ngày 27-7-2021, chị D. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng chỉ định với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, chị D. không những không được giải ngân khoản vay mà còn liên tục bị đối tượng yêu cầu nộp thêm nhiều khoản tiền khác. Khi đó, chị D. mới biết mình bị lừa nên tới trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh trình báo.

Không vay tiền, vẫn bị "khủng bố"

Thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng khi người vay tiền qua các app mất khả năng trả nợ, thì những người thân bạn bè... của họ bị các đối tượng khủng bố rất ghê gớm.

Theo chị Nguyễn Thị H. (trú tại TP Hải Dương) khoảng 2 tuần nay chị liên tục bị những số điện thoại lạ gọi vào đe dọa, chửi bới và yêu cầu trả nợ. Vì không vay mượn, nợ tiền ai nên lúc đầu chị bình tĩnh, hỏi rõ ngọn ngành xem sự việc bắt đầu từ đâu, liệu có nhầm lẫn hay không.

Sau đó chị H. được biết, hóa ra một người bạn xã giao của chị tên là Thắng có vay tiền ở bên ngoài, khi vay người đó có ghi các số điện thoại của chị H. trong hồ sơ vay tiền. Ở ngoài đời chị H. và Thắng hầu như không có quan hệ gì, chỉ gặp nhau đúng một lần trong một buổi cà phê có rất đông người tham gia. Ai ngờ, khi người vay tiền không trả, không liên lạc được nên bên cho vay mới "đè" những số điện thoại liên quan để "ép".

2.jpeg -0
Một nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi suất cao qua app bị cơ quan công an triệt phá.

"Các đối tượng đe dọa bảo tôi phải kêu người vay là anh Thắng phải trả tiền, nếu không sẽ khủng bố điện thoại và ghép ảnh đăng Facebook bôi nhọ danh dự. Tôi nói rõ tôi chỉ là bạn xã giao với người vay và hiện không hay biết họ đang ở đâu, vay tiền của ai, vay như thế nào. Tại sao lúc họ vay không gọi hỏi mà lúc họ bỏ trốn lại gọi điện khủng bố đe dọa người khác?", chị H. bức xúc nói.

Mặc dù chị H. đã làm mọi cách giải thích về sự không liên quan giữa mình và người vay tiền song dường như phía cho vay không quan tâm đến điều đó, vẫn liên tục đe dọa, "khủng bố" người phụ nữ này qua điện thoại. "Hơn 10 ngày nay các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện, nhắn tin đe dọa khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Không những thế, họ còn ghép hình ảnh bôi nhọ tôi và gửi cho các bạn bè Facebook của tôi. Rồi dùng các hình ảnh đó bình luận vào các bài bán hàng của tôi", chị H. mệt mỏi nói.

Chị P.N (trú tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cũng trở thành nạn nhân của các app vay tiền với một kiểu không giống ai. Theo chị N. kể lại, tháng trước chị chỉ mới đăng kí app “vay vàng” với số điện thoại mà chưa hề được giải ngân. Sau đó chị N. đã bị vu khống nợ 60 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng cũng tiến hành khủng bố người thân, bạn bè của chị để ép chị phải trả nợ.

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, vu khống, chị N. yêu cầu người của app này đến nhà để giao dịch, nhận tiền. Đồng thời, báo cáo vụ việc lên Cơ quan công an. Cũng theo chị N, bản thân chị đăng kí app không phải do khó khăn tài chính, mà bởi tò mò. Tuy nhiên, chị rất bất ngờ khi chưa đăng kí vay mà đã bị “đòi nợ”.

Trước tình trạng nở rộ các app, website cho vay biến tướng thời gian qua, cơ quan công an khuyến cáo, khi vay tiền qua app, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay, có thể bị xử lý theo các Điều 201, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015...

Ngân hàng khuyến cáo app lừa đảo giả danh

Vừa qua, đại diện ngân hàng VPBank cho biết, qua điều tra, ngân hàng phát hiện app VAYTOT credit tự mạo danh là app vay tiền của VPBank yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền.

Thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian là gửi thông tin hỗ trợ khoản vay lên tới 1 tỉ đồng, yêu cầu khách hàng nhấn vào link 3iv.cc/Dny5Ddeswmdg để đăng ký vay 70 triệu. Kẻ gian sẽ liên hệ với khách hàng qua số điện thoại cá nhân trên Zalo yêu cầu khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt sau đó vào ứng dụng rút tiền về tài khoản của khách hàng.

"Khách hàng vào ứng dụng thực hiện rút tiền thì báo lỗi và kẻ gian gọi điện yêu cầu cung cấp tên, số tài khoản ngân hàng, CMND để sửa giúp. Kẻ lừa đảo tinh vi gửi đến khách hàng 1 Bản điều khoản thay đổi số tài khoản (có dấu đỏ giả mạo con dấu của VPBank) thông báo nạp 10% khoản vay tương đương với 7 triệu đồng để thay đổi số tài khoản (chuyển khoản tới số tài khoản của kẻ lừa đảo) và hứa số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản cùng số tiền vay" – VPBank chỉ rõ thủ đoạn.

VPBank khẳng định ngân hàng không có dịch vụ cho vay tiền qua app VAYTOT Credit. Đây là quảng cáo giả mạo. Các khoản vay tại VPBank không yêu cầu khách hàng phải thanh toán hay nộp bất kỳ khoản phí kèm theo. Do đó, ngân hàng khuyến nghị khách hàng cần tìm hiểu kỹ, xác thực địa chỉ tin cậy được cung cấp bởi VPBank trên website hoặc app chính thức của ngân hàng. Không truy cập, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên các đường link lạ, có dấu hiệu không rõ ràng, bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân…

 

M. Tiến
.
.
.