Vẫn là thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”

Thứ Bảy, 22/07/2023, 08:56

Với thủ đoạn lên mạng xã hội đăng tải các thông tin tuyển dụng người đưa đi xuất khẩu lao động “việc nhẹ, lương cao, chi phí thấp” rồi sử dụng mạng xã hội Zalo lập thành nhóm kín để hướng dẫn cách thức, phương thức đi lại, quá cảnh theo diện đi du lịch rồi sau đó đưa nạn nhân vào lao động bất hợp pháp tại khu vực biên giới của các nước.

Các nạn nhân khi làm việc tại đây được các “ông chủ” tổ chức thành một nhóm và bị ép ký các hợp đồng để thực hiện các công việc bất hợp pháp; bị cưỡng ép lao động, không cho ra khỏi cơ sở. Một số công dân sau khi sang làm việc một thời gian đã không đáp ứng được yêu cầu công việc của các “ông chủ” nên đã liên hệ với gia đình cầu cứu và phải chi trả số tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/ người mới được các “ông chủ” cho về nước…

82e7f56e-3d31-4f69-ab96-6a8af5d54801.jpeg -0
Đối tượng Trần Quốc Việt

Mất hàng trăm triệu đồng vì xuất khẩu lao động “chui”

Theo đó, trong tháng 6, qua nắm tình hình địa bàn, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) phát hiện có một số đối tượng trên địa bàn có dấu hiệu tổ chức cho người khác đi xuất khẩu lao động chui với thủ đoạn hết sức tinh vi như: làm hộ chiếu đi du lịch nước ngoài rồi trốn sang nước thứ 3 để làm lao động bất hợp pháp.

Trong quá trình điều tra, Công an huyện Quỳ Châu đã nhận được đơn tố cáo của bị hại cũng như người nhà một số bị hại trên địa bàn. Điển hình như, ngày 26/6/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Châu đã tiếp nhận đơn tố cáo của anh Đặng Văn D. (SN 1997), trú tại bản Kẻ Móng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An với nội dung: vào khoảng thời gian khoảng giữa tháng 2/2023, Đặng Văn D (SN 1997), trú tại bản Kẻ Móng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An có xin nick zalo của một người tên là Việt từ một người bạn để làm quen và nhờ xin việc làm.

Sau đó, anh D. có nói chuyện với Việt trên nền tảng zalo, qua đó, Việt giới thiệu là người cùng ở trong bản Độ 3, xã Châu Bình. Qua trò chuyện,  D. có hỏi Việt về công việc ở nước ngoài như thế nào? Việt có trả lời D. các nội dung về công việc, mức lương, chi phí đi như nội dung đăng tải tìm nhân viên. D. có hỏi Việt về cách thức đi lao động ở nước ngoài (Thái Lan), cần những loại giấy tờ gì? Việt trả lời D “chỉ cần hộ chiếu, vé máy bay có người lo, khi sang đến Thái Lan có người đón, đến công ty thì anh đón.

Mi mà đi thì cùng đợt này có cả 3 người ở cùng xã cũng đi”. Ý là đợt này nếu D. đi sang lao động tại công ty của Việt thì có Kim Văn T. (SN 1998); Kim Văn Th. (SN 1992) và Kim Văn T. (SN 2006) đều trú tại bản Độ 3, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cũng đi sang cùng. D. có hỏi thêm đi lao động vậy có cần phải đóng Visa lao động không? Việt hiểu ý D. hỏi là có cần đóng Visa lao động tại đại sứ quán Thái Lan ở Việt Nam hay không, Việt có trả lời: “không phải đóng, cái đó có công ty lo, chỉ cần chắc hộ chiếu” (chỉ cần visa du lịch, việc đóng visa lao động có công ty lo, thực chất là khi đi sang Thái Lan lao động chỉ cần visa du lịch), D. có hỏi Việt là làm việc ở đâu? Việt có nói là làm ở Thái Lan, cách Băng Cốc tầm hơn 3 tiếng đi xe ô tô.

Vẫn là thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” -0
Cảnh sát làm việc với đối tượng Trần Quốc Việt

Sau đó Việt đã hướng dẫn lộ trình đi từ Nghệ An ra sân bay Nội Bài (TP Hà Nội), sau đó xuất cảnh sang sân bay Bankok - Thái Lan khi sang đến đất Thái Lan sẽ có người đón đưa vào công ty để thử việc, nếu làm được thì được ký hợp đồng, nếu không làm được thì phải quay về Việt Nam. Nghe thế D. đồng ý đi.

Tuy nhiên, sau khi được Việt cùng 2 người tự xưng là nhân sự của công ty dẫn D đi và được tuyển vào công ty làm. Tuy nhiên, quá trình làm việc tại công ty, D. thấy khác với thống nhất ban đầu là sang Thái Lan, D. có hỏi Việt: “Chỗ này là chỗ nào, Myanmar hay là Thái Lan”. Việt nói với D: “Thái Lan hay Myanmar cũng vậy, cách nhau có con sông”.

Làm được một thời gian, do lao động khổ cực, lương quá thấp nên một số người trong nhóm đi cùng D. muốn nghỉ làm, về nước. Tuy nhiên, phía công ty yêu cầu gia đình bồi thường từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng mới đồng ý cho về. Thấy con bị bóc lột sức lao động trong điều kiện bất hợp pháp, D. đã được người thân gom góp, vay mượn gửi số tiền hơn 150 triệu đồng sang để chuộc về. Trở về đến nhà, D. đã làm đơn tố cáo kẻ đã lừa mình.

Không may mắn như D., những người bạn đi cùng chuyến với D. vì không có tiền nên vẫn phải ở lại công ty làm việc và chưa biết ngày nào mới được trở về quê. Mặc dù thế, hay tin con, em mình bị lừa, người nhà của các bị hại đi cùng chuyến với D. cũng đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Đối tượng khai gì?

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, qua xác minh ban đầu, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an huyện Quỳ Châu đã báo cáo Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo xác lập chuyên án để đấu tranh, làm rõ.

Sau khi chuyên án được xác lập, các điều tra viên, trinh sát dạn dày kinh nghiệm đã được tung vào cuộc điều tra. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, danh tính đối tượng cầm đầu đường dây “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” được làm rõ. Với các chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Châu tiến hành lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Trần Quốc Việt (SN 1993), trú tại bản Độ 3, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An để điều tra về hành vi trên.

Vẫn là thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” -0
Tang vật trong chuyên án

Tại cơ quan điều tra, bước đầu đối tượng khai nhận, sau thời gian làm việc bất hợp pháp tại công ty ở Myanmar, Việt có mối quen biết với một người phụ nữ (người này làm quản lý những người lao động Việt Nam ở công ty nơi Việt làm việc). Thông qua người phụ nữ này, Việt quen biết với một số người làm nhân sự của công ty và được người phụ nữ này móc nối để Việt làm quen 2 đối tượng có tên nick zalo là “Ba Tờ” và “Hoàng Phúc”.

Từ đó Việt biết được cách thức đi lại, cách bố trí đường đi của việc tổ chức đưa các công dân Việt Nam sang Myanmar lao động bất hợp pháp, người của công ty cũng hứa sẽ giúp Việt trong việc tổ chức đưa người Việt Nam sang lao động tại công ty. Sau khi đưa được người sang lao động tại công ty thì lợi nhuận hoa hồng có được từ việc đưa được người Việt Nam sang ký hợp đồng lao động với công ty thì cá nhân Việt được hưởng tiền công thù lao là 20 triệu đồng/1 người.

Tuy nhiên, quá trình lập nhóm, nhân sự của công ty có trách nhiệm chỉ đường, hướng dẫn cho những công dân do Việt tổ chức đưa họ sang lao động nên phía nhân sự của công ty đã cắt phần trăm hoa hồng của Việt và họ cũng được hưởng 10 triệu đồng/1 người.

Sau đó Việt đã copy bài đăng tuyển của công ty rồi chỉnh sửa thông tin nội dung đăng tuyển và đăng thông báo kiếm người lao động trên trang cá nhân facebook  của mình có tên là “Trần Việt” để tuyển người.

Đến khoảng giữa tháng 2/2023, Việt đã tìm và tuyển được 6 người muốn đi xuất khẩu lao động gồm:  Đặng Văn D. (SN 1997), trú tại bản Kẻ Móng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An; Kim Văn T. (SN 1998); Kim Văn Th. (SN 1992) và Kim Văn T. (SN 2006) đều trú tại bản Độ 3, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cùng 2 người tên K. và H. cùng trú tại huyện Quỳ Châu.

Khi tất cả 6 người đều đồng ý đi thì Việt có lập nên một nhóm trên nền tảng Zalo do Việt làm trưởng nhóm. Sau đó, Việt mời 2 người ở công ty vào nhóm zalo để hướng dẫn làm các thủ tục như chụp ảnh hộ chiếu gửi lên nhóm để người công ty đặt vé máy bay đi Thái Lan. Chỉ một ngày sau đó, những tấm vé khứ hồi theo diện du lịch Thái Lan theo lịch trình 3/3/2023 bay sang Bangkok - Thái Lan và đến ngày 9/3/2023 sẽ có lịch bay từ Bangkok - Thái Lan về Việt Nam đã được đặt thành công.

Mặt khác, do lo sợ sự việc bị bại lộ, Việt đã nhắn lên nhóm hướng dẫn những người trong nhóm là trong quá trình di chuyển, đi lại lên máy bay, xuống máy bay thì theo sự hướng dẫn của 2 người có tên nick zalo là Hoàng Lhúc và Ba Tờ đồng thời nhấn mạnh  thêm “đây là thằng em của anh bên nhân sự công ty” để mọi người yên tâm tin tưởng.

Quá trình di chuyển, Hoàng Phúc và Ba Tờ có hướng dẫn trên nhóm “khi đi qua khu vực kiểm soát hải quan sân bay thì đi nhóm 2 người cùng nhau” và Việt có nhắn lên nhóm dặn: “Sang đến Thái Lan, anh em đi nếu ai hỏi thì nói đi du lịch hoặc đi xăm hình”. Sau đó, Việt có gửi lên nhóm một số hình xăm để nhỡ có ai hỏi thì đưa ra để nói, mục đích việc này là để qua mặt lực lượng chức năng sở tại, vì số người này đi theo diện du lịch sang Thái Lan mấy ngày rồi về.

Khi vừa đặt chân đến sân bay Bangkok, nhóm người của D. được 2 người nhân sự trong công ty đưa đến địa điểm tập trung, Việt đã đứng đó đón mọi người tại cổng công ty, rồi đưa mọi người đi ăn. Sau đó, Việt đưa 6 người về chỗ nghỉ đã được bố trí từ trước, 6 người được nghỉ ngơi một ngày, ngày tiếp đến thì 6 người được gọi xuống công ty để  kiểm tra trình độ đánh máy của từng người, sau khi kiểm tra thì nhân sự có báo lại trong số này thì chỉ có D. và H. đạt, những người còn lại phải học thêm 10 ngày.

Lúc này phía công ty có ký hợp đồng với D. và H., còn số còn lại 10 ngày sau kiểm tra lại đều đạt và ký hợp đồng với công ty. Sau chuyến đưa người đi xuất khẩu lao động chui, Việt được nhận thù lao là 50 nghìn Bạt, tương đương khoảng 40 triệu đồng.

Được biết, hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vừa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quốc Việt (SN 1993), trú tại bản Độ 3, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An để mở rộng điều tra về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Hải Việt
.
.
.