Kia
Mobifone

Từ sống ảo đến… lừa đảo

Chủ Nhật, 31/12/2023, 14:18

Thời gian qua, tình trạng giả danh cơ quan nhà nước, như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Bưu chính… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới nhưng phương thức của các đối tượng ngày càng xảo quyệt, tinh vi hơn. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo, song tại tỉnh Bạc Liêu, không ít người vẫn “sập bẫy” vì nhẹ dạ, cả tin…

Suýt mất tiền vì cuộc gọi giả danh

Gần 1 tuần trôi qua, nhưng bà Trần Ngọc V (sinh năm 1954, ngụ phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vẫn chưa hết bàng hoàng khi suýt mất trắng số tiền tích cóp dưỡng già vào tay một “cán bộ Công an rởm”.

tusongao 1.jpg -0
Bà Trần Ngọc V. đến Công an Thành phố Bạc Liêu trình báo sự việc.

Theo đó, ngày 21/12, bà V nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, giọng nữ tự xưng là nhân viên tổng đài Viettel, mã số nhân viên 1681, thông báo về việc có người sử dụng thông tin cá nhân của bà V đăng ký sim điện thoại rồi kêu gọi từ thiện, quảng cáo, lừa đảo trúng thưởng tại TP Đà Nẵng. Sau đó nhân viên này chuyển máy cho người tên Phong, tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng tiếp tục nói chuyện, yêu cầu kết bạn Zalo với bà V.

Sau khi đã kết bạn Zalo với bà V, đối tượng xưng là Phong mặc trang phục CSND liên tục gọi video call, nói bà V liên quan đến đường dây “ma túy xuyên quốc gia”; đồng thời chuyển máy cho người tên Lê Tiến và giới thiệu là cấp trên của mình. Lê Tiến yêu cầu bà V đến ngân hàng Liên Việt mở tài khoản, nộp toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản và gửi mật khẩu đăng nhập để phục vụ điều tra. Vì lo sợ bản thân liên quan đến vụ án, nên bà V lập tức đi mở tài khoản ngân hàng, đồng thời bán số tài sản mình tích cóp nhiều năm qua gồm: 2 lượng vàng 24K và 2.000 USD được 180 triệu đồng chuẩn bị nộp vào tài khoản.

Tuy nhiên, khi Phong liên tục hối thúc cung cấp mật khẩu, bà V thấy có dấu hiệu bất thường nên đến Công an phường 3 trình báo. Nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an TP Bạc Liêu yêu cầu bà V không nộp tiền vào tài khoản và hủy số tài khoản đã đăng ký vì đối tượng đã thu thập được mật khẩu, thông tin, dữ liệu cá nhân của bà…

Từ sống ảo đến… lừa đảo -0
Giả danh Công an để dụ dỗ phụ nữ, cưỡng đoạt tài sản, đối tượng Lê Văn Linh bị khởi tố về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Cũng với thủ đoạn trên, trước đó không lâu, bà Chu Ngọc L (một tiểu thương buôn bán tại chợ Bạc Liêu), suýt mất trắng tài sản vì cuộc gọi bất ngờ từ đối tượng giả danh Công an. Cụ thể, khi đang dọn hàng chuẩn bị buôn bán, bà L nhận được điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là “Đội điều tra phòng chống tội phạm kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu” yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản mang tên Đào Quang Nghĩa với lý do tài khoản của bà đã bị kiểm soát thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy tìm. Sau khi vụ việc kết thúc, cơ quan Công an sẽ hoàn trả lại đầy đủ tiền cho bà. Tưởng thật, bà L tức tốc đến Phòng giao dịch BIDV Trần Huỳnh yêu cầu chuyển 950 triệu đồng vào tài khoản của người tên Đào Quang Nghĩa.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường trong giao dịch của bà L, nhân viên Phòng giao dịch BIDV kịp thời thông tin cho Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu xác minh, làm rõ. Nhận được tin báo, Phòng An ninh kinh tế lập tức cử cán bộ đến Phòng giao dịch BIDV Trần Huỳnh nắm vụ việc, giải thích, đề nghị bà L ngừng chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo; đồng thời thực hiện các bước đảm bảo an toàn thông tin tài khoản, số tiền trong tài khoản của bà L, tránh việc mất tiền vào tay tội phạm lừa đảo.

Thượng tá Nguyễn Chí Toàn, trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Quá trình đấu tranh với các đối tượng, chúng tôi nhận thấy điểm chung trong phương thức gây án là giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, hoặc có lệnh bắt tạm giam của Viện kiểm sát. Chúng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với lý do phục vụ điều tra. Các đối tượng thường yêu cầu bị hại không được kể cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để bị hại không có đủ thời gian kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an. Mặc dù nhiều bị hại không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết mình bị lừa đảo”.

Đấu tranh quyết liệt hành vi giả danh Công an

Bên cạnh thủ đoạn lừa đảo tài sản thông qua những cuộc gọi giả danh, một số đối tượng còn cắt ghép hình ảnh, thậm chí đặt mua quần áo giả mạo trang phục CAND để mặc rồi đăng lên mạng xã hội với nhiều mục đích, như: Câu like, câu view, tạo lòng tin bán hàng online, hoặc tạo vỏ bọc “oai phong” để dễ dàng kết bạn, làm quen với chị em phụ nữ nhẹ dạ cả tin, sau đó dụ dỗ lừa đảo thậm chí cưỡng đoạt tài sản. Đó là trường hợp của chị Lê Thị Tuyết M (ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), cứ nghĩ đã tìm được người yêu làm Công an không ngờ rơi vào cạm bẫy “lừa tình, lừa tiền” của gã bạn trai chỉ quen vài tuần trên Zalo.

Từ sống ảo đến… lừa đảo -0
Nhờ Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ nên bà Chu Ngọc L. không mất gần 1 tỷ đồng vào tay bọn lừa đảo.

Theo đó, trong một lần quét chức năng “tìm kiếm quanh đây” trên ứng dụng Zalo, chị M kết bạn với Lê Văn Linh (sinh năm 1997, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sau nhiều ngày nhắn tin tâm sự qua Zalo, khi nghe Linh giới thiệu đang công tác trong lực lượng Công an, chị M hoàn toàn tin tưởng và có tình cảm. Tuy nhiên, chị M không ngờ những lần hẹn hò lãng mạn tại khách sạn đã bị gã bạn trai này lén chụp hình, quay video nhạy cảm để tống tiền. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an xác định, với thủ đoạn tương tự, Linh làm quen và chiếm đoạt tài sản của 4 phụ nữ khác với số tiền 30 triệu đồng.

Mới đây, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu tiến hành làm việc với Lương Tấn Nhẫn (sinh năm 1993, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND. Theo đó, Nhẫn đặt mua trên Facebook 3 bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, sau đó mặc để quay video, livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok nhằm câu like, câu view từ cộng đồng mạng. Quá trình làm việc, Nhẫn đã nhận thức việc làm sai trái của mình nên giao nộp những bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, đồng thời gỡ toàn bộ hình ảnh, video liên quan trang phục CAND đã đăng trên mạng xã hội.

Trung tá Nguyễn Văn Đương, trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Gần đây, các đối tượng còn gọi điện tự xưng là Công an, yêu cầu công dân chụp ảnh CCCD, giấy tờ tùy thân để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản. Bởi trên thực tế có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp ảnh CCCD hai mặt là được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Các ứng dụng cho vay tiền online này thường bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng rất sơ sài, từ đó tạo kẽ hở cho những đối tượng có cơ hội chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay. Ngoài ra, chúng cũng có thể sử dụng hình ảnh CCCD để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế hoặc các cuộc gọi trong nước với ý đồ xấu”.

Từ sống ảo đến… lừa đảo -0
Lương Tấn Nhẫn mua 3 bộ trang phục CAND giả, mặc để quay livestream trên Facebook, Zalo, TikTok nhằm câu like, câu view.

Nâng cao cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Qua đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hành vi giả danh Công an, có thể thấy các đối tượng thường nhắm vào người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin phản ánh trên báo chí; thiếu kiến thức về bảo mật thông tin cũng như ít hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự; những phụ nữ thường xuyên sử dụng mạng xã hội nhưng nhẹ dạ, cả tin. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo thông qua thủ đoạn giả danh cơ quan Công an, mọi người cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ người lạ tự xưng là cán bộ Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số CCCD, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại... cho bất kỳ ai. Các cơ quan tư pháp khi làm việc phải có giấy mời, địa điểm, con người làm việc cụ thể, không được phép dùng điện thoại mời. Khi gặp những trường hợp này, người dân cảnh giác không nghe, không làm theo yêu cầu. Nếu nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân bình tĩnh,  không hoang mang, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để cùng nhau hỗ trợ kiểm tra. Trường hợp có nghi ngờ về lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất”.

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ cào điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo. Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội để tránh bị đánh cắp thông tin vào mục đích xấu. Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra đối với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến cá nhân, tổ chức, và chính quyền địa phương; tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Hiện tại, Bộ Công an cũng chỉ có một ứng dụng duy nhất để định danh và xác thực điện tử là “VNeID”. Mọi hành vi gọi điện thoại, nhắn tin tự xưng là cán bộ Công an yêu cầu công dân cài đặt ứng dụng nào khác để khai báo thông tin đăng ký định danh điện tử đều là hành vi giả mạo, lừa đảo.

Văn Đức - Trọng Nguyễn

.
.