Tiết lộ chấn động của liên minh tình báo tài chính Egmont Group

Chủ Nhật, 02/10/2022, 12:39

Lần đầu tiên, một kho tài liệu mật khổng lồ của chính phủ Mỹ đã hé lộ cách mà các trùm ngân hàng phương Tây chuyển hàng ngàn tỷ USD trong các giao dịch mờ ám, làm giàu cho chính họ và các cổ đông trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khủng bố, chế độ đạo tặc cùng các hoàng đế ma túy. Và mặc dù có quyền lực rộng lớn nhưng chính phủ Mỹ đã bất lực. Bài viết dưới đây ghi theo lời kể của nguyên Phó tổng chưởng lý Hoa Kỳ, Rod Rosenstein.

Kho tài liệu khổng lồ

Ngày hôm nay, Hồ sơ FinCEN (hàng ngàn các “báo cáo hoạt động đáng ngờ” và những tài liệu khác của chính phủ Mỹ) đã cung cấp một cái nhìn chưa từng có về tham nhũng tài chính toàn cầu, các ngân hàng đã dung dưỡng nó, còn các cơ quan chính phủ đã giám sát khi nó lớn mạnh.

Tờ BFNews đã chia sẻ những báo cáo dạng này cho Hiệp hội những nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cùng hơn 100 tổ chức tin tức khác ở 88 quốc gia. Những tài liệu này (do các ngân hàng biên soạn) đã chia sẻ với chính phủ Mỹ nhưng giữ bí mật với công luận, vạch trần sự trống rỗng của các biện pháp bảo vệ ngân hàng, dễ dàng thỏa hiệp với tội phạm và lợi dụng đối tượng này.

Lợi nhuận từ những cuộc chiến chết người, vận may do biển thủ của công ở những nước đang phát triển, và lợi nhuận không tưởng từ mô hình kinh doanh đa cấp, tất cả đã chảy vào những tổ chức tài chính này, bất chấp những cảnh báo.

91-3.jpg -0
Mỹ dù là nước có nhiều chế tài nhưng vẫn bất lực trong việc ngăn chặn những giao dịch tài chính đáng ngờ. Ảnh nguồn: HSBC USA.

Rửa tiền làm leo thang bất bình đẳng kinh tế, tiêu hao công quỹ, xói mòn nền dân chủ và bất ổn xã hội, trong tất cả mọi sự, chính các ngân hàng đóng một vai trò quan trọng. “Lợi nhuận kếch sù chảy vào các ngân hàng, để lại vô số người chết trên thế giới”, dẫn lời ông Martin Woods, nguyên điều tra viên các giao dịch đáng ngờ của Wachovia. Oái oăm thay, luật chống tội phạm tài chính lại càng làm cho nó bùng nổ mạnh hơn.

Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính là cơ quan nằm ngay trong Bộ Ngân khố Mỹ chuyên chống “rửa tiền”, tài trợ khủng bố và những loại tội phạm tài chính khác. FinCEn thu thập hàng triệu báo cáo những hoạt động ngờ vực, gọi chung là SARs. SARs cung cấp cho các cơ quan thi hành luật cùng các hoạt động tình báo tài chính khác của Mỹ. 

Trong một số trường hợp hiếm hoi khi chính phủ Mỹ tróc nã các ngân hàng họ thường lệ thuộc vào cái được gọi là “những thỏa thuận truy tố hoãn lại”, nghĩa là phạt thì cứ phạt nhưng không có bắt giữ nhân vật cấp cao nào. Cuộc điều tra của FinCEN cho thấy rằng ngay cả sau  khi bị truy tố hoặc nộp phạt vì các vi phạm tài chính thì những ngân hàng lớn vẫn tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.

Những khoản thanh toán đáng ngờ chảy khắp thế giới và lọt vào nhiều ngành công nghiệp, từ thể thao quốc tế đến giải trí Hollywood, bất động sản xa xỉ cho đến những nhà hàng sushi Nobu. Tiền bẩn xâm nhập vào hàng loạt công ty, có mặt trong vô số loại đồ dùng trong đời sống con người, từ khí trong xe hơi đến chén ngũ cốc.

Hồ sơ FinCEN phơi bày sự thật trần trụi của kỷ nguyên hiện đại: các mạng lưới luân chuyển “tiền bẩn” khắp thế giới. Cuộc điều tra của tờ BFNews cho thấy ngân hàng Standard Chartered chuyển tiền cho Al Zarooni Exchange (một doanh nghiệp ở Dubai bị buộc tội “rửa tiền” cho Taliban).

Trong suốt thời gian Al Zarooni làm khách hàng của Standard Chartered, phiến quân Taliban đã thực hiện nhiều cuộc tấn công làm nhiều thường dân và binh lính thiệt mạng. Hay vụ chi nhánh HSBC của Hong Kong đã cho phép WCM777 (một công ty đa cấp) chuyển hơn 15 triệu USD vì công ty này bị cấm hoạt động ở 3 nước.

Vụ lừa đảo với số tiền ít nhất 80 triệu USD từ các nhà đầu tư mà chủ yếu là dân nhập cư gốc Latin và Châu Á, chủ nhân của WCM777 đã dùng tiền cướp được để mua 2 sân golf, dinh thự 650m2, 1 viên kim cương 39,8 carat, và quyền khai thác khoáng sản ở Sierra Leone.

Các thể chế tài chính đã xử lý hàng triệu USD trong các giao dịch cho gia đình Viktor Khrapunov – nguyên thị trưởng thành phố đông dân nhất Kazakhstan – sau khi Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol phát Thông báo đỏ bắt giữ ông này. Các ngân hàng được đề cập trong bài tuyên bố không bình luận do Luật bảo mật ngân hàng.

Bản thân SARs không phải là bằng chứng của tội phạm, nhưng ông Kenneth Blanco (giám đốc của FinCEN) đã gọi nó là “quan trọng sống còn cho điều tra thi hành pháp luật”. Hồ sơ FinCEN mở ra một cánh cửa hiếm hoi vào hệ thống tình báo tài chính khổng lồ chưa từng được công chúng biết đến. Mặt khác, các ngân hàng không được phép xác nhận sự tồn tại của các SARs.

Nhìn chung các báo cáo hoạt động đáng ngờ (SARs) trong Hồ sơ FinCEN đã gắn cờ hơn 2.000 tỷ USD các giao dịch từ năm 1999 đến năm 2017. Trong phần lớn các trường hợp, các ngân hàng phương Tây cứ để cho dòng tiền dịch chuyển và chỉ thu phí mà thôi.

Nghiên cứu của tờ BFNews đã đi xa hơn nhiều, bao gồm rất nhiều dữ liệu nội bộ ngân hàng, hàng ngàn trang hồ sơ công khai, hàng trăm buổi phỏng vấn với nhiều nguồn khắp toàn cầu, hàng chục hồ sơ theo Luật tự do thông tin (FOIA), 5 vụ kiện hồ sơ công khai, cùng các đề nghị cho 3 tòa án liên bang hủy các hồ sơ. BFNews không cung cấp toàn bộ SARs do bởi chúng có chứa thông tin về những người hoặc công ty không bị hoài nghi. 

Bộ Ngân khố thông báo rằng đã chuyển các vấn đề lên Văn phòng tổng thanh tra của Bộ Tư pháp Mỹ. Cố vấn chung của FinCEN nói rằng việc tiết lộ SARs có thể khiến các ngân hàng ít sẵn lòng nộp chúng, “đồng nghĩa cơ quan thực thi pháp luật ít có cơ hội để tróc nã tội phạm như buôn người, bóc lột trẻ em, lừa đảo, tham nhũng, khủng bố và tội phạm mạng”.

Robert Mazur (nguyên đặc nhiệm liên bang kiêm chuyên gia về “rửa tiền”) phát biểu: “Việc công khai Hồ sơ FinCEN có thể giúp tăng cường an ninh quốc gia, hỗ trợ các cuộc điều tra tương lai, đồng thời khuyến khích các tổ chức tuân thủ việc nộp yêu cầu SARs. Hy vọng một số người có quyền lực sẽ củng cố lỗi hệ thống rõ ràng”.

91-1.jpg -0
 Ông Michael German (cựu đặc vụ FBI): Sau sự kiện 11-9, chương trình SARs đã trở thành một cơ chế giám sát đại trà hành vi bất minh tài chính. Ảnh nguồn: Brennan Center for Justice.

Vai trò của các nhà băng liên lục địa

Có trụ sở đặt ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), Tổng công ty thương mại Mazaka (MGT) tự giới thiệu với thế giới là một nhà bán buôn. Nhưng từ giữa tháng 3 năm 2013 đến tháng 4 năm 2014, MGT đã nhận gần 50 triệu USD từ 5 công ty tham gia vào “chuỗi “rửa tiền” Nga đã thao túng các giao dịch chứng khoán quốc tế.

Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2014, MGT nhận hơn 4 triệu USD từ một công ty Singapore dường như không hề tồn tại. MGT cũng gửi và nhận tiền từ các công ty Anh đặt ở địa chỉ 175 Darkes Lane, một trong những địa chỉ khét tiếng thế giới với nhiều công ty bình phong như một công cụ nhằm che giấu quyền sở hữu. Các giao dịch này là của MGT (mà sau đó Bộ Ngân khố Mỹ tuyên bố đây là một phần của mạng lưới “rửa tiền” Khanani, một nhóm chuyên tài trợ tài chính cho khủng bố và các nghiệp đoàn ma túy khắp toàn cầu) có sự tiếp tay của các doanh nghiệp và những người cách xa bờ biển Hoa Kỳ.

Nhưng khi tiền bạc được giao dịch giữa các ngân hàng thì nó đều được theo dõi và chuyển các báo cáo cho Bộ Ngân khố Mỹ. Vì đồng đô la Mỹ là huyết mạch cho nền tài chính quốc tế, là mẫu số chung giữa các loại tiền tệ khác nhau trên thế giới cần tiếp cận với nó, khách hàng ngân hàng cần truy cập vào nó. Song chỉ có một số ngân hàng được cấp phép để giao dịch bằng đồng đô la.

Vì thế các ngân hàng nhỏ ở các quốc gia khác phải hợp tác với các tổ chức lớn hơn để đổi đồng peso, đồng nhân dân tệ hay đồng dirham để lấy những tờ bạc xanh. Khi những khoản tiền đó đi qua các ngân hàng Mỹ thì những đợt chuyển tiền đó mang đến cho Bộ Ngân khố một thứ lợi thế mà không nước nào có được. Họ chia sẻ thông tin đó cho Egmont Group – một liên minh kín tiếng của các đơn vị tình báo tài chính từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các thành viên Egmont đã cung cấp các chi tiết tài chính SARs mà nếu không thì không thể có được, chẳng hạn như cựu thành viên ủy ban Olympic – Lamine Diack, người đã bị phạt tù vì dính líu tới bê bối doping Nga; hoặc nhà tài phiệt Nga – Oleg Deripaska, người đã bị Mỹ trừng phạt 2 năm trước. (Deripaska kiện chính phủ Mỹ, khẳng định rằng mình là nạn nhân của trò chơi chính trị). Quốc hội Mỹ đã tạo ra chương trình SARs ngay từ năm 1992 nhằm đưa các ngân hàng trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến chống “rửa tiền”.

Nhưng theo ông Michael German (cựu đặc vụ FBI, một chuyên gia về quyền riêng tư và an ninh quốc gia) thì “sau sự kiện 11-9, chương trình SARs trở thành một cơ chế giám sát đại trà hơn là xác định những giao dịch rời rạc nhằm làm gián đoạn tội phạm “rửa tiền”. Năm 2017 khi các ủy ban quốc hội Mỹ bắt đầu điều tra về cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, họ cũng chuyển thông tin sang kho dữ liệu của Bộ Ngân khố.

Năm ngoái 2021, FinCEN nhận hơn 2 triệu SARs. Trong cùng kỳ nhân sự của FinCEN đã giảm hơn 10%. Trong khi đó các chuyên gia nói rằng một số ngân hàng coi SARs là một loại “thẻ không tù ngục” trong đó họ gửi một loạt các thông báo về giao dịch mà không thực sự có động thái chặn đứng chúng. Theo một báo cáo nghiên cứu của FinCEN thì vào tháng 12 năm 2013, JPMorgan Chase đã nộp ít nhất 8 SARs các tài khoản và công ty được quản lý bởi Manafort, đã gắn cờ hơn 10 triệu USD.

Manafort (từng là chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump) đã bị kết tội gian lận ngân hàng và thuế trong năm 2018. Việc khác, bất chấp quyền lực điều tra các chủ tài khoản của các ngân hàng, song có vẻ như họ không có những bước kiểm tra căn bản đối với khách hàng mình theo như cuộc điều tra của Hồ sơ FinCEN, đáng chú ý là dịa chỉ ma của các công ty.

Khi các điều tra tìm hiểu những hoạt động tại Mỹ của HSBC, đã yêu cầu phía Hong Kong (Trung Quốc) về tên của người làm chủ công ty Trade Leader (công ty đã chuyển hơn nửa tỷ USD thông qua HSBC trong không đầy 2 năm) và câu trả lời là “chưa hề tồn tại”. Theo công bố của Hồ sơ FinCEN thì HSBC trở thành trung tâm quan trọng cho cái gọi là “Ngoại giao rửa tiền Nga”, hiểu nôm na là kế hoạch giúp giới nhà giàu Nga được các ngân hàng bật đèn xanh để chuyển tiền qua phương Tây.

Cuộc điều tra của Hồ sơ FinCEN đã đi đến một cái nhìn rất khác: các ngân hàng thường đi đến cuối thỏa thuận nhưng không có bất kỳ sự nghiêm túc nào trong khâu sửa lỗi hệ thống. Năm 2012, HSBC đối mặt với cuộc khủng hoảng lịch sử. Ngân hàng này bị phạt 1,9 tỷ USD sau khi cho phép các kẻ buôn lậu ma túy và “rửa tiền” đầu tư làm ăn ở Sudan và Myanmar. Kể từ đó chính phủ Mỹ đã lắp đặt một hệ thống giám sát độc lập để theo dõi chặt chẽ HSBC.

Suốt nhiều năm JPMorgan Chase là ngân hàng chính của kẻ mưu đồ đa cấp lớn nhất thế giới Bernie Madoff. Ngân hàng này đã không nộp báo cáo hoạt động đáng ngờ và bị cáo buộc thu thập 500 triệu USD tiền phí. Để tránh bị trừng phạt, JPMorgan Chase đã nộp phạt 1,7 tỷ USD và hứa sẽ cải thiện chống “rửa tiền”. Nhưng sau khi xử xong vụ Madoff, các nhà điều tra của ngân hàng này nói rằng họ hoài nghi JPMorgan Chase đang mở các tài khoản cho một nhân vật “xã hội đen” người Nga cũng như tiếp tay cho chế độ Triều Tiên.

Ngân hàng Standard Chartered cũng không nằm ngoài cuộc. Năm 2019, chính phủ Mỹ đã sửa thỏa thuận truy tố trì hoãn năm 2012 sau khi phát hiện Standard tiếp tục thực hiện các giao dịch cho những cá nhân và doanh nghiệp ở những nước ngoài giới hạn mà cụ thể là Iran. Standard Chartered đã nộp phạt tổng số tiền 1,1 tỷ USD cho giới chức Mỹ và Anh.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.