Thụy Điển: Tội phạm đường phố hoành hành
Thụy Điển - Vương quốc phương Bắc từng được coi là khu vực an toàn nhất châu Âu nay đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thuộc hàng cao nhất từ một thập kỷ nay. Các cuộc chiến trên đường phố ở Thụy Điển của các băng nhóm chủ yếu là từ những người di cư thế hệ thứ hai. Họ không chỉ bắn giết nhau mà mỗi ngày càng có nhiều người thân và hàng xóm vô tội của các nạn nhân và cả những người đi đường bị thiệt mạng.
Bạo lực đường phố gia tăng
Những vụ bắn súng công khai sát phạt nhau, nhà cửa của cư dân bị văng kính bởi các vụ nổ bom, những người dân và người qua đường ngẫu nhiên trở thành nạn nhân của các cuộc trả thù đẫm máu giữa các băng tội phạm… Ngày nay hiếm có ngày nào vương quốc này thiếu tiếng súng, những vụ nổ bom và lựu đạn ném qua cửa sổ.
“Trước đây Thụy Điển chưa bao giờ chứng kiến điều gì như vậy - Thủ tướng Ulf Kristenrsson nói hồi cuối tháng 9/2023, một trong những tháng đẫm máu nhất trong lịch sử đương đại của Thụy Điển - Không có quốc gia nào ở châu Âu hiện gặp phải trường hợp tương tự. Thụy Điển hiện đang trải qua thời điểm khó khăn. Luật pháp Thụy Điển chưa thích ứng với các cuộc chiến băng đảng và binh lính trẻ em, và giờ đây chúng tôi đang khẩn trương thay đổi nó…”.
Các cuộc chiến băng đảng tại Thụy Điển chủ yếu nhằm giành quyền kiểm soát thị trường ma túy. Vụ nổ súng vào đêm ngày 13/9 tại nhà Kerwin ở Uppsala là một nỗ lực bất thành nhằm vào mẹ vợ của tên Rava Madjid (hắn còn được biết đến với cái tên Cáo Kurd) - thủ lĩnh của băng đảng Foxtrot khét tiếng ở Thụy Điển và khắp Scandinavia, Madjid là người Kurd gần như sống cả đời ở Uppsala.
Theo giáo sư tội phạm học Felipe Estrada Dorner của đại học Stockholm: “Nạn nhân thường là những người không liên quan gì đến những cuộc xung đột (cuộc chiến băng đảng). Họ thật rủi ro khi lại là người thân, bạn bè của bọn cướp. Đây cũng là sự khác biệt lớn giữa sự bùng phát bạo lực hiện nay với những đợt bạo lực trước đây”.
Cảnh sát Thụy Điển cho biết, tính đến ngày 17/11/2023, đã có 314 vụ xả súng và tấn công bằng súng ở quốc gia này khiến 47 người thiệt mạng, riêng trong tháng 9 có 11 người chết. Để so sánh: trong cả năm 2016 chỉ có 7 người chết vì súng ở Thụy Điển. Nhiều người Thụy Điển chú ý đến sự tàn bạo của thế hệ sát thủ mới tuổi vị thành niên. Nạn nhân, cũng như những người trực tiếp tham gia các cuộc chiến băng đảng ngày càng trẻ hóa. Năm 2022 cảnh sát đã điều tra 336 trường hợp tàng trữ vũ khí trái phép của người Thụy Điển từ 15-17 tuổi. Con số này cao gấp 8 lần so với 10 năm trước. Ngày nay, các băng đảng chủ yếu thuê những sát thủ dưới 15 tuổi để thực hiện mệnh lệnh bởi chúng còn ít tuổi nên không có nguy cơ phải ngồi tù.
Một đặc điểm khác của tội phạm trẻ hóa là thiếu kinh nghiệm và thường không có khả năng xử lý súng, dẫn đến gây thương tích và làm chết những người vô tội tình cờ ở gần hiện trường vụ án. Vì vậy có rất ít người qua đường trên đường phố Uppsala, là nơi cùng với Stockholm, đang trở thành trung tâm bùng phát bạo lực. Chẳng ai muốn ngẫu nhiên bị dính đạn trong cuộc đọ sức giữa bọn cướp đang bắn về mọi hướng.
Vào ngày 28/9 giáo viên tiểu học 24 tuổi Soha Saad đã thiệt mạng vì một vụ nổ bom ở Uppsala. Cô cũng tình cờ trở thành nạn nhân khi bọn họ muốn giết người hàng xóm của cô, là họ hàng của một thành viên trong băng đảng địa phương. Bạn cô là Sarah viết trên Ingstagram: “Họ sẽ cướp đi bao nhiêu sinh mạng vô tội nữa? Tôi kêu gọi các chính trị gia Thụy Điển: hãy thức tỉnh!”.
Thủ tướng Ulf Kristersson cho rằng sự bùng phát bạo lực chưa từng có tại vương quốc là do “các chính sách di cư vô trách nhiệm (của những người tiền nhiệm?) và sự hội nhập thất bại (của những người từ Trung Đông và châu Phi) vào xã hội Thụy Điển”. Tội phạm đường phố ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội Thụy Điển mà không có ngoại lệ. Doanh nhân nổi tiếng Jesper Brodin nói: “Thụy Điển đang trải qua một trận động đất xã hội”.
Vương quốc giàu có này cho đến gần đây vẫn được coi là một “quốc gia phúc lợi chung” bởi trong ba thập kỷ qua đã tiếp nhận, có lẽ là nhiều nhất châu Âu những người tị nạn và người di cư từ châu Phi, Cận Đông và Trung Đông cũng như vùng Balkan. Trong 10 năm trở lại đây, những thay đổi về nhân khẩu học đã bắt đầu biểu hiện ở sự gia tăng tội phạm, phần lớn liên quan đến người di cư và con cái của họ. Sự gia tăng bạo lực đương nhiên ảnh hưởng đến bối cảnh chính trị và xã hội của vương quốc.
Cảnh sát Thụy Điển hiện giờ phải căng đầu với làn sóng tội phạm thứ 9 đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2023 tình hình trở nên khó khăn đến mức chính quyền phải nhờ đến quân đội. Sau cuộc gặp vào tháng 9 giữa Thủ tướng Kristersson và giới lãnh đạo quân đội, các đội tuần tra hỗn hợp bao gồm cảnh sát và quân đội bắt đầu xuất hiện trên các đường phố của Thụy Điển…
Thủ lĩnh băng đảng nguy hiểm
Uppsala là nơi có trường đại học lâu đời nhất Scandinavia, nhà thờ lớn nhất vùng và lâu đài Hoàng gia hoành tráng. Tuy nhiên gần đây những điểm tham quan này đã tạo nên danh tiếng tiêu cực bởi một trong những băng nhóm tàn bạo nhất không chỉ ở vương quốc mà còn trên toàn Scandinavia do tên Rava Madjid, 37 tuổi cầm đầu.
Madjid đã kết hôn và có 3 người con, nhưng điều này không ngăn cản hắn trở thành một trong những thủ lĩnh nguy hiểm nhất của thế giới ngầm ở Thụy Điển và Scandinavia. Hắn sinh tại Iran trong thời gian cha mẹ hắn chạy khỏi Iraq. Một tháng sau khi Madjid ra đời, gia đình đến định cư ở Uppsala, Thụy Điển. Thuở nhỏ Madjid giúp mẹ bán kem và như hầu hết thanh thiếu niên ở Trung Đông, hắn sớm làm quen với thế giới tội phạm.
Madjid lần đầu phạm pháp vào năm 2005 khi đột nhập vào nhà người khác. Năm 2009, vốn là một tên tội phạm giàu kinh nghiệm, hắn nhận bản án đầu tiên là 8,5 năm tù vì tội buôn bán cocaine. Vào mùa xuân năm 2015 Rava Madjid được trả tự do nhưng đến tháng 7 hắn lại vào tù vì tội tham gia bắt cóc và hành hung nghiêm trọng, đến tháng 2/2018 hắn được ân xá. Vào mùa hè cùng năm, Madjid đã rời khỏi Thụy Điển sau khi nhận thấy cuộc sống ở đất nước này là nguy hiểm đối với hắn, Thụy Điển đã rất sai lầm khi cho phép Madjid rời khỏi đất nước.
Trong 5 năm qua, “Cáo” - biệt danh của Madjid - đã định cư ở Thổ Nhĩ Kỳ và sử dụng chương trình “hộ chiếu vàng”, mua bất động sản với giá 11 triệu lira tiền bản địa và nhận quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Tới thời điểm đó, hắn đã đứng đầu băng đảng Foxtrot chuyên buôn bán cocain và khá thành công khi điều hành “Foxtrot” từ nước ngoài. Chính phủ Thụy Điển đã nhận ra sai lầm của mình nhưng mọi nỗ lực để đưa Cáo trở lại, kẻ đã tăng cường hoạt động tội phạm sau khi rời đi, đều vô ích. Madjid chọn nơi định cư là Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara không dẫn độ công dân của mình sang các nước khác, trừ khi họ vi phạm luật pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, và Thụy Điển cũng làm y như vậy.
Cảnh sát Thụy Điển đã lập kế hoạch để bắt giữ Madjid và hy vọng được giúp đỡ nên đã chia sẻ thông tin chi tiết với các đồng nghiệp của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những người thực thi pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ chi tiết về hoạt động này cho tay sai của Madjid. Dẫu vậy, năm 2022 đã có hy vọng đưa được tên trùm tội phạm vào tù trong thời gian dài. Sau khi biết được rằng, Cáo đã trở thành công dân Thổ Nhĩ Kỳ không phải với tên gọi Rava Madjid mà là Miran Othman, một vụ án hình sự đã được mở ra với hắn. Madjid đã lý giải sự thay đổi họ tên trên cơ sở luật pháp ở Iraq để giải quyết việc thừa kế.
Khi nhận thấy có nguy cơ mất quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển, Madjid cố gắng rời Thổ Nhĩ Kỳ và lại sử dụng hộ chiếu giả với tư cách là công dân Italy, nhưng hắn đã bị bắt giam. Trong năm đó, tòa án Bodrum đã tổ chức hai phiên điều trần về Rava Madjid. Lần thứ ba được dự định vào tháng 11 nhưng vẫn chưa có thông báo nào về việc này. Trong khi đó, tên Cáo người Kurd này đã đóng một vai trò rất lớn trong vụ bùng phát bạo lực mới nhất ở Thụy Điển, gây ra các cuộc chiến giữa các băng xã hội đen.
Quy trách nhiệm và loay hoay khắc phục
Cánh hữu đổ lỗi phần lớn tội phạm đường phố đang tràn lan là do người di cư đã làm tăng dân số của Thụy Điển thêm 2 triệu người trong 30 năm qua. Hầu như tất cả các thành phố của Thụy Điển đều có ít nhất một khu vực phức tạp, chủ yếu từ người di cư.
Trong hầu hết những năm 2010, đảng Dân chủ Thụy Điển là tổ chức chính trị duy nhất phản đối việc di cư. Không ngạc nhiên khi đảng này, vốn ít được coi trọng chỉ trong vài năm đã trở thành một lực lượng chính trị đáng gờm. Richard Jomshof kêu gọi Thụy Điển đóng cửa đối với người di cư và trục xuất những kẻ tội phạm sinh ra ở nước ngoài. “Chúng tôi đã đơn độc trong nhiều năm qua. Họ gọi chúng tôi là những kẻ phân biệt chủng tộc. Tình hình đất nước hiện giờ thật tồi tệ, nhưng chúng tôi không còn đơn độc nữa. Tôi lo rằng chúng tôi đang cố gắng bằng các phương pháp dân chủ chống lại những người không quan tâm đến dân chủ”.
Cánh tả thì nói về các nguyên nhân xã hội của nạn bạo lực, bao gồm cả việc tư nhân hóa hệ thống an sinh xã hội đã diễn ra vào thời kỳ 2006-2014 của chế độ ôn hòa và dẫn đến sự suy thoái của nó. Các công ty tư nhân hiện kiểm soát hầu hết các trường học, bệnh viện và viện dưỡng lão. Jens Lapidus, một cựu luật sư hình sự nói: “Tôi không muốn đổ lỗi mọi thứ cho việc di cư”. Ông nói rằng đa số các khách hàng cũ và thành viên các băng đảng không phải là người di cư mới đến vương quốc, mà là những người sinh ra ở Thụy Điển.
Vào tháng 10/2023 sau một vụ đánh bom ở Stockholm, hai thanh niên 17 tuổi bị kết án 10 tháng tù tại một cơ sở cải huấn dành cho những thanh thiếu niên gây rối. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng, những tên cướp có kinh nghiệm đã tuyển mộ tân binh từ chính cơ sở này vào các băng nhóm của chúng. Nhà tội phạm học Manne Gerell nói: “Để thực sự thay đổi tình trạng tội phạm vị thành niên, trước tiên chúng ta cần phải phá hủy hệ thống tuyển dụng tích cực tại các băng đảng”.
Cho dù người Thụy Điển có tranh cãi thế nào về các biện pháp chống tội phạm đường phố thì họ vẫn hoàn toàn nhất trí rằng sẽ không thể nhanh chóng tiêu diệt được các băng đảng.