Thủ đoạn mới của các băng nhóm mua bán người bằng hình thức “việc nhẹ lương cao”

Thứ Tư, 13/12/2023, 08:30

Thời gian qua, Công an, Biên phòng các tỉnh biên giới phía Nam đã tổ chức nhiều đợt tiếp nhận số lượng lớn công dân Việt Nam lao động trái phép do các cấp chính quyền vương quốc Campuchia bàn giao. Hầu hết những người này đều bị các băng nhóm buôn người giăng bẫy “việc nhẹ lương cao” nhưng dùng một số thủ đoạn mới để lừa bán cho các tổ chức, băng nhóm hoạt động tội phạm ở nước ngoài. Vậy, cần có những biện pháp nào để người dân tránh xa các bẫy lừa này?

Thủ đoạn mới trong bẫy “việc nhẹ lương cao”

Ngày 7/12, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, huyện Bến Cầu (Tây Ninh), Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 256 công dân Việt Nam do phía Campuchia bàn giao và hoàn tất các thủ tục hành chính, pháp lý trước khi đưa về nơi cư trú.

Cụ thể, ngày 30/11, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nội vụ Campuchia đã phong tỏa 2 khu nhà Borey Chaktomuk thuộc tỉnh Kandal, tạm giữ 256 công dân Việt Nam. Những người này được cho là có hành vi nhập cảnh trái phép, lao động trái phép và nghi vấn sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo. Do đó, lực lượng chức năng Campuchia đã xử phạt hành chính đối với các công dân trên. Theo quy định của pháp luật Campuchia, các hành vi nhập cảnh và lao động trái phép đều bị trục xuất khỏi đất nước này. Để bảo hộ cho công dân, Đại sứ quán Việt Nam đã trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng Campuchia đảm bảo điều kiện sinh hoạt, an toàn cho công dân Việt Nam.

Thủ đoạn mới của các băng nhóm mua bán người bằng hình thức “việc nhẹ lương cao” -0
Cảnh sát CampuChia đưa những công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động đến cửa khẩu.

Trước đó, vào chiều 25/7, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận 33 công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia. Cụ thể, vào khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 18/7, tại tòa nhà 6 tầng thuộc khu casino Rôt Bốt, ấp Bavet, phường Bavet, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, có nhiều công nhân làm việc trong tòa nhà hô hoán, đập cửa kính để cầu cứu lực lượng chức năng Campuchia đưa ra ngoài.

Sau khi nắm tình hình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trao đổi với lực lượng chức năng Campuchia, đồng thời thông báo vụ việc tới Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nhằm bảo hộ quyền lợi cho công dân Việt Nam. Xác định có công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động, ông Ben Bô Sa - Phó Chủ tịch tỉnh Svay Rieng đã đến hiện trường chỉ đạo xử lý, đưa số công nhân trên về trụ sở cảnh sát TP Bavet.

Tại buổi làm việc đã ghi nhận có 33 người Việt Nam (9 nữ, 24 nam) ngụ tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Thanh Hóa, Long An, Khánh Hòa, Lai Châu, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi.

May mắn được giải cứu khỏi tổ quỷ ở nơi xứ người, anh T.V.Thịnh, ngụ ở vùng sâu tỉnh Sơn La kể lại, tháng 1/2023, chán nản vì thất nghiệp nên lướt Facebook để giết thời gian. Trong thời gian này, anh phát hiện một tài khoản đăng thông tin tuyển người đi làm việc ở nước ngoài với mức lương dao động từ 20- 30 triệu đồng/tháng tùy theo trình độ nên lập tức tìm hiểu. Sau khi liên lạc với số điện thoại của chủ tài khoản, anh được một người đàn ông nói tiếng miền Nam vẽ ra một viễn cảnh vô cùng tươi sáng và hứa sẽ đảm bảo việc làm dài hạn cho anh, đồng thời bao luôn nơi ăn chốn ở.

Bắt thóp được anh Thịnh đang rất cần việc làm để trang trải cuộc sống, người nói tiếng miền Nam bảo anh lên một địa chỉ ở trung tâm huyện rồi sẽ có người hướng dẫn cụ thể, nếu thích thì lên đường ngay, còn không thì cũng không sao. Nghĩ chẳng mất gì, ngay sáng hôm sau, anh Thịnh đạp xe đến điểm hẹn và ngay lập tức được một thanh niên địa phương ăn mặc bảnh bao dúi vào tay tờ giấy bạc 200 ngàn đồng rồi bảo: “Đi mua bộ quần áo mới mà mặc. Nếu muốn đi làm thì đúng 10 giờ sáng mai có mặt tại bến xe tỉnh, bọn này sẽ hỗ trợ tiền vé, tặng tiền ăn suốt hành trình, đến nơi thì gọi số điện thoại 088919... Sẽ có người đón, còn không thì cũng không đòi lại 200 ngàn đâu...”.

Nghĩ mình gặp được người tử tế, anh Thịnh trở về thu xếp tư trang và có mặt tại bến xe đúng như đã hẹn và quả nhiên suốt chuyến đi, anh không cần phải trả tiền vé, tiền ăn. Đến bến xe miền Đông, TP Hồ Chí Minh, Thịnh được một thanh niên đưa lên xe ô tô 16 chỗ ngồi cùng gần chục thanh niên khác đưa thẳng đến tuyến biên giới tỉnh An Giang và đến nửa đêm thì lội tắt đường ruộng sang bên kia biện giới, tiếp tục lên xe 16 chỗ khác đưa đến một căn nhà cách đường biên khoảng hơn chục cây số. Xe vừa dừng lại, đã có sẵn một số đối tượng mặt mày dữ tợn, tay lăm lăm dùi cui điện bắt buộc từng người phải ký giấy nợ 100 triệu đồng mà chúng gọi là “phí dịch vụ”, số tiền này sẽ được trừ vào tiền lương dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng tùy theo trình độ và thành tích của từng người, nếu ai không ký lập tức bị chúng đánh đập hoặc buộc gọi điện thoại yêu cầu người thân chuyển tiền chuộc 100 triệu đồng thì chúng sẽ thả cho về.

Thủ đoạn mới của các băng nhóm mua bán người bằng hình thức “việc nhẹ lương cao” -0
Hoàn tất thủ tục để các công dân bị cưỡng bức lao động nhanh chóng được trở về quê.

Trong số gần chục người trong đoàn, ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nên đành nhắm mắt ký giấy nợ, riêng một thanh niên tên Toản ở tỉnh Thanh Hóa không chịu nổi nên đã gọi điện cho mẹ bán căn nhà ở bìa rừng cùng con heo nái rồi chuyển tiền cho chúng thì mới được thả về. Những người còn lại, chúng đưa đến nhốt trong căn nhà ổ chuột ở tỉnh Kandal, có bảo vệ canh giữ 24/24h, những ai biết về công nghệ thì bị buộc phải nhắn tin lừa tiền người trong nước, còn người không biết thì phải đến casino môi giới cờ gian bạc lận.

Một trường hợp may mắn khác trong số hơn 200 người được giải cứu, anh T.Son tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Trị nên sau khi học hết cấp 3, anh không có khả năng tiếp tục học lên cao và đành phải quay về với công việc phát nương, làm rẫy, chăn nuôi con trâu, con lợn để cải thiện cuộc sống. Đầu tháng 4/2023, trong lúc lướt mạng xã hội, anh thấy quảng cáo tuyển người đi lao động ở nước ngoài nên đã chủ động gọi điện thoại cho người đăng để tìm hiểu với hy vọng có thể tìm được công việc tốt, thu nhập ổn đỉnh để thoát ly cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Sau khi được đối tượng “rót mật” vào tai, anh quyết định bán trâu cùng hai con lợn giống là tài sản lớn nhất trong nhà làm lộ phí đi đường. Vào đến TP Hồ Chí Minh, anh được đối tượng mà đám đàn em xung quanh gọi là Bé Ba đưa cho một bộ hợp đồng lao động được chúng ký, đóng sẵn dấu vuông với mức lương đảm bảo từ 15-20 triệu đồng/tháng bảo ký vào để sau này có vấn đề gì thì người lao động có thể kiện ra tòa hoặc gửi đơn tố cáo đến Cơ quan công an... Đọc nội dung thấy không có điều khoản nào bất lợi cho mình, anh Son rất tin tưởng và đặt bút ký ngay mà không đắn đo gì.

Đêm hôm ấy, anh và một số người cùng hoàn cảnh được đưa qua biên giới tỉnh Long An bằng đường mòn sang Campuchia và ngay sau đó có một nhóm người đưa đến căn nhà xây kiên cố nằm gần casino, khóa cửa nhốt lại. Sớm hôm sau, khi cánh cửa sắt vừa mở, một nhóm người xăm trổ đầy mình, mặt mày dữ tợn tay cầm dùi cui, tay cầm xấp giấy bước vào tuyên bố: “Hợp đồng chỉ là đồ ma, không có giá trị, còn đây là giấy nhận nợ mà mọi người đã ký tên, điểm chỉ, số nợ là 4.000 USD, mỗi người phải ngoan ngoãn làm việc để trừ dần, khi nào hết nợ thì được lĩnh lương. Ở đây chúng tao là luật nên đừng hòng bỏ trốn, còn muốn chuộc thân thì cứ nộp đủ số tiền này sẽ được đưa đến biên giới rồi tự về...”.

Tức giận vì bị lừa, một thanh niên đứng ra phản ứng liền bị đám đông cầm dùi cui điện chính vào người rồi đấm đá túi bụi cho đến khi anh này nằm bất động thì chúng mới dừng tay. Nhìn cảnh người thanh niên này bị hành hung, những người khác đành cắn răng nghe theo lời bọn chúng đến tỉnh Kandal làm việc cho một băng nhóm chuyên nhắn tin lừa đảo chính người Việt ở trong nước.

“Mình rất mừng vì được giải cứu, nhưng trở về quê chắc phải mất nhiều năm để gây dựng lại kinh tế gia đình vì tài sản lớn là con trâu và hai con lợn giống đã bán lấy tiền làm lộ phí trước đó rồi... Cũng đành chịu thôi, tại mình dại mà...”, anh Son than thở.

Cần phương án cụ thể trong tuyên truyền

Theo kinh nghiệm của Đại úy Hồ Duy Khanh, Trưởng Công an xã biên giới Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, tội phạm buôn người dùng chiêu lừa “việc nhẹ lương cao” để dụ dỗ những thanh niên nam nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao để bán cho các tổ chức hoạt động tội phạm ở nước ngoài diễn biến khá phức tạp. Để kéo giảm đến mức thấp nhất tình trạng người dân bị lừa, ngoài việc đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động tại chỗ thì công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng, nhưng phải có phương án cụ thể.

Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên loa “kẹo kéo” được công an viên dùng xe gắn máy chở đến từng ngõ xóm khi cùng các “tổ tuần tra nhân dân” đi tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự, nói chuyện chuyên đề tại các trường THPT, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, lồng ghép công tác tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt đoàn thanh niên, phụ nữ, họp ấp... để đông đảo người dân hiểu được những thủ đoạn của các băng nhóm buôn người mà chủ động cảnh giác.

Thủ đoạn mới của các băng nhóm mua bán người bằng hình thức “việc nhẹ lương cao” -0
Những công dân bị cưỡng bức lao động ở Campuchia đang chờ giờ phút được trở về nước.

Một biện pháp hữu hiệu khác là vận động chính những người từng là nạn nhân của các băng nhóm buôn người qua chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” (nếu có) tham gia công tác tuyên truyền của địa phương. Ví dụ như tại địa phương trước đây có khoảng 70 thanh niên đi làm theo dạng “việc nhẹ lương cao”, khi được giải thoát trở về, được địa phương đả thông tư tưởng, một số được gia đình hỗ trợ vẫn qua lại biên giới nhưng là làm ăn buôn bán, trao đổi nông sản chứ không tiếp tục đầu quân cho các băng nhóm lừa đảo. Số còn lại, sau khi được vận động đã tự nguyện tham gia các “tổ tuần tra nhân dân” và đoàn thể, vừa tăng gia lao động sản xuất mang lại cuộc sống ổn định, vừa tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự cho bà con xóm làng, lại vừa có thể nói chuyện chuyên đề về những ngày tháng bị đày ải và những tủi nhục phải hứng chịu trong thời gian bị sa vào bẫy của bọn lừa đảo “việc nhẹ lương cao” trong những lần sinh hoạt đoàn thanh niên hoặc họp ấp... Cách làm này đã tạo sự lan tỏa sâu, rộng và đặc biệt là những lớp thanh niên mới lớn dễ dàng tiếp nhận để nâng cao cảnh giác, đồng thời nếu phát hiện có băng nhóm hoặc đối tượng hoạt động buôn người sẽ thông báo cho Cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đức Cương
.
.
.