Thách thức an ninh của Olympic Paris 2024

Chủ Nhật, 04/08/2024, 08:01

Ngày 26/7/2024, Thế vận hội Olympic Paris đã chính thức khai mạc và sẽ kéo dài đến ngày 11/8 với sự tham dự của 10.500 vận động viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, tranh tài 32 môn thể thao gồm 329 nội dung thi đấu, diễn ra ở thủ đô Paris và 16 thành phố khác cùng lãnh thổ hải ngoại Tahiti.

Theo ban tổ chức, ước tính sẽ có 10 triệu lượt người nước ngoài đến Pháp trong suốt thời gian diễn ra Olympic và điều này đã đặt ra thách thức lớn nhất trong lĩnh vực an ninh…

1. Dưới mắt khách du lịch, đường phố thủ đô Paris những ngày này tràn ngập những panô, áp phích cỡ lớn với khẩu hiệu “Ouvrons grand les Jeux”, “Games Wide Open - Trò chơi rộng mở”, còn các khách sạn, nhà hàng, công viên, các khu vui chơi giải trí, các sân vận động nơi diễn ra những cuộc tranh tài là vô số cờ, hoa rực rỡ. Trên trang web của Thế vận hội nổi bật dòng chữ: “Có trách nhiệm hơn, toàn diện hơn, bình đẳng hơn và ngoạn mục hơn bao giờ hết”...

Tuy nhiên, phía sau sự hoành tráng ấy là nỗi lo khủng bố. Để bảo vệ Thế vận hội, khoảng 30.000 cảnh sát vũ trang được triển khai tại các địa điểm tập trung đông người, ngoài ra còn có 25.000 nhân viên an ninh tư nhân, cố gắng để không bỏ sót bất kỳ sự kiện khả nghi nào ở các bến xe, sân bay, nhà ga tàu điện ngầm...

Thách thức an ninh của Olympic Paris 2024 -0
Cảnh sát và nhân viên đường sắt cao tốc tại một hộp tín hiệu bị đốt phá.

Với lễ khai mạc Olympic diễn ra trên sông Seine, lực lượng bảo vệ là 45.000 người cùng 18.000 sĩ quan, binh lính thuộc các đơn vị đặc nhiệm, 300 lính bắn tỉa bố trí trên những điểm cao cùng hàng trăm máy bay không người lái, giám sát 24/24 giờ, một con số kỷ lục! Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có vận động viên tham gia tranh tài cũng cử nhân viên an ninh đến Pháp để cùng phối hợp với Pháp, đảm bảo an toàn cho công dân mình suốt thời gian diễn ra một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Tướng Christophe Abad, chỉ huy các hoạt động chống khủng bố ở Paris cho biết: “Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, chưa bao giờ nước Pháp lại có cuộc huy động lực lượng quân sự lớn như lần này”.

Vẫn theo tướng Christophe Abad: “Olympic Paris là sự kiện cực kỳ phức tạp vì quy mô của nó, đặc biệt là lễ khai mạc với sự có mặt của hơn 130 nguyên thủ quốc gia, những chính khách hàng đầu, hơn 300.000 người có giấy phép đặc biệt, được trực tiếp chứng kiến lễ khai mạc bên bờ sông Seine, 1,5 tỷ người trên thế giới xem qua truyền hình nên có thể thấy tại sao đây lại là thách thức an ninh lớn nhất trong lịch sử nước Pháp…”.

6 tháng trước ngày khai mạc Olympic, Bộ Nội vụ Pháp đã tiến hành thẩm tra đối với những người nằm trong danh sách trực tiếp tham gia, từ các tình nguyện viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như phiên dịch, lái xe, hướng dẫn đi lại hoặc những cá nhân liên quan đến việc rước đuốc Olympic. Kết quả là hơn 1.000 người bị loại vì lý do an ninh. Trong khi đó, các nhà lập pháp Pháp đã thúc đẩy việc mở rộng quyền giám sát để xử lý hàng triệu thông tin của du khách đến Paris, bao gồm cả việc sử dụng camera nhận dạng khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói: “Cảnh sát Pháp và các cơ quan an ninh đã sẵn sàng. Chúng tôi có thể ngăn chặn mọi cuộc tấn công khủng bố nếu nó xảy ra”.

2. Sự lo ngại của nước Pháp không phải là không có cơ sở. Vụ khủng bố đẫm máu của tổ chức “Tháng 9 đen” đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử Thế vận hội qua việc thảm sát vận động viên Israel, xảy ra tại Munich, Cộng hòa Liên bang Đức năm 1972 và những cuộc xung đột liên tục giữa Israel-Palestine đã khiến nhiều người Hồi giáo Pháp tức giận, dẫn đến những cuộc biểu tình dữ dội phản đối Israel ở các thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Paris nhằm đạt được lệnh cấm nước này tham gia Thế vận hội 2024.

Tại Pháp, người theo đạo Hồi chiếm khoảng 10% dân số, phần lớn ủng hộ chủ quyền của Nhà nước Palestine độc lập. Bên cạnh đó, còn có những nhóm công khai bày tỏ sự đồng tình với Hamas trong cuộc chiến Hamas - Israel. Một báo cáo về Olympic của Công ty an ninh mạng Insikt Group cho thấy “các cuộc tấn công nhắm vào người Israel hoặc người Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Gaza rất khó xảy ra nhưng không phải là không thể”. Báo cáo cũng đồng thời cho biết thêm là các tổ chức khủng bố cực đoan như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen “có khả năng sẽ coi Thế vận hội Paris là một địa điểm hấp dẫn để trả thù”, chưa kể những “con sói đơn độc” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Hồi cuối tháng 4/2024, Cơ quan Tình báo an ninh đối ngoại Pháp DGSE đã bắt giữ một thanh niên Hồi giáo 16 tuổi gốc Chechnya ở thị trấn Marignier trên dãy núi Alps, Pháp sau khi anh ta tuyên bố “sẽ chế tạo một đai thuốc nổ và thực hiện một vụ đánh bom tự sát tại một địa điểm tổ chức Olympic”. Đến tháng 5, một thành viên IS 18 tuổi bị bắt vì đã lên kế hoạch tấn công sân vận động Geoffroy-Guichard ở thành phố Saint-Etienne. Cũng trong tháng 5, trên mạng Internet xuất hiện một video clip, phát hành bởi Quỹ al-Azaim của tổ chức khủng bố IS Khorasan (thường được biết đến dưới cái tên IS-K), video này mô tả một chiến binh IS-K mặc áo bom đứng trong một sân vận động với lời tuyên bố: “Chúng tôi sẽ ghi bàn thắng cuối cùng”.

Tương tự như vậy, 1 tháng trước ngày Olympic Paris khai mạc, trang web của nhóm al-Adiyat, cũng thuộc IS-K đã công bố một video clip với hình ảnh tháp Effeil bốc cháy cùng dòng chữ “Thế vận hội của những kẻ đơn độc đã bắt đầu theo ý muốn của đức Allah”. Ông Claude Moniquet, cựu đặc vụ DGSE, người sau này thành lập và lãnh đạo Trung tâm tình báo, an ninh chiến lược châu Âu đã gọi IS-K là “nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới khủng bố. Nó có phương tiện và ý chí tấn công ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, với những thủ lĩnh sẵn sàng xúi người khác tử vì đạo. Theo các nguồn tin tình báo của chúng tôi, mối đe dọa đã quay trở lại với mức độ tương đương như thời điểm trước vụ tấn công xảy ra hồi tháng 11/2015, khi IS-K tiến hành các cuộc đánh bom hàng loạt ở thủ đô Paris, trong đó có sân vận động Stade de France, nhà hát Bataclan và nhiều con phố lớn, dẫn đến 131 người thiệt mạng”.

Vẫn theo ông Claude Moniquet, các mối quan hệ thuộc địa của Pháp với các quốc gia có người Hồi giáo nổi dậy cùng sự can thiệp của nước này chống lại những kẻ thánh chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria, Sahel châu Phi…, trong các chiến dịch quân sự do NATO tiến hành đã làm sâu sắc thêm mối căm thù, thúc đầy việc “tử vì đạo”. Ông Claude Moniquet nói: “Thế vận hội Olympic 2024 là sự kiện cuối cùng mà IS-K có thể lợi dụng để thực hiện các cuộc tấn công vì nếu không làm, chúng sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn. Với mục tiêu là các không gian thể thao có hàng chục nghìn người tham dự, nó trở lên hấp dẫn và lý tưởng cho những vụ đánh bom giết người hàng loạt”.

Theo DGSE, một số phần tử đứng sau chiến dịch truyền thông hăm dọa của IS-K có khả năng đang cư trú ở phương Tây, trở về nhà sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng bị đánh bại ở Iraq, Afghanistan, Syria, trong đó không loại trừ việc họ đã đến Pháp trước ngày diễn ra Olympic. Dưới vỏ bọc du khách, những phần tử này thừa thời gian quan sát, điều nghiên những mục tiêu mà chúng dự định đánh bom, chưa kể Pháp còn là nơi sinh sống của một số người Hồi giáo cực đoan.

Dữ liệu DGSE thu thập cho thấy những người này có thể liên kết với những chiến binh IS-K đến từ nước ngoài hoặc tự mình ra tay. Một quan chức DGSE cho biết hiện DGSE đã lập hồ sơ tình báo của hơn 20.000 người liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và khoảng 5.000 người được coi là ở “đỉnh của đỉnh”, nghĩa là có khả năng hành động. Tất cả những người này đều đang bị giám sát điện tử và giám sát thực tế trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.

Với al-Qaeda, mặc dù tổ chức khủng bố này đã suy yếu nhưng DGSE vẫn không loại trừ khả năng xảy ra những vụ đánh bom đơn độc. Một quan chức thuộc  Cơ quan Tình báo Trung ương  Mỹ (CIA) cho biết “một video giả mạo là do CIA thực hiện, cảnh báo du khách Mỹ không nên sử dụng hệ thống tàu điện ngầm Paris do nguy cơ cao bị tấn công, đồng thời al-Qaeda còn cho phát hành một tập phim dài với diễn viên chính nhìn giống như Tom Cruise, giả mạo Công ty phim ảnh trực tuyến Netflix nhằm gieo rắc thông tin sai lệch khiến người xem có cảm tưởng rằng bạo lực trong Thế vận hội là điều sẽ xảy đến”.

Thách thức an ninh của Olympic Paris 2024 -0
Lính bắn tỉa DGSE trên cao ốc khi lễ khai mạc Olympic diễn ra.

3. Và có vẻ như nó đã xảy đến thật. Vào lúc 1 giờ 15 phút sáng 26/7, nghĩa là chỉ khoảng 18 tiếng trước giờ diễn ra lễ khai mạc Olympic, toán công nhân bảo trì đường sắt cao tốc chạy qua làng Vergigny, tỉnh Yonne, miền bắc nước Pháp đã phát hiện một nhóm người đang xúm quanh một hộp tín hiệu. Lập tức, họ gọi cảnh sát nhưng trước khi cảnh sát đến, nhóm người nói trên đã bỏ chạy. Kiểm tra hiện trường, cảnh sát tìm thấy các thiết bị gây cháy mà mục đích không ngoài việc phóng hỏa phá hủy các bó sợi cáp quang trong hộp tín hiệu.

Chưa hết, từ vụ việc nêu trên, các cuộc kiểm tra còn phát hiện 5 trung tâm đầu não chiến lược của mạng lưới đường sắt cao tốc nối Paris với các thành phố lớn như Lille ở phía Bắc, Bordeaux ở phía Tây Nam, Strasbourg ở phía Đông và Marseille ở phía Đông Nam đều nằm trong mục tiêu phá hoại. Tất cả các cuộc tấn công đồng loạt diễn ra trong khoảng từ 1 giờ sáng đến 5 giờ 30 sáng thứ Sáu. 4 vụ đã thành công, dẫn đến một số chuyến tàu bị hủy bỏ, hành khách tắc nghẽn tại nhiều nhà ga, chỉ còn tuyến đường sắt phía Đông Nam hoạt động bình thường. Thủ tướng Pháp là ông Gabriel Attal cho biết ông muốn nói với người dân Pháp rằng “tôi chia sẻ sự tức giận và nỗi buồn của họ vào thời điểm họ chỉ mong được đoàn tụ với gia đình, bạn bè và được tham dự Thế vận hội Olympic”.

Trước đó một thiết bị gây cháy khác cũng được phát hiện trên tuyến đường sắt cao tốc Aix-Marseille vào ngày 8/5 khi ngọn đuốc Olympic đang đi qua khu vực này. Điều ấy đã dẫn đến việc Thủ tướng Anh là ông Keir Starmer thay vì đến Paris bằng tàu cao tốc thì ông chuyển sang đi máy bay. Ông Jean-Pierre Farandou, Giám đốc điều hành Công ty đường sắt cao tốc Pháp cho biết: “Đây là sự cố an ninh lớn. Chúng tôi phải sửa chữa từng dây cáp hư hỏng, thay thế những dây bị cháy”. Theo DGSE, có vẻ như những kẻ phá hoại ngoài việc cắt đứt sự vận hành của mạng lưới đường sắt cao tốc, chúng còn nhằm mục đích gây hoang mang, lo sợ với những người sử dụng phương tiện này.

Đến Chủ nhật, cảnh sát Pháp bắt giữ Kirill Griaznov, 40 tuổi, làm nghề đầu bếp, nghi là thành viên IS-K Afghanistan. Cùng lúc tại Bỉ, cơ quan an ninh nước này cũng đã bắt giữ 7 người tại thủ đô Brussels và các thành phố Antwerp, Liège, Ghent, tất cả đều là dân nhập cư Chechnya, trong đó 3 người tình nghi là IS-K còn ở Áo, cảnh sát bắt 9 thành viên IS-K nhưng chưa rõ họ có liên quan gì đến Olympic Paris hay không. Chưa hết, 3 vận động viên Israel nhận được lời hăm dọa “sẽ bị giết” còn trong trận bóng đá Israel, Paragoay diễn ra tại sân vận động Paris Saint Germain, nhiều khán giả mặc quần áo đen, đeo mặt nạ, mang cờ Palestine với biểu ngữ “Thế vận hội diệt chủng”. Một quan chức cao cấp thuộc DGSE cho biết ngay cả một vụ tấn công nhỏ cũng có thể tàn phá tầm vóc chính trị và kinh tế của Olympic: “Tổng chi phí cho Thế vận hội Paris 2024 lên đến 10,7 tỉ USD, trong đó Chính phủ Pháp tài trợ 2.6 tỉ USD, số còn lại từ Ủy ban Olympic quốc tế và các nguồn tư nhân nên vì thế, an ninh vẫn là vấn đề cốt tử”.

Ngày 11/8, Olympic Paris sẽ bế mạc. Một sĩ quan DGSE nói: “Với lực lượng cảnh sát, quân đội, cơ quan an ninh Pháp cùng các quốc gia có sự phối hợp liên quan, đó sẽ là “những ngày rất dài” vì cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và cố gắng...”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.
.