Sahara, nơi những mảnh đời di cư chôn vùi trong cát bỏng

Thứ Sáu, 19/07/2024, 11:58

Mối nguy hiểm đối với những người di cư khi băng qua Địa Trung Hải đã được ghi nhận đầy đủ. Nhưng giai đoạn đầu của hành trình này, qua vùng Sahel và sa mạc Sahara, còn nguy hiểm hơn với số người chết cao gấp đôi so với tuyến đường biển.

Hành trình tử thần trên sa mạc

“Trên hành trình này, không ai quan tâm bạn sống hay chết”. Đấy là tiêu đề của một báo cáo mới được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Trung tâm Di cư hỗn hợp (MMC) công bố vào ngày 5/7/2024. Báo cáo cho biết, dù số người di cư tử vong trên Địa Trung Hải đã thu hút sự chú ý của toàn cầu trong thập kỷ qua, nhưng “số người chết ở sa mạc có thể còn cao gấp đôi” so với hành trình vượt biển.

Sahara, nơi những mảnh đời di cư chôn vùi trong cát bỏng -0
Một điểm tập kết ở Agadez (Niger). Có hàng nghìn người di cư đi từ Agadez đến Bắc Phi mỗi tuần để sau đó vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Ảnh: New York Times.

UNHCR ước tính chỉ tính riêng năm 2024 đã có hơn 72.400 người di cư vượt Địa Trung Hải và ít nhất 785 trong số đó đã chết hoặc mất tích. Theo các tác giả của báo cáo, việc theo dõi các chuyến vượt biển đã khó, nhưng việc ước tính số lượng người cố gắng đến bờ biển bắc Phi sau khi băng qua những vùng sa mạc xa xôi, thưa dân và thường không có luật pháp còn khó hơn nữa - và không thể biết chính xác bao nhiêu người biến mất trên đường đi.

Số liệu mà các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc thống kê được cho thấy, tổng cộng 1.180 người di cư đã chết khi băng qua sa mạc để đến bờ biển Bắc Phi trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2024, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. “Do tuyến đường xa xôi, khó tiếp cận hoặc không thể tiếp cận các cơ sở giam giữ chính thức và không chính thức, ghi nhận từ chính quyền hoặc phương tiện truyền thông không thường xuyên hoặc không có, việc thu thập thông tin về số người tử vong là vô cùng khó khăn và số liệu có thể không phản ánh đúng tình hình”, báo cáo của Liên hợp quốc cho hay.

Bức tranh về thảm cảnh của người di cư trên tuyến đường bộ vượt qua vùng Sahel và sa mạc Sahara được thực hiện dựa trên giai đoạn thu thập dữ liệu kéo dài 3 năm (tháng 1/2020 đến tháng 3/2023) với 31.542 cuộc phỏng vấn người di cư và người tị nạn tại 217 địa điểm khác nhau trên khắp châu Phi và châu Âu.

Sahara, nơi những mảnh đời di cư chôn vùi trong cát bỏng -0
Những người di cư bị mắc kẹt ở sa mạc tại Lybia hồi tháng 7/2023. Ảnh: New York Times.

Và những gì các tổ chức nhân đạo của Liên hợp quốc ghi nhận được đều giống nhau: Có quá nhiều nguy hiểm đe dọa những người di cư trên tuyến đường từ vùng Sahel (dải đất vắt ngang châu Phi, nằm phía dưới sa mạc Sahara) xuyên qua sa mạc Sahara. “Nếu không bị bỏ mặc cho chết vì mất nước hoặc bệnh tật, những người di cư trên tuyến đường bộ nguy hiểm qua Bắc Phi tới Địa Trung Hải và châu Âu lại đối mặt với nguy cơ bị hãm hiếp, tra tấn, buôn bán tình dục và thậm chí là mổ trộm nội tạng”, báo cáo nhấn mạnh.

Những câu chuyện đau lòng

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Trung tâm Di cư hỗn hợp (MMC) - những cơ quan đồng thực hiện báo cáo, cho biết bạo lực thường đến từ các băng nhóm tội phạm có tổ chức và lực lượng phiến quân cát cứ, đặc biệt là từ những kẻ buôn người được trả tiền để đưa người đến châu Âu.

Sahara, nơi những mảnh đời di cư chôn vùi trong cát bỏng -0
Trong năm nay, 785 người di cư đã chết hoặc mất tích ở Biển Địa Trung Hải, nhưng số người chết trên tuyến đường bộ có thể còn lớn hơn nhiều.

Những kẻ buôn người thường xuyên nói dối người di cư về những nguy hiểm mà họ sẽ phải đối mặt. Chúng cũng trở mặt đòi thêm tiền từ khi họ đã xa nhà, và cung cấp rất ít thức ăn, nước uống cũng như các nhu yếu phẩm khác trên đường đi cho người di cư.

Trong khi đó, trên hành trình từ Sahel băng qua sa mạc để tới bờ biển Bắc Phi, người tị nạn và người di cư đi qua các khu vực nơi các nhóm phiến quân, những tổ chức khủng bố Hồi giáo và các tác nhân tội phạm khác hoạt động mạnh. Đây là khu vực không có luật pháp, nơi nạn buôn người, bắt cóc đòi tiền chuộc, lao động cưỡng bức và bóc lột tình dục hoành hành dữ dội.

Một số băng nhóm buôn lậu người hiện đang chuyển hướng đến các khu vực xa xôi hơn để tránh các khu vực xung đột đang diễn ra hoặc né tránh hoạt động kiểm soát biên giới của các tác nhân nhà nước và phi nhà nước. Nhưng điều này cũng khiến những người di cư cũng phải chịu nhiều rủi ro hơn.

Sahara, nơi những mảnh đời di cư chôn vùi trong cát bỏng -0
Nhân viên Liên Hợp quốc tiếp cận một xe tải chở người di cư băng qua sa mạc Sahara.

“Mọi người thường nghĩ rằng tất cả các vụ tai nạn đều xảy ra trên biển,” Teklebrhan Tefamariam Tekle, một người tị nạn Eritrea hiện đang ở Thụy Điển, nói với người phỏng vấn của Liên hợp quốc. “Nhưng có vô số vụ tai nạn xảy ra ở đó, tại sa mạc Sahara. Nơi đó đầy rẫy xác người di cư. Ở đó, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy xương và hộp sọ của những người đã chết”.

Những người khác được phỏng vấn cũng cho biết, việc ai đó bị bỏ rơi rồi chết trên sa mạc vì khát hoặc bị thương là chuyện ngày nào cũng xảy ra. “Khi thấy có người trong đoàn ngã xuống, bạn cũng chỉ có cách cắm đầu tiếp tục đi”, một người đàn ông tự giới thiệu tên là Abraham nói. “Tốt nhất là đừng bao giờ ngoảnh lại phía sau”.

Khoảng một phần ba số người lớn được phỏng vấn là phụ nữ, những người phải đối mặt với những nguy hiểm đặc biệt. Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc năm 2020, ước tính có tới 90% phụ nữ và trẻ em gái đi dọc theo tuyến đường di cư Địa Trung Hải đã bị cưỡng hiếp, và một số người đã bị ép làm gái mại dâm để trả tiền cho chuyến đi của họ. Có những báo cáo về việc phụ nữ bị ép kết hôn với những kẻ bắt cóc và sinh con, và những báo cáo khác về việc phụ nữ phải trả tiền cho những ân huệ tình dục để một nhóm người có thể đi qua an toàn.

“Những câu chuyện thực sự kinh hoàng”, nữ Tiến sĩ Judith Sunderland, người không tham gia biên soạn báo cáo nhưng là phó giám đốc bộ phận Châu Âu và Trung Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã phỏng vấn hàng trăm người châu Phi sống sót sau hành trình đến Châu Âu, cho biết. Bà nói rằng những lời kể trong báo cáo của Liên hợp quốc hoàn toàn trùng khớp với những mảnh đời bi thảm mà bà đã được nghe kể.

"Bạn không thể tin rằng mọi người có thể tàn nhẫn với nhau như vậy", bà Sunderland nói thêm. “Và, bạn cũng không thể hiểu nổi tại sao mọi người vẫn thực hiện những chuyến đi này, dù phần nhiều trong số họ biết rõ những rủi ro”.

Vì sao dòng người di cư vẫn tăng lên?

Thực ra câu hỏi của bà Sunderland không khó trả lời. Số lượng người cố gắng vượt qua những hành trình tử thần trên lục địa châu Phi rồi sau đó là vượt Địa Trung Hải tới châu Âu ngày càng tăng một phần là do tình hình xấu đi ở các quốc gia xuất phát và cả quốc gia tiếp nhận.

Những điều này bao gồm sự bùng nổ của các cuộc xung đột mới ở vùng Sahel, đặc biệt là Sudan, tác động tàn phá của biến đổi khí hậu, tình trạng mất an ninh tại các khu vực bất ổn mới và kéo dài ở phía Đông và Sừng châu Phi, cũng như biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại ảnh hưởng đến người tị nạn, người di cư tại những quốc gia châu Âu.

Việc nhiều chính phủ cực hữu hoặc các đảng cực hữu ngày càng có ảnh hưởng trên chính trường châu Âu khiến một số nước thay đổi quan điểm về người nhập cư, đưa ra một loạt biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, sẵn sàng mạnh tay gửi trả người di cư bất hợp pháp về nơi xuất phát.

Chính sách cứng rắn này vô hình trung tạo thêm cơ hội làm ăn cho các băng đảng buôn người bất hợp pháp. Với lời hứa đưa người di cư tới châu Âu trót lọt, những kẻ bất lương trên khắp vùng Sahel và Bắc Phi mỗi năm tổ chức hàng nghìn chuyến vượt biên và dĩ nhiên, như báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra, “trên hành trình này, chẳng ai quan tâm người di cư sống hay chết”.

Các nước châu Âu, ở nhiều mức độ khác nhau, cũng cố gắng ngăn cản người di cư và đã trả tiền cho các quốc gia ở Bắc Phi để ngăn chặn mọi người vượt biển. Một cuộc điều tra gần đây của một nhóm các hãng tin được tờ New York Times công bố còn phát hiện ra rằng trong một số trường hợp, các chính phủ châu Âu đang trả tiền để đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Bắc Phi, những lực lượng này buộc người di cư phải rời xa bờ biển và quay trở lại sa mạc mà không có đồ tiếp tế, khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm.

Sahara, nơi những mảnh đời di cư chôn vùi trong cát bỏng -0
Một nhóm phiến quân khủng bố Hồi giáo tại Mali, quốc gia vùng Sahel và là nơi xuất phát của nhiều người di cư. Ảnh: ACSS.

Do đó, ba tổ chức thực hiện báo cáo về người di cư châu Phi - UNHCR, IOM và MMC kêu gọi cộng đồng quốc tế phải sớm có “những nỗ lực liên tục nhằm cung cấp thông tin đáng tin cậy cho những người có kế hoạch di chuyển, vạch trần "tin giả" do những kẻ buôn người đăng tải, phản đối vai trò của phương tiện truyền thông xã hội trong việc lý tưởng hóa các hoạt động di cư bất hợp pháp hoặc cuộc sống ở các quốc gia đích đến”. Họ cũng đề nghị nhà chức trách các nước trên hành trình từ châu Phi tới châu Âu mạnh tay điều tra và truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chống lại người tị nạn và người di cư, bao gồm cả những kẻ buôn người”. 

Quan trọng hơn, cả ba tổ chức nhân đạo đều chung nhận định rằng, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư - thông qua hành động tích cực về xây dựng hòa bình ở vùng Sahel, giải quyết bất bình đẳng xã hội, khôi phục sinh kế cũng như giảm thiểu các hệ lụy của biến đổi khí hậu.

Điều này cũng được Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell chia sẻ. Nhà ngoại giao này nhận định, để giải quyết tình trạng di cư trái phép, các nước thành viên EU cần đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực trợ giúp các nước châu Phi và Trung Đông phát triển kinh tế-xã hội ổn định, khôi phục niềm tin vào tương lai tươi sáng ở quê nhà. “Nguyên nhân sâu xa của tình trạng di cư ở châu Phi là do thiếu sự phát triển, thiếu tăng trưởng kinh tế và quản lý kém”, ông Borrell nhấn mạnh.

Quang Anh

.
.
.