Phòng, chống ma túy bằng giảm cung, giảm cầu, giảm những nỗi đau

Thứ Bảy, 09/11/2024, 14:31

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách và khách quan, thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, để thực hiện có hiệu quả hơn quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ tháng 2/2024 Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công an đã chủ động triển khai nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện..., góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

ma tuý. th.jpg -1
Lực lượng Công an đã trực tiếp và phối hợp bóc gỡ nhiều chuyên án ma túy lớn.

Nỗi mong mỏi của những gia đình có con em sử dụng trái phép ma túy

Tôi còn nhớ như in đôi mắt mờ phếch, trũng sâu của người mẹ đến thăm con trai duy nhất đang thi hành án ở Trại giam Thanh Xuân, Bộ Công an. Người phụ nữ ấy từng là lãnh đạo cấp sở ở Yên Bái, gia đình từng là niềm mơ ước của bao người bởi hai vợ chồng đều là lãnh đạo, kinh tế ổn định, đứa con trai học giỏi, ngoan ngoãn. Thế nhưng, do bố mẹ mải công việc, ít chú ý đến con nên cháu đã bị bạn bè xấu rủ rê “chơi” ma túy tổng hợp. Loại ma túy này không có biểu hiện nghiện giống như heroin nên dù tham gia “bay, lắc” nhưng bố mẹ không hề biết.

Cho đến một ngày, khi cháu đang học đại học ở Hà Nội thì người mẹ nhận được tin dữ con cùng 5 đứa bạn mua ma túy đá về tổ chức sinh nhật. Với tội danh “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, con chị và nhóm bạn của nó mỗi đứa nhận án 5 đến 7 năm tù. Khi con bị bắt, dù đang là lãnh đạo cấp sở nhưng hai vợ chồng chị không còn mặt mũi nào nhìn đồng nghiệp nên đã xin nghỉ sớm, bán nhà về Hà Nội mua chung cư ở gần Trại giam Thanh Xuân để thăm nuôi con.

Hằng ngày, để khuây khỏa nỗi đau và kiếm thêm thu nhập, chị làm bánh bán cho bà con trong chung cư, đợi đến ngày thăm nuôi là hai vợ chồng dắt díu nhau vào trại. Chị bảo, giá như vợ chồng chị để ý đến con hơn, giá như xã hội không còn kẻ cung cấp ma túy thì gia đình chị đâu đến bước đường cùng này. Chị mong muốn, Nhà nước có đề án, dự án tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy, để không còn người mẹ nào phải đau khổ, bất lực như chị nữa.

Trong chuyến đi công tác ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội để ghi nhận việc đưa người nghiện đi cai tại trung tâm cai nghiện, tôi chứng kiến hai ông bà đã lớn tuổi đứng đợi ở ủy ban xã để đưa đơn xin cho con đi cai nghiện. Con trai của ông bà 48 tuổi, có 2 con, từng nghiện ma túy hơn 20 năm, vợ đã bỏ đi. Bà kể, gia đình không còn bất cứ tài sản gì ngoài con bò. Hằng ngày, bà đi chợ bán rau kiếm sống, ông đi chăn bò. Mỗi lứa bán bê con, ông bà sẽ đóng tiền học cho cháu.

“Khổ lắm, cô ạ. Nhà có gì nó bán hết, từ nồi niêu, đến quần áo. Hàng xóm thương hại, cho đồ để ông bà cháu nấu ăn. Đi mua mấy bơ gạo cũng phải gửi hàng xóm chứ không dám mang về nhà. Có con bò, đêm nào vợ chồng tôi cũng phải chia nhau thức để canh, một người ngủ đến 2h sáng rồi thay cho người kia. Nhiều hôm, sợ ngủ quên, tôi phải đổ thóc lẫn vào gạo để nhặt, bởi nếu chỉ nhãng đi ít phút, nó sẽ dắt con bò đi ngay” - bà cho biết và mong mỏi Nhà nước tạo điều kiện cho con bà đi cai nghiện, thậm chí đi tù cho “rảnh nợ”. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng bởi việc đưa người vào cơ sở cai nghiện phải có quyết định của cấp có thẩm quyền, trộm cắp vặt không bị tố cáo nên chưa thành án được.

Những người phụ nữ trên chỉ là số ít ỏi trong hàng vạn người mẹ có con vướng vào ma túy. Họ đều mong mỏi nhà nước có  một chính sách, đề án hữu hiệu hơn, có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng để làm giảm tội phạm ma túy, giúp đỡ người nghiện tại cộng đồng...

Nhức nhối tội phạm ma túy

Nhìn thực tế về tình hình tội phạm ma túy hiện nay, không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng thấy rằng, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu vô cùng cấp thiết, phù hợp trong bối cảnh và giai đoạn hiện nay.

Sở dĩ như vậy bởi những năm qua, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng mạnh cả về nguồn cung và nguồn cầu. Nguồn cung của ma túy trên thế giới được ghi nhận tăng liên tục trong 5 năm qua (mức tăng 20-25%/năm); với lượng ma túy sản xuất bình quân hằng năm lên đến 3.000 tấn các loại. Đáng lo ngại là tình trạng sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ở người trẻ tuổi gia tăng phức tạp ở nhiều quốc gia.

Sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ số đã mang lại nhiều thay đổi trong các hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, làm cho chuỗi cung ứng ngắn hơn, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận thị trường. Việc mua bán trái phép các chất ma túy trên không gian mạng và các sàn thương mại điện tử diễn ra phức tạp và khó kiểm soát; các đối tượng sử dụng tiền điện tử, tiền ảo để giao dịch gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật phòng, chống ma túy.

lđ.jpg -0
Các phạm nhân (trong đó có người phạm tội về ma túy) lao động cải tạo trong trại giam.

Trong giai đoạn từ 2021-2023, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc phát hiện, đấu tranh 76.614 vụ với 115.815 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 1.872,42 kg heroin, 2.001,45 kg cần sa, 8.841,61 kg và 7.974.760 viên ma túy tổng hợp, trên 300 khẩu súng ngắn, gần 120 tỷ đồng; triệt xóa 1.633 điểm, 142 tụ điểm; xử lý hình sự 5.501 đối tượng và trên 10.000 đối tượng bị xử phạt hành chính liên quan đến ma túy. Chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an đã phát hiện, triệt xóa 226 vụ, bắt giữ 1.093 đối tượng tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.

Tình trạng ma túy "núp bóng", nhất là sử dụng ma túy trong thanh, thiếu niên tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh, trật tự tiếp tục gia tăng, diễn biến rất phức tạp. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công an đã phát hiện hơn 40 chất ma túy mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp, nhóm chất hướng thần và nhóm ma túy tổng hợp. Tính riêng năm 2023 đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp.

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi lao động. Số người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, ảo giác tăng cao. Hậu quả khủng khiếp của tác hại ma túy đối với toàn xã hội ở tất cả các mặt, không chỉ khiến suy thoái giống nòi, băng hoại những phẩm giá tốt đẹp của con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn là nguyên nhân phát sinh, gia tăng các loại tội phạm.

Gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50%, gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy đang ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%; tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện là 28,58%. Đây là bài toán nan giải trong giải quyết tình trạng nghiện và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay. 

Để không còn ảnh hưởng đến giống nòi, trật tự xã hội

Nói về điều này, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc sử dụng ma túy, ngoài việc ảnh hưởng đến nòi giống, ảnh hưởng đến ý chí, tác động đến tuổi trẻ, ảnh hưởng tới kinh tế, ma túy hiện nay thực tế còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị phải quản lý chặt chẽ sau cai nghiện để ngăn chặn việc tái nghiện, ngăn chặn sản xuất ma túy, huy động các nhà khoa học nghiên cứu những chất chống lại ma túy nhân tạo.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ nhất trí cao về chương trình này, chương trình này rất cần thiết và cho rằng, vấn đề phòng, chống ma túy là vấn đề hết sức quan trọng vì ma túy không chỉ là nguồn gốc gây ra nhiều loại tội phạm nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến nòi giống của con người Việt Nam; sử dụng ma túy để lại những di chứng về mặt y, sinh học cho con người những thế hệ nòi giống sau này. Từng là thành viên của Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hiểu rõ tầm quan trọng của chương trình nên đề nghị Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt để đi vào tổ chức thực hiện.

“Tôi đã đi nhiều tỉnh, ma túy ngày càng nghiêm trọng. Trước đây chủ yếu có nhóm chúng ta gọi là nghiện thuốc phiện, cocain, heroin, cần sa..., y tế gọi là (obias), là nhóm được chiết xuất từ nhựa cây thuốc phiện, nhóm này gọi là ma túy truyền thống, nhưng đến bây giờ rất nhiều loại. Trước đây chúng ta chỉ thấy thuốc phiện, heroin, cocain, Morphine... Bây giờ, ngoài thuốc phiện còn lá khát, cỏ Mỹ, tem lưỡi, bóng cười, rất nhiều loại ma túy tổng hợp được thể hiện dưới rất nhiều hình thức bóng cười, trà sữa, nước khoái, nước vui, đủ mọi thứ vô cùng nguy hiểm” - Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, đây là một chương trình hết sức quan trọng đối với quốc gia, đối với đất nước, đối với dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy từ nay đến năm 2030 là trọng tâm, trọng điểm phòng, chống ma túy.

“Trong một gia đình có một người nghiện ma túy, chất ma túy vào não thì có vết sẹo trong đó, dù cai nghiện ở chỗ nào, ở đâu nhưng đầu coi như không còn như đầu bình thường. Chúng ta tổ chức nhiều trường, trại cai nghiện, nhiều bệnh viện nhưng có thể nói việc phòng tôi cho rằng là yếu tố chính. Chúng ta đưa ra chương trình này đáp ứng được mong đợi của cử tri và nhân dân, đáp ứng được niềm tin của mỗi gia đình, người dân. Ai cũng lo, lo con em mình vướng vào các tệ nạn xã hội hiện nay mà nhất là đối với ma túy” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Chia sẻ về Chương trình, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, với đối tượng thụ hưởng bao gồm: người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý; các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chương trình gồm 9 dự án, 6 tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện các dự án thành phần. Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình tập trung theo 3 trụ cột đó là giảm cung, giảm cầu và giảm thiểu tác hại của ma túy. 

Thu Thủy
.
.
.