Ông Duterte và Biệt đội tử thần
Ngày 28/10/2024, ông Rodrigo Duterte, cựu Tổng thống Philippines đã ra điều trần trước Thượng viện về những cáo buộc từ khi còn là thị trưởng thành phố Davao đến khi trở thành tổng thống, ông đã thành lập một đơn vị gọi là “Biệt đội tử thần”, làm nhiệm vụ tiêu diệt bọn buôn bán ma túy và những người nghiện mà không cần đưa ra xét xử.
Ước tính từ 1/7/1998 đến 31/5/2022, có khoảng 30.000 người chết dưới tay Biệt đội tử thần. Trong phiên điều trần, ông Duterte thừa nhận điều này nhưng bác bỏ cáo buộc thành viên biệt đội là cảnh sát…
Những thời khắc kinh hoàng
Năm 1998, sau 3 năm giữ chức Phó thị trưởng, ông Duterte trở thành thị trưởng thành phố Davao, tỉnh Davao del Sur, đảo Mindanao, nơi có số dân đứng hàng thứ ba trong số những thành phố đông dân nhất Philippines.
Trước khi ông Duterte trở thành thị trưởng, Davao nổi tiếng là thiên đường của những băng nhóm buôn bán ma túy. Tại đó, heroin, cocain, methamphetamine, cần sa… được bày bán công khai trên đường phố, dẫn đến những hệ lụy như cướp giật, bắt cóc tống tiền, bảo kê, đâm thuê chém mướn.., mà thủ phạm hầu hết là người nghiện, kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiền.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở thành thị trưởng, ông Duterte quyết tâm tiêu diệt ma túy nhưng theo cách của ông. Bằng việc lập ra một đơn vị chuyên trách gọi là “Biệt đội tử thần”, tất cả thành viên trong biệt đội được ông Duterte cho phép “bắn chết chứ không cần bắt giữ”.
Theo các nhân chứng, thành viên Biệt đội gồm một số cảnh sát “máu lạnh”, được tuyển chọn đặc biệt, giết người không ghê tay. Một đoạn phim ghi lại trên camera an ninh công cộng cho thấy họ lôi một thanh niên mà sau này gia đình anh ta xác nhận đó là Delos Santos, 17 tuổi đến một góc phố vắng ở Caloocan rồi bắn anh ta. Bà Maia Santos, mẹ của Delos cho biết con trai bà chết trong tư thế nằm nghiêng, tay trái cầm khẩu súng ngắn. Bà nói: “Cảnh sát giải thích Delos bị giết vì anh ta chống lại Biệt đội nhưng điều này rất vô lý bởi con tôi thuận tay phải và chưa hề biết bắn súng cũng như không nghiện…”.
Một trường hợp khác: Tháng 6/2018, 9 thành viên Biệt đội xông vào một căn nhà ở khu phố Tàu - China Town Davao. Và mặc dù họ không bắt quả tang 6 người trong nhà đang bán ma túy nhưng tất cả đều bị giết. Aquilino, người duy nhất sống sót nhờ lúc ấy đang ở trên trần nhà để sửa chữa đường dây điện kể lại với Ủy ban Điều tra Thượng viện Philippines: “Tôi nghe tiếng phá cửa, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người quát lên “đứng yên” rồi tiếp theo là tiếng súng nổ. Khi các sát thủ đã bỏ đi, tôi leo xuống thì thấy 6 người chết. Tất cả đều bị bắn vào đầu, vào ngực mà không có lệnh khám xét hay bắt giam…”.
Theo bác sĩ pháp y Raquel Fortun, thành viên Ủy ban Điều tra tội ác ở Davao và là 1 trong 2 bác sĩ pháp y duy nhất ở Philippines thời điểm ông Duterte tiến hành chiến dịch triệt hạ ma túy, nhiều tử thi sau khi bị giết được Biệt đội tử thần đưa về một nhà kho của một trường đại học ở Davao và được đặt trên những chiếc bàn gỗ để cảnh sát tiến hành khám nghiệm. Bà Fortun nói: “Việc khám nghiệm diễn ra rất sơ sài. Ngay như cậu thanh niên Santos, trên bụng cậu có một vết rạch nhưng chỉ rạch lớp da. Ấy thế mà trong biên bản, cảnh sát viết rằng “tìm thấy chất ma túy Methamphetamine chưa tan hết trong bao tử”.
Vẫn theo bác sĩ Fortun, những bằng chứng ngụy tạo như vậy không phải là hiếm. Có tử thi trên người bị 15 phát đạn, chứng tỏ họ bị bắn nhiều lần nhưng trong biển bản chỉ là 1 phát vào ngực, thậm chí còn có những tử thi được cho là “chết tự nhiên do đột ngột ngừng tim”. Bác sĩ Fortun nói: “Trong số 74 bộ hài cốt mà chúng tôi khai quật, có đến 42 giấy chứng tử, xác nhận họ chết vì viêm phổi và nhiễm trùng máu nhưng hồ sơ lưu trữ ở các bệnh viện tại Davao không hề có một bệnh án nào của 42 người này. Câu hỏi đặt ra là 42 người chết vì bệnh lý không đến bệnh viện hay giấy chứng tử chỉ là cách để hợp thức hóa lý do vì sao họ chết…”.
Trước những cáo buộc về việc giết người hàng loạt ở Davao mà không có lệnh bắt, không được đưa ra xét xử, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (UHCHR) đã đề nghị Chính phủ Philippines mở cuộc điều tra. Theo số liệu Cảnh sát Phillipines cung cấp cho UHCHR thì từ 1/7/1998 đến 31/5/2022, đã có “2.166 kẻ buôn bán ma túy và người nghiện tử vong trong những cuộc đấu súng, chống cự cảnh sát” nhưng theo kết quả của các cuộc điều tra độc lập, Tổ chức theo dõi nhân quyền Liên hợp quốc (HRW) cho biết con số này là 30.000 người. Phần lớn được chôn trong những ngôi mộ tập thể hoặc bị ném xuống sông Davao. Bà Mandaya, cư dân ở khu Metro Davao nói: “Cứ vài ngày lại có những xác chết nổi lên trên sông, ít thì vài ba xác, nhiều thì cả chục xác. Nó quen thuộc đến nỗi chúng tôi trở nên chai lì, xem đó là chuyện bình thường”.
Tháng 6/2016, ông Duterte đắc cử tổng thống Philippines. Sau khi nhậm chức, ông công khai tuyên bố: “Sẽ giết tất cả những kẻ bị nghi ngờ buôn bán ma túy” đồng thời kêu gọi công chúng “giết những người nghiện”. Ngay cả khi cộng đồng quốc tế lên tiếng, ông Duterte vẫn khẳng định: “Nhiều kẻ sẽ bị giết cho đến khi bọn chúng biến mất khỏi đường phố”.
Ông Flaviano Villanueva, linh mục Thiên Chúa giáo, người đã thành lập Dự án Arise nhằm giúp đỡ những gia đình có người bị Biệt đội tử thần giết chết bằng cách khai quật và hỏa táng hài cốt của thân nhân họ, cho biết: “Khi ông Duterte trở thành tổng thống, Biệt đội tử thần có nhiều quyền hành hơn. Họ gần như làm thay cho cảnh sát vì theo lệnh của Duterte, Biệt đội có thể giết bất kỳ ai mà họ tin là có liên quan đến ma túy…”.
Tất cả những điều này đã dẫn đến việc Tòa án Hình sự quốc tế tại The Hague (ICC) Hà Lan, ủy quyền cho Văn phòng công tố mở cuộc điều tra chính thức về tội ác chống lại loài người, xảy ra ở Philippines trong giai đoạn 2016 - 2022, nghĩa là khi ông Duterte đã trở thành tổng thống.
Lúc được các hãng thông tấn hỏi lý do vì sao ICC chỉ điều tra về giai đoạn này, người phát ngôn của ICC trả lời: “Với tư cách là người đứng đầu đất nước Philippines, ông Duterte phải chịu trách nhiệm về những tội ác trong những năm đó vì nó là sự tiếp nối một cách liên tục những hành vi của ông ta khi còn là thị trưởng Davao”.
Cựu tổng thống Duterte nói gì?
Xuất hiện trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines hôm thứ Hai 28/10/2024 và khi được yêu cầu giải thích về “Biệt đội tử thần”, ông Duterte phủ nhận sự liên quan của cảnh sát. Ông nói: “Thành viên Biệt đội là những kẻ bụi đời đường phố được chúng tôi tuyển mộ. Chỉ có họ mới hiểu rõ ở Davao ai là người buôn bán ma túy và ai là người nghiện. Lúc biết họ là chỉ điểm, các băng nhóm ma túy đã tìm cách giết họ nên dĩ nhiên họ phải tự vệ. Phần lớn những cái chết ở Davao đều có nguồn gốc từ sự tự vệ này”.
Chưa hết, ông Duterte còn khiến các thượng nghị sĩ ngạc nhiên khi ông khẳng định “Biệt đội chỉ gồm có 7 kẻ bụi đời” mặc dù 2 cựu cảnh sát ra làm chứng trước Thượng viện cho biết họ là thành viên của Biệt đội, trực tiếp nhận lệnh từ ông Duterte.
Vẫn theo nhân chứng cựu cảnh sát, quân số Biệt đội tử thần không dưới vài trăm người. Có lần khi ra lệnh cho họ, ông Duderte nói: “Nếu tôi yêu cầu các anh giết ai đó và nếu các anh không làm thì chính tôi sẽ giết các anh”. Lúc một thượng nghị sĩ hỏi rằng: “Có bằng chứng từ lời khai của một cựu đại tá cảnh sát là mỗi sĩ quan trong Biệt đội tử thần có thể kiếm được 20.000 peso (đơn vị tiền tệ Philippines - tương đương 300 USD) đến 1 triệu peso (15.000 USD) tùy vào kẻ bị giết là ai” thì ông Duterte trả lời: “Đó chỉ là bịa đặt”. Gay gắt hơn, ông Duterte nói: “Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ đất nước và người dân Philippines. Đừng chất vấn chính sách của tôi vì tôi không xin lỗi, không bào chữa. Tôi đã làm những gì phải làm và dù bạn có tin hay không, tôi làm vì đất nước của tôi”.
Chưa hết, trong suốt phiên điều trần, ông Duterte còn liên tục chửi thề và thách thức các thượng nghị sĩ mặc dù một nhân chứng là ông Edgar Matobato nói: “Tôi xin xác nhận rằng tôi là thành viên của Biệt đội tử thần. Chính Tổng thống Duterte đã ra lệnh cho biệt đội chúng tôi là giết hết những kẻ buôn ma túy và những kẻ nghiện. Lệnh này được đưa ra 3 tháng sau khi ông Duderte trở thành tổng thống”.
Cũng liên quan đến phiên điều trần, một trong những người chỉ trích ông Duterte nặng nề nhất là thượng nghị sĩ Leila de Lima, trước đây đã điều tra các vụ giết người ở Davao và đã bị ông Duterte bắt giam suốt 6 năm. Bà chỉ được thả hồi 2023 sau khi ông Dueterte không còn làm tổng thống. Theo bà Lima, có đủ bằng chứng để truy tố ông Duterte về tội ác chống lại loài người mặc dù vẫn còn nhiều cá nhân vì quá sợ hãi nên chưa dám ra làm chứng. Bà nói: “Người đàn ông này, cựu thị trưởng thành phố Davao và cũng là cựu tổng thống Philippines đã trốn tránh công lý trong một thời gian dài. Chúng tôi ngạc nhiên vì sao những người có trách nhiệm vẫn chưa tống giam ông ta sau ngần ấy năm tháng”.
Đáp lại bà Lima, ông Duterte không hề nao núng. Ông nói: “Nếu được trao thêm một cơ hội nữa, tôi sẽ xóa sổ tất cả bọn chúng. Bạn nghĩ thế nào nếu trong nhà bạn có một đứa con, được cả gia đình kỳ vọng lại dính vào ma túy? Khi ấy bạn sẽ căm thù ai: Con bạn hay bọn buôn bán cái thứ chất độc kia? Hỏi nghĩa là trả lời và bạn sẽ hiểu vì sao tôi làm như vậy”.
Trao đổi với báo chí sau phiên điều trần, bà Jean Fajardo, người phát ngôn của cảnh sát Philippines cho biết: “Những cái tên được đề cập trong phiên điều trần sẽ được sử dụng làm đầu mối và cơ sở cho cuộc điều tra, nhất là với những cái chết liên quan đến ma túy chưa được làm rõ. Nếu chúng tôi tìm thấy sự tham gia của cảnh sát trong Biệt đội thì chắc chắn sẽ không một ai được xem là ngoại lệ…”.
Với gia đình của các nạn nhân, việc ông Duterte phải ra điều trần trước Thượng viện Philippines là một chỉ dấu cho thấy rất có thể ông sẽ bị buộc tội chống lại loài người nhưng bên cạnh đó, cũng không ít người ủng hộ ông Duterte. Lập luận của những người này là nhờ vào các động thái quyết liệt của ông, Davao nói riêng và Philippines nói chung đã giảm rất nhiều những vụ án hình sự liên quan đến ma túy, chưa kể có sĩ quan cảnh sát cao cấp còn gọi Biệt đội tử thần là “sự hư cấu ngoài sức tưởng tượng”.
Hiện vẫn chưa rõ số phận cựu tổng thống Duterte sẽ như thế nào. Nếu bị kết luận là có tội, ông Duterte có thể lĩnh án tù nhiều năm nhưng không gì chắc chắn là ông sẽ phải ngồi tù hoặc sẽ chỉ ngồi tù một thời gian ngắn bởi Phó tổng thống Philippines hiện nay là bà Sara Duterte, con gái ông Duterte. Khi ICC bắt đầu mở cuộc điều tra, bà Sara đã nói: “Tôi phản đối vì cuộc điều tra của ICC là sự can thiệp vào nội bộ Philippnes. Đất nước này có một hệ thống cảnh sát tốt và nền tư pháp tốt”. Nhiều ý kiến cho rằng với cương vị của mình, bà Sara hoàn toàn có thể tác động Tổng thống Ferdinand Marcos Jr ký quyết định ân xá cho cha bà…