Nực cười xem bói… online

Thứ Hai, 13/03/2023, 09:20

Đánh vào tâm lý tò mò, muốn xem vận hạn bản thân, hoặc muốn giải đen, giải xui của nhiều người, nhiều đối tượng tự xưng cô đồng, thầy, cậu… dùng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, truyền bá bói toán, mê tín dị đoan. Thay vì phải đến tận nơi để xem bói như truyền thống, thì giờ đây khách hàng có thể ngồi tại nhà và xem bói qua mạng.

Xem bói tận... chân giường

 Chưa bao giờ dịch vụ xem bói online lại nở rộ như hiện nay. Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “xem bói online” sẽ cho ra hàng loạt những hội nhóm công khai cũng như những cá nhân chuyên quảng cáo bói toán như "Review xem bói Hà Nội", "Xem bói online chuẩn", "Xem bói miễn phí"… Các hội nhóm này có con số thành viên lên đến cả vài trăm nghìn người. Các hình thức xem bói cũng rất đa dạng từ chỉ tay, bài tây, tướng số, tử vi…

anh 1.jpg -0
Cô đồng Trương Hương bị cơ quan Công an triệu tập.

Đặc biệt cùng với sự bùng nổ của công nghệ thời 4.0, khắp các nền tảng mạng xã hội như Zalo, TikTok, Youtube, những người tự xưng là cô đồng, thầy, cậu… càng trở nên nổi tiếng và được nhiều người tìm đến để xem.

Chủ đề để xem xoay quanh về công danh sự nghiệp, tình duyên, vận hạn. Dưới mỗi bài đăng có cả trăm bình luận thắc mắc về chỗ xem bói, hoặc để lại ngày sinh, hình ảnh chụp bàn tay nhờ các "thầy" luận giải. Các "quẻ" xem phải trả phí hoặc không. Người xem muốn đăng ký thì để lại số điện thoại trực tiếp hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo.

Những ngày đầu năm, những clip xem bói hữu duyên xuất hiện ngày càng nhiều, đánh đúng vào tâm lý của người dân xem vận hạn cả năm, xem đường tình duyên, đường công danh sự nghiệp để gia chủ biết có những kế hoạch thuận lợi hơn trong năm tới. Đặc biệt những người gặp khó khăn bế tắc, bệnh tật trong cuộc sống nhưng chưa thể hóa giải lại gửi trọn niềm tin đến tâm linh như cứu cánh cuối cùng để mong kiểm soát nỗi lo lắng, sợ hãi. Điều này vô tình lại tiếp tay cho những kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng niềm tin của người dân để làm giàu cho bản thân. Hầu hết những người tự xưng là cô đồng, thầy, cậu ban đầu chỉ là những người bình thường, sau tự dựng lên cho mình những câu chuyện thần thánh, được ăn lộc thánh, lộc giời, có khả năng đoán đúng, đoán trúng vận hạn. Từ đó qua miệng người này người kia bỗng trở nên nổi tiếng, kiếm tiền như nước. Ai đến trực tiếp cũng được, nếu không đến được trực tiếp có thể ngồi ngay tại nhà, thậm chí nằm trên giường, trong phòng ngủ cũng có thể coi bói. Thế nên có người mới nói vui, dịch vụ bói toán giờ đây có thể ship tới tận  chân giường.

Nực cười xem bói… online -0
Tràn lan hội nhóm xem bói online

Câu chuyện cô đồng Trương Hương bổ cau xem bói với câu nói thành trend “đúng nhận sai cãi” nổi tiếng mạng xã hội những ngày đầu năm là một minh chứng rõ nét cho điều đó. Trước khi tự xưng là cô đồng, Trương Thị Hương (SN 1986) chỉ là một người dân bình thường ở thị xã Kinh Môn, Hải Dương, mới hành nghề bói toán, hầu đồng cách đây hai năm. Cô đồng Hương trước lấy chồng ở Thái Bình, sau đó vợ chồng bỏ nhau, về sau nghe nói cô đồng Hương lại lấy chồng ở Hưng Yên nhưng cũng đã bỏ chồng. Về hoạt động xem bói hầu đồng, cô đồng cứ đi đi về về chứ không hoạt động cố định tại địa phương. Từ đầu năm 2023, Hương dùng tài khoản Facebook “Trương Hương” đăng tải video có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Nội dung các video là các buổi xem bói của cô đồng Hương, hình thức xem của Hương là xem bằng lá trầu, quả cau.

Qua các video được đăng tải trên TikTok này, cô đồng Trương Hương có thể đọc tên những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Đặc điểm của những đoạn video được cô đồng Trương Hương đăng tải có vẻ ghi lại những lần coi bói trực tiếp của cô với "khách hàng".

Cô đồng Trương Thị Hương nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều clip xem bói bổ cau, mỗi khi phán xong cô đồng này luôn hỏi lại người xem bằng câu “đúng nhận, sai cãi”. Những clip của người này cho thấy có nhiều người đến xem bói, thậm chí có những người phải chờ 4-5 ngày mới tới lượt.

Nực cười xem bói… online -0
Dịch vụ xem bói online đang nở rộ khắp mạng xã hội. Ảnh minh hoạ

Trương Thị Hương đã bị Công an thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Ngay sau khi thông tin cô đồng Trương Hương bị xử phạt thì một loạt người dân cũng đã phản hồi việc tiền mất, tật mang, rước nợ vào người khi phải vay mượn một khoản tiền không nhỏ mang đến nhà cô làm lễ nhưng vẫn không thể giải được vận hạn. Thậm chí có người còn tố, cô đồng nhận đủ tiền mới làm lễ cho gia chủ, nhất quyết không “bớt” một xu.

Ngạo nghễ khi quảng bá mình là một nghệ nhân văn hóa, doanh nhân thành đạt thường xuyên làm việc thiện giúp người… ông C.V.A (ở khu đô thị mới Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tự xưng là thầy, liên tục đăng những hình ảnh, clip bản thân trong trang phục long bào, hòa thượng… nói chuyện như những đấng siêu nhiên có nhiệm vụ “cứu nhân độ thế” – chữa bách bệnh.

Ngoài việc thu hút những người mê tín đến điện của mình để xem tử vi, trong các clip của C.V.A, khả năng chữa bách bệnh bằng làm lễ, trục vong, “thi triển” truyền năng lượng là một trong những nội dung nổi bật thường xuyên được truyền tải.

Với niềm tin mãnh liệt rằng “thầy” C.V.A sẽ giải trừ được mọi vấn nạn bằng các nghi lễ tâm linh, không ít người dắt díu người thân, con cháu đến điện để mong được “thỉnh” thầy. Uy tín cũng như tiếng nói của thầy càng trở nên tuyệt đối. Và điều này cũng khiến cho số lượng các con nhang, đệ tử sùng tín đi theo, tin vào “thầy” tăng lên đáng kể.

Nhưng để gặp được “thầy bắt ma”, các khách hàng phải trải qua hàng chục thủ tục khác nhau như đặt cọc, xếp số, lấy lá số và phải bỏ ra ít nhất 1 triệu đồng rồi ký vào hợp đồng tư vấn, đào tạo và dạy học “Lập trình mật mã thống kê” được soạn thảo sẵn vô cùng bài bản. Chỉ vỏn vẹn chưa đầy một phút đồng hồ, màn luận giải tử vi có giá 1 triệu đồng diễn ra vô cùng chóng vánh. Thầy “bắt ma" luận giải tử vi nhanh chóng đến nỗi gần như không ai kịp đáp lại lời của thầy. Sau cùng sẽ là màn phán làm lễ giải hạn tùy vào vận hạn từng cá nhân. Ví dụ mức giá để làm lễ tiễn một vong linh mà khách hàng cần trả là 10 triệu đồng, 5 triệu đồng cho di cung, thay đổi số phận và 25 triệu đồng để tiễn căn... Mức giá này cũng được các nhân viên của thầy thông báo là đã niêm yết và không có chuyện mặc cả.

Nực cười xem bói… online -0
"Thầy" Long tự xưng “Ngọc Hoàng đại đế”

"Hòn đá mà biết nói năng"

Còn nhớ từ cuối năm 2021 đến 2022, giữa lúc cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19, nhiều nơi bị phong tỏa thì một tài khoản Youtube tự xưng “Ngọc Hoàng đại đế”, đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước quay video, cắt ghép hình ảnh nội dung phản cảm, tuyên truyền mê tín dị đoan, xuyên tạc vong linh các anh hùng, liệt sĩ, lôi kéo người xem tụ tập, rồi tán phát trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Thậm chí người này cho rằng mình có thể cứu giúp “bách gia trăm họ” thoát khỏi dịch COVID-19 bằng cách làm phép, trấn yểm… Các clip đăng trên kênh Youtube của người này cũng ghi lại hành trình của “Thầy Long” (cách tự xưng của chủ Youtube) di chuyển bằng ôtô vào TP Hồ Chí Minh để trấn yểm, khống chế dịch bệnh. Thậm chí chủ tài khoản còn đăng tải những video mang tính chất xúc phạm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đồng thời có những lời nói và hành động xúc phạm tín ngưỡng thánh Mẫu.

Cụ thể, trong clip đăng trên Youtube mang tên "Hình phạt cho tam tòa thánh Mẫu", người tự xưng là "Thầy Long" cho rằng, vị danh nhân Trần Hưng Đạo cũng phải "quỳ gối" trước mặt người này. Sau đó, "Thầy Long" thực hiện các hành động cho các con nhang đệ tử biết "quyền lực" của mình bằng cách ném các lá bài vào mặt 3 vị mẫu đáng kính bậc nhất trong đạo Mẫu.

Thỉnh thoảng trên các nền tảng xã hội, cư dân  mạng lại cười bò với những clip "thầy" bị gia chủ thuê làm lễ vả đôm đốp, vì "thầy" lợi dụng vào việc cúng lễ, vong nhập để "làm trò" chửi bới, đánh đập, quát nạt gia chủ. Cho đến khi không chịu được vì quá  bức xúc, gia chủ đã thẳng tay "nện" "thầy", khiến "thầy" phải lộ nguyên hình là chẳng có vong nào nhập hết và co giò chạy trốn. Hoặc những clip "thầy" giả giọng trẻ con, giả giọng ông già, thậm chí giả giọng cả hổ, rắn hổ mang để lừa bịp khiến cư dân mạng được phen cười thích thú không khác gì đang được xem diễn hài.

"Hòn đá mà biết nói năng" - từ xa xưa các cụ đã chế nhạo những kẻ làm thầy lừa bịp, vì chính bản thân họ, đời sống gia đình họ còn lo chưa ổn, thì làm sao mà lo giúp được cho người đời? Có những người quanh năm suốt tháng làm được bao nhiêu tiền chỉ lo đi cúng lễ khắp đền nọ phủ kia, đi theo các "thầy" với mong muốn giải hạn cho gia đình, cầu mong tài lộc đến với gia đình mình. Thậm chí bị nhiều "thầy" lừa bán cho các đồ phong thủy để hóa giải tai ách với trị giá có khi lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng họ không hề biết rằng, phong thủy tốt nhất của một người chính là sống tử tế, có đạo đức; đối với cha mẹ phải hiếu thảo, đối với anh em phải tình nghĩa trước sau như một...

Còn nhớ cách đây không lâu, ở thành phố Nam Định xảy ra vụ hai thầy bói là hàng xóm ở sát vách, vì mâu thuẫn đã dùng dao giải quyết gây án mạng khiến dư luận không chỉ ở thành phố Nam Định một phen nháo nhác. Điều đó càng thể hiện, nếu như các "thầy" đoán được vận mệnh, vận hạn của mình, của gia đình mình, thì chắc chắn các "thầy" sẽ có cách hóa giải chứ không phải để chịu cảnh tang thương, làm trò cười cho người đời như thế.

Cần khẳng định rằng, pháp luật ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân, đây là một trong những quyền cơ bản được nêu rõ tại Hiến pháp. Mặc dù vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi mê tín, dị đoan thông qua việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm hại đến chế độ chính trị, an ninh quốc phòng; đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người khác và có hành vi trục lợi bất chính.

Khi việc xem bói biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan với những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thì hành vi mê tín dị đoan này được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự.

Thực tế không khó để các cô đồng, thầy, cậu lừa người dân đến xem bói bởi bản thân họ đã có sẵn niềm tin vào thầy bói. Nếu những người đến coi bói là phụ nữ, thì thầy sẽ chỉ hỏi loanh quanh chuyện chồng con, gia đình, người yêu… Còn đàn ông thì chẳng có gì ngoài chuyện kiếm được tiền không, công việc tốt xấu thế nào? Trong cuộc đời mỗi con người đều có những giai đoạn khó khăn về tiền bạc, sức khỏe, lúc được lúc mất… Thế nên các thầy đánh đúng vào tâm lý của người đến xem bói mà phán như thể đã nắm rõ tâm can của họ vậy. Khi người ta tin tưởng một cách mù quáng thì nhìn đâu cũng thấy đúng mà thôi. Niềm tin đó vô tình tiếp tay cho những kẻ buôn thần bán thánh, lợi dụng sự mê tín, cả tin của những người dùng mạng xã hội để thu tiền, trục lợi bất chính.

Hiền Trâm
.
.
.