Những người đàn bà đam mê cờ bạc

Thứ Hai, 22/04/2024, 15:05

Đàn ông ham mê cờ bạc đã đáng chê trách, thế nhưng xã hội ngày nay có không ít “bác thằng bần” là phụ nữ. Lao vào chiếu bạc như con thiêu thân, các chị em bỏ mặc con cái, chối phăng vai trò giữ lửa hạnh phúc gia đình. Đàn bà mê đỏ đen không chỉ làm tan nát nhà cửa, mang tiếng xấu trong xã hội mà còn vô tình đánh mất đi nét đẹp truyền thống, phẩm giá của một người mẹ, người vợ…

“Bác thằng bần”

Năm 2022, sau khi bán được miếng đất giá trị hơn một tỷ đồng, bà Huỳnh Thị N. (42 tuổi, ngụ xã Hòa Phú Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) nghỉ hẳn việc tại công ty để đi tìm mặt bằng mở quán ăn. Trong thời gian lê la cà phê, gặp gỡ bạn bè và các mối quan hệ kinh doanh, bà N. tham gia vào hội “chiếu bạc” nho nhỏ ở xóm mục đích cho khuây khỏa, riết thời gian nhàn rỗi. Lâu dần trên chiếu bạc, bà N. nghiện luôn trò đỏ đen này.

Ban đầu chơi vài chục ngàn, thua mất một hai triệu, sau đó tăng lên vài trăm ngàn, thua tiền chục triệu. Trò cờ bạc một khi đã bị cuốn vào, đã ăn sâu vào máu thì con bạc cứ lao vào như thiêu thân, càng thua thì càng cay đắng muốn gỡ gạc, càng thắng lại càng hăng kiếm thêm. Sang năm 2023, bà N. đã ngốn hết nửa số tiền bán đất, rút luôn sổ tiết kiệm mà không hề báo cho chồng biết.

14-1.jpg -0
Các con bạc tham gia sát phạt tại Chợ Mới (An Giang).

Đầu năm 2024, con nợ kéo đến nhà bà N. đòi và đe dọa thì chồng bà, ông Võ Minh T. mới vỡ lẽ. Hóa ra, hơn một năm nay vợ không hề đi kiếm mặt bằng mở quán gì cả, mà ngồi nát chiếu bạc, ngốn sạch tiền vốn làm ăn và còn ôm thêm khoản nợ xấu hơn 200 triệu đồng. Biết không thể che đậy mãi, bà N. buộc phải khai sự thật là đã trót đánh bạc hết tiền. Ông T. điên tiết đập phá đồ đạc, đuổi bà N. ra khỏi nhà đồng thời làm đơn ly hôn. Khổ nỗi, căn nhà hai vợ chồng đang ở mang tên bà N. nên bà không chịu đi, với lý do “nhà của bà”.

Cũng sợ bà N. bán nốt tài sản để ném vào chiếu bạc, ông T. buộc phải xuống nước, bỏ qua thói hư tật xấu của vợ. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình, vợ chồng đã không còn được như xưa nữa. Ông T. hay đi uống rượu rồi về chửi bới điên loạn lên. Bà N. nhiều lần bức xúc nói thì ông đánh và quát: “Bà phá nát cái nhà này rồi còn tư cách để nói ai?”. Bị bạo lực gia đình, bà N. quá khổ tâm, nhiều lần làm đơn tố cáo chồng nhưng nghĩ lại “vì đâu nên nỗi, xấu chàng hổ ai”, bà N. không dám đi gửi đơn nữa.

“Chúng tôi sống trong một gia đình mà ngày nào cũng cãi nhau, giờ muốn bỏ cũng không được, ở lại thì khổ đau dai dẳng. Mình đã từng sai nên không đủ tư cách để nói ai được”, bà N. chia sẻ. Còn ông T. trong một lần nói chuyện với phóng viên, ông cũng thật lòng: “Tôi đã tha thứ cho bà ấy rồi, nhưng mỗi lần nghĩ đến việc đàn bà mê cờ bạc, tiêu tán hết tài sản gia đình thì tôi lại điên lên, không chấp nhận nổi người vợ này. Chúng tôi bây giờ sống với nhau chỉ để tra tấn tinh thần của nhau thôi”.

14-2.jpg -1
Con bạc khi bị bắt xấu hổ dùng bịch đen che mặt.

Các “quý bà” lao vào đỏ đen như con thiêu thân, mặc kệ sự đời đến đâu và cũng trơ mặt ra với thiên hạ. Từng bị phạt hành chính, bị tù treo về tội tổ chức cờ bạc nhưng khi mãn hạn tù, bà Nguyễn Thị L. (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) vẫn chứng nào tật nấy. Máu cờ bạc, sát phạt ăn sâu vào trong con người của bà khiến bà chẳng quan tâm đến sĩ diện phụ nữ và nhân cách người mẹ, người vợ trong gia đình.

Bà L. bán trái cây ở cổng khu công nghiệp, nhưng chẳng bao giờ bà có tiền vì được đồng nào bà “ném vào” cá độ, lô đề hoặc sóc đĩa. Có ít thì bà chơi ít, nhiều chơi nhiều cho đến khi nào “cháy túi” thì thôi. Đến nỗi, ở xóm ai cũng ngán ngẩm người đàn bà này. Không chịu nổi máu cờ bạc của vợ, người chồng đầu tiên “đội nón ra đi”, người tình thứ hai, thứ ba đến với bà được dăm bữa cũng bỏ chạy. Bây giờ, hai đứa con của bà L. phải gửi về nhà ngoại ở Đồng Tháp nuôi giúp. Bà L. sống một mình, có tiền là chơi bạc, hết tiền lại ra đường bán trái cây.

Đàn bà trên chiếu bạc

Trong các vụ án triệt xóa tổ chức đánh bạc hoặc tụ điểm, ổ nhóm đỏ đen của lực lượng Công an thực hiện thời gian vừa qua có không ít những ổ nhóm phụ nữ tham gia. Vụ việc mới nhất vào ngày ngày 16/4, trong lúc các con bạc đang sát phạt bằng hình thức đánh bài tại ấp Bình Phú (Hòa An, Chợ Mới, An Giang) thì bị Đội CSHS Công an huyện Chợ Mới phối hợp Công an xã Hòa An ập vào bắt quả tang 18 đối tượng. Trong các đối tượng bắt giữ có 14 đối tượng là nữ.

Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ: 1 tấm chiếu, 8 ghế nhựa, 52 lá bài tây, 4 xe môtô và nhiều vật dụng khác có liên quan. Khám xét các đối tượng, lực lượng Công an tiếp tục thu giữ 23 triệu đồng tiền mặt và 12 điện thoại di động các loại. Làm việc tại cơ quan Công an, các đối tượng đều thừa nhận hành vi vi phạm của mình. 14 “quý bà” trong tụ điểm cờ bạc này đều làm nông, buôn bán hoặc nội trợ, đều có gia đình, chồng con. Những cuộc chơi như thế này nếu không bị phát hiện có thể kéo dài cả ngày, đêm cho đến khi “cháy túi” mới thôi.

14-3.jpg -2
Nhiều cô gái còn rất trẻ đã lao vào trò đỏ đen.

Cũng là đàn bà trên chiếu bạc, vào đầu tháng 4, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bắt giữ 13 đối tượng về hành vi đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề, thu giữ nhiều tang vật liên quan. Đáng chú ý, đường dây đánh bạc với giao dịch khoảng 1 tỉ đồng/ngày có sự tham gia của nhiều “quý bà”.

Đường dây này do Lê Đức Dũng (sinh năm 1979, trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu) cầm đầu. Dưới quyền của Dũng là 12 đối tượng đại lý cấp 1. Trước tính chất phức tạp của vụ việc, Công an huyện Diễn Châu đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh, triệt xóa. Qua đó, bắt giữ Lê Đức Dũng và 12 đối tượng chủ yếu trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, thu giữ 35 điện thoại di động và nhiều tang vật liên quan. Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng xác định, số tiền các đối tượng đánh bạc mỗi ngày từ 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng.

14-5.jpg -4
Và nhiều “quý bà” tóc đã muối tiêu vẫn say mê chiếu bạc.

Trước đó, Công an TP Vinh (Nghệ An) triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, số đề sử dụng công nghệ cao với số tiền giao dịch hơn 500 triệu đồng, tạm giữ hình sự 12 đối tượng liên quan đến chuyên án, trong đó nhiều con bạc là nữ.

Cầm đầu đường dây đánh bạc này là Nguyễn Thị Sơn (sinh năm 1988, trú tại xóm 3, xã Nghi Phú, TP Vinh). Đối tượng Sơn trực tiếp điều hành đường dây đánh bạc với thủ đoạn hết sức tinh vi, kín kẽ. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng số điện thoại không chính chủ, lập tài khoản mạng xã hội như Telegram, Zalo, Facebook… để nhận và chuyển tin nhắn lô đề.

Bây giờ, “quý bà” đánh bạc đã không còn xa lạ nữa, mặc dù sau nhiều vụ triệt xóa và xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh nhưng dường như chị em không biết sợ, chứng nào tật nấy. Có nhiều vụ đánh bạc do “quý bà” cầm đầu, tổ chức sát phạt nhau đến “khô máu”. Các chị em tham gia chiếu bạc khi bị bắt vẫn mặc những bộ quần áo đi làm, đi chợ và tỏ vẻ rất bình tĩnh, điềm nhiên, như chuyện bình thường phải xảy ra trong các cuộc chơi. Họ không còn quan tâm đến mặt mũi chồng con và gia đình, chẳng để ý đến cảm xúc của người thân.

Có mẹ tham gia chiếu bạc bị bắt, bị xử phạt hành chính và cảnh cáo nghiêm khắc trước địa phương, Lê Thị Hoài T. (21 tuổi, sinh viên năm 3 một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh) buồn bã chia sẻ: “Nhìn thấy mặt mẹ em trên báo đài mà em nhục nhã và ê chề với bạn bè. Khi về nhà lại nghe hàng xóm xì xào, các bác bảo vệ dân phố đến tận nhà nhắc nhở, đưa giấy đi nộp phạt, 3 cha con em không biết giấu mặt vào đâu nữa. Em đã nhiều lần góp ý với mẹ, khuyên mẹ đừng chơi bài nữa, giữ thể diện cho gia đình. Mẹ không nghe, bảo chơi cho vui, chỉ là trò giải trí thôi, ở nhà mãi chán”.

Nhiều đứa con có mẹ mê đỏ đen, vì không khuyên nhủ được nên bất lực, tuyệt vọng. Có đứa bỏ học, đi lang thang, lại có đứa chán nản lao vào tệ nạn xã hội tạo nên những bi kịch gia đình không thể cứu vãn.

14-4.jpg -3
Giáo sư Lê Thị Quý.

Khi “bác thằng bần” là phụ nữ thì hệ lụy kéo theo rất nặng nề. Nhiều chuyên gia về tâm lý, xã hội cho rằng cần có những nghiên cứu sâu về nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc nhiều phụ nữ bỏ bê gia đình, chồng con để đi đánh bài. Một lý do khác có thể là vì “rảnh rỗi sinh nông nổi” như ông bà ta thường nói. Trong sự rảnh rỗi đó người ta vẫn muốn tạo nên vật chất và cờ bạc là loại hình giải trí có thể mang đến hy vọng về tiền. Thế nên một số phụ nữ vừa có thời gian, vừa có tiền và thay vì đầu tư vào làm ăn, họ lại chọn một loại hình mà theo họ nghĩ là vừa giải trí, vừa kiếm ra tiền. Tuy nhiên theo GS.TS Lê Thị Quý - Nhà nghiên cứu Nữ quyền và Bình đẳng (Viện nghiên cứu Giới và Phát triển) lại đặt ra câu hỏi? Tại sao người ta không đầu tư thời gian và tiền bạc vào những cách hưởng thụ lành mạnh như thể thao hay những hoạt động văn hóa khác mà lại là cờ bạc?

“Mình thua cũng khổ mà mình được cũng chưa chắc đã sướng. Sung sướng gì cái chuyện người ta tan cửa nát nhà? Có một người mẹ nghiện bài bạc sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến vấn đề về tâm lý, học hành và lối sống của con trẻ. Không những thế còn là một tấm gương rất xấu. Các em khi lớn khả năng cao là sẽ không tập trung học hành mà đi theo bố mẹ đánh bài, sau này lớn lên sẽ lại trở thành con bạc, gây ảnh hưởng đến cả xã hội”, GS. Lê Thị Quý phân tích.

Theo GS. Lê Thị Quý, các tổ chức đoàn thể, xã hội ở địa phương, nhất là hội phụ nữ, cần tích cực vào cuộc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên, đoàn viên và người thân của mình hãy tránh xa tệ nạn cờ bạc. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên xem xét đưa các vụ việc liên quan đến tệ nạn cờ bạc ra xét xử điểm tại các khu dân cư. Qua đó, giáo dục, tuyên truyền và tạo sự răn đe đối với những ai còn chưa tỉnh ngộ, tiếp tục mù quáng, lao vào trò sát phạt đỏ đen.

Ngọc Hoa
.
.
.