Người di cư tăng tốc đến Mỹ trước thời điểm ông Trump nhậm chức
Lợi dụng mối lo ngại về chính sách biên giới ngặt nghèo trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, những băng đảng “buôn người” đang thúc giục người di cư nhanh chân đến Mỹ trước thời điểm Nhà Trắng chính thức có ông chủ mới.
Khi nỗi lo bị thổi bùng
Nỗi lo sợ về chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump đang thúc đẩy những người di cư cố gắng đến Mỹ trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1/2025. Nhiều người dự đoán chính quyền mới tại Nhà Trắng sẽ “phong tỏa” các con đường nhập cảnh hợp pháp. Những con đường đó bao gồm CBP One - một ứng dụng của chính phủ Mỹ cho phép mọi người nộp đơn trực tuyến để xin tị nạn vào Mỹ từ lúc còn ở Mexico và sau đó nhập cảnh hợp pháp khi họ có cuộc hẹn phỏng vấn.
Chia sẻ với phóng viên báo New York Times, Joel Zambrano - một người di cư đến từ Venezuela đang chờ đợi tại Mexico - cho biết anh bị ám ảnh bởi viễn cảnh chính quyền mới ở Mỹ chấm dứt việc chỉ định tị nạn thông qua hệ thống CBP One. “Đó là điều khiến chúng tôi lo sợ. Người ta thậm chí nói rằng nhà chức trách Mỹ có thể đóng cả cuộc hẹn trên CBP One lẫn các dịch vụ hỗ trợ người di cư”, Zambrano nói.
Và, những băng đảng buôn người dĩ nhiên cũng nắm bắt được cơ hội làm ăn từ những lo ngại ấy. Từ khu rừng rậm Darien Gap nối liền Panama và Colombia tới bờ sông Rio Grande trên biên gới Mexico - Mỹ, các tổ chức tội phạm này đang gửi đi thông điệp: Hãy nhanh chân và lẻn vào Mỹ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Chúng tích cực sử dụng WhatsApp và các nền tảng truyền thông xã hội để nói với những người di cư rằng họ phải sớm quyết định, bởi bây giờ hoặc không bao giờ có thể đến Mỹ được nữa.
“Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua đã tạo ra rất nhiều lo lắng cho những người di cư. Và, những kẻ buôn người đang lợi dụng điều đó. Chúng gieo rắc sự nghi ngờ, khiến những người xin tị nạn hợp pháp cũng trở nên hoảng loạn”, ông Jose Luis Perez - trưởng đơn vị hỗ trợ người di cư tại thành phố biên giới Tijuana của Mexico, gần San Diego (bang California, Mỹ) - cho biết.
Và khi nỗi lo bị thổi bùng lên, hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt ở miền nam Mexico để chờ đợi cuộc hẹn xin tị nạn tại Mỹ quyết định mạo hiểm. Một số chấp nhận rủi ro để đi theo con đường “tiểu ngạch” của những kẻ đưa người lậu người vào Mỹ. Ở thành phố Tapachula, miền Nam Mexico gần biên giới với Guatemala, khoảng 4.000 người di cư đã thành lập 3 đoàn để chuẩn bị đi lên phía Bắc nhưng rồi rất nhiều trong số họ đã rời đi thành nhóm nhỏ, theo chân các băng đảng buôn người.
Đi theo đoàn thì an toàn hơn nhưng số lượng đông đảo cũng khiến các đoàn di cư dễ bị nhà chức trách dọc đường phát hiện và ngăn chặn. Trong khi đó, những băng đảng tội phạm không chỉ hứa cung cấp cho người di cư các tuyến đường nhanh hơn đến Mỹ, mà còn thì thầm vào tai họ những lời đáng sợ rằng thời kỳ thuận lợi sẽ chẳng còn bao lâu. Do vậy, nhiều người đã chọn đi theo sự dẫn dắt của chúng. “Có bốn nhóm trao đổi trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp, với hàng trăm người di cư đã phối hợp rời đi ngay trong ngày bầu cử tại Mỹ, khi chiến thắng của ông Trump trở nên rõ ràng”, Luis Villagran - một nhà hoạt động xã hội người Mexico chuyên hỗ trợ các đoàn di cư tại thành phố Tapachula, cho biết.
Ngành kinh doanh béo bở của các băng đảng
Có thể còn hơi sớm để nói về một làn sóng di cư ồ ạt vào Mỹ qua ngả biên giới phía Nam lúc này, nhất là khi mưa bão đang khiến những con đường tại Darien Gap - một dải đất hoang dã với những khu rừng nhiệt đới rậm rạp nối liền Panama và Colombia vốn được xem là cửa ngõ chính cho dân nhập cư đi từ Mỹ Latinh đi lên phía Bắc - trở nên vô cùng khó tiếp cận.
Nhưng tại Mexico, các nhóm nhân đạo và quan chức vẫn chủ động chuẩn bị đối phó với làn sóng người di cư có thể tràn vào Mỹ trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1. “Phần lớn những người di cư đang có mặt ở Mexico sẽ cố làm mọi cách để đến được biên giới với Mỹ”, Irineo Mujica - giám đốc khu vực Mexico của tổ chức People Without Borders, một nhóm vận động xuyên quốc gia, cho biết. “Cánh cửa đang đóng lại, và rất nhiều người trong số họ sẽ cố gắng tìm cách vượt biên càng sớm càng tốt”.
Với suy nghĩ như thế, người di cư càng dễ trở thành khách hàng của những đường dây vượt biên trái phép. Và, những vụ bắt giữ mới đây đã chứng thực nhận định ấy. Tuần trước, chính quyền Mexico phát hiện hơn 250 người di cư chen chúc trong 2 container của một chiếc xe tải đầu kéo đang trên đường hướng về biên giới Mỹ. Các nhân viên di trú Mexico được quân đội hỗ trợ đã chặn chiếc xe này tại một trạm kiểm soát ở bang Chihuahua. Những người di cư, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, sau đó được chuyển đến cơ sở tạm giữ để kiểm tra tình trạng của họ trong khi tài xế bị bắt giam, chờ xét xử.
Vụ bắt giữ này có lẽ chỉ ngăn chặn được một phần nhỏ dòng người di cư đang tìm đường lọt vào Mỹ một cách bất hợp pháp. Theo báo cáo năm 2023 của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, ít nhất 80% những người vượt biên trái phép đi theo sự dẫn dắt của những kẻ buôn người. Hoạt động này vốn diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng gần đây đã phát triển thành một lĩnh vực kinh doanh xuyên quốc gia, có quy mô công nghiệp, liên quan đến các nhóm tội phạm hùng mạnh, những đội xe đầu kéo, những khách sạn và nhà kho có thể chứa hàng trăm người di cư mỗi đêm.
Với doanh thu ước tính từ 4 tỷ đến 12 tỷ USD mỗi năm, hoạt động đưa lậu người di cư đã cùng với ma túy và tống tiền trở thành những nguồn thu nhập hàng đầu của các băng đảng mafia khét tiếng của Mexico như Sinaloa và Jalisco. Lợi nhuận kếch xù khiến những tổ chức tội phạm này càng muốn tận dụng nỗi lo sợ về việc ông Trump siết chặt biên giới để hối thúc các “khách hàng tiềm năng” sớm thực hiện những chuyến vượt biên vào Mỹ.
Chính sách của ông Trump sẽ như thế nào?
Cùng với tình trạng đói nghèo và xung đột ở các quốc gia Mỹ Latinh, sự tham gia của các băng đảng tội phạm có tổ chức ở Mexico góp phần khiến làn sóng nhập cư tại biên giới phía Nam nước Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trong suốt 4 năm qua, số người di cư bị bắt giữ tại biên giới Mỹ - Mexico đều lên đến hơn 1 triệu người mỗi năm, cá biệt năm 2022 có tới 2,2 triệu vụ bắt giữ. Thực trạng này gây ra sự bất an lớn trong công chúng và trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp ông Donald Trump đánh bại Phó tổng thống đương nhiệm Kamala Harris trong cuộc bầu cử vừa qua.
Theo báo USA Today, đội ngũ trợ lý của tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương đặt nền móng cho việc mở rộng các cơ sở giam giữ để thực hiện lời hứa trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Họ cũng chuẩn bị các hoạt động hành pháp mới bao gồm việc khôi phục lại chương trình “Ở lại Mexico” (những người di cư xin tị nạn tại Mỹ bị gửi trở lại Mexico trong khi trường hợp của họ đang chờ phê duyệt); chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với con cái của những người nhập cư không có giấy tờ; thu hồi một số quyền lợi nhập cư bao gồm “Tình trạng được bảo vệ tạm thời”, hay TPS, vốn đã cho phép hàng chục nghìn người từ một số quốc gia nhất định ở lại Mỹ.
Cùng với đó, chính quyền mới của ông Trump được dự báo cũng sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ để ngăn chặn dòng người di cư. “Khi nói đến vấn đề di cư, bạn phải đàm phán với rất nhiều quốc gia,” Carlos Trujillo - Đại sứ tại Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết.
Ông Trujillo cũng nhận định chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ xem xét nhiều lựa chọn khác nhau để đạt được mục tiêu này. “Tôi nghĩ ông Trump sẽ xem xét bất kỳ chính sách hoặc cơ hội nào giúp ông ấy thực hiện được điều đó”, nhà ngoại giao kỳ cựu này nói. “Đó có thể là lựa chọn kinh tế, hoặc cũng có thể là các lựa chọn ngoại giao trực tiếp, miễn sao đạt mục đích ngăn dòng người di cư”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đe dọa cắt hàng trăm triệu USD viện trợ cho El Salvador, Guatemala và Honduras nếu các nước này không ngăn chặn công dân của họ xin tị nạn tại biên giới Mỹ - Mexico. Ông cũng đe dọa áp thuế nặng tay đối với hàng hóa của Mexico nếu nước này không làm nhiều hơn để ngăn chặn người di cư. Tổng thống Mexico khi đó là Andrés Manuel Lopez Obrador đã triển khai khoảng 32.000 binh sĩ để tìm kiếm và bắt giữ những người di cư từ phía Nam đi qua nước này, dẫn tới số lượng người di cư bị giam giữ trên khắp Mexico tăng lên 40%.
Bây giờ, những cuộc trấn áp tương tự có thể lặp lại khi ông Donald Trump, trong chiến dịch tranh cử năm nay, đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa Mexico trừ khi nước này ngăn chặn dòng người di cư (cùng với ma túy) vào Mỹ. Và, đó cũng là lý do khiến những người di cư đang trú chân tại Mexico thêm lo lắng, để rồi trở thành mục tiêu dễ dàng cho các nhóm tội phạm có tổ chức dụ dỗ đi theo con đường nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ.