Mạng lưới rửa tiền qua kiều hối của cartel Mexico

Thứ Tư, 30/08/2023, 10:52

Rửa tiền luôn đi theo ma túy như một điều tự nhiên. Câu hỏi đặt ra phải là: “Bằng đường nào?”. Tại Mexico, các cartel ma túy đã lập ra những mạng lưới rửa tiền thông qua kiều hối từ Mỹ. Bằng cách sử dụng vỏ bọc lao động Mexico tại Mỹ gửi tiền về nhà, tội phạm đã che giấu thành công hàng trăm triệu USD khoản lợi nhuận bất lương của chúng.

Đội quân rửa tiền

Nhiều gia đình ở Mexico sống bằng tiền con cháu họ lao động tại Mỹ gửi về. Nhưng bà Balbina (tên giả) lại khác. Bà không hề biết người chuyển 8.000 USD cho bà hằng tháng là ai. Bà cũng không biết ai là chủ 2 tài khoản ở 2 ngân hàng khác nhau mà bà vẫn chuyển tiền vào. Balbina chỉ biết rằng bà và họ đều là thành viên của mạng lưới rửa tiền của cartel Sinaloa.

cac.jpg -0
Các đại lý cung cấp dịch vụ chuyển tiền có ở khắp mọi nơi hai bên biên giới Mỹ-Mexico.

Bà Balbina nói với phóng viên hãng tin Reuters: “Hàng xóm của tôi giới thiệu cho tôi việc này. Họ nói rằng mỗi lần nhận tiền rồi nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, tôi lại được trả 230 USD. Thấy tiền dễ nên tôi nhận làm... Tôi chưa từng gặp người đứng đầu. Họ liên lạc với tôi qua điện thoại, mà mỗi lần như thế lại qua một số điện thoại khác”.

Sinaloa và các cartel ma túy khác tại Mexico có cả một “đội quân” gồm toàn những người dân được thuê rửa tiền dưới vỏ bọc kiều hối. Mỗi lần như thế chúng chỉ che giấu được vài nghìn USD, nhưng có hàng nghìn người sẵn sàng làm giả lao động tại Mỹ hay thân nhân của họ để thực hiện hàng trăm nghìn giao dịch mỗi tuần.

Theo thống kê của chính phủ Mexico, tổng kiều hối từ Mỹ gửi về Mexico trong năm 2022 đạt mức 58,5 tỷ USD, tăng 74% so với năm 2018. Nền kinh tế Mexico chịu tổn thất nặng nề vì đại dịch COVID-19, vậy nên số lượng người Mexico đi xuất khẩu lao động ở Mỹ tăng vọt. Đây là cơ hội để những kẻ tội phạm che giấu lợi nhuận của chúng. Tổ chức giám sát tội phạm Signos Vitales cho biết có khoảng 4,4% tỷ USD (7,5%) tiền kiều hối gửi về Mexico trong năm 2022 có liên quan đến tội phạm.

Điều gì khiến các dịch vụ gửi kiều hối hấp dẫn với tội phạm? Thứ nhất, các dịch vụ này có mạng lưới phủ khắp thế giới với tốc độ xử lý giao dịch nhanh. Thứ hai, các dịch vụ gửi kiểu hối không yêu cầu các bên phải có tài khoản và xuất trình giấy tờ như khi chuyển tiền qua ngân hàng. Trước đây các băng đảng Mexico chuyên bắt cóc dân thường rồi yêu cầu thân nhân của họ ở bên kia biên giới trả tiền chuộc qua dịch vụ chuyển kiểu hối. Bây giờ chúng lại thuê dân thường để rửa tiền qua chính những dịch vụ trên.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo mới đây đã liên lạc với 7 dịch vụ chuyển tiền khác nhau như Western Union và MoneyGram để yêu cầu họ thắt chặt hoạt động chống rửa tiền. Đa số các dịch vụ hứa sẽ làm vậy, nhưng cũng có một số ý kiến nghi ngờ. Giám đốc khu vực châu Mỹ của WorldRemit, ông Jorge Godínez, nhận xét: “Chúng tôi có hệ thống giám sát những khoản kiều hối có giá trị quá lớn và nguồn gốc không rõ ràng. Để thoát “radar” giám sát của chúng tôi, tội phạm sẽ phải làm rất nhiều giao dịch với số tiền nhỏ. Chúng có thể làm thế, nhưng tôi không tin chúng sẽ bỏ nhiều công đến vậy”.

dai ly.jpg -0
Đại lý sim thẻ điện thoại này ở Mỹ thực ra là bình phong rửa tiền cho tội phạm Mexico.

Sự thật là tội phạm Mexico đã quá quen việc sử dụng nhiều giao dịch giá trị nhỏ để rửa tiền khối lượng lớn. Chúng bắt đầu tăng cường làm vậy kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Các cửa khẩu giữa Mỹ và Mexico bị đóng cửa nên tội phạm ma túy không thể chuyển tiền theo cách truyền thống - giấu trong xe hơi qua lại hai bên biên giới. Đó là lúc chúng tìm đến các dịch vụ gửi kiều hối.

Tại Mỹ, đặc biệt là các bang sát biên giới với Canada và Mexico, những dịch vụ kiều hối có ở khắp mọi nơi. Người lao động xuất khẩu chỉ cần bước vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, cửa hàng sim thẻ, hay thậm chí là trạm xăng là đã có thể gửi tiền về nhà. Chủ các cơ sở kinh doanh trên thường là “hàng rào” kiểm soát duy nhất của những dịch vụ gửi tiền kiều hối. Họ được tập huấn về cách nhận ra đối tượng rửa tiền, nhưng tập huấn là một chuyện, thực hành là chuyện khác. Mà bản thân chủ cơ sở kinh doanh cũng không có động lực để giám sát khắt khao vì càng có nhiều khách hàng chuyển tiền, họ lại càng nhận được nhiều hoa hồng.

Thượng nghị sỹ John Cornyn của bang Texas từng đưa ra trước Thượng viện Mỹ dự thảo luật thắt chặt việc kiểm soát dòng tiền kiều hối từ Mỹ đến Mexico. Dự thảo không được thông qua, nhưng ông Cornyn hứa sẽ sửa chữa bản thảo luận rồi đưa ra nghị trình lần nữa: “Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi các dịch vụ chuyển tiền tỏ ra có trách nhiệm hơn với giao dịch của họ. Chúng ta không thể loại trừ các cartel nếu như không tấn công vào ví tiền của chúng”.

Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã tăng cường lực lượng giám sát các giao dịch chuyển kiều hối. Họ gặp khó khăn trên phương diện pháp luật - luật Mỹ quy định nếu như người chuyển số tiền lớn hơn 3.000 USD, dịch vụ kiều hối sẽ phải lưu lại tên tuổi và địa chỉ của người chuyển lẫn người nhận trong ít nhất 5 năm để phục vụ cơ quan điều tra. Tội phạm Mexico bèn chuyển mỗi lần ít hơn 3.000 USD để gây khó khăn cho FC.

Một chuyên gia giấu tên của FC trả lời phóng viên tờ Chicago Tribune: “Đa số các giao dịch kiều hối liên quan đến tội phạm có giá trị dưới 1.000 USD. Hai người do cartel thuê gửi và nhận tiền thường sẽ nhận được khoản hoa hồng lên tới 10%. Đôi khi cartel còn thuê cả chủ cửa hàng cung cấp dịch vụ chuyển tiền nữa”.

Đối tượng Jose Rosales-Ocampo bị tòa án bang Ohio kết án 5 năm với tội danh rửa tiền cho tội phạm. Ocampo là chủ ba cửa hàng sim thẻ ở thành phố Colombus, Ohio. Y khai đã được cartel Sinaloa thuê để “ngoảnh mặt làm ngơ”. Theo quy định thì cửa hàng phải yêu cầu khách chuyển tiền xuất trình giấy tờ tùy thân, đồng thời nói ra một con số bí mật mà người chuyển và người nhận đã thống nhất với nhau từ trước. Phần lớn khách hàng ở 3 cửa hàng của Ocampo là người được tội phạm Mexico thuê. Cả phía người nhận lẫn người gửi đều sử dụng giấy căn cước và địa chỉ giả. Đa phần số tiền được gửi đến các bang Nayarut, Jalisco, Michoacan và Sinaloa, những địa phương có tình trạng tội phạm ma túy nặng nề nhất Mexico. Ocampo và 3 người nhà bị kết án từ 6 đến 12 năm tù giam.

Ít nhất bảy vụ rửa tiền liên quan ma túy qua các dịch vụ kiều hối đã được tòa án Mỹ xử lý kể từ năm 2017 đến nay. Tổng số tiền “bẩn” trong 7 vụ việc đó lên tới hơn 100 triệu USD. Điều đáng nói ở đây là đa số các bị cáo là nhân viên trạm xăng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, v.v... Họ khai rằng các ông chủ cửa hàng đã nhận tiền của tội phạm Mexico để chia nhỏ những khoản tiền “bẩn” rồi tự mình chia ra thành từng phần gửi cho các đối tượng ở Mexico.

Câu hỏi đặt ra là liệu chỉ nên có mình chủ cửa hàng bị bắt chịu trách nhiệm trước pháp luật? Ví dụ như Western Union từng phải nộp phạt 586 triệu USD vì tội để xảy ra rửa tiền trên hệ thống của họ. Trên lý thuyết thì các dịch vụ kiều hối cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Một số công ty cung cấp dịch vụ đã tỏ thái độ hợp tác với nhà chức trách trong việc điều tra, đồng thời đưa ra các công cụ giám sát của riêng mình để kiểm soát hoạt động chuyển tiền. Vẫn chưa rõ liệu như vậy đã là đủ, bởi vì mô hình hoạt động của các dịch vụ chuyển kiều hối được thiết kế để làm sao người lao động Mexico không có giấy tờ tùy thân hay địa chỉ cố định vẫn có thể gửi tiền về nhà được.

Người và tiền

Chỉ có gần 28.000 người sống tại thị trấn Costa Rica, bang Sinaloa, Mexico. Không có nhiều người dân Costa Rica đi xuất khẩu lao động ở Mỹ. Vậy nhưng ngành tài chính ở Costa Rica rất phát triển. Cả sáu ngân hàng lớn ở Mexico đều có chi nhánh tại Costa Rica, chưa kể các chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, siêu thị, v.v... Tất cả các cơ sở kinh doanh kể trên đều cung cấp dịch vụ chuyển tiền kiều hối.

nguoi.jpg -0
Người phụ nữ Mexico này trong thời gian lao động ở Mỹ đã giúp tội phạm rửa tiền 140.000 USD.

Một người dân giấu tên tại Costa Rica nói với phóng viên Reuters: “Cứ tầm 10 giờ sáng thứ sáu thì lại có 5 người đi xe máy đến đỗ trước 3 ngân hàng Banco Azteca, Banorte và BanCoppel. Mỗi người họ lại có hơn chục người khác đi ra từ ngân hàng để đưa tiền cho họ”. Đó là cảnh những đối tượng tội phạm nhận tiền từ các cá nhân chúng thuê để rửa tiền qua kiều hối. Những cảnh tượng tương tự diễn ra ở mọi thành phố, làng mạc ở bang Sinaloa, “sân sau” của cartel Sinaloa.

Một bà mẹ sống tại ngôi làng Tepuche, bang Sinaloa nói với phóng viên: “Tôi nhận tiền kiều hối thuê cho cartel được gần 10 năm rồi. Người thân nào của tôi cũng làm thế. Tôi nhẩm tính ra mình kiếm được trên dưới 17.000 USD mà chẳng phải làm gì nhiều”. Đến tận năm 2018 làng Tepuche mới nhận được đồng tiền kiều hối đầu tiên. Bây giờ dân làng nhận khoảng 2,5 triệu USD mỗi năm.

Mexico hiện là quốc gia nhận nhiều kiều hối nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Ấn Độ. Khoảng 2 triệu hộ gia đình Mexico nhận tiền kiều hối từ người thân. Tổng số kiều hối năm 2022 của Mexico tương đương 4,3% GDP quốc gia này. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador từng nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kiều hối đối với Mexico và đã đưa ra một số chính sách giúp quá trình gửi tiền về quốc gia này dễ dàng hơn.

Tổ chức giám sát Signos Vitales mới đây đã công bố một bản báo cáo về tình hình sử dụng dịch vụ chuyển kiều hối để rửa tiền tại Mỹ. Điều đáng chú ý là 8 bang Mỹ có nhiều trường hợp rửa tiền nhiều nhất lại không có nhiều người Mexico sinh sống. Ví dụ như là bang Minnesota chỉ có khoảng 230.000 cư dân gốc Mexico sinh sống nhưng lại gửi đến Mexico số tiền trị giá 4,7 tỷ USD trong năm 2022, chiếm 8% tổng lượng kiều hồi từ Mỹ sang Mexico. Tính trung bình thì mỗi người dân gốc Mexico sẽ phải gửi về quê nhà 23.000 USD/năm để chạm đến con số 4,7 tỷ USD đó.

Ông Enrique Cardenas, giám đốc của Signos Vitales, nhận xét: “Mọi dấu hiệu cho thấy mạng lưới rửa tiền qua dịch vụ kiều hối đang lớn mạnh lên từng ngày. Tội phạm không chỉ thuê người Mỹ gốc Mexico hay lao động xuất khẩu Mexico nữa. Chúng thuê cả người Mỹ bản xứ để rửa tiền cho chúng”.

Nhiều người tham gia mạng lưới rửa tiền hiểu rõ hành vi phạm pháp của mình nhưng không thể ngừng lại vì sợ. Vào năm 2014, một người phụ nữ bị giết hại dã man ở thành phố Culiacán bởi cartel Sinaloa. Nạn nhân tham gia vào mạng lưới rửa tiền qua kiều hối của cartel Sinaloa. Họ sử dụng hệ thống của Albo, một nhà mạng cung cấp luôn cả dịch vụ chuyển tiền kiều hối.

Trích lời khai của người phụ nữ với cảnh sát: “Họ chỉ cho tôi nhận tiền ba lần mỗi tháng. Mỗi lần như vậy là tôi lại nhận được 1% tiền hoa hồng. Tôi kiếm tiền chủ yếu bằng cách giới thiệu người mới vào mạng lưới. Nếu là tự tôi giới thiệu thì tôi nhận được 80 USD trên đầu người, còn nếu là do người khác từng được tôi giới thiệu thì tôi nhận được 40 USD. Họ hoạt động cũng như bán hàng đa cấp nhưng mà dễ kiếm tiền hơn”.

Sau khi người phụ nữ này đi đầu thú, bà  đã chuyển nơi ở và mua sim mới để tự bảo vệ mình. Cartel Sinaloa vẫn lần theo dấu và bà bị bắn chết khi vừa mới bước ra khỏi cửa. Con gái của nạn nhân nói với phóng viên Reuters rằng cô vẫn rửa tiền cho những kẻ đã giết mẹ cô: “Tôi sợ rằng họ sẽ giết tôi nếu như tôi rút lui”.

Lê Công Vũ
.
.
.