Không trả lại tiền của người khác chuyển nhầm là vi phạm pháp luật

Thứ Tư, 28/08/2024, 11:09

Giao dịch mua bán và chuyển khoản thanh toán trực tuyến trên mạng đã trở thành xu thế giao thương của xã hội năng động, hiện đại. Thế nhưng, thời gian gần đây, không hiếm những trường hợp chuyển khoản nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác dù không có quan hệ giao dịch. Thế nhưng, với mỗi trường hợp, cách ứng xử, giải quyết sự cố nhầm lẫn này không giống nhau.

Chủ động tìm khổ chủ để trả lại tiền chuyển nhầm

Không hiếm những trường hợp có cách ứng xử đẹp, không tham tiền của người khác chuyển nhầm, chủ động báo cơ quan chức năng giúp tìm khổ chủ để trả lại.

Đơn cử như hành động đẹp của anh Cao Bá Minh (32 tuổi, trú xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Mới đây, anh Minh với sự hỗ trợ của Cơ quan công an đã trao trả số tiền 3 tỷ đồng cho chị Lê Thị Kim Hoàng (36 tuổi, ở Đồng Tháp) do chuyển khoản nhầm.

Không trả lại tiền của người khác chuyển nhầm là vi phạm pháp luật -0
Anh Cao Bá Minh và giấy chứng nhận trao trả số tiền 3 tỷ đồng cho chị Lê Thị Kim Hoàng dưới sự chứng kiến của đại diện các bên liên quan.

Theo chia sẻ của anh Minh, ngày 14/8, anh bất ngờ khi nhận được 3 tỷ đồng chuyển vào tài khoản cá nhân thông qua ứng dụng ngân hàng mà không rõ lý do. Biết có người chuyển khoản nhầm, anh Minh đã chủ động đến Cơ quan công an trình báo, nhờ tìm người đã chuyển khoản nhầm cho mình.

Ngay sau đó, Cơ quan công an đã làm việc với phía ngân hàng để xác minh người chuyển khoản nhầm. Sau khi xác minh, Cơ quan công an xác định người chuyển khoản nhầm số tiền 3 tỷ trên cho anh Minh là chị Lê Thị Kim Hoàng (36 tuổi, ở Đồng Tháp) và mời chị Hoàng đến nhận lại số tiền đã chuyển nhầm từ anh Minh dưới sự chứng kiến của các bên liên quan. Hành động đẹp của anh Cao Bá Minh khiến chị Hoàng và nhiều người dân vô cùng cảm kích.

Hay, vừa mới đây là trường hợp chị Nguyễn Thị Luân, trú tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chuyển khoản nhầm 110 triệu đồng vào tài khoản của chị Võ Thị Tiên (sinh năm 1968), trú cùng xã. Chị Tiên cho biết, khoảng 14h30 ngày 19/8, chị phát hiện trong tài khoản cá nhân mở tại Ngân hàng Agribank Tuy Đức của mình có người chuyển đến số tiền 110 triệu đồng với nội dung "Nguyen Thi Luan chuyen khoan".

Do không biết rõ nguồn gốc số tiền chuyển đến cũng như danh tính người chuyển tiền nên chị Tiên đã nhanh chóng đến Công an xã Đắk Búk So trình báo. Công an xã Đắk Búk So đã làm việc với chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Tuy Đức để xác minh danh tính người chuyển tiền và xác định người chuyển khoản nhầm chính là chị Nguyễn Thị Luân.

Chị Luân cho cho biết, chiều 19/8 chị có chuyển khoản để trả tiền mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, trong khi chuyển khoản đã sơ ý chuyển nhầm 110 triệu đồng nhưng vẫn không hay biết cho đến khi Cơ quan công an gọi điện xác minh thì mới kiểm tra và tá hỏa khi phát hiện sự nhầm lẫn. Nhận lại số tiền lớn từ chị Tiên trước sự chứng kiến của công an xã, chị Nguyễn Thị Luân rất xúc động, biết ơn trước nghĩa cử cao đẹp của chị Võ Thị Tiên và sự hỗ trợ tận tình của Công an xã Đắk Búk So.

Chị Tiên quan niệm, trong cuộc sống, cái gì cũng có sơ suất, người ta chuyển nhầm thì nên tìm cách trả lại ngay. Dẫu biết rằng, ma lực của đồng tiền là vô cùng lớn, nhưng không phải của mình thì dứt khoát không tham. Trong một số trường hợp, có khi trả lại người ta đền ơn mình, người ta nhớ mình mà từ đó ăn nên làm ra, chỉ có tiền chính mình làm ra thì mới xứng đáng với công sức của mình, không cảm thấy day dứt vì nỗi đau của người khác.

Không trả lại tiền của người khác chuyển nhầm là vi phạm pháp luật -0
Công an xã Đắk Búk So trao trả 110 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Luân do chuyển khoản nhầm dưới sự chứng kiến của chị Võ Thị Tiên.

Vướng vòng lao lý vì cố tình không trả tiền chuyển nhầm cho khổ chủ

Nhiều vụ tương tự khác, cũng liên quan đến nhận tiền chuyển nhầm của người khác nhưng cố tình không trả lại cho khổ chủ, biến mình thành người vi phạm pháp luật. Chỉ đến khi Cơ quan công an vào cuộc điều tra, khởi tố về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản thì họ mới chịu trả lại tiền cho khổ chủ. Khi đó, việc khổ chủ rút yêu cầu khởi tố (nếu có) cũng chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ; việc bị can có được miễn trách nhiệm hình sự hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của cơ quan tố tụng.

Đơn cử như trường hợp, ông Nguyễn Tiến Lực (51 tuổi, ngụ thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) ngày 22/7 vừa qua bị Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 21/10/2023, ông Lực bỗng dưng nhận được 484 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của mình. Người chuyển tiền nhầm phát hiện và đã liên hệ nhờ ông chuyển lại nhưng không nhận được phản hồi. Dù biết khoản tiền này “do chuyển nhầm mà có” nhưng ông Lực không liên hệ với ngân hàng hay cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu mà dùng toàn bộ số tiền này để trả nợ, tiêu xài cá nhân.

Một vụ điển hình khác là trường hợp ông Nguyễn Tâm Duy (41 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cũng bị Công an quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội chiếm giữ trái phép tài sản vào tháng 2/2024. Trước đó, ông Duy đến một ngân hàng ở đường Tây Thạnh, quận Tân Phú chuyển 1,5 triệu đồng vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, ngân hàng này đã chuyển nhầm thành 1,5 tỉ đồng. Sau đó, phát hiện tài khoản có số tiền chuyển nhầm này, ông Duy đã chuyển 50 triệu đồng cho bạn nhờ giữ giùm.

Về phía ngân hàng, khi phát hiện việc nhầm lẫn, ngân hàng đã làm các thủ tục để hủy bỏ giao dịch nhưng chỉ thu hồi được 1,45 tỉ đồng. Ngân hàng đã mời ông Duy đến làm việc và giải thích về vụ việc nhưng ông Duy không hợp tác, không đồng ý ký vào các biên bản cũng như không trả lại tiền đã được chuyển nhầm vào tài khoản của mình. Ngân hàng đòi nhiều lần không được nên đã tố cáo với Cơ quan công an. Ông Duy được xác định dù biết và nhận thức được số tiền 50 triệu đồng là tài sản hợp pháp của ngân hàng nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần tiền tiêu xài nên đã nổi lòng tham, cố tình chiếm giữ để sử dụng.

Dưới góc độ đạo lý, với truyền thống “thương người như thể thương thân”, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn của người Việt Nam thì thái độ phớt lờ, bỏ mặc khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình là việc làm rất vô cảm. Do đó, nếu có tài sản “từ trên trời rơi xuống”, hãy tìm cách trả cho khổ chủ. Đừng lấy thứ không thuộc về mình, cái gì của ai thì phải trả lại cho người nấy; đừng lấy của người làm cái lộc, cái phúc cho mình. Đừng làm mất sự liêm chính của bản thân, cũng giúp chính mình không vướng lao lý nếu bị xử lý dưới góc độ pháp lý.

Không trả lại tiền của người khác chuyển nhầm là vi phạm pháp luật -0
Nguyễn Tiến Lực bị khởi tố về tội chiếm giữ trái phép tài sản vì cố ý “ỉm” 484 triệu đồng do người khác chuyển nhầm.

Dưới góc độ pháp lý, Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo đó, lỗi của người phạm tội bắt đầu phát sinh khi khổ chủ yêu cầu nhận lại tài sản nhưng người phạm tội không trả lại mà vẫn chiếm giữ hoặc tự ý định đoạt. Chính yếu tố “cố tình không trả lại tài sản” đã hình thành hành vi chiếm giữ trái phép tài sản; từ đây tùy theo giá trị tài sản mà hành vi cấu thành một vi phạm hành chính theo điểm đ, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021 hay vi phạm hình sự.

Thực tế, không phải ai cũng am hiểu pháp luật và có cách xử sự đúng quy định. Có người còn nại ra những lý do để tự “an ủi” cho hành vi của mình rằng tiền được chuyển nhầm là “của trời cho” thì đương nhiên là của mình. Hoặc, cho rằng, lượng tiền có giá trị không đáng kể thì không cần khai báo vì không có thời gian hay họ nghi ngờ tiền chuyển nhầm là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng nên không chuyển trả lại nhưng cũng không trình báo Cơ quan công an.

Tuy nhiên, dù nại ra bất cứ lý do gì để cố ý chiếm giữ tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của mình đều là vi phạm pháp luật. Do đó, nhận tiền chuyển nhầm qua tài khoản thì hãy ngay lập tức hoàn trả cho chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp. Đừng ngộ nhận cho rằng đó là “của trời cho” mà chiếm giữ để có khi phải trả bằng những cái giá quá đắt, mà một trong số đó là bản án hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Tâm Phạm
.
.
.