Khi dịch vụ cầm đồ biến tướng
Trong thời buổi nhà nhà, người người bung ra làm ăn, cần vốn đầu tư, xoay vòng, trả nợ… thì “cầm đồ” có vẻ như là phương án được lựa chọn phổ biến cho tình thế bức bách về tài chính. Đó chính là mảnh đất “màu mỡ” để dịch vụ cầm đồ “ăn nên làm ra” và cũng từ đây hàng loạt biến tướng mang tên “cầm đồ” nảy sinh…
“Bỏ của chạy lấy người”
TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hiện có trên 800 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có khoảng 400 tiệm cầm đồ, chủ yếu tập trung ở các phường như An Phú, Bình Hòa, Thuận Giao..., nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều nhà máy, xí nghiệp và các khu nhà trọ công nhân, người lao động.
Trong những ngày tìm hiểu thông tin thực hiện bài viết, chúng tôi đã gặp nhiều người đang sống dở chết dở vì trót sa chân vào tiệm cầm đồ. Đầu tháng 2, vợ chồng anh Hoàng Văn Dũng (47 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cần một khoản tiền để đầu tư mở quán ăn vặt trước cổng trường cấp 2. Anh mang chiếc xe máy hiệu Honda Future ra tiệm cầm đồ. Xe mới mua năm 2022 lại chính chủ nên chủ tiệm cầm cho anh 20 triệu đồng. Theo quy định thì phải giữ xe và giấy tờ cho đến khi chuộc lại, nhưng chủ tiệm đã “lách luật” chỉ cầm giấy tờ xe của anh Dũng. Chi phí vay được báo là 5,6%/30 ngày, khoảng 68,7%/năm, trong đó lãi suất thể hiện trên hợp đồng cầm cố chỉ có 1,6%/tháng (19,8%/năm), tức đã lách để không vi phạm quy định về cho vay lãi nặng. Bên cạnh đó, người cầm xe còn phải chịu phí bãi xe 200.000 đồng/tháng, phí cháy nổ, phí bảo hiểm, phí bảo quản, tổng cộng thêm 250.000 đồng nữa.
Quy định tất toán tính theo thời hạn 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày. Như vậy, nếu cầm xong 1 ngày mà tất toán vẫn phải gánh chi phí vay tối thiểu 10 ngày và phí trông giữ xe tối thiểu là 50.000 đồng.
Đang cần tiền, được cho vay là mừng quýnh lên nên vợ chồng anh Dũng không suy nghĩ đắn đo việc lãi suất bị đẩy lên cao cũng như phải gánh chịu những chi phí ngoài lề. Dự định của anh Dũng sẽ chuộc lại xe trong vòng 30 ngày, tính nhẩm số tiền lãi và phí phải trả chưa tới 10 triệu đồng, vẫn trong khả năng của gia đình.
Công việc bán buôn chậm chạm, vốn bỏ ra chưa thể thu về nên anh Dũng không có tiền lấy xe theo đúng thời hạn hợp đồng. Anh buộc phải tới tiệm cầm đồ gia hạn thêm thời gian 1 tháng với lãi suất như cũ nhưng bị phạt “ngầm” một khoản “chảy máu mắt” là 9% nữa, tổng cộng một tháng anh Dũng phải trả lãi cũ, lãi phạt là hơn 4 triệu đồng cho khoản cầm đồ 20 triệu đồng. Nếu trong vòng 1 tháng, anh Dũng vẫn chưa chuộc được xe thì phạt tăng gấp 3 lần, tương ứng 3 lần gia hạn.
Thời điểm chúng tôi gặp anh Dũng chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn, nhưng anh vẫn chưa lo được tiền. Việc buôn bán chưa sinh lời, vốn liếng đi vay mượn, cầm cố cũng hết sạch. Anh Dũng buộc phải rao bán xe, các tiệm xe cũ đều trả giá không quá 22 triệu, trong khi tiền chuộc xe và trả lãi đã lên tới sấp xỉ 25 triệu đồng. Bán xe bên ngoài thì vẫn phải bù tiền để chuộc giấy tờ xe, thà rằng bỏ xe luôn để khỏi phải thêm chi phí nào nữa. Vậy là, anh Dũng thông báo với chủ tiệm cầm đồ bỏ xe.
Tại các tiệm cầm đồ, những người “bỏ của chạy lấy người” như anh Dũng không ít và những món đồ đó, chủ tiệm lại thanh lý cho người khác ngay sau đó theo giá của họ. Chiếc xe máy của anh Dũng, chỉ ít ngày sau đã có người mua với giá 26 triệu đồng. Vậy là, chỉ vỏn vẹn 2 tháng, với 20 triệu đồng tiền gốc, dịch vụ cầm đồ đã lấy của người cầm 7 triệu tiền lãi và phí, sau đó ăn thêm 6 triệu tiền bán hàng thanh lý nữa.
Đây chỉ là một món hàng, còn nếu tính hàng trăm mặt hàng bị cầm cắm, rồi thanh lý tại tiệm cầm đồ thì con số lợi nhuận sẽ thế nào?
Muôn hình vạn trạng
Ở một khía cạnh khác, nơi đây còn là "đất sống" cho các loại tội phạm lừa đảo, nghiện ngập, trộm cắp... Nhiều tiệm cầm đồ sẵn sàng mua lại các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không giấy tờ với giá rẻ như cho mà không cần biết người đến bán là ai hoặc biết rõ nhưng làm ngơ. Với những kiểu này, cầm đồ sẽ không làm hợp đồng, không giấy tờ mà mua đứt và bán đứt luôn.
B.T., người có thời gian hơn 2 năm làm cho một tiệm cầm đồ ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tiết lộ, thông thường sau khi lấy trộm được tài sản, đối tượng thường tìm đến các tiệm cầm đồ bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản. Mặc dù biết tài sản đang cầm cố hoặc giao dịch mua bán không rõ nguồn gốc, nhưng vì lợi nhuận cao nên các chủ cửa hàng vẫn lén lút thực hiện giao dịch. Thường thì những phi vụ này, khách hàng bỏ luôn tài sản và chủ tiệm thanh lý ngay. “Nhu cầu mua những mặt hàng này khá nhiều trong giới lao động và công nhân, vì họ cần phương tiện đi lại như xe máy hoặc điện thoại để làm việc. Giá rẻ mà chất lượng tương đối tốt ”, B.T cho biết.
Theo tiết lộ của B.T, tiệm cầm đồ nhận cầm mọi loại xe máy trên thị trường, từ xe ga cho tới xe số, xe đã mua đứt sản phẩm hay xe đang trong quá trình trả góp. Chỉ cần CMND hoặc CCCD, cà-vẹt xe chính chủ. Nếu xe không chính chủ, cần phải có giấy mua bán hoặc sang nhượng và CMND của chủ xe cũ, 15 phút là được giải ngân. Ngoài ra, có chuỗi cầm đồ còn cầm cả túi xách hàng hiệu Hermes, Chanel, Dior, Louis Vuitton, Gucci, cầm sim số đẹp (lục quý, ngũ quý, tứ quý, tam hoa...), cầm đồng hồ hiệu... thậm chí, cầm cả sổ bảo hiểm, thanh lý trước thời hạn, hỗ trợ chuộc. Đây được ngầm hiểu là hình thức “bán lúa non” bảo hiểm. Thay vì đến thời hạn đủ quy định mới được lãnh, chủ sổ sẽ cắm tại tiệm cầm đồ để lấy trước số tiền từ 50-70% giá trị của sổ. Ở thể loại này, đã thu hút rất nhiều công nhân tham gia.
Tuy nhiên, các chủ cầm đồ vẫn khoái nhất cầm những món đồ hàng hiệu, vì vừa rẻ lại vừa có đầu ra. Nếu khách hàng không chuộc, chủ tiệm có ngay nguồn thu từ thanh lý, lợi nhuận gấp nhiều số tiền chi ra cho cầm cắm. Đây là lý do mà tiền lãi phạt cũng tăng lên gấp đôi ba lần một khi khách hàng lỡ hẹn chuộc đồ.
Từ thông tin của B.T, chúng tôi ghé vào một tiệm cầm đồ trên đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức hỏi về việc cầm cố xe máy. Sau khi xem xét giấy tờ, nhân viên tiệm cho biết, đây là xe không chính chủ, nếu cầm cố phải làm cam kết không phải xe ăn trộm hoặc đồ đi mượn và giá cầm rẻ hơn xe chính chủ. Cụ thể, chiếc xe hiệu Honda Air Blade đời 2020 được nhân viên định giá cầm 12 triệu, chính chủ thì được 18 triệu. Cũng giống như các cửa hàng cầm đồ khác, người cầm phải chịu tất cả các chi phí “trời ơi đất hỡi”, cùng phí giữ xe 200.000 ngàn/tháng. Lãi suất là 7,5%/tháng (90%/năm). Tuy nhiên, mức lãi này chỉ được thỏa thuận miệng với nhau, không có trong hợp đồng.
Với thể loại xe không chính chủ, nếu cầm cố thì khách hàng phải để lại xe. Đây cũng là một rủi ro rất lớn vì theo bật mí của B.T, những xe nào máy móc còn ngon và tốt sẽ bị “luộc” phụ tùng. Đến ngày chuộc xe, nhiều người mếu máo mà không dám hé răng nửa lời vì không có bằng chứng nào kết tội chủ tiệm cả. Tuy nhiên, hành vi này không phổ biến ở dịch vụ cầm đồ mà chỉ diễn ra ở một số cửa hàng cá biệt.
Quay lại chuyện cầm đồ chiếc xe, chúng tôi tỏ vẻ nấn ná vì giá quá rẻ, hỏi nhân viên không cầm xe nữa mà cầm CCCD gắn chip được không? Nhân viên bảo được, nhưng phải chính chủ và hàng thật. Với loại này thì cầm cho 2 triệu, thời hạn 7 ngày, quá hạn sẽ tăng lãi phạt. Không để chúng tôi hỏi thêm, cô nhân viên giải thích cặn kẽ: “Loại giấy tờ này bên em cầm 1 tuần là nhiều rồi, thường chỉ cầm 3 ngày thôi để phòng trường hợp khách bỏ của. Giấy tờ chúng em bị “xù” nhiều rồi, người ta cầm xong bỏ luôn, một thời gian sau thì báo mất và đi làm lại. Rồi có người làm giả CMND mang đến cầm, chúng em mắt thường làm sao nhận biết được, thế là bị lừa. Với CCCD gắn chip thì yên tâm hơn vì khó làm giả và nếu bỏ của chạy mất chúng em sẽ gửi thông báo về địa phương để ngăn chặn việc làm lại, buộc họ phải quay lại chuộc”.
Mặc dù gặp phải một vài trường hợp gây thiệt hại cho tiệm cầm đồ như trên, nhưng chung quy lại, cầm đồ vẫn là dịch vụ “hốt bạc” trong thời buổi ngày nay. Khi tình hình vay tài chính khó khăn và rườm rà về thủ tục giấy tờ thì cầm đồ chính là chọn lựa ưu tiên của đại đa số khách hàng. Đặc biệt là người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, cần vốn đầu tư, xoay vòng, trả nợ.
Thực chất, hoạt động này là một dạng của "tín dụng đen". Do lãi suất cao nên chỉ sau một thời gian ngắn số tiền lãi của những người đi cầm cố phải trả đã bằng trị giá của tài sản thế chấp. Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản. Trong khi việc ký kết hợp đồng giữa hai bên chỉ là thỏa thuận, thủ tục rất đơn giản và thường không thể hiện trên hợp đồng nên khi xảy ra sự cố, người đi cầm tài sản là bên bị thiệt thòi nhất. Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị rà soát lại việc đặt tên "công ty tài chính" của loại hình cho vay cầm đồ nhằm tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ..., đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu. Cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản. Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015...
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên trách cần tăng cường tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các cơ sở kinh doanh không có đầy đủ các loại giấy tờ, kinh doanh nhưng không treo biển hiệu (cầm đồ không phép trá hình), cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, cầm cố tài sản với số lượng lớn.