Khi các nạn nhân buôn người bị buộc tham gia lừa đảo qua mạng

Thứ Tư, 22/11/2023, 19:40

Hàng chục ngàn người là nạn nhân của tội phạm buôn người ở châu Á đã bị ép buộc tham gia mạng lưới lừa đảo hàng triệu USD ở Mỹ và trên toàn thế giới. Những người chống lại sẽ bị đánh đập, thiếu ăn hoặc tệ hơn là bị giết.

“Nỗi đau kép”

Các quảng cáo trên kênh White Shark của dịch vụ nhắn tin Telegram thời gian này có một điều lạ là nó rao bán người một cách công khai, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. “Bán một người đàn ông Trung Quốc ở Sihanoukville vừa được đưa từ Trung Quốc sang. 22 tuổi, có CMND, đánh máy rất chậm”, một quảng cáo viết, nêu giá 10.000 USD. Một kẻ khác rao bán như sau: “Campuchia, Sihanoukville, 6 người Bangladesh, có thể đánh máy và nói tiếng Anh”… Giống như tờ rơi thời kỳ nô lệ ở Mỹ, kênh này cũng đưa ra các khoản tiền thưởng cho những ai phát hiện ra người bỏ trốn.

Khi các nạn nhân buôn người bị buộc tham gia lừa đảo qua mạng -0
Các tổ chức tội phạm thường sử dụng các bất động sản bỏ không làm trụ sở để hoạt động lừa đảo.

Fan, một thanh niên 22 tuổi đến từ Trung Quốc bị bắt vào năm 2021, đã bị bán hai lần trong năm qua cho biết, anh không rõ mình có bị rao bán trên Telegram hay không nhưng mỗi lần anh bị bán, những kẻ bắt giữ mới lại đưa ra một số tiền lớn, yêu cầu anh phải trả để mua tự do cho mình. Bằng cách đó, khoản nợ của anh đã tăng hơn gấp đôi, từ 7.000 USD lên 15.500 USD. Fan kể, anh từng là đầu bếp sơ chế tại nhà hàng của chị gái ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc cho đến khi nhà hàng này đóng cửa. Sau đó, anh làm shipper. 

Tháng 3/2021, Fan được mời làm tiếp thị cho một công ty giao đồ ăn nổi tiếng ở Campuchia với mức lương rất hấp dẫn  -1.000 USD/tháng. Fan phấn khích đến mức nói chuyện và rủ anh trai mình cùng tham gia. Cả hai không hề biết rằng đó chỉ là những lời đề nghị giả mạo. Và không giống như vô số người bị buôn bán trước đó bị buộc phải hành nghề mại dâm hoặc lao động cho các trang trại, hai anh em cuối cùng lại làm một nghề mới dành cho nạn nhân buôn người: tham gia vào các vụ lừa đảo tài chính để lừa đảo mọi người trên toàn cầu.

Fan kể rằng, anh đã bay tới thủ đô Phnom Penh của Campuchia và đợi hai tuần cách ly vì COVID-19 trong một khách sạn. Sau đó, anh được đưa đến một khu chung cư trong thành phố, có tường bao quanh để bắt đầu quá trình đào tạo. Tháng 4/2021, Fan nhận ra có điều gì đó không ổn. Thay vì học cách giao đồ ăn hay làm việc trong bếp, anh và anh trai được hướng dẫn ngồi trước máy tính và được yêu cầu nghiên cứu các tài liệu về cách lừa gạt mọi người trên mạng.

Fan và anh trai đã dành 6 tháng tham gia vào các kế hoạch lừa đảo này trước khi ông chủ của họ quyết định chuyển hoạt động sang Sihanoukville. Các ông chủ đưa ra cho họ một sự lựa chọn: Họ có thể trả số tiền tương đương 7.000 USD cho mỗi người để rời đi, hoặc đi cùng công ty. Hai anh em, những người được trả mức lương không đáng kể cho công việc của mình và không đủ khả năng trả tiền mua tự do. Vì vậy, họ quyết định chuyển đến Sihanoukville, ở các tầng trên của một khách sạn và sòng bạc có tên là White Sand Palace nằm ở trung tâm thành phố. Công việc rất đáng sợ. Fan cho biết anh đã chứng kiến một người bị lính canh “đánh gần chết”. “Mọi người kêu gọi: ‘Hãy giúp anh ấy! Hãy giúp anh ấy! Nhưng không có ai đến giúp anh ấy cả. Không ai dám cả”, anh nhớ lại.

Fan kể rằng, chỉ vài tuần sau khi đến White Sand, họ đã trải qua một khoảnh khắc hy vọng ngắn ngủi. Một người đến gần họ và đề nghị đưa họ ra ngoài. Với sự giúp đỡ của anh ta, họ đã rời đi, để rồi nhận ra rằng, vị cứu tinh dường như đã bán họ cho một tổ chức tội phạm khác. Căn nhà này nằm trong một khu tập thể kiên cố gồm các ký túc xá màu be ở rìa Sihanoukville với cái tên hoành tráng là Khải Hoàn Môn. Số tiền 7.000 USD mà mỗi người phải trả để được tự do giờ đã tăng lên 11.700 USD.

Những quảng cáo việc làm giả mạo

Hàng chục ngàn người từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và các nơi khác trong khu vực cũng bị lừa tương tự. Các quảng cáo việc làm giả mạo đã thu hút họ làm việc tại Campuchia, Lào và Myanmar - nơi các tập đoàn tội phạm Trung Quốc thiết lập các hoạt động lừa đảo qua mạng. Các nạn nhân sau đó bị ép buộc lừa gạt mọi người trên khắp thế giới. Nếu chống cự, họ sẽ bị đánh đập, không cho ăn hoặc bị điện giật. Một số nhảy từ ban công xuống để trốn thoát. Những người khác chấp nhận số phận của họ và trở thành người tham gia tội phạm mạng được trả tiền.

Khi các nạn nhân buôn người bị buộc tham gia lừa đảo qua mạng -0
Interpol đưa ra những cảnh báo về chiêu thức của các tổ chức tội phạm sử dụng nạn nhân buôn người vào hoạt động lừa đảo.

Matt Friedman, Giám đốc điều hành của Câu lạc bộ Mekong, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), chuyên chống lại cái mà họ gọi là chế độ nô lệ hiện đại, cho biết: “Ý tưởng kết hợp hai tội phạm, lừa đảo và buôn người là một hiện tượng rất mới”. Gọi đó là “nỗi đau kép”, Friedman cho biết, nó không giống bất cứ điều gì ông từng thấy trong sự nghiệp 35 năm của mình. Hiện tượng này chỉ mới bắt đầu được đưa ra ánh sáng ở Mỹ, kể từ một bài báo của hãng Vice xuất bản vào tháng 7.

Kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất trong số các hoạt động lừa đảo này được gọi là “giết, mổ lợn”, ám chỉ đến việc vỗ béo một con lợn trước khi giết thịt. Cách tiếp cận này kết hợp một số yếu tố gian lận đã được thử nghiệm theo thời gian - chẳng hạn như giành được lòng tin, bằng cách giúp người tham gia dễ dàng rút tiền mặt lúc đầu. Nó dựa vào tính hiệu quả của các mối quan hệ được nuôi dưỡng trên phương tiện truyền thông xã hội và sự dễ dàng trong việc di chuyển tiền tệ bằng điện tử. Thông thường, những kẻ lừa đảo tham gia vào các mối quan hệ bạn bè trực tuyến hoặc các mối quan hệ lãng mạn, sau đó thao túng mục tiêu của chúng gửi số tiền ngày càng lớn hơn vào các nền tảng đầu tư do những kẻ lừa đảo kiểm soát. Khi các mục tiêu không thể hoặc không gửi thêm tiền, họ sẽ mất quyền truy cập vào số tiền ban đầu của mình. Sau đó, họ được thông báo rằng, cách duy nhất để lấy lại tiền mặt của họ là gửi nhiều tiền hơn hoặc trả một khoản phí khổng lồ. Không cần phải nói, bất kỳ khoản tiền bổ sung nào cũng sẽ biến mất theo cách tương tự.

Nhiều người Mỹ đã mất số tiền lớn vì phương cách lừa đảo. Một doanh nhân ở California cho biết, cô đã bị lừa mất 2 triệu USD và vô tình tạo điều kiện cho khoản lỗ thêm 1 triệu USD bằng cách thuyết phục bạn bè tham gia cùng mình vào một hoạt động có vẻ như là một khoản đầu tư chắc chắn. Một kỹ thuật viên bệnh viện ở Houston đã lôi kéo bạn bè và đồng nghiệp của cô tham gia vào một kế hoạch tương tự, khiến nhóm phải trả 110.000 USD. Một kế toán viên ở Connecticut không thể nghỉ hưu sau khi chứng kiến 180.000 USD biến mất trong hai vụ lừa đảo riêng biệt. Họ nằm trong số hơn hai chục nạn nhân bị lừa đảo từ 7 quốc gia được phóng viên tờ ProPublica phỏng vấn.

Vì sợ hãi hoặc xấu hổ, hầu hết nạn nhân không báo cáo thiệt hại của mình. Đó là một lý do khiến dữ liệu hạn chế và có thể khiến các nhà chức trách đánh giá thấp quy mô thiệt hại. Theo Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm ngoái để chống lại hình thức lừa đảo mới, kể từ tháng 6/2021, ít nhất 1.838 người ở 46 quốc gia đã bị mất khoảng 169.000 USD mỗi người vì trò lừa gạt này.

Công nghệ biến hóa trên Internet

Các hoạt động lừa đảo qua mạng ở châu Á, bao gồm cả những hoạt động mà Fan làm việc, có tính tổ chức cao. Một số còn đi xa đến mức soạn thảo các tài liệu đào tạo chi tiết và sắc sảo về mặt tâm lý về cách lừa gạt người lạ. ProPublica đã thu được hơn 200 tài liệu như vậy từ một nhà hoạt động xã hội giúp những người lao động không tự nguyện trốn thoát. Bước một trong quy trình lừa đảo là tạo ra một nhân cách hấp dẫn trên mạng.

Khi các nạn nhân buôn người bị buộc tham gia lừa đảo qua mạng -0
Một nhóm thanh niên người Malaysia được giải cứu khỏi những kẻ buôn người ở Campuchia.

Như Fan, anh phải đóng giả phụ nữ khi thu hút các mục tiêu trực tuyến. Anh ta đã mua ảnh và video từ các trang web phục vụ cho các hoạt động đó. Ví dụ: gói hàng trăm bức ảnh về phụ nữ và đàn ông đẹp trai được cung cấp từ một cửa hàng có tên YouTaoTu với giá thấp hơn một tách cà phê. Một trang web khác tiếp thị, với số tiền tương đương 12 USD, nó cung cấp một “bộ ảnh chàng trai đẹp trai” gồm hình ảnh một người đàn ông có cơ bụng săn chắc hoàn hảo. Những bức ảnh như vậy thường được lấy từ tài khoản trực tuyến và ProPublica phát hiện ra rằng những hình ảnh được một kẻ lừa đảo sử dụng đã bị đánh cắp khỏi hồ sơ Instagram của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các hướng dẫn lừa đảo mà ProPublica thu được cho thấy, các nạn nhân được khuyên sử dụng những bức ảnh như vậy để thiết lập tài khoản mạng xã hội và sau đó củng cố chúng bằng cách mô phỏng về lối sống giàu có, đăng ảnh những chiếc xe hơi sang trọng, cùng với mô tả về sở thích liên quan như đầu tư. Một hướng dẫn cho biết thêm, việc nhấn mạnh niềm tin của bạn vào tầm quan trọng của gia đình là một hình thức tiếp xúc giúp nuôi dưỡng niềm tin tốt nhất. Các hồ sơ thu được có vẻ thật đến mức, một người đàn ông Canada đã gặp kẻ lừa đảo sau khi thuật toán của Facebook gợi ý người này làm bạn bè.

Theo báo cáo của cảnh sát, cuộc gặp gỡ tình cờ đã khiến người đàn ông Canada và bạn bè phải trả gần 400.000 USD. Các nạn nhân khác nói với ProPublica rằng, họ đã gặp những kẻ lừa đảo trên LinkedIn, OkCupid, Tinder, Instagram hoặc WhatsApp. Meta, công ty sở hữu Facebook, WhatsApp và Instagram cho biết họ “đã cấm nội dung này từ lâu” và đang đầu tư “nguồn lực đáng kể” để chặn nội dung đó. Match Group, chủ sở hữu của Tinder và OkCupid cho biết họ cũng đang sử dụng máy lọc và người kiểm duyệt nội dung để chống lại gian lận. Tuy nhiên, bọn tội phạm vẫn sử dụng được các lỗ hổng trên Internet.

Trở lại với câu chuyện của Fan, anh được yêu cầu liên hệ với càng nhiều nạn nhân càng tốt. Fan nhớ rằng nhóm làm việc gồm 8 người dưới sự chỉ đạo của một trưởng nhóm. Trưởng nhóm đưa cho mỗi người 10 chiếc điện thoại cùng với danh sách số điện thoại cần liên hệ để dễ dàng duy trì các cuộc trò chuyện. Công việc của Fan là cố gắng bắt đầu cuộc trò chuyện trên WhatsApp. Anh ta sẽ làm điều đó bằng cách giả vờ gọi nhầm số, một thủ đoạn phổ biến.

Sử dụng WhatsApp mang lại những lợi ích thiết thực khác. Fan cho biết ban đầu nhóm của anh nhắm tới người Đức. Fan không nói được một từ tiếng Đức nào, nhưng điều đó không thành vấn đề. Tất cả các cuộc trò chuyện của anh ấy đều được lọc qua phần mềm dịch ngôn ngữ. Sau đó, đội của anh ấy chuyển sang những người nói được tiếng Anh. Fan cho biết, nếu bất kỳ nạn nhân tiềm năng nào muốn nghe giọng nói của người phụ nữ hấp dẫn mà anh ta đang đóng giả, thì có một nhân viên phụ nữ nói thông thạo tiếng Anh và có thể ghi âm giọng nói cho anh ta.

Và vì là một tân binh nên công việc của Fan chủ yếu chỉ giới hạn ở việc lôi kéo các nạn nhân tải xuống một ứng dụng có tên MetaTrader, cung cấp quyền truy cập vào một nhà môi giới. Fan sẽ phải cố gắng thuyết phục họ mua các loại tiền điện tử như ethereum hoặc bitcoin và gửi chúng vào một công ty môi giới do hoạt động lừa đảo kiểm soát. Sau đó, người môi giới sẽ đăng các số giả, bao gồm cả những con số đại diện lợi nhuận được cho là trong tài khoản của nạn nhân. Fan cho biết, nếu khách hàng tuân theo và bắt đầu gửi số tiền đáng kể, anh thường phải đưa điện thoại cho ông chủ của mình.

Chu Nguyễn Bình
.
.
.