Hành trình truy lùng kẻ cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô lớn

Thứ Sáu, 28/10/2022, 14:44

Gặp Vũ Thị Diệp tại trại tạm giam của công an tỉnh Kiên Giang, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi không thể hình dung được người đàn bà dáng người nhỏ nhắn, mái tóc ngắn, đôi mắt sâu này lại là một “bà trùm” cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô “khủng”.

Chân dung “bà trùm”

Vũ Thị Diệp SN 1990, quê quán xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng; thường trú ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Dù chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng Diệp đã có đến 4 đứa con, trong đó có 1 con riêng và 3 con chung với Phạm Thành Long.

Học hết lớp 12, Diệp nghỉ học. Năm 2017, Diệp cùng chồng là Phạm Thành Long vào TP Hồ Chí Minh và kiếm sống bằng “nghề” mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Hành trình truy lùng kẻ cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô lớn -0
Phóng viên gặp Vũ Thị Diệp và chân dung “bà trùm”.

Cuối năm 2018, Long-Diệp bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang đang tàng trữ trái phép 91 súng bắn đạn bi; 2.784 cây kiếm Nhật, đao, dao; 679 roi điện; 142 súng bắn điện và nhiều công cụ hỗ trợ khác. Năm 2019, TAND huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) tuyên phạt vợ chồng Diệp mức án 3 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ”. Do Diệp đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được cho tạm hoãn thi hành án, còn Phạm Thành Long hiện đang chấp hành án.

Tuy nhiên, trong thời gian được tại ngoại, Diệp tiếp tục móc nối với các đối tượng quen biết tổ chức mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, trong đó nhiều nhất là súng có nguồn gốc tại Thái Lan. Sau đó phân ra giao cho các chân rết trong toàn quốc rao bán trên mạng xã hội thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Diệp chỉ đạo cho đàn em xây dựng hệ thống chân rết khắp nơi trên cả nước; thu mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ có nguồn gốc Thái Lan, giao dịch tại Campuchia, đưa về Việt Nam, sau đó bán lại cho các đối tượng xã hội, hoạt động tội phạm băng nhóm trong nước.

Hành trình truy lùng kẻ cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô lớn -0
Tang vật vụ án.

Một trinh sát cho biết, Diệp rất cảnh giác, mỗi sáng hằng ngày Diệp dùng xe máy chở con gái nhỏ đến trường, sau đó về nhà đóng cửa. Diệp không ra mặt giao dịch trực tiếp, sử dụng nhiều số sim điện thoại khuyến mãi không chính chủ và sử dụng nhiều số tài khoản ngân hàng mua trên mạng để thực hiện giao dịch thanh toán tiền hàng. Trong tuần, có vài ngày Diệp chạy xe đến tận khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) để cà phê với các đối tượng xã hội. Chính vì thế, các đối tượng đã bị bắt giữ ở Kiên Giang không ai biết mặt kẻ cầm đầu, chỉ giao dịch, mua bán với nhau qua điện thoại; sau khi chốt giá, súng, linh kiện được vận chuyển bằng dịch vụ chuyển phát hàng hóa.

Cuộc truy lùng “lái súng”

Đầu tháng 8/2022, từ những vụ án mà các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội sử dụng các loại súng có tính năng như vũ khí quân dụng để giải quyết mâu thuẫn, “bảo kê” các điểm tệ nạn xã hội trên địa bàn, Công an tỉnh Kiên Giang quyết định lập chuyên án đấu tranh, xóa sổ đường dây mua bán, chế tạo, tàng trữ súng.

Hành trình truy lùng kẻ cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô lớn -0
Súng và linh kiện được các đối tượng giấu trong máy nước nóng.

Chỉ trong thời gian ngắn, 12 đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng trên địa bàn Kiên Giang bị bắt giữ và khởi tố. Làm rõ vai trò của từng đối tượng, vợ chồng Cao Văn Hoài (SN 1995, thường trú phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá, Kiên Giang) và Võ Ngọc Trăm (SN 1996, thường trú xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) là trung gian mua súng từ tỉnh, thành khác về TP Rạch Giá bán lại cho Dương Minh Tuấn (tức Ba Teo, SN 1992, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cải tiến thành súng có tính năng như súng quân dụng rồi bán ra thị trường.

Tuy nhiên, qua khai thác các đối tượng bị bắt, thông tin được ban chuyên án quan tâm và nhận định là mấu chốt để bóc gỡ triệt để đường dây tội phạm nguy hiểm này, bắt giữ kẻ cầm đầu là “đầu trên” không chỉ bán súng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng ở Kiên Giang mà còn là nguồn cung cấp hàng cho các đối tượng xã hội tại các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ và khu vực miền Trung. Đúng lúc đó, ban chuyên án nhận được thông tin vào ngày 15/9/2022, sẽ có một vụ mua bán vũ khí tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và kẻ bán hàng có nhiều nghi vấn là “đầu trên” của đường dây mua bán súng mà ban chuyên án đang đấu tranh, triệt xóa. Một tổ công tác của Công an Kiên Giang phối hợp với lực lượng của Cục Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã đón lõng, bắt giữ kẻ mua hàng là Lê Đức Thành (SN 1996, quê quán Hải Châu, Đà Nẵng; hiện trú tại phường 5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Tang vật thu giữ 100 cây đao, kiếm các loại có nguồn gốc Trung Quốc. Thành khai nhận mua hàng từ một người phụ nữ ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Ban chuyên án yêu cầu trinh sát bám sát đối tượng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để lên kế hoạch bắt giữ. Ngày 15/10/2022, ban chuyên án phát hiện Diệp đang chỉ đạo đồng bọn mua bán và vận chuyển 63 khẩu súng các loại cho một đối tượng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ban chuyên án nhanh chóng phối hợp Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bình Dương tiến hành bắt và khám xét chỗ ở của Đặng Văn Tỉnh (SN 1997, quê quán tỉnh Phú Yên) tại nhà trọ số 76 Bế Văn Đàn (khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương). Tỉnh là đối tượng nhận vận chuyển súng cho Diệp. Qua khám xét, Cơ quan công an thu giữ 2 khẩu súng bắn đạn bi sắt, 1 dao bấm, 1 điện thoại và các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Tỉnh khai, ngày 13/10/2022, Diệp chỉ đạo Tỉnh nhận 3 thùng hàng, bên trong có 63 khẩu súng rồi kêu Tỉnh gửi xe vận tải tại bến xe Miền Đông ra TP Nha Trang cho người tên Huân (là anh em bà con với Tỉnh).

Hành trình truy lùng kẻ cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô lớn -0
Các đàn em thân tín của Vũ Thị Diệp: Đặng Quốc Huân, Đặng Quốc Ánh, Đặng Văn Tỉnh.

Xét thấy cần phải bắt, ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của Diệp và đồng bọn, ngày 16/10/2022, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự cùng sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành bắt và khám xét nơi ở của Đặng Quốc Huân (SN 1995, quê quán tỉnh Phú Yên) và anh ruột là Đặng Quốc Ánh (SN 1994) tại một căn hộ trên đường Trần Nhật Duật nối dài (phường Phước Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Cả Huân và Ánh thừa nhận có nhận 3 thùng xốp chứa các loại súng và các phụ kiện của súng từ người phụ nữ tên là Vũ Thị Diệp, nhà ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để gửi cho khách hàng theo các đơn hàng của Diệp. Súng và các phụ kiện súng sau khi nhận được cất giấu tại một nhà kho trên đường Lê Hồng Phong (phường Phước Long, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Khám xét khẩn cấp, ban chuyên án thu giữ 229 khẩu súng (134 khẩu súng kiểu súng lục M1911, 64 khẩu súng Rulo, 31 khẩu súng các loại bắn đạn cao su và hơi cay), 455 bình khí nén, 6 kg đạn bi sắt cùng nhiều linh kiện, phụ kiện súng và các đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án. Huân khai nhận làm đại lý cho Diệp để bán súng và các linh kiện ra các tỉnh khu vực miền Trung.  Lập tức, ban chuyên án quyết định ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét chỗ ở của Vũ Thị Diệp, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án.

Hành trình truy lùng kẻ cầm đầu đường dây mua bán súng quy mô lớn -0
12 đối tượng ở Kiên Giang bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng.

Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, việc xác lập, đấu tranh thành công chuyên án đã kịp thời làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động và tổ chức bắt giữ, xử lý, triệt xóa đường dây chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, thu giữ nhiều vật chứng quan trọng. Ban chuyên án đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các cục nghiệp vụ Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án.

Trung tá Đinh Xuân Trường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kiên Giang - phó ban chuyên án cho biết, các đối tượng trong đường dây là những đối tượng xã hội, đa phần có tiền án, tiền sự.

Các đối tượng luôn tàng trữ vũ khí nguy hiểm, cụ thể là súng có tính năng như súng quân dụng, sẵn sang chống trả lực lượng làm nhiệm vụ nếu bị phát hiện. Việc lập và triển khai bắt giữ, khám xét các đối tượng được ban chuyên án cẩn thận lựa chọn thời điểm và phương án đánh bắt phù hợp, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, người dân và chính các đối tượng.

Hiện tại đã có 16 đối tượng bị bắt giữ phục vụ công tác điều tra. Ban chuyên án đã thu giữ 315 khẩu súng, trong đó có nhiều khẩu súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, thuộc danh mục vũ khí quân dụng và nhiều tang vật là đạn quân dụng và công cụ hỗ trợ, đao, kiếm...

Trần Lĩnh
.
.
.