Franz Stangl - tên tội phạm chiến tranh khét tiếng

Chủ Nhật, 09/04/2023, 20:26

Sau khi Đệ tam Đế chế sụp đổ, những kẻ tội phạm Đức Quốc xã đã trốn chạy tản mát khắp nơi trên thế giới. Chúng cố gắng che đậy dấu vết của mình như thay đổi ngoại hình và tên họ. Nhưng một tên chỉ huy trại tử thần là Franz Stangl lại tự tin vào khả năng bất khả xâm phạm của mình đến mức thấy không cần phải đổi tên. Cuối cùng, hắn đã bị bắt khi đang tắm nắng trên bãi biển Sao Paulo.

Khi cuộc điều tra kết thúc và Franz Stangl bị buộc tội chống lại loài người, hắn thực sự ngạc nhiên “Tôi đồng ý rằng tôi đã lắp đặt phòng hơi ngạt, nhưng lương tâm tôi trong sáng. Tôi chỉ thành tâm làm công việc của mình và điều này có được coi là tội ác không?”. Trên thực tế, Stangl đã hoàn thành công việc với “chất lượng cao” - chỉ trong 4 tháng làm việc tại trại tử thần Sobibor, dưới sự chỉ đạo nghiêm ngặt của hắn, đã có 100.000 người Do Thái bị sát hại. Sau đó, khi làm việc tại Treblinka, hắn đã đưa 22.000 tù nhân vào phòng hơi ngạt chỉ trong một ngày. Tổng cộng, hắn đã lấy đi sinh mạng của khoảng 1 triệu người và hắn hiểu rất rõ điều này.

1. tù nhân treblinka và những kẻ hành quyết họ.jpg -0
Các tù nhân tại Treblinka.

Gã “thủ lĩnh đao phủ”

Franz Stangl sinh năm 1908 tại nước Áo, có cha là một binh sĩ và nghiện rượu. Do đó, thuở nhỏ Stangl thường bị đánh đập vô cớ. Sau giờ học, Franz làm công nhân trong nhà máy dệt nhưng đã nhanh chóng bỏ việc. Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Đức năm 1931, hắn làm thám tử tại một thị trấn nhỏ. Khi nước Áo bị sáp nhập vào Đệ tam Đế chế, Franz ngay lập tức gia nhập đảng Quốc xã Đức và đội quân SS. Là người có kinh nghiệm trong ngành cảnh sát, Franz được bổ nhiệm làm điều tra viên của Gestapo tại thành phố Linz.

Vào tháng 4/1942 khi Thế chiến II đang diễn ra ác liệt và quân Đức đang ở thế mạnh trên chiến trường, Franz được cử đến Ba Lan. Tại đây, theo lệnh của Himmler, hắn được bổ nhiệm làm chỉ huy trại Sobibor. Đó là một trại tử thần có nhiệm vụ duy nhất là tiêu diệt con người. Hắn hồ hởi tiếp quản trại và lập tức đặt mua thiết bị mới để giết hại tù nhân với công suất cao hơn.

Hắn được giáo huấn rằng trại không cần người Do Thái làm lực lượng lao động, vì vậy tất cả bọn họ nên bị loại bỏ sớm. Từ đó, tất cả những người mới đến Sobibor ngay lập tức bị đưa thẳng đến “nhà tắm để được vệ sinh”. Họ bị nhốt trong phòng và sau đó các động cơ xe tăng được khởi động được lắp đặt trên phố, làm đầy “vòi hoa sen” bằng khí độc thông qua các ống được kết nối. Đường ống đã hoạt động hoàn hảo. Chỉ mất một giờ để có thể giết chết tất cả những người bên trong. Franz rất tự hào về hiệu quả công việc của mình bởi hắn chỉ có 30 lính SS và 100 lính canh được tuyển mộ từ các tù binh chiến tranh.

Đến ngày 28/8/1942 Franz được chuyển đến làm chỉ huy tại trại tử thần lớn Treblinka. Ở đây có nhiều tù nhân hơn và cách tiếp cận như ở Sobibor là không phù hợp. Các tù nhân bị tiêu diệt dần dần và vấn đề tổ chức tốn rất nhiều công sức. Franz đã sắp xếp mọi thứ theo cách thuận tiện nhất có thể. Tên đao phủ nhận thấy rằng nếu những người đang chờ đợi cái chết được trao hy vọng, họ sẽ không gây ra vấn đề gì và sẽ ngoan ngoãn chờ đến lượt mình. Theo lệnh hắn, vỉa hè đã được lát đá, trồng các bụi cây và thậm chí trồng cả những luống hoa. Franz không bao giờ giao tiếp với các nạn nhân của mình, hắn đi quanh trại trong bộ đồng phục SS màu trắng với một cây roi dài nên các tù nhân đặt cho hắn biệt danh “Tử thần trắng”.

2. franz stangl trong bộ trang phục màu trắng.jpg -0
Franz Stangl trong bộ trang phục màu trắng.

Sau này, trong các cuộc thẩm vấn, Franz liên tục nhắc lại rằng hắn không chỉ cảm thấy căm thù mà thậm chí còn có thái độ thù địch với người Do Thái, người Digan và tù nhân Liên Xô. “Đó là nghề nghiệp của tôi… Tôi rất thích nó. Tôi tràn ngập hy vọng và khao khát sự nghiệp, tôi sẽ không phủ nhận điều này” - tên phát xít nói lý do sự nhiệt tình của mình như vậy.

Mặc dù thực tế là công việc mang lại sự hài lòng cho tên đao phủ này, nhưng sự căng thẳng là không thể tránh khỏi. Vì vậy, Franz nghiện rượu và trước khi “vào việc” hắn thường dùng một hoặc hai ly schnapps. Ngay từ đầu ngày, Franz đã xuất hiện gần các phòng hơi ngạt trong tình trạng say xỉn và tích cực tham gia vào “quy trình sản xuất”. Hắn gọi các nạn nhân của mình là “hàng hóa để xử lý”.

Mỗi ngày tại trại Treblinka có từ 3.000 -12.000 người thiệt mạng. Trong 11 tháng mà Franz Stangl phụ trách trại, có đến 810.000 tù nhân đã bị giết hại. Để hiểu hơn về quy mô, nên biết rằng ở trại Auschwitz là nơi có diện tích lớn hơn nhiều lần thì số lượng tù nhân chết trong 5 năm ở đó cũng tương đương. Có thể nói không quá rằng trại tử thần Treblinka ở thế kỷ 20 là một trong những nơi khủng khiếp nhất trên Trái đất.

Kết thúc “sự nghiệp” và trốn chạy

Vào ngày 2/8/1943 một cuộc nổi dậy đã diễn ra ở Treblinka, trong đó khoảng 300 tù nhân đã vượt qua được hàng rào. Hầu hết trong số họ đã bị giết trong quá trình bị tìm kiếm hoặc bị cư dân địa phương trung thành với Đức Quốc xã giao nộp. Mặc dù hậu quả của cuộc nổi loạn nhanh chóng được loại bỏ, nhưng chính quyền cấp cao ở Berlin vẫn không hài lòng với công việc của Franz và trại đã bị giải tán.

Franz đã bị khiển trách nặng nề, song công trạng của hắn trên cương vị chỉ huy đã khỏa lấp mọi sai lầm. Vì vậy, tên sát nhân ngay lập tức được cử đến Italy, nơi kinh nghiệm của hắn là cần thiết để tiêu diệt người Do Thái ở Trieste và Venice. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, hắn trở lại Vienna vào năm 1945 không lâu trước khi quân Đức đầu hàng. Tại Áo, Franz Stangl rơi vào tay người Mỹ và họ nghiêm túc tiến hành điều tra tội ác của hắn. Cuộc điều tra kéo dài đến tận năm 1948 cho đến khi hắn trốn thoát khỏi nơi giam giữ với sự giúp đỡ của vợ và đồng nghiệp cũ từ Sobibor là một tên SS Gustav Wagner.

3.. franz stangl tại tòa án.png -0
Franz Stangl trước tòa vẫn tin rằng mình sẽ sớm được trả tự do.

Trong khi hầu hết những tên Đức Quốc xã cố gắng trốn thoát khỏi châu Âu và hàng chục người rơi vào tay tình báo Mỹ và Anh thì Franz Stangl đã đến Italy. Tại đây, giám mục Vatican Alois Khudal đang đợi hắn và giúp tên tội phạm lấy hộ chiếu Chữ thập đỏ để được loại bỏ mọi nghi ngờ. Có được giấy tờ đáng tin cậy nhưng Stangl đã không sang châu Âu mà đi theo hướng hoàn toàn khác là Syria. Tại đây, hắn định cư ở Damascus và trung thành phục vụ chế độ địa phương trong ba năm, tư vấn cho những kẻ hành quyết cách tra tấn hiệu quả đối với những người Israel bị bắt.

Khi Syria đã chán Franz, hắn cùng vợ rời Trung Đông và đến Brazil, nơi giống như một thỏi nam châm kéo tất cả những “người cũ” về phía mình. Tại đây, hắn nhận được công việc thợ dệt trong một nhà máy, hắn làm siêng năng giống như công việc được giao phó trong các trại tử thần, vì vậy đã vươn lên vị trí của một kỹ sư. Sau đó, vào năm 1959, Franz đã tìm việc tại nhà máy Volkswagen để có được một mức lương cao hơn. Chẳng bao lâu, vợ chồng hắn đã mua một ngôi nhà lớn đẹp đẽ ở Sao Paulo và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Vào cuối tuần, hai vợ chồng đi đến bãi biển tắm nắng và bơi trong làn nước biển ấm áp nơi đây.

Những người hàng xóm trong khu phố không thể ngờ rằng người đàn ông lớn tuổi  nói giọng Đức nhỏ nhẹ lại là một trong những tên tội phạm khét tiếng nhất của Đức Quốc xã, đã từng giết hại hàng trăm nghìn tù nhân. Hắn sống khá bình thản và không bị ai tìm kiếm. Hơn thế, Franz thậm chí còn không buồn thay đổi giấy tờ và vẫn sống dưới họ tên thật của mình.

Tên đao phủ của Đức Quốc xã đã đăng ký tại lãnh sự quán Áo ở Sao Paulo với tư cách là người gốc Áo và không hề lo lắng gì. Cho đến năm 1961, ở quê hương xa xôi hắn đột nhiên được nhắc đến. Nước Áo đã phát lệnh bắt giữ tên SS này và chính quyền Đức cùng Brazil đã tích cực tham gia tìm kiếm hắn.

Việc bị bắt trên bãi biển thực sự là một bất ngờ đối với Franz, nhưng hắn vẫn cảm thấy tự tin cho đến thời điểm cuối cùng. “Người ta không phán quyết một công việc hoàn hảo. Tôi đã làm tốt công việc của mình và mọi người đều biết điều đó”. Tên quỷ dữ không cảm thấy chán khi lặp lại điều đó trong các cuộc thẩm vấn. Vợ hắn đã thuê những luật sư giỏi nhất và đến ngày 23/6/1967 khi bị trục xuất khỏi Brazil  hắn vẫn tin chắc rằng mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp và hắn sẽ được trả tự do với lời xin lỗi.

4. trại sobibor ngày nay.jpg -0
Trại Sobibor ngày nay.

Lời biện hộ trước tòa

Vào ngày 22/12/1967, Franz Stangl bị tòa án thành phố Dusseldorf tuyên bố bản án tù chung thân. Cho đến phút cuối cùng hắn vẫn không thể tin rằng họ sẽ hành động như vậy với mình. Hắn ngay lập tức kháng cáo bản án và bắt đầu tích cực trả lời phỏng vấn của báo chí. Tên cựu chỉ huy trại Sobibor và Treblinka đã nói với các nhà báo: “Cá nhân tội không giết ai, tôi không bắn tù nhân… Công việc của tôi hoàn toàn là về kỹ thuật… Chúng tôi đã được dạy như vậy trong ngành cảnh sát hình sự, mọi thứ phải lạnh lùng và tỉ mỉ… Vì vậy, tôi đã hành động theo cách như vậy”.

Rõ ràng là tên đao phủ đã không hề ăn năn về tội ác chống lại loài người của mình mà ngược lại hắn cảm thấy mình là nạn nhân của sự độc đoán tư pháp. Chỉ sau vài năm phải ngồi sau song sắt, Franz mới cảm thấy chút cắn rứt lương tâm. Trong một cuộc phỏng vấn cuối cùng của mình, ngay trước khi chết, tên cựu SS quốc xã đã nói: “Phải, cái chết của những người Do Thái và Digan trong các trại tập trung - đó là lỗi của tôi. Nhưng dù vậy thì án tù chung thân cũng là một hình phạt quá khắc nghiệt!”.

Đúng 19 giờ sau khi nói những lời này, vào ngày 28/6/1971, kẻ từng giết một triệu tù nhân của hai trại tử thần khủng khiếp nhất đã chết vì suy tim cấp tính trong buồng giam của mình. Khi đó hắn 63 tuổi, mặc dù hắn chết trong tù nhưng là một cái chết tự nhiên. Trước khi tử vong, hắn đã không phải trải qua sự tủi nhục, sợ hãi đến ớn lạnh và sự tuyệt vọng khốn cùng như hàng trăm nghìn nạn nhân của hắn.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.
.